Tin Mừng: Mc 10, 35-45
Hai người con ông Dê-bê-đê là Gia-cô-bê và Gio-an đến gần Đức Giê-su và nói: “Thưa Thầy, chúng con muốn Thầy thực hiện cho chúng con điều chúng con sắp xin đây”. Người hỏi: “Các anh muốn Thầy thực hiện cho các anh điều gì?” Các ông thưa: “Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang”. Đức Giê-su bảo: “Các anh không biết các anh xin gì! Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?”. Các ông đáp: “Thưa được”. Đức Giê-su bảo: “Chén Thầy sắp uống, anh em cũng sẽ uống; phép rửa Thầy sắp chịu, anh em cũng sẽ chịu. Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Thiên Chúa đã chuẩn bị cho ai thì kẻ ấy mới được”.
Nghe vậy, mười môn đệ kia đâm ra tức tối với ông Gia-cô-bê và ông Gio-an. Đức Giê-su gọi các ông lại và nói: “Anh em biết: những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Nhưng giữa anh em thì không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; Ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người. Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người”.
Suy Niệm
- Con người ai cũng muốn được ngồi vào chỗ nhất
Trích đoạn Tin mừng theo Thánh Máccô hôm nay cho chúng ta thấy hình ảnh rất tự nhiên và chân thực của mỗi người chúng ta qua hành động và lời thỉnh cầu của hai người con ông Dê-bê-đê là Gia-cô-bê và Gio-an: “Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang” (Mc 10, 37). Theo bản tính tự nhiên và theo lẽ thường, ai cũng muốn đạt được thành công và có địa vị trong cuộc sống. Khi làm việc trong một công ty hay trong một đoàn thể, chúng ta mong được Giám đốc thăng chức và trao cho địa vị cao hơn sau mỗi năm làm việc. Mong ước thành công, có địa vị và sử dụng quyền bính để có người phục vụ, điều đó không phải là xấu, vì một cách nào đó, nó khuyến khích chúng ta có thêm động lực làm việc tốt hơn để đạt được mục tiêu. Tuy nhiên, trong mọi thời đại, những người có quyền, bất cứ quyền hành nào, cả trong Giáo hội và trong xã hội, đều có thể bị cám dỗ dùng quyền bính để phục vụ lợi ích của họ thay vì lợi ích của cộng đồng hay là làm vinh danh Chúa. Đối với Chúa Giê-su, quyền bính được sử dụng thật sự là khi phục vụ, trong phục vụ, chứ không phải là trong việc bóc lột người khác. Người dạy các môn đệ rằng: “ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; Ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người ” (Mc 10, 43-44).
- Chúa Giêsu mẫu gương phục vụ
Cả cuộc đời rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu luôn nêu gương khiêm hạ trong việc phục vụ tha nhân: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10,45). Người đã làm nhiều phép lạ cứu nhân độ thế, Người cho “người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết trỗi dậy, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng” (x. Lc 7, 22; Is 35, 5-6; 42,7). Để cứu độ chúng ta, Người chấp nhận hy sinh chịu chết trên thập giá, hầu chứng tỏ một tình yêu tự hiến vô điều kiện và tột đỉnh (x. Ga 15,13). Trong bữa tiệc ly Người đã quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ và sau đó đã dạy các ông bài học yêu thương phục vụ lẫn nhau: “Anh em gọi Thầy là ‘Thầy’ là ‘Chúa’. Điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là ‘Thầy’ là ‘Chúa’. Vậy nếu Thầy là ‘Chúa’ là ‘Thầy’, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (x.Ga 13,13-15).
- Chúng ta phải làm gì?
Có nhiều người trong chúng ta có suy nghĩ rằng, tôi không thể phục vụ người khác vì tôi quá nghèo, vì tôi có địa vị thấp kém, vì tôi không có thời gian, vì tôi không biết người đó là ai, v.v… Có muôn vàn lý do để chúng ta nêu ra, nhưng rồi vì những lý do đó mà chúng ta bỏ lỡ một cơ hội phục vụ. Tuy nhiên, vấn đề là chúng ta có sẵn sàng mở rộng con tim để đón nhận và yêu thương phục vụ tha nhân như chính Chúa Giêsu hay không? Chúng ta có thể nên thánh qua những việc làm nhỏ bé với tinh thần phục vụ của Chúa Giêsu, cho đi mà không mong đền đáp. Noi gương Chúa Giêsu, chúng ta được mời gọi ra đi phục vụ anh chị em xung quanh mình. Chúng ta cũng được mời gọi vượt qua các rào cản của sự khác biệt tôn giáo, màu da, giai cấp và dân tộc, để cùng sống yêu thương và phục vụ lẫn nhau. Hãy ý thức rằng, chúng ta có thể yêu thương và phục vụ tha nhân trong bất kỳ môi trường và hoàn cảnh sống của mỗi người. Một người làm vườn có thể phục vụ tha nhân bằng cách chăm sóc tốt vườn cây ăn trái và rau của mình để cung cấp ra thị trường những trái cây bổ dưỡng và rau sạch. Một nhân viên bán hàng có thể niềm nở tiếp đón và tư vấn cho khách hàng một cách tận tâm không phân biệt giàu nghèo và địa vị. Là bác sĩ hay y tá bệnh viện, chúng ta có thể ân cần phục vụ bệnh nhân. Là linh mục, tu sĩ hay giáo dân, chúng ta có thể noi gương Mẹ Tê-rê-sa Calcutta phục vụ người nghèo, bệnh tật và bị bỏ rơi. Là thầy cô giáo, chúng ta có thể phục vụ sự phát triển của đất nước và tương lai của các em học sinh qua việc giảng dạy tận tình và giữ lương tâm nghề nghiệp của mình luôn trong sáng. Là cha mẹ, chúng ta có thể phục vụ xã hội qua việc chăm sóc và giáo dục con cái tốt, vì mỗi gia đình là một trường học đầu tiên; gia đình tốt, xã hội sẽ phát triển và thịnh vượng hơn.
Lạy Chúa Giê-su, vì yêu thương nhân loại chúng con, Chúa đã hạ mình để phục vụ như một đầy tớ và tình nguyện chịu chết đền tội thay cho chúng con. Xin giúp chúng con hiểu được tình yêu vô biên của Chúa và noi gương Chúa yêu thương phục vụ mọi người. Xin cho chúng con là cánh tay nối dài của Chúa, đem yêu thương và tinh thần phục vụ đến mọi môi trường chúng con đang sống và làm việc. Xin cho chúng con phục vụ tha nhân như phục vụ chính Chúa, vì nơi tha nhân chúng con nhận ra hình ảnh sống động và tình yêu thương của Chúa. Amen.
Mary Magdalene Yến Phạm, O.P