Tin mừng: Mc 10, 2-12
Khi ấy, những người biệt phái đến gần và hỏi thử Chúa Giêsu rằng: “Người ta có được phép ly dị vợ mình chăng?” Người đáp: “Môsê đã truyền cho các ông thế nào?” Họ thưa: “Môsê cho phép làm giấy ly dị và cho ly dị”. Bấy giờ Chúa Giêsu đáp lại: “Chính vì sự cứng lòng của các ông, mà Môsê đã viết ra điều luật đó. Nhưng lúc khởi đầu cuộc sáng tạo, Thiên Chúa đã dựng nên một người nam và một người nữ. Bởi đó người nam sẽ lìa cha mẹ để luyến ái vợ mình, và hai người sẽ nên một huyết nhục. Như thế, họ không còn là hai mà là một huyết nhục. Vậy sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân rẽ”.
Về đến nhà, các môn đệ lại hỏi Người về điểm đó. Và Người bảo các ông: “Ai bỏ vợ mình và lấy vợ khác, thì phạm tội ngoại tình đối với người vợ trước. Và người nữ bỏ chồng và lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình”.
{Bấy giờ người ta đưa những trẻ nhỏ đến cùng Chúa Giêsu để Người đặt tay trên chúng, nhưng các môn đệ khiển trách họ. Thấy vậy, Chúa Giêsu bất bình và bảo các ông rằng: “Hãy để các trẻ nhỏ đến cùng Thầy, đừng ngăn cản chúng, vì nước Thiên Chúa là của những người giống như chúng. Thầy bảo thật các con: Ai không đón nhận nước Thiên Chúa như trẻ nhỏ, sẽ không được vào nước đó”. Rồi Người ôm chúng, đặt tay ban phép lành cho chúng.}
Suy niệm: Tình yêu-mối dây liên kết
Ngày nay, khi nhìn vào đời sống hôn nhân gia đình, có lẽ không ít người trong chúng ta tự hỏi: “Điều gì khiến cho nhiều gia đình có được hạnh phúc và ngược lại nhiều gia đình lại đổ vỡ như thế? Phải chăng là do tiền bạc?” Thực vậy, tiền bạc không phải là thứ đem lại hạnh phúc cho con người, nhưng chính “tình yêu” mới là mối dây liên kết người nam – nữ và các thành viên trong gia đình. Nếu thiếu nhân tố “tình yêu”, gia đình dễ có nguy cơ đổ vỡ, hoặc khó có thể vượt qua những mâu thuẫn, rắc rối, và bế tắc trong đời sống của họ.
Bài đọc một trong sách Sáng Thế (2, 23) mô tả ngắn gọn nhưng dường như chúng ta lại thấy được nụ cười viên mãn của Adam khi nhìn thấy Eva: “Phen này đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi! Nàng sẽ được gọi là đàn bà, vì đã được rút ra từ đàn ông.” Niềm vui của con người không phải vì được Thiên Chúa cho làm chủ mọi muông thú nhưng là khi ông tìm được người nữ ngang hàng với mình. Thật vậy, hạnh phúc của Adam không chỉ dừng ở việc ông nhận ra được sự tương xứng giữa ông và bà Eva, mà còn nhận ra được sự tương xứng trong “tình yêu” giữa hai người.
Đến bài đọc hai trong thư Do Thái (2, 9-11), chúng ta lại thấy được hai chữ “tình yêu” hằn sâu nơi cuộc tử nạn của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã dùng chính cái chết của mình để chứng minh tình yêu của Thiên Chúa đối với thế gian. Cho dầu thế gian có tội lỗi đến đâu đi nữa, Thiên Chúa vẫn “yêu”.
Tin mừng thánh Máccô (10, 2-12) thuật lại cho chúng ta cuộc trò chuyện lý thú giữa những người biệt phái và Chúa Giêsu. Những người biệt phái muốn gài bẫy nên đặt ra cho Đức Giêsu câu hỏi về vấn đề ly dị trong hôn nhân. Đức Giêsu đã trả lời họ một cách tuyệt vời về sự kết hợp của đời sống hôn nhân: “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mc 10, 9). Quả thật, ước mơ của Thiên Chúa đối với con cái mình chính là nhìn thấy chúng được hạnh phúc, và thấy được tình yêu của chúng trao cho nhau trong đời sống hôn nhân gia đình.
Thế nhưng, tình trạng ly hôn dường như đang là một vấn đề nóng trong xã hội ngày hôm nay. Nguyên nhân dẫn đến sự phân ly đó chính là “thiếu tình yêu”. Khi hỏi lý do tại sao ly dị, thì câu trả lời chúng ta nhận được từ phía họ thường là “giữa hai chúng tôi không còn tình yêu nữa”. Thực vậy, đã bao giờ chúng ta hỏi vì sao không còn tình yêu với nhau nữa không? Đời sống hôn nhân là một đời sống chung, mà ở đó mỗi cá vị trong gia đình cần phải biết cảm thông với nhau, chấp nhận những khuyết điểm của nhau để xây dựng nên một gia đình hạnh phúc. Để thông cảm được với nhau thì mỗi người cũng nên biết chấp nhận người khác như họ là, trong đó họ có những điều không hoàn hảo. Khi chúng ta yêu thì dù cho người khác không hoàn hảo, chúng ta vẫn chấp nhận những khuyết điểm của họ. Vì,
yêu là chấp nhận tất cả,
yêu là hy sinh tất cả,
yêu là tha thứ,
yêu là mở lòng,
yêu để nên một.
Lạy Chúa Giêsu, khi nhớ lại thời thơ ấu bên Cha Giuse và Mẹ Maria, có lẽ điều ghi sâu trong lòng của Chúa nhất chính là tình yêu của hai Đấng dành cho Chúa và cho nhau bởi các Ngài đã dùng chính tình yêu để tha thứ cho nhau và để xây nên một gia đình hạnh phúc. Xin cho các gia đình đang rạn nứt cũng biết noi gương gia đình Thánh Gia, biết dùng tình yêu để hàn gắn những đổ vỡ trong gia đình, để tha thứ và quảng đại với nhau, biết mở lòng để nhận ra giá trị của mỗi người, nhờ đó họ biết trân quý nhau như món quà tình yêu Thiên Chúa trao tặng. Amen.
Nt. Mai Khôi