Tin Mừng: Ga 18, 33-37
³³Ông Phi-la-tô trở vào dinh, cho gọi Đức Giê-su và nói với Người: “Ông có phải là vua dân Do-thái không?” 34Đức Giê-su đáp: “Ngài tự ý nói điều ấy, hay những người khác đã nói với ngài về tôi?” 35Ông Phi-la-tô trả lời: “Tôi là người Do-thái sao? Chính dân của ông và các thượng tế đã nộp ông cho tôi. Ông đã làm gì?” 36Đức Giê-su trả lời: “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do-thái. Nhưng thật ra Nước tôi không thuộc chốn này”. 37Ông Phi-la-tô liền hỏi: “Vậy ông là vua sao?” Đức Giê-su đáp: “Chính ngài nói rằng tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi”.
Suy niệm: Chứng nhân cho sự thật
Chúng ta vẫn thường nghe câu thành ngữ: “Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng”, có nghĩa là «lời khuyên tốt nghe không êm tai nhưng có ích cho người nghe, giống như thuốc tốt có vị đắng nhưng hiệu quả cho người bệnh…»[1]. Vị đắng của thuốc thường khiến người ta không muốn uống, thậm chí là sợ phải uống dù nó có thể làm cho người bệnh trở nên mạnh khoẻ hơn. Cũng vậy, lời nói thật giúp chúng ta lớn lên, trưởng thành hơn và thậm chí là được biến đổi, thế nhưng chúng ta thường không muốn nghe hoặc sợ không dám đối diện với lời nói đó vì sự “chói tai” của chúng.
Qua bài Tin mừng hôm nay, Thánh sử Gioan kể cho chúng ta nghe câu chuyện của một người đến thế gian để làm chứng cho sự thật (x. Ga 18, 37) và hậu quả mà người ấy phải chịu vì đã dám lên tiếng cho sự thật ấy (x. Ga 19, 1-18).
Đức Giêsu đã sinh ra và đến trong thế gian này là để làm chứng cho sự thật (x. Ga 18, 37) và chính Ngài “là sự thật” (Ga 14, 6). Tin mừng của các Thánh sử cũng cho chúng ta thấy cả cuộc đời của Ngài là sự thật, những lời Ngài nói, mọi việc Ngài làm, tất cả đều là sự thật. Không có bất cứ ai hay bất cứ điều gì có thể ngăn cản Ngài nói và làm chứng cho sự thật. Thế nhưng, các Thượng tế và các Kinh sư đã không nghe theo tiếng của sự thật, các ông đã tìm mọi cách để kết án Đức Giêsu vì những sự thật mà Ngài đã nói, đã sống và đã làm. Những lời sự thật của Đức Giêsu cảnh tỉnh các ông về danh dự và uy thế ngạo nghễ của các ông – những người muốn được ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, muốn được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được gọi là thầy (x. Mt 23, 6-7).
Còn ông Philatô thì nhát đảm và do dự giữa lợi ích cá nhân và việc tìm kiếm cũng như bênh vực sự thật. Ngay sau khi kết thúc đoạn Tin mừng mà chúng ta nghe hôm nay, nếu đọc tiếp, chúng ta sẽ thấy ông Philatô đã lên tiếng hỏi Đức Giêsu: “Sự thật là gì?” (Ga 18, 38). Hỏi xong nhưng ông lại không chờ đợi nghe câu trả lời mà ngay lập tức ra gặp người Do thái. Có điều gì đó ở đây khiến chúng ta phải suy nghĩ. Ông Philatô đã lên tiếng hỏi Đức Giêsu sự thật là gì, nghĩa là ông đã bắt đầu hành trình tìm kiếm sự thật. Ông đã muốn biết sự thật là gì, thế nhưng ông lại không đủ lòng nhiệt thành, không đủ kiên trì để nghe câu trả lời hoặc có thể là ông sợ hãi và lảng tránh để không phải nghe. Ông bị giằng co giữa một bên là Đức Giêsu, người mà ông không tìm thấy lý do nào để kết tội (x. Ga 18, 38) và một bên là sức ép của dân chúng và các nhà lãnh đạo Do thái giáo đang la hét đòi giết Đức Giêsu. Rõ ràng ông biết Đức Giêsu vô tội nhưng lại chẳng đủ can đảm để bảo vệ Ngài, bảo vệ sự thật, vì nếu bảo vệ sự thật đó, chức Tổng trấn và danh hiệu «bạn của Xêda» của ông (x. Ga 19,12) có thể sẽ bị lung lay. Ông đã lựa chọn sự an toàn cho bản thân và vì thế, ông đã trao Đức Giêsu cho dân Do thái để họ đóng đinh Ngài vào thập giá (x. Ga 19, 16).
Hình ảnh của các Thượng tế, Kinh sư, Philatô và dân Do thái trong việc khước từ chân lý, khước từ sự thật, khước từ Đức Giêsu – Vua vũ trụ, khiến chúng ta liên tưởng đến lối sống của con người ngày hôm nay. Có lẽ nhiều người trong chúng ta cũng lảng tránh việc nói lên hoặc thi hành sự thật vì lợi ích cá nhân hoặc tập thể, vì danh dự hão hay vì sợ bị thiệt thòi, sợ bị mất quyền lợi, sợ bị lên án, sợ bị chỉ trích, v.v. Hoặc, đôi khi chúng ta có xu hướng lảng tránh sự thật vì chúng ta sợ mình phải hy sinh, sợ phải đối diện với những điều không tốt đẹp nơi con người mình và sợ phải thay đổi, v.v. Đây phải chăng là lối sống mà Chúa Giêsu luôn lên án và Ngài mời gọi chúng ta cố gắng đi theo con đường mà chính Ngài đã đi?
Là Kitô hữu, chúng ta có bổn phận làm chứng cho sự thật, qua lời nói, hành động, và qua lối sống cũng như cách cư xử với nhau trong công việc và trong đời sống thường ngày. Chúng ta được mời gọi không lảng tránh hay bóp méo sự thật chỉ vì để được an thân hay để cầu danh lợi. Chúng ta cần biết chân nhận sự yếu đuối và bất toàn nơi con người mình để sửa sai và trở nên tốt hơn.
Lạy Chúa Giêsu Kitô là Vua của vũ trụ, Vua của tất cả mọi người và của từng người chúng con, Chúa là vị Vua của sự thật, của công lý và bình an. Xin cho chúng con là những Kitô hữu luôn biết noi gương Ngài sống thật, nói và làm chứng cho sự thật, làm chứng cho những giá trị của Tin mừng mà Ngài đã loan báo, hầu xứng đáng trở nên công dân của Vương quốc Thiên Chúa, Vương quốc vĩnh cửu ngay ở trần gian này. Amen!
Anna Đặng
[1] https://tinhhoa.net/nguon-goc-cau-thanh-ngu-thuoc-dang-da-tat-su-that-mat-long.html