Tin Mừng: Mc 7, 31-37
Khi ấy, Chúa Giêsu từ địa hạt Tyrô, qua Siđon, đến gần biển Galilêa giữa miền thập tỉnh. Người ta đem một kẻ câm điếc đến cùng Người và xin Người đặt tay trên kẻ ấy. Người đem anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào tai anh và bôi nước miếng vào lưỡi anh ta. Đoạn ngước mặt lên trời, Người thở dài và bảo: “Effetha!” (nghĩa là “Hãy mở ra!”), tức thì tai anh ta mở ra, và lưỡi anh ta được tháo gỡ, và anh nói được rõ ràng. Chúa Giêsu liền cấm họ đừng nói điều đó với ai. Nhưng Người càng cấm, thì họ càng loan truyền mạnh hơn. Họ đầy lòng thán phục mà rằng: “Người làm mọi sự tốt đẹp, Người làm cho kẻ điếc nghe được và người câm nói được!”
Suy Niệm: Phục Vụ Trong Khiêm Nhường và Đặt Niềm Tin Nơi Chúa
Con người thường dễ có khuynh hướng muốn phô trương những thành quả của chính mình để cho người khác biết mà nể phục. Ngày nay, với sự phát triển không ngừng của các công nghệ thông tin, thì việc phô diễn ấy càng trở nên dễ dàng hơn qua các trang mạng Internet, như Facebook, Zalo, Viber, TikTok… Tuy nhiên, trong bài Tin Mừng của Chúa Nhật XXIII mùa Thường Niên năm B hôm nay, hành động của Chúa Giê-su lại mời gọi mỗi người chúng ta hãy thực thi lối sống khiêm nhường, trong tinh thần phục vụ chân thành với trái tim thương xót của Chúa nơi anh chị em.
Khi người ta dẫn đến cho Chúa Giê-su một người câm điếc, Người đã chạnh lòng thương và “kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh” (Mc 7, 33). Chúa Giê-su có đủ quyền năng để phán một lời thì người câm điếc sẽ được chữa khỏi, nhưng Người lại không làm điều đó trước mặt đám đông; trái lại, Người dùng những hành động rất nhỏ bé ở nơi vắng người để chữa lành anh. Những hành động này diễn tả một vì Thiên Chúa rất gần gũi với con người, Người cứu chữa người thanh niên mà không cần người ta tung hô hay tán dương. Tình yêu của Thiên Chúa không chỉ dừng lại ở lời nói nhưng bằng chính hành động thiết thực. Tình yêu và lòng thương xót ấy của Thiên Chúa luôn hiện diện trong cuộc sống của nhân loại qua từng biến cố. Ngay cả khi dịch bệnh đang bùng phát trên khắp thế giới; thiên tai xảy ra khắp nơi; nhân loại đang gồng mình chống trả với những nỗi đau về sự mất mát vật chất và tinh thần, thì Thiên Chúa luôn ở đó với chúng ta. Giống như việc Chúa Giêsu kéo riêng người câm điếc ra một nơi và chữa lành anh, Người cũng đang chữa lành những vết thương của nhân loại chúng ta theo cách của Người. Việc làm với trái tim thương xót của Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta một bài học quý giá về tấm lòng yêu thương và cứu giúp người nghèo khó bệnh tật bằng cả trái tim đầy lòng trắc ẩn. Chúa Giê-su đến với người nghèo và những người bần cùng trong xã hội bằng sự hy sinh quên mình với một tinh thần khiêm nhường tột cùng. Tình yêu ấy của Chúa Giê-su đang được tái hiện nơi các linh mục, tu sĩ nam nữ, các bác sĩ, y tá, và tất cả những thiện nguyện viên, những người đang quên mình dấn thân phục vụ trong các bệnh viện dã chiến. Họ sẵn sàng hy sinh sức khoẻ và thậm chí sinh mạng của mình, để giúp đỡ và đồng cảm với các bệnh nhân trong tinh thần khiêm tốn và yêu thương.
Trong bối cảnh thế giới hiện tại, khi nhân loại đang chứng kiến và đối diện với những cái chết thương tâm của biết bao người vì nạn dịch Covid-19, con người như bất lực trước sự phá huỷ của loài virus đáng sợ. Nhiều người có thể đang kêu gào than trách Chúa, “Chúa ở đâu khi nhân loại chúng con đang chìm trong dịch bệnh và thiên tai?” hoặc “Chúa là Đấng toàn năng và giầu lòng thương xót, tại sao Chúa để chúng con đau đớn tột cùng?” Trong bài đọc I, ngôn sứ Isaia đã trả lời cho những than vãn và kêu trách của con người, “Can đảm lên, đừng sợ! Này đây Thiên Chúa các ngươi đến để phục thù. Chính Người sẽ đến và cứu thoát các ngươi” (Is 35, 4-5). Trong mọi bối cảnh, Thiên Chúa kêu gọi chúng ta đừng sợ hãi; hãy mạnh dạn và can đảm để tín thác vào Thiên Chúa. Người là Cha, là Đấng giàu lòng xót thương, Người sẽ không để con cái mình bị diệt vong, nhưng Người có cách thức riêng của Người mà chúng ta không thể hiểu được.
Khi con người đang hoang mang lo sợ và mất phương hướng, thì “can đảm lên, đừng sợ” (Is 35,4) là một lời mời gọi tối quan trọng mà người tín hữu chúng ta cần thực thi; hãy can đảm vượt lên trên những ích kỷ của bản thân, những lo sợ cho mạng sống của mình, để quảng đại lên đường đi đến với những người đang cần giúp đỡ. Cuộc sống ngày nay với quá nhiều biến cố tang thương như một bầu trời xám xịt, chỉ có niềm tin mới giúp chúng ta mang lại ánh sáng và giúp thế giới bình an trở lại qua những hành động yêu thương, xả thân vì anh chị em và nhân loại. Giống như người thanh niên bị câm điếc không thể tự mình đến với Đức Giê-su, nhưng được người khác giúp đỡ đem “đến với Đức Giê-su, và xin Người đặt tay trên anh” (Mc 7, 32), chúng ta cũng hãy mang những người nghèo khó, đau yếu, và tội lỗi đến với Chúa để được Chúa chữa lành.
Lạy Chúa, xin chữa lành đôi tai để chúng con có thể nghe được Lời Chúa và tiếng kêu cứu của những người bé mọn. Xin Chúa mở miệng để chúng con can đảm tuyên xưng Đức tin và dám lên tiếng cho công lý và hoà bình. Xin Chúa mở đôi tay để chúng con biết mở rộng mà ôm ấp những người đang cần chúng con giúp đỡ. Và xin Chúa mở rộng trái tim để chúng con biết yêu như Chúa yêu, sẵn sàng đến với tha nhân bằng tình yêu chân thành và dám can đảm tuyên xưng Đức tin về sự hiện diện của Thiên Chúa quan phòng trong bối cảnh hôm nay. Amen.
Mary Kim Thoa