Theo niên lịch phụng tự Do Thái giáo, lễ Vượt Qua là lễ quan trọng nhất của người Do Thái. Lễ này kéo dài trong một tuần tại Giêrusalem, bắt đầu từ chiều ngày 14 tháng Ni-xan (khoảng tháng ba, hoặc tháng tư dương lịch). Chiên hoặc cừu được sát tế tại đền thờ, và máu của nó được các tư tế dùng để rưới dưới chân bàn thờ. Khi đêm xuống, người Do Thái ăn tiệc chiên vượt qua theo gia đình hay theo nhóm. Lễ Vượt Qua được cử hành như một cuộc tưởng niệm, sống lại kinh nghiệm của cha ông xưa kia được giải phóng khỏi ách nô lệ bên Ai Cập, và ôn lại giao ước cha ông họ đã ký kết với Thiên Chúa.
Theo phong tục ấy, Đức Giêsu cùng với các môn đệ cũng trẩy hội lên Giêrusalem để mừng lễ Vượt Qua. Chính trong bữa tiệc Vượt Qua cuối cùng ấy, Đức Giêsu đã lập Bí Tích Thánh Thể. Người cầm lấy bánh, chúc tụng, rồi bẻ ra trao cho các môn đệ và nói: “Anh em hãy cầm lấy, đây là Mình Thầy,” rồi Người cầm chén rượu, dâng lời tạ ơn, rồi trao cho các ông và nói: “đây là Máu Thầy, Máu tân ước sẽ đổ ra cho nhiều người” (Mc 14, 22-24). Bữa tiệc Vượt Qua này của Chúa Giê-su được hoàn tất trên thập giá khi Người dùng chính Máu của mình để hiến tế cho Thiên Chúa thay thế cho muôn người. Và cũng chính qua Bí tích Thánh Thể này, Chúa Giê-su hiện diện mãi với nhân loại trong hình bánh và rượu. Trong Bí tích Thánh Thể cử hành hằng ngày, mỗi khi Linh mục đọc lời truyền phép: “đây là mình Thầy, đây là máu Thầy,” thì bánh và rượu lập tức được biến đổi bản thể, bên ngoài vẫn là hình bánh và rượu nhưng bên trong đã được biến đổi thành thịt và máu của Đức Giêsu, trong sự hoạt động của Chúa Thánh Thần. Vì vậy, bất cứ ai rước lễ cách bất xứng, thì cũng phạm đến chính Mình và Máu Chúa. Do đó, mỗi người phải tự xét mình rồi hãy đón nhận Mình và Máu Thánh Chúa (Cr 11, 26 -29).
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, đã bao lần chúng con lên rước Chúa một cách vội vã, thiếu ý thức, thiếu chuẩn bị và thiếu cả đối thoại thân tình với Chúa. Nhiều người trong chúng con lên rước Chúa chỉ như một thói quen, một nghi thức thuần túy. Nhiều lúc, giây phút thinh lặng cám ơn và thưa chuyện với Chúa sau rước lễ cũng bị cắt ngắn vì nhiều lí do bao biện. Chính vì thế, mặc dù chúng con vẫn lên rước Chúa hằng ngày, nhưng chúng con vẫn chẳng trở nên giống Chúa trong cách sống hằng ngày với anh chị em xung quanh. Lạy Chúa, có lẽ chẳng có vị khách nào lại bị con tiếp đãi lạnh nhạt và hỡ hững như chào đón Chúa. Lạy Chúa, xin rộng lòng tha thứ cho chúng con. Xin Chúa giúp con luôn ý thức rằng, con đi Lễ chính là đi dự tiệc Lời Chúa và Mình Máu Chúa. Xin cho con biết đón nhận một cách xứng đáng Máu Thịt Chúa như nguồn lương thực trường tồn nuôi dưỡng thể xác và linh hồn con. Lạy Chúa, mỗi lần con đón rước Chúa, xin Chúa hãy ngự vào trong con và biến con trở nên như Người, để con cùng Chúa sống mầu nhiệm bí tích tình yêu, trở nên khiêm cung nhỏ bé, biết bẻ ra và trao ban cho mọi người.
* Những thực hành để có tâm hồn yêu mến chúa Giêsu thánh thể:
– Chuẩn bị tâm hồn trước khi rước lễ.
– Dành thời gian cám ơn và thưa chuyện với Chúa sau khi rước lễ.
– Rước lễ thiêng liêng nhiều lần trong ngày bằng việc đọc kinh rước lễ thiêng liêng.
– Mỗi lần đi qua nhà thờ chúng ta dành vài giây để cung kính bái chào Chúa Giêsu Thánh Thể, vì nơi đâu có Chúa Giêsu Thánh Thể thì nơi đó các Thiên Thần từ trời cũng xuống để cung kính mến yêu tôn thờ.
Ý thức việc thực hành các việc lành bác ái nho nhỏ mỗi ngày, giúp chúng ta ngày càng yêu mến, gắn bó với Chúa Giêsu Thánh Thể hơn. Xin cho tất cả các Kitô hữu chúng ta biết yêu mến những giây phút lặng thầm bên Chúa Giêsu Thánh Thể để kín múc nguồn bình an và sự thánh thiện.
Rosa Thu Phương