Tin Mừng: Mc 9, 30-37
30Đức Giê-su và các môn đệ ra khỏi đó, đi băng qua miền Ga-li-lê. Nhưng Đức Giê-su không muốn cho ai biết, 31vì Người đang dạy các môn đệ rằng: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại.” 32Nhưng các ông không hiểu lời đó, và các ông sợ không dám hỏi lại Người.
33Sau đó, Đức Giê-su và các môn đệ đến thành Ca-phác-na-um. Khi về tới nhà, Đức Giê-su hỏi các ông: “Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy? ” 34Các ông làm thinh, vì khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả. 35Rồi Đức Giê-su ngồi xuống, gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người.”
36Kế đó, Người đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói: 37“Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy.”
Suy Niệm: Người Làm Lớn trong Nước Thiên Chúa
Trong mọi thời đại, dường như con người luôn khát vọng được làm những chức vụ lớn trong xã hội, trong cộng đoàn, và trong các nhóm. Chúng ta luôn muốn tỏ ra mình là người có giá trị và có quyền hành trên người khác. Nói khác đi, muốn tự khẳng định mình là một nhu cầu hết sức quan trọng của con người, và điều ấy được thể hiện qua nhiều hình thức trong cuộc sống hàng ngày. Ngay trong các trình thuật Tin Mừng, các Thánh Sử cũng đã không ít lần mô tả về các vị kinh sư và các người biệt phái, họ là những con người luôn tự khẳng định mình bằng cách “đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là “ráp-bi” (Mt 23, 5-7)
Các môn đệ của Đức Giê-su cũng có những lúc có cùng một tâm thức và não trạng đó. Sau khi nghe Đức Giê-su loan báo về Cuộc Thương Khó mà Người sắp phải chịu, các môn đệ đã không những không hiểu lời loan báo của Người, mà họ cũng chẳng bận tâm về điều đó, nhưng họ lại bận rộn tranh luận với nhau xem “Ai là người lớn nhất?” Mặc dù, các môn đệ đã đi theo Đức Giêsu với một khoảng thời gian không ngắn, đã nghe không ít những lời giáo huấn của Người, đặc biệt qua bài giảng trên Núi về “Tám Mối Phúc Thật”, nhưng dường như các môn đệ vẫn nuôi hoài bão rằng, Đức Giêsu sẽ thiết lập vương quốc trên trần gian và họ sẽ được ngồi bên hữu và bên tả trong vương quốc của Người.
Để loại trừ quan niệm sai lầm về Đấng Cứu Thế, về một vương quốc trần gian mà các môn đệ đang “mơ tưởng,” và dạy họ bài học về sự khiêm tốn, Đức Giêsu đã thẳng thắn chỉ dạy các môn đệ: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết và làm người phục vụ mọi người” (Mc 9, 35). Có thể nói đây là một cuộc cách mạng về quan điểm “người lớn nhất” đối với các môn đệ. “Người lớn nhất” trong vương quốc của Thiên Chúa là người không dùng quyền để lãnh đạo, nhưng dùng đôi tay và trái tim yêu thương để phục vụ. Họ là tôi tớ của mọi người, phục vụ để mưu cầu lợi ích cho người khác; họ không tự đặt mình trong một vai vế, trong một chức vụ hay trong một địa vị nào cả, nhưng dùng những gì mình có thể yêu thương và phục vụ.
Chuyện kể lại rằng, một lần nọ, lái xe trên đường từ Di Linh, Lâm Đồng về Sài Gòn, khi xe xuống giữa đèo Bảo Lộc, Đức Cha Jean Cassaigne nhìn thấy một người phụ nữ trẻ và hai đứa con nhỏ đứng cạnh xe hơi, người chồng đang nằm dưới gầm xe để sửa chữa gì đó. Đức Cha liền dừng xe lại và xuống hỏi thăm, khi được biết chiếc xe của họ đang gặp sự cố, ngài đã không ngần ngại xắn tay áo chui vào gầm xe để kiểm tra. Sau một hồi sữa chữa, chiếc xe đã nổ máy và vận hành lại bình thường. Cặp vợ chồng rất đỗi vui mừng và ngỏ ý muốn trả công cho vị ân nhân đã giúp đỡ, nhưng vị ân nhân này từ chối và chúc gia đình chuyến hành trình được mọi sự bình an. Ba ngày sau tại Toà Giám Mục Sài Gòn, người ta báo tin Đức Cha có khách. Ngài niềm nở bước ra phòng khách để tiếp, thì thật ngạc nhiên khi nhận ra cặp vợ chồng và hai đứa con nhỏ mà ngài đã giúp đỡ họ sửa chiếc xe hơi trên đèo Bảo Lộc. Nhờ nhanh trí ghi nhớ biển số xe của vị đại ân nhân, mà cặp vợ chồng này đã cố gắng bằng mọi cách và đã tìm được địa chỉ tới Toà Giám Mục Sài Gòn để mong trả ơn. Lúc này họ mới biết vị ân nhân giúp đỡ cho mình chính là Đức Giám Mục Jean Cassaigne. Và cũng chính cảm phục tấm lòng nhân ái, sự hy sinh phục vụ của Đức Cha, gia đình trẻ này đã xin gia nhập Đạo Công Giáo.
Thật đúng như lời Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã nói: “Con người hôm nay cần chứng nhân hơn thầy dạy” (x.Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, 41). Chính Đức Giê-su đã làm gương cho các môn đệ và cho mỗi người chúng ta: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc nhiều người” (Mt 20,28); “Nếu Thầy là Chúa mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga 13,14-15). Tiếp nối gương mẫu của Đức Giê-su và thấm nhuần lời giáo huấn của Người, trong suốt chiều dài lịch sử Giáo Hội đã có hàng triệu vị Thánh sống triệt để tinh thần phục vụ với vai trò “người lớn nhất”, đó là: Mẹ Têrêxa Calcutta trở thành vĩ nhân của thời đại bằng con đường yêu thương và phục vụ người nghèo, những người thấp kém nhất trong xã hội; hay các nữ tu Nữ Tử Bác Ái dòng Thánh Vinh Sơn Phaolô theo bước chân của Đức Cha Jean Cassaigne phục vụ những người phong cùi bị xã hội bỏ rơi, v.v…
Và đặc biệt nhìn vào bối cảnh đại dịch Covid-19 hiện nay, đang lây lan và gây ra biết bao tổn thương về vật chất, tinh thần trên khắp thế giới cũng như trên quê hương Việt Nam thân yêu của chúng ta, thì đây đó nơi các bệnh viện dã chiến, bóng dáng các linh mục, chủng sinh, nam nữ tu sĩ cũng đang âm thầm dấn thân phục vụ những bệnh nhân “nặng” do nhiễm con virus “quái ác” gây ra. Họ đã không chọn cho mình một lối sống an toàn trong khung cảnh khép kín của chủng viện hay tu viện, nhưng thấm nhuần lời giáo huấn của Vị Thầy Chí Thánh Giê-su, họ đã sẵn sàng hy sinh thân mình lên đường phục vụ những anh chị em đang bị nhiễm bệnh với nguy cơ lớn có thể ảnh hưởng đến mạng sống của mình.
Quả thật, thế giới ngày nay rất cần những người đứng đầu theo kiểu mẫu ấy: khiêm tốn, phục vụ, và yêu thương để đáp lại lời mời gọi của Đức Giêsu: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người” (Mc 9, 35). Đó là kiểu mẫu của người lãnh đạo trong Nước Thiên Chúa được Đức Khôn Ngoan của Chúa hướng dẫn, như thư của Thánh Giacobe Tông đồ đã chỉ ra: sự khôn ngoan từ trời giúp trở nên thanh khiết, hiếu hoà, khoan dung…đầy từ bi và sinh nhiều hoa thơm trái tốt, để trở nên những người xây dựng hoà bình, mang niềm yêu thương đến cho mọi người (Gc 3, 16-4, 3).
Lạy Chúa, thật không dễ chút nào khi đang ở trong một địa vị cao lại phải hạ mình để phục vụ cho những người cấp dưới, nhưng đây là bài học mà chính Chúa đã sống, hành động và làm gương cho chúng con. Chúa muốn chúng con bước theo con đường khiêm hạ, phục vụ để trở thành những công dân, những người “lớn” trong Nước Trời. Xin cho mỗi người chúng con hiểu rằng, giá trị của một con người không phải do địa vị của người đó, nhưng là do khả năng phục vụ và mưu ích lợi cho những người khác với trái tim yêu thương.
Mary Kim Thoa