Nếu bạn đang đọc bài này, thì có lẽ bạn đã nghe nói về kiệt tác thần học của Thánh Thomas Aquinas; đó là Bộ Tổng Luận Thần học – Summa Theologiae. Tác phẩm này đã nuôi dưỡng tâm trí của các nhà tư tưởng Công giáo hơn 700 năm, và ít nhất hai vị giáo hoàng đã viết trong Bộ Giáo luật để nhấn mạnh vai trò của tư tưởng Thánh Thomas trong chương trình đào tạo các giáo sĩ (x.Bộ Giáo luật, 252 §3 “Việc huấn luyện Thần học dưới ánh sáng Ðức Tin và theo sự hướng dẫn của quyền giáo huấn, nhằm giúp các chủng sinh hiểu rõ toàn bộ đạo lý Công Giáo, …. Cần có các lớp học về Thần học Tín lý, luôn luôn dựa vào Lời Chúa chứa đựng trong Thánh Kinh cùng với Thánh Truyền, nhờ vậy, với Thánh Thomas làm tôn sư, các chủng sinh học biết tường tận mầu nhiệm cứu độ. Ngoài ra, còn cần các môn Thần học luân lý và môn mục vụ, giáo luật, phụng vụ, giáo sử và những môn phụ hoặc chuyên biệt khác nữa, tùy theo chương trình đào tạo Linh Mục ấn định.”) Với sự ảnh hưởng sâu rộng và lâu dài, Tổng Luận Thần học đã trở thành một trong những văn bản quan trọng nhất của văn học Kitô giáo.
Bạn có thể đã nghe nói về cuốn Tổng Luận Thần học, nhưng bạn có biết tại sao Thánh Thomas Aquinas lại viết nó không?
Khi Thánh Thomas bắt đầu kiệt tác Tổng Luận Thần học của mình, ngài không cố ý bắt tay vào viết một tác phẩm kinh điển vượt thời gian. Đúng hơn, ngài dự định đáp ứng một nhu cầu cụ thể của thời đại của mình.[1] Trong những năm 1260, Tỉnh Dòng Đa Minh ở Roma gặp sự cố. Đời sống trí thức của Tỉnh Dòng ở trong một tình trạng đáng buồn vì các tu sĩ đã không còn hăng hái học tập. Đáng tiếc thay, nhiều người trong số họ đã từ bỏ việc đọc sách thiêng liêng. Kết quả là, việc rao giảng của họ bắt đầu khô khan về mặt thần học, thiếu tính cách giáo lý mạnh mẽ phù hợp với đặc sủng Đa Minh. Trong nhiều năm, bất chấp những lời hô hào và mệnh lệnh của các vị hữu trách, các cha dòng Đa Minh đã không thể làm gì để khắc phục tình hình.
Năm 1265, Dòng Đa Minh trao nhiệm vụ cho Thánh Thomas thành lập một trung tâm học vấn tại trụ sở chính ở Santa Sabina, Roma. Các anh em được tuyển chọn từ khắp nơi trong Tỉnh Dòng sẽ được gửi đến học tại đây, với hy vọng rằng từ học viện này tinh thần hiếu học sẽ được truyền bá đến các anh em Đa Minh khác khi các tu sĩ học viên này được gửi đi truyền giáo ở những vùng xa hơn. Với tư cách là người lãnh đạo được ủy thác dự án, Thánh Thomas Aquinas phụ trách việc lên chương trình đào tạo thần học sẽ được thực hiện tại trung tâm thần học mới này.
Để làm được điều này, ngài bắt đầu lập biểu đồ về quá trình nghiên cứu cho các sinh viên của trường. Trong quá trình lên chương trình cũng như hiệu đính các khóa học của mình, Thánh Aquinas đã tạo ra một cuốn sách giáo khoa tổng hợp với sự vững chắc về mặt giáo lý để đào tạo thần học cho các nhà giảng thuyết và các cha giải tội: Đó chính là Bộ Tổng Luận Thần học, Theologiae Summa.
Như chúng ta đã biết, sự ảnh hưởng của Bộ Tổng Luận Thần học đã vượt xa ý định khiêm tốn ban đầu của Thánh Aquinas. Ngài đã quyết tâm dành thời gian cung cấp cho một nhu cầu cụ thể trong thời đại mà ngài đang sống; điển hình là, phục hồi đời sống trí thức của Tỉnh Dòng mình. Nhưng công việc của ngài đã vượt xa nhu cầu của những tu sĩ dòng Đa Minh tại Roma vào những năm 1260. Các tác phẩm của Thánh Thomas có ảnh hưởng xuyên thế hệ, thúc đẩy niềm đam mê truy tìm chân lý của Giáo hội trên phạm vi toàn cầu. Nhu cầu địa phương về một cuốn sách giáo khoa phong phú về mặt giáo lý cho những người mới bắt đầu học hỏi mà Bộ Tổng Luận Thần học của Thánh Aquinas đã đáp ứng cũng chính là một nhu cầu thiết yếu mà toàn thể Giáo hội đã cần đến.
Thánh Thomas đã không bắt đầu công việc này với mục đích tạo ra một kiệt tác lâu đời. Thay vào đó, trọng tâm của ngài là cung cấp cho những nhu cầu địa phương của thời đại mà ngài đã sống, nhưng Thiên Chúa đã sử dụng sự nỗ lực của Thánh Aquinas để đáp ứng nhu cầu mà toàn thể Giáo hội đã mong ước trong suốt thời gian qua.
Tác giả: Br. Simon Teller, O.P.
Nguồn: https://www.dominicanajournal.org/why-Thánh Aquinas-wrote-the-summa/
Chuyển ngữ: Nt. Maria Nguyễn Thị Ánh Hồng
[1] Jean-Pierre Torrell, Thánh Thomas Aquinas: Con người và Công việc của ngài, 142–145