Tin Mừng (Mc 12, 28b-34)
Khi ấy, có người trong nhóm luật sĩ tiến đến Chúa Giêsu và hỏi Người rằng: “Trong các giới răn điều nào trọng nhất?” Chúa Giêsu đáp:
“Giới răn trọng nhất chính là: Hỡi Israel, hãy nghe đây: Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Chúa duy nhất, và ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi. Còn đây là giới răn thứ hai: Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi. Không có giới răn nào trọng hơn hai giới răn đó.”
Luật sĩ thưa Ngài: “Thưa Thầy, đúng lắm! Thầy dạy phải lẽ khi nói Thiên Chúa là Chúa duy nhất và ngoài Người chẳng có Chúa nào khác nữa. Mến Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức mình, và yêu tha nhân như chính mình thì hơn mọi lễ vật toàn thiêu và mọi lễ vật hy sinh.”
Thấy người ấy tỏ ý kiến khôn ngoan, Chúa Giêsu bảo: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa bao nhiêu.” Và không ai dám hỏi Người thêm điều gì nữa.
Suy niệm: Mến Chúa Nơi Tha Nhân
Yêu thương được gắn liền với hơi thở và nhịp đập trái tim của mỗi người chúng ta vì chúng ta được sinh ra và lớn lên trong tình yêu. Thế nhưng, nhiều khi chúng ta lại dễ dàng lãng quên nhịp thở ấy là do hồng ân của Đấng Tạo Hóa đã ban cho chúng ta điều để chúng ta chia sẻ, trao tặng, và giúp đỡ lẫn nhau. Để nhắc nhớ chúng ta về tinh thần yêu mến, Tin mừng Chúa Nhật XXXI TNB (Mc 12, 28b – 34) mời gọi chúng ta suy gẫm về hai điều răn quan trọng nhất: Mến Chúa và Yêu người. Bài Tin mừng cũng nhắc nhở chúng ta rằng giá trị tuyệt đối của việc yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, và hết sức lực thì không thể tách rời bổn phận yêu tha nhân như chính mình.
Bổn phận yêu mến Thiên Chúa dường như không phải là thách thức lớn đối với mỗi người chúng ta khi chúng ta nghĩ rằng: Yêu mến Thiên Chúa là giữ ngày Chúa nhật, đoc kinh, đi nhà thờ, và lần hạt Mân côi…Tuy những việc làm này đã thể hiện lòng yêu mến Chúa nhưng chưa hoàn hảo. Chúng ta cần đến với những anh chị em đang sống xung quanh chúng ta bằng thái độ yêu mến – cảm thông – chia sẻ – và bái ái với nhau cho dù nhiều khi chúng ta nghĩ tới những điều này, chúng ta cảm thấy bế tắc, thách thức, thậm chí xung đột với chính mình. Có lẽ chúng ta cũng dễ đặt ra những câu hỏi: Làm sao tôi có thể yêu mến người này khi họ không tử tế với tôi? Làm sao tôi có thể tha thứ cho người này khi họ làm tổn thương tôi? Khi phải đối diện với những câu hỏi như thề này, thiết nghĩ chúng ta cũng nên suy gẫm: Giêsu đã làm gì khi Người bị treo trên Thập giá? Chúa đã cầu nguyện và xin Cha tha thứ cho những người đã hại mình: “Lạy Cha, xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm” (Lc 23, 34). Thế nên, tinh thần yêu mến Chúa của chúng ta cần được thể hiện ở tình yêu tha nhân.
Điều này thể hiện rõ hơn trong Tin mừng theo Thánh Maccô: “Mến Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức mình, và yêu tha nhân như chính mình thì hơn mọi lễ vật toàn thiêu và mọi lễ vật hy sinh” (Mc 12, 33). Thánh sử đã cho ta biết sự gắn kết giữa tình yêu Thiên Chúa và con người là một bởi vì con người là hình ảnh của Thiên Chúa. Thế nến, tình yêu này không thể phân rẽ. Thiên Chúa đã yêu con người nên Ngài đã hiến chính Con một của Ngài cho nhân loại và Ngài cũng đặt ra giới luật cho chúng ta: “yêu người thân cận như chính mình.” Chúng ta được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, được Thiên Chúa yêu thương, chúng ta có cùng phẩm giá như nhau. Vì thế khi chúng ta quan tâm, chia sẻ, và sống bác ái với người thân cận chính là chúng ta thể hiện sự yêu thương của Thiên Chúa đối với họ.
Lạy Chúa Giêsu! Xin cho con luôn biết lắng nghe tiếng Chúa, kết hiệp thân tình với Ngài và hăng say phục vụ tha nhân. Con tin rằng khi con yêu thương và đến với những người xung quanh con bằng tình yêu Chúa, con sẽ gặp được Ngài nơi họ. Xin Chúa giúp con yêu như Chúa đã yêu và phục vụ anh chị em với tình yêu vô vị lợi như chính Ngài đã phục vụ và nêu gương cho chúng con. Amen!
Maria Dung Nguyễn