Vấn đề rước lễ của người đang sống rối hôn phối như người ly dị tái hôn hay người đang sống trong hôn nhân bất thành do chỉ có kết hôn dân sự, được bàn luận theo quy tắc Giáo Luật.
Theo Giáo Luật, người ly dị tái hôn có cách nào để được rước lễ không?
Để minh giải xin chia vấn đề bằng những câu hỏi nhỏ hơn.
1. Trong bộ Giáo Luật có điều nào cấm rước lễ không?
– Có hai điều, được quy định trong quyển 4, đề mục 3, về Bí Tích Thánh Thể.
Điều 915
Những người bị vạ tuyệt thông và những người bị cấm chế sau khi hình phạt đã được tuyên kết hay tuyên bố, cũng như những người ngoan cố sống trong tội trọng tỏ tường (in manifesto gravi peccato obstinate perseverantes), không được rước lễ.
Điều 916
Người nào ý thức mình đang mắc tội trọng (conscius est peccati gravis) thì không được cử hành Thánh lễ và cũng không được rước Mình Thánh Chúa, nếu không nhận lãnh bí tích sám hối trước, trừ khi có lý do nghiêm trọng và không có dịp để xưng tội, trong trường hợp này, người ấy phải nhớ rằng mình phải ăn năng tội cách trọn, trong đó bao gồm việc quyết tâm xưng tội hết sức.
– Ngoài ra khi phạm nhân bị vạ tuyệt thông (đ. 1331) hoặc bị vạ cấm chế (đ. 1332) thì bị cấm cử hành hay lãnh nhận các bí tích. Vì vậy, phạm nhân không được rước lễ. Tuy nhiên, Giáo Luật không quy những người ly dị tái hôn vào tội có vạ tuyệt thông hay cấm chế.
2. Người ly dị tái hôn hay người chỉ kết hôn dân sự ngoài luật Công Giáo bị cấm rước lễ là áp dụng theo điều luật nào?
Đó là điều 915, vì người đó được kể là những “người ngoan cố sống trong tội trọng tỏ tường”.
Cũng bị cấm theo điều 916, vì “ý thức mình đang mắc tội trọng”.
Tuy nhiên cũng dễ thấy rằng nhiều người không thấy mình hay không ý thức mình có tội trọng vì hoàn cảnh riêng của họ. Có những phạm nhân đã bị bó buộc phải tái hôn, như trường hợp là nạn nhân của sự ruồng bỏ mà không do lỗi tại họ và sau đó họ thấy mình không thể nào sống độc thân suốt đời và thấy mình không có tội nặng khi tái hôn. Các nguyên tắc luân lý Công Giáo chỉ rõ rằng một hành vi được thực hiện dưới sự sợ hãi nghiêm trọng hay cưỡng ép có thể không chịu trách nhiệm hay giảm miễn trách nhiệm về hành vi mình thực hiện. Vì vậy họ có thể chỉ có tội nhẹ hay không có tội. Việc ý thức mình không có tội nặng và được nguyên tắc luân lý nói trên chi phối còn xảy ra nơi những người đã cố tình phạm tội lúc đầu mà nay đã sám hối nhưng không thể lìa bỏ hôn nhân trái luật mình đang có. Họ không thể quay trở lại hôn nhân ban đầu vì hoàn cảnh riêng biệt của họ, như không thể chấm dứt hôn nhân hiện tại mà không gây thiệt hại nặng nề về phía con cái.
Đối với những người trong tình trạng trên, họ rước lễ thì không vi phạm điều 916, vì họ không thấy mình phạm tội trọng và thấy mình không xúc phạm đến Mình Thánh Chúa. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đã cho thấy những hoàn cảnh tương tự: “Thật thế, những người đã thành tâm cố gắng cứu vãn cuộc hôn nhân thứ nhất nhưng đã bị ruồng bỏ một cách bất công, thì khác hẳn với những người do sai lỗi trầm trọng đã phá huỷ cuộc hôn nhân thành sự theo giáo luật. Sau nữa cũng có trường hợp những người đã lấy một người khác để giáo dục con cái và đôi khi trong lòng cứ chủ quan tin chắc rằng cuộc hôn nhân trước, mà bây giờ đã bị phá huỷ không sao cứu vãn được, xưa nay vẫn không hề thành sự” (Familiaris Consortio, 84).
Tuy nhiên họ không được rước lễ là do kỷ luật của Giáo Hội. Họ bị cấm rước lễ là do luật cấm của điều 916. Đức Gioan Phaolo II, sau khi nhìn nhận những hoàn cảnh đáng thương của họ, ngài kêu gọi: “Bằng một lòng bác ái rộng lớn, tất cả sẽ làm thế nào để họ không cảm thấy bị lìa xa Hội Thánh, vì là những người đã được rửa tội, không những họ có thể mà còn phải dự phần vào đời sống Hội Thánh”(Familiaris Consortio, 84). Khi ngài nói họ “có thể mà còn phải dự phần vào đời sống Hội Thánh” thì cũng có nghĩa là ngài công nhận họ không hoàn toàn mang trọng tội, và còn có đời sống ân sủng. Ngài nói tiếp: “Tuy nhiên, Hội Thánh vẫn xác nhận lại kỷ luật của mình, kỷ luật xây dựng trên Thánh Kinh, theo đó Hội Thánh không thể chấp nhận cho những người ly dị tái hôn được hiệp thông Thánh Thể”. Như vậy, những người đó, không được rước lễ là vì kỷ luật của Giáo Hội, được quy định ở điều 915.
3. Theo Giáo Luật lệnh cấm rước lễ trong hai điều 915 và 916 có được miễn giảm không?
Điều cấm ở 916 thì không thể miễn giảm vì khi ý thức có tội trọng nghịch cùng Chúa mà rước Mình Thánh Chúa là xúc phạm đến Chúa. Tuy nhiên nó là luật của tòa trong, nếu như không thấy mình có tội trọng thì có thể được rước lễ.
Nếu không thấy mình có tội trọng thì được rước lễ theo điều 916 nhưng lại bị cấm rước lễ theo điều 915. Như vậy việc cấm rước lễ ở điều 916 có ý nghĩa như một hay một hình phạt một khi phạm nhân không thấy mình có tội trọng, không thấy mình làm như vậy là xúc phạm đến Chúa.
Ở đây cần xác định rằng trong nhiều trường hợp, bị cấm rước lễ là bị một chế tài hay một hình phạt. Và vì đó là hình phạt thì có thể được tha giảm bởi Đấng Bản Quyền (Đức Giám Mục Giáo phận, cha Tổng Đại diện, cha Đại Diện Giám Mục), theo quy tắc của điều 1355 và 1356.
4. Việc Đấng Bản Quyền cho phép rước lễ nghịch với luật Giáo Hội như vậy có sai lạc không?
Như đã phân tích theo nguyên tắc của luật nên việc tha giảm hình phạt không có gì là nghịch với Giáo Luật. Nếu cho phép người ý thức mình phạm tội trọng rước lễ, thì nghịch với luật Giáo Hội, vì để sự xúc phạm đến Chúa xảy ra, vì nó đi trái với thần học luân lý. Còn việc tha giảm sự chế tài theo nguyên tắc của luật, trong khi trong tâm hồn phạm nhân không thấy mình có tội trọng, là không có gì sai lạc.
Vấn đề là phải cân nhắc là việc tha giảm hình phạt như vậy có gây ra những tai hại khác không, như gây gương mù gương xấu, coi thường sự bất khả phân ly của hôn nhân… Tuy nhiên khi cân nhắc như vậy Đấng Bản Quyền cũng không quên rằng có những tai hại khác lớn hơn, như dễ gây ra tình trạng sống xa Giáo Hội, tách biệt khỏi Giáo Hội và cũng không quên rằng rằng Giáo Hội là người Mẹ nhân từ cũng là vị thẩm phán nhân từ.
5. Việc miễn giảm chế tài như thế nào phù hợp?
Đó là tùy theo sự phân định của Đấng Bản Quyền. Ngài có thể không miễn giảm hay cho miễn giảm với quy định là được rước lễ một số lần hạn chế trong một năm, ví dụ chỉ cho được rước lễ 3 lần trong một năm trong dịp lễ Giáng Sinh, Phục Sinh, ngày con cái được xưng tội, rước lễ lần đầu, hoặc nhiều hơn là vào các ngày lễ trọng của Chúa hay Đức Mẹ…
Để vẫn dung hòa với kỷ luật của Giáo Hội đang hiệu lực, Đấng Bản Quyền không nên tha giảm nhiều mà không hạn chế. Việc tha giảm nay có thể coi như là ban một ân xá hay một đặc ân vì lợi ích các linh hồn.
6. Việc cho được rước lễ như vậy phải theo hình thức luật nào?
Đấng Bản Quyền không được ra một sắc lệnh chung (decretum generale) vì nó có nghĩa như ra một luật chung, áp dụng phổ quát cho nhiều người, trái với luật Hội Thánh. Tuy nhiên ngài có thể ra một phúc đáp hay phúc chiếu để ban ơn tha giảm cho từng người xin. Đó là một hành vi hành chính riêng biệt, cho từng cá nhân một chứ không ra một luật riêng của Giáo Hội địa phương. Một cách đơn giản hơn, là ngài ký nhận chấp thuận cho rước lễ một số lần nào đó ở phần cuối đơn xin của phạm nhân.
Lm. JB. Lê Ngọc Dũng
—————————————————————————————————————–
Vấn nạn cho phép rước lễ đối với người Công giáo ly dị và tái hôn dân sự
Đã từ lâu, vấn nạn cho phép rước lễ đối với người Công giáo ly dị và tái hôn (CGLD&TH) được đem ra bàn thảo rất nhiều lần. Kết quả là, đã có không ít những quan điểm khác nhau, thậm chí có lúc đối lập nhau. Dựa trên bài viết của Nicholas J. Healy, JR với tựa đề: “The Merciful Gift Of Indissolubility And The Question Of Pastoral Care For Civilly Divorced And Remarried Catholics”, cũng như một vài tài liệu của Huấn Quyền và của các Đức Thánh Cha, người viết sẽ cố gắng làm sáng tỏ vấn nạn này.
Vì hôn nhân Công Giáo liên hệ đến đời sống đức tin, thế nên trước tiên, chúng ta cần phải hiểu được bản chất của hôn nhân Công giáo, để từ đó chúng ta mới có thể hiểu được mối liên hệ của hôn nhân với Bí Tích Thánh Thể. Theo truyền thống từ thời Hội Thánh sơ khai, hôn nhân Công giáo đã được xác định là hôn nhân trong Chúa (x.1Cr 7, 39). Bởi thế, hôn nhân này sẽ có những ý nghĩa như là sự triển nở ân sủng của Bí Tích Rửa Tội, đồng thời là dấu chỉ tình yêu của Đức Kitô với Hội Thánh (x.Ep 5,21-33). Về sau, thánh Augustinô đã triển khai rõ ràng hơn, khi ngài nhìn nhận hôn nhân Kitô giáo có ba sự tốt: Proles (việc sinh con), Fides (sự chung thủy), Sacramentum (tính bất khả phân ly)[1]. Đến thời Công Đồng Trento, Hội Thánh tiếp tục khẳng định về tính bất khả phân ly (x. DS 1797-1800), và không chấp nhận ly dị [x. DS 1801-1812]. Chính vì bản chất đặc thù của hôn nhân Công giáo, nên Giáo Luật năm 1917 đã ra vạ tuyệt thông cho những người CGLD&TH (x.GL năm 1917, 2356). Điều này hàm ý họ không được phép rước lễ.
Tuy nhiên, kể từ sau Công Đồng Vatican II, mối bận tâm mục vụ cho những người CGLD&TH ngày càng lớn, đặc biệt là mối quan tâm đến vấn đề được phép rước lễ. Vì thế đã có nhiều hướng giải quyết khác nhau nổi lên. Thứ nhất, có một số thần học gia chủ trương xét lại các nguyên tắc nền tảng của hôn nhân Công giáo. Chẳng hạn, Bernard Haring, Edward Schillebeeckx, Charles Curran, Richard McCormick, Theodore Mackin đề nghị bỏ đi khái niệm “tính bất khả phân ly” vì cho rằng hôn nhân trước đó không còn tồn tại nữa. Hơn nữa, họ còn dựa vào Hiến Chế Mục Vụ Gaudium et Spes cho rằng tình yêu là yếu tính của hôn nhân [x. GE 48], nhưng khi tình yêu đó không còn thì hôn nhân đó cũng không thể tồn tại. Khi chấp nhận quan điểm này, thì người CGLD&TH không còn bị coi là mắc ngăn trở nữa, và họ có thể được phép rước lễ. Thứ hai, Walter Kasper và Karl Lehmann cũng như một số vị thần học gia khác đề nghị triển khai theo hướng khoan dung (oikonomia), vốn được thực hành ở bên Chính Thống Giáo. Cụ thể, người CGLD&TH có thể được rước lễ với các điều kiện cụ thể như sau: (1) có sự thống hối về những lỗi lầm mắc phải trong cuộc hôn nhân đầu tiên; (2) cuộc hôn nhân đầu tiên không thể hàn gắn được nữa; (3) cuộc hôn nhân thứ hai đã có hôn thú dân sự, và được xem như là một sự cần thiết để nuôi dạy con cái. Thứ ba, có những người lại chủ trương giảm nhẹ hơn nữa khi chỉ đề cập đến việc ăn năn về những lỗi lầm gây đổ vỡ cuộc hôn nhân đầu tiên thuộc về tòa trong (vì không thể chứng minh được tính vô hiệu của cuộc hôn nhân đầu tiên ở tòa ngoài). Sau đó họ có thể được rước lễ. Ngoài ra, nhà thần học Kasper còn đưa ra đề nghị khác nữa là xét lại tính hiệu lực của hôn nhân dựa trên đức tin. Theo ngài, vào thời điểm đám cưới của đôi hôn phối, họ đã không thực sự tin vào mầu nhiệm Chúa Kitô, thì linh mục được trao trách nhiệm có thể tuyên bố cuộc hôn nhân là vô hiệu. Hệ quả là họ sẽ không còn mắc ngăn trở nữa, nên họ cũng có thể được rước lễ. Tất cả các đề nghị thần học vừa nêu, mặc dù có vẻ rất hấp dẫn để giúp ích việc mục vụ, nhưng cũng còn bộc lộ không ít những giới hạn (ví dụ, không quan tâm đến hệ lụy của ly dị, giảm nhẹ tính bất khả phân ly, làm mất đi tính dấu chỉ tình yêu của Chúa Kitô và Hội Thánh, tách biệt giữa đức tin và ý hướng lập hôn ước,..).
Giáo Huấn hiện nay vẫn nhấn mạnh đến tính duy nhất, bất khả phân ly và tính chung thủy (x.GLHTCG 1643-1649). Vì lý do đó, trong Tông Huấn Familiaris Consortio, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II khẳng định Hội Thánh vẫn không công nhận cuộc hôn nhân mới (của người ly dị) là thành sự, nếu như cuộc hôn nhân đầu đã thành sự rồi. Không những thế, ngài còn khẳng định những người ấy còn không được rước lễ bao lâu còn sống trong tình trạng này (x. FC, 84). Tiếp sau đó, trong Tông Huấn Sacramentum Caritatis, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI tái khẳng định: “Không thể cho những người đã ly dị tái hôn được lãnh nhận các Bí tích, chỉ vì tình trạng và điều kiện của họ nghịch lại cách khách quan sự liên hệ tình yêu giữa Đức Kitô và Hội Thánh, điều được biểu lộ và hiện thực trong Bí tích Thánh Thể” (SC, 29). Nhìn chung, tất cả những giáo huấn này là những nguyên tắc phổ quát và đúng đắn. Do đó, trong Tông Huấn Amoris Laetitia, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc nhở rằng: “…đừng bao giờ làm cho người ta nghĩ rằng mình muốn giảm thiểu các giá trị của Tin Mừng” (x. AL, 301).
Điều quan trọng thứ hai khi bàn về vấn nạn cho người CGLD&TH rước lễ đó là cần phải giải trừ những quan niệm sai lầm. Trong tác phẩm Muối Cho Đời[2], Đức Hồng y Joseph Ratzinger đã khẳng định những người CGLD&TH không phải không còn tư cách thành viên của Hội Thánh. Thực sự, họ chỉ là những người đang ở trong một tình trạng đặt biệt nên không thể rước lễ. Điều này gây cho họ một nỗi khổ tâm lớn. Nỗi khổ tâm ấy càng trở nên nặng nề hơn khi chính họ coi việc rước lễ như là một nghi thức xã hội mà nếu mình không tham dự thì sẽ bị bẽ mặt. Không những thế, có những người lại quan niệm việc không được rước lễ cũng minh nhiên gắn liền với việc không được chúc phúc, khi trong Thánh lễ linh mục đọc câu “…phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa”. Lý giải cho hai mối bận tâm này, Đức Hồng y Ratzinger giải thích như sau: nếu người ta nhận thức được và tự nhủ rằng, tôi đã phạm một lỗi lầm, nên trong hoàn cảnh hiện tại tôi không thể lên rước lễ, thì người ta sẽ có cái nhìn khác. Khi ấy, người ta lại là những chứng nhân cho tính chất đặc biệt của hôn nhân Công giáo. Còn về lời mời chúc phúc mà vị linh mục đọc lên, lời ấy có ý ám chỉ đến một bữa tiệc cánh chung, với hình ảnh biểu trưng là Bí Tích Thánh Thể. Câu nói ấy là lời mời gọi chất vấn lương tâm mọi người, là những kẻ đang hướng về bữa tiệc đời đời. Vì thế, khi người CGLD&TH không được rước lễ không có nghĩa họ là người vô phúc, hay là những kẻ bị loại trừ khỏi bữa tiệc ấy. Trái lại, biết đâu, những người CGLD&TH đã chịu khổ đau nên có thể được tiếp nhận nồng hậu hơn nơi bữa tiệc ấy.
Bên cạnh đó, cũng cần phải cho những người CGLD&TH thấy được rằng, hình thức hiệp thông Thánh Thể không phải là hình thức tuyệt đối duy nhất (mặc dù Bí Tích Thánh Thể là cao trọng nhất), nhưng còn có nhiều hình thức khác để sống mầu nhiệm hiệp thông trong Hội Thánh. Cụ thể, họ có thể lắng nghe Lời Chúa, tham dự Hy tế Thánh lễ, kiên trì cầu nguyện, góp phần vào việc bác ái và các việc phục vụ công bằng của cộng đoàn, giáo dục con cái trong đức tin Kitô giáo, sống tinh thần thống hối và làm các việc đền tội. Khi làm như thế họ vẫn có thể lãnh nhận các ân sủng của Thiên Chúa (x. FC, 84).
Nói tóm lại, các nguyên tắc căn bản của hôn nhân Ki-tô giáo là không thay đổi. Tuy nhiên, vẫn có một khoảng cách rất lớn giữa nguyên tắc căn bản, và những hoàn cảnh đặc thù của từng cá nhân. Bởi thế, Đức Thánh Cha Phanxicô đề nghị cần phải có sự đồng hành và phân định cá vị đối với từng người CGLD&TH, để từ đó có những ứng xử thích hợp với từng tình huống (x. AL, 241-246 và 300-305). Bên cạnh đó, Ngài cũng cho thấy rằng vết thương sâu nhất của ngày hôm nay là cuộc khủng hoảng trong đức tin, cảm nhận sự vắng bóng Thiên Chúa, và mất đi sự tin tưởng vào sự tốt lành của trật tự tạo dựng. Vì thế, theo thiển ý của người viết, điều cần thiết Hội Thánh phải làm lúc này là hãy để ý đến những “vết thương” của người CGLD&TH đang đối diện nhằm chữa lành cho họ, hơn là thắc mắc về các nguyên tắc và đi tìm những câu trả lời dễ dãi (Yes/ No) – có được phép rước lễ hay không đối với người CGLD&TH, như nhiều người đã phản ứng sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô ban hành Tông Huấn Amoris Laetitia [3].
Nguyễn Văn Chí, S.J.
—————————————–
[1] Quan điểm của thánh Augustinô xem trong G. Mathon, Le mariage des chrétiens, Paris, 1993, tome I, tr 107-125.
[2] Tác phẩm ghi lại cuộc đối thoại giữa Đức Hồng y Joseph Ratzinger đã trao đổi với ký giả Peter Seewald, được đăng trên trang http://lamhong.org/muoi-cho-doi-hong-y-joseph-ratzinger-dgh-benedicto-xvi.
[3] Xem http://www.vietcatholic.net/News/Html/239464.htm