“Cầm tay anh, kề vai anh, nơi này có anh…” Đang phiêu lãng đến bất tận với âm nhạc của idol, Na bỗng nghe thấy tiếng xe máy “brừm brừm” cùng tiếng “léc céc, léc céc” của xe kéo dụng cụ phía sau: Bố đã đi làm về! Na tắt vội chiếc máy nghe nhạc màu hồng, tắt đi lời mời “cầm tay anh” cao vút của thần tượng. Con gái đã sang tuổi 17 nhưng bố vẫn chưa muốn Na bước vào thế giới của người lớn, chưa muốn em nghe nhạc tình yêu. Bởi trong mắt bố, Na vẫn là cô bé nhỏ nhắn, trong vắt trong địa giới của con tim, của sự đời. Bố chưa muốn những hỗn tạp của yêu ghét lứa đôi xâm nhập trái tim trắng sáng của Na, dù bố biết điều ấy sẽ giúp trái tim lớn lên. Bố mẹ là vậy, cho đến muôn thuở, luôn muốn bảo bọc con cái!
Chạy mau xuống nhà chào bố, Na mênh mang suy nghĩ: liệu “cầm tay anh” có ngọt ngào, ấm áp như cầm tay bố?!
…
Từng là học sinh lớp chọn Toán, Na luôn mê mẩn những bài tập tìm quy luật cho dãy số. Cộng, trừ, nhân, chia, lũy thừa… giúp em giải mã bí ẩn kiến tạo những dãy số tưởng chừng được đặt vào giấy rất lung tung. Thế quy luật nào nằm sau dãy tuổi em có bố cầm tay? Na của tuổi 24 suy nghĩ, thấy bài toán ấy sao thật hóc búa, khó giải.
Trong thế giới đại số của kí ức, Na lọc ra những tuổi thỏa mãn điều kiện: tay bố – tay em. Lúc 4,5 tuổi, bao lần bố dang tay đón em sau Lễ tối thứ Tư của hội gia trưởng mà bố phục vụ hát lễ. Hồi ấy, Na như chú chim nhỏ bị nhốt tạm trong lồng, luôn mong đến Kết lễ để tung ra, chạy thật mau về lại vòng tay bố. Ngày tạnh ráo, bố dắt tay Na; ngày mưa đường đầy bùn đất, bố bế em trên tay hoặc kiệu trên đôi vai đưa về nhà. Em đã như chiếc máy bay nhỏ, chẳng tốn chút nhiên liệu nào để cất cánh nhưng vẫn được thỏa sức ngắm nhìn không trung. Rồi tuổi lên 6, lên 8, 9, 10, 12, 13 bố dắt em đến trường ngày đầu Tiểu học, dắt em đến những ngôi trường xa lạ của kì thi học sinh giỏi. Lớn hơn, ở tuổi 15, 16, 20… bố không cầm nhưng bắt, đập tay hi-five với Na. Tuổi đầu 18, bố cầm tay em vượt các ngã ba, ngã tư của đường lớn thủ đô tiến vào miền đất hứa của tri thức: Đại học. Cộng trừ nhân chia thế nào đây để tìm ra quy luật của dãy số ấy? Loay hoay mãi, Na đành bỏ cuộc bởi chẳng tìm ra quy luật nào có thể ngăn tay bố đưa ra để trợ lực em những lúc em cần và cả những lúc em tưởng mình không cần. Con cái luôn cần cha mẹ, ở rất nhiều khía cạnh và hình thức. Toán học, vậy là, có lẽ nên chịu thua biển lớn núi cao của tình cha mẹ thương con.
Bàn tay nhỏ nằm gọn trong bàn tay lớn. Bàn tay lớn vững chắc, đầy vết chai sần của khó nhọc lao động nhưng thật êm dịu khi nắm. Bàn tay nhỏ nhận nơi bàn tay lớn bao động lực, sức mạnh để lớn lên, để trưởng thành. Tay Bố – tay con. Không cân, không đều cả về chiều dài, rộng, cao nhưng lại đồng dạng, đồng lòng với góc kề tròn đầy yêu thương. Để rồi khi tay buông, Na vẫn cảm nhận rõ sự kéo dài ngọt ngào, ấm áp của bàn tay bố chở che. Na đã từng bị lạc ở tuổi ấu thơ và tay bố đã giữ tay em thật chặt khi bố tìm lại được. Na đã từng làm thất thoát bao hi vọng, tình yêu vào cuộc sống ở những năm tháng tuổi trẻ và cái bắt, đập tay với bố đã làm đầy tràn lại chiếc bình lạc quan, tin yêu của Na như một phép màu. Tay Bố – tay con.
Nắm tay bố giúp Na, trong đời sống tâm linh, cảm nhận dễ dàng hơn cái nắm tay của trời cao. Dưới mái nhà tu đức, Na cảm mến có Thánh Giuse là Cha. Trong trường học tu trì, Na hạnh phúc có Thánh Giuse là thầy giám linh – người mà em có thể kể hết mọi bấp bênh- thăng bằng, mọi vững bước – té ngã của đường tiến đức. Bức tượng Thánh Giuse cầm tay Chúa Giê-su nhỏ nơi nguyện đường của tu viện và ở khuôn viên nhà thờ giáo xứ làm Na luôn thấy lòng thật ấm, thật nhẹ tênh mỗi khi đưa mắt nhìn. Tay Cha – tay con. Có lẽ hơi ấm kéo dài của bàn tay bố đã giúp Na cảm nghiệm đôi tay của Thánh Cả gần gũi, có thực hơn. Trải nghiệm cá nhân luôn phóng chiếu rất nhiều lên nhận thức tâm linh. Nghệ thuật thánh có hiệu quả rất lớn trong việc hướng lòng cầu nguyện. Nơi mái nhà Nazaret, Thánh Giuse đã cầm tay Chúa Giê-su; trong đức tin, Ngài cũng cầm tay những cô bé, cậu nhóc em của Chúa Giê-su – là Na, là tất cả mọi người. Tay Cha – tay con. Có Bố, có Cha ở bên, đâu ai còn sợ hãi bùn đất ngày mưa hay xa lạ môi trường, ngã ba hay ngã tư hiểm nguy. Có Bố, có Cha cầm tay, đâu ai còn sợ mỏi mệt, lạc đường hay té ngã. Tay Bố – tay Cha – tay con.
Bao người đến nương tựa Thánh Giuse và đã được che chở. Bao người chọn Thánh Giuse làm quan thầy và đã được bảo trợ. Bao người tìm học nơi Thánh Giuse bài học yêu thương, thanh khiết, khiêm nhường và đã tốt nghiệp xuất sắc. Còn Na, Na đã thưa với Thánh Giuse lời nguyện “cầm tay” mỗi ngày và đã được nhận lời. Cách linh thánh, huyền nhiệm và chắc chắn. Trong đức tin. Ngày bắt gặp lời kinh mới về Thánh Giuse, lòng Na rộn lên niềm hạnh phúc đồng điệu, để rồi, mỗi ngày, từ ấy, Na tin mình luôn được Thánh Cả cầm tay băng qua mọi gai góc của đường nên thánh. Không cầm tay anh, mà trong đời tu, hạnh phúc được tay Bố, tay Cha cầm giữ, Na an tâm tiến bước với lời kinh thân thưa mỗi ngày:
“Lạy Thánh Cả Giuse,
Xin cầm tay dẫn dắt chúng con bước theo Ngài trên hành trình công chính, bởi đường đời trăm ngả, ngàn lối, và đầy những cạm bẫy chông gai,
nếu không được tình cha của Thánh Cả soi lối, chỉ đường, cầm tay dẫn dắt,
Chúng con sẽ khó có thể bước đi bằng đôi chân của người công chính và người đầy tớ trung thành,
Để gặp được Thiên Chúa,
Gặp được anh chị em,
Là đích tới bình an và hạnh phúc của hành trình dương thế mà chúng con phải đạt tới. Amen.”
Phương An