Lm. Giuse Cao Gia An, S.J.
Theo Đức Ki-tô là một chuyến hành trình tuyệt đẹp. Trong các sách Tin Mừng, chúng ta gặp nhiều câu chuyện đẹp về hành trình theo Đức Kitô của nhiều nhân vật khác nhau. Câu chuyện người mù thành Giê-ri-khô, được kể trong Tin Mừng Mác-cô 10,46-52, là một gương mẫu điển hình về hành trình rất đẹp của một người theo Chúa. Câu chuyện ẩn chứa nhiều bài học quý giá cho một người sống đời dâng hiến. Rất nhiều chi tiết nhỏ trong trình thuật này đáng để chúng ta suy niệm và học hỏi.
- Bartime, tên và người
Trong bất cứ văn hóa nào, việc đặc tên đều có một ý nghĩa đặc biệt. Cái tên thường nói lên ước mơ của bố mẹ dành cho con cái. Cái tên mang theo những kỳ vọng về tương lai. Tên là người.
Trong văn hoá Kinh Thánh, mỗi cái tên đều cưu mang một sứ điệp. Tên của anh mù được kể lại trong Tin Mừng Mác-cô là Bartime. Đây là một tên ghép. Bar là một từ tiếng A-ram, có nghĩa là “con”. Time là từ có gốc Hy-lạp (Τιμάω), có nghĩa là kính trọng, tôn kính, tôn vinh. Như thế, Bartime có nghĩa là đứa con đáng được tôn vinh, tôn trọng, tôn kính. Cùng với cái tên ấy, hẳn phải có nhiều mong đợi và kỳ vọng được đặt vào cuộc đời này.
Thế nhưng bài Tin Mừng Mác-cô mở đầu bằng một khung cảnh khiến người ta phải ngạc nhiên. Có gì đó sai sai giữa cái tên Bartime và thân phận của người mang tên ấy.
Anh Bartime được kể trong Tin Mừng là ai? Là một người mù. Trước giây phút được gặp Đức Giêsu, anh ta làm gì và đang sống cuộc sống nào? Anh ta là một người hành khất. Tư thế của anh ta là “ngồi”. Chỗ của anh ta là “bên vệ đường”, ở “ngoài thành phố” (Mc 10,46).
Một người mù là một người khiếm khuyết về thể lý. Có một khoảng cách giữa anh ta và thế giới bên ngoài. Có một khoảng cách giữa anh ta và Đức Giêsu. Khoảng cách ấy, tự bản thân mình anh ta chẳng thể thu ngắn lại được.
Tư thế ngồi là tư thế diễn tả một cuộc sống thụ động với ít nhiều bất lực. Anh ta không làm chủ cuộc đời của mình được. Anh ta không tự đứng trên đôi chân của mình được. Bằng tư thế ngồi, anh chỉ chiếm một vị trí rất thấp trong xã hội. Đáng chú ý hơn, chỗ anh ta ngồi là ở thành Giê-ri-khô, một thành phố nằm bên bờ biển Chết, nằm dưới mực nước biển chừng 300m, là nơi thấp nhất trên hành tinh này.
Thêm vào đó, chỗ ngồi của anh ta là “bên vệ đường”. Anh ta chỉ là kẻ bên lề. Có một khoảng cách giữa anh với chính xã hội mà anh đang sống. Không chỉ vậy, chỗ ấy còn ở bên ngoài thành (Mc 10,46). Không chỉ là kẻ bên lề, anh còn là kẻ bên ngoài. Không có chỗ cho anh trong những vui nhộn và no ấm trong thành Giê-ri-khô. Không có chỗ cho anh giữa lòng xã hội mà anh đang sống.
Những chi tiết nho nhỏ như thế cho thấy bức tranh của bài Tin Mừng khởi đầu bằng một nghịch lý. Ấy là nghịch lý giữa tên và người, giữa ước mơ đặt vào cuộc đời một con người và thực tế cuộc sống mà người ấy đang sống. Được mong đợi là người con mang lại danh giá, được tôn vinh, được trọng vọng, anh Bartime lại đang sống một cuộc đời với ít nhiều tủi hổ. Trước khi gặp được Đức Giêsu, anh đã không được sống cuộc đời mà mình muốn sống. Anh không có cơ hội để thực hiện những ước mơ và kỳ vọng đặt vào cuộc đời mình.
- Tiếng kêu của người mù
Thế nhưng vẫn có điều gì đó thật đẹp nơi con người tàn mà không phế này. Đâu đó thâm sâu trong cõi lòng của anh, chừng như vẫn tiềm tàng khát vọng được sống và được cứu. Dòng đời có thể xa lạ với anh, nhưng anh thì không xa lạ với dòng đời. Anh vẫn mở rộng đôi tai của mình để nghe, để dõi theo từng biến chuyển của cuộc sống, để chờ đợi ngày vận mệnh của mình được thay đổi.
Ngày ấy đến khi anh nghe nói về Đức Giêsu Na-gia-rét. Vậy là anh kêu lên.
“Kêu lên” nghĩa là gì? Là để cho tiếng nói của lòng mình được vang lên, được nghe thấy. Từ một kẻ bên lề và bên ngoài, anh bước vào bên trong và giữa lòng cuộc sống bằng tiếng kêu của mình. Anh thoát ra khỏi cái kiểu sống như một người vô hình. Anh để cho tình trạng của mình được nhìn thấy. Đây là một bước đột phá. Bởi từ “nghe nói” đến “kêu lên” là cả một chuyến hành trình dài. Nghe nói là thụ động, còn kêu lên là chủ động. Những gì anh mù nghe nói chỉ nằm ở mức độ thông tin từ bên ngoài, còn những gì anh kêu lên phát xuất từ xác tín bên trong.
Trong tiếng kêu của anh Bartime, người ta nhìn thấy gì? Một gã mù tội nghiệp ngồi ăn xin bên vệ đường! Chúng ta không nên quên rằng não trạng Do-thái thời ấy vốn tin rằng bệnh hoạn tật nguyền về thể lý là hậu quả tất yếu của tội. Khi anh mù kêu lên, điều mà người ta nhìn thấy không chỉ là một kẻ mù loà tội nghiệp nhưng còn là một tội nhân đáng thương. Hoặc anh hoặc cha mẹ của anh đã phải làm điều gì đó tội lỗi sai trái thì anh mới phải gánh chịu hậu quả mù loà như thế!
Thường thường, một người mang trong mình mặc cảm bệnh tật và mặc cảm tội lỗi sẽ làm gì? Sẽ rút lui vào thinh lặng. Sẽ che giấu. Sẽ thu mình lại để những người chung quanh không nhìn thấy cái xấu cái dở của mình… Nhưng anh mù Bartime thì khác. Anh đi ngược lại với những cái “thường thường” ấy. Anh không che cái xấu của mình. Anh dám đặt mình ra trước ánh sáng, dưới mắt của nhiều người khác, dưới ánh mắt của Đức Giêsu. Anh dám tin Chúa có thể chữa lành cho mình. Anh dám tin vào lòng thương xót của Chúa. Anh ý thức được tình trạng bất lực của mình, như một người đã rơi xuống lũng bùn cần có một bàn tay thương xót nào đó từ bên ngoài kéo anh lên. Anh kêu lên để xin được cứu vớt. Cả khi tiếng kêu ấy bị người ta tìm cách dập tắt, anh vẫn không từ bỏ niềm hy vọng của mình. Anh tiếp tục gọi tên Đức Giêsu con Vua Đavít, mỗi lúc một to hơn và cấp thiết hơn. Anh bám víu vào đó như là cứu cánh duy nhất và quý giá nhất cho đời anh. Anh kêu xin lòng xương xót của Đức Giêsu.
Khi được Đức Giêsu hỏi: “Anh muốn tôi làm gì cho anh?”, anh mù trả lời: “Xin cho tôi được nhìn thấy” (Mc 10,51). Bản văn Hylạp của câu này dùng động từ ἀναβλέπω. Động từ này không chỉ có nghĩa là “nhìn thấy”, nhưng đúng hơn là “nhìn thấy lại”, “lại được nhìn thấy”. Như thế lời của anh mù phải được hiểu là “xin cho tôi lại được nhìn thấy”, theo nghĩa là xin trả lại ánh sáng cho tôi, xin phục hồi cho tôi ánh sáng mà tôi đã đánh mất… Điều này có nghĩa rằng anh không phải là một người mù từ khi mới sinh. Anh đã được sinh ra với ánh sáng của riêng mình. Với hanh trình sống của mình, vào một ngày nào đó, vì một lý do nào đó, anh đánh mất đi ánh sáng ấy. Khát vọng của anh mù là khát vọng được phục hồi, được sống thật là mình, được sống trọn vẹn với những gì mình được tạo dựng và được phú bẩm cho mình.
Như thế, tiếng kêu của anh mù là tiếng kêu bật lên từ niềm tin và niềm hy vọng. Đó là niềm tin rằng được Đức Giêsu con Vua Đavít ghé mắt đoái thương, cuộc sống của mình có thể trở nên khác. Ấy là niềm tin rằng tương lai của mình có thể tốt hơn hiện tại rất nhiều. Ấy là niềm hy vọng bất chấp hoàn cảnh khốn cùng và bế tắc của hiện tại.
- Theo Đức Giê-su
Cuộc đời mới của anh mù Bartime bắt đầu từ khi nào? Từ chính trong ước mơ của lòng anh. Từ chính trong cái sức bật mà anh vẫn nuôi dưỡng trong tim mình. Anh biến tất cả những thao thức ấy thành hành động. Tin Mừng Mác-cô kể rằng, khi được gọi, anh mù thực hiện một loạt ba động tác: “vứt áo choàng, đứng phắt dậy, và đến gần Đức Giêsu” (Mc 10,50). Cả ba động tác đều giàu tính biểu tượng và đầy ắp ý nghĩa. Anh bước vào một cuộc đời mới trên hành trình theo Đức Ki-tô.
Nghe tiếng Đức Giêsu gọi mình, việc đầu tiên anh mù làm là vứt bỏ tấm áo choàng. Với một người hành khất mù, tấm áo choàng có thể vừa là người bạn đồng hành vừa là gia sản quý giá nhất. Tấm áo che chở trong những ngày nắng và ủ ấm vào những đêm lạnh. Trong văn hoá Kinh Thánh, tấm áo choàng là biểu tượng cho căn tính đặc biệt của một con người.[1] Vì thế, việc vứt bỏ tấm áo choàng lại phía sau là một hành động can đảm và đầy dứt khoát của người mù. Được Đức Giêsu gọi, anh bỏ lại phía sau trọn vẹn căn tính và con người cũ. Anh bỏ lại tất cả những gì mình có và mình là để bước về phía Đấng đã gọi mình.
Sau khi “vứt tấm áo choàng”, anh mù “đứng phắt dậy”. Động từ được sử dụng, ἀνίστημι, là một thuật ngữ đặc biệt, thường xuyên được sử dụng trong bối cảnh nói về sự Phục Sinh của Đức Giê-su (x. Mc 16,9; Mt 14,41; Lc 24,7; Ga 20,9). Đứng dậy cũng có nghĩa là sống lại. Tiếng gọi của Đức Giêsu nâng anh lên cao, gỡ anh ra khỏi vũng đời thấp hèn và tù đọng. Từ bỏ tư thế “ngồi” từ bấy lâu nay của mình, anh mù dứt khoát đứng dậy, cho đời mình một tư thế mới, bước vào một cuộc sống mới.
“Đứng phắt dậy” rồi, anh mù “đến gần Đức Giêsu”. Làm sao anh đến gần Đức Giêsu được? Đừng quên rằng lúc này anh vẫn còn là một người mù. Thánh Mác-cô không kể rằng có ai hướng dẫn anh. Là anh phải tự đi trên đôi chân của mình. Là anh phải dùng tất cả khả năng định hướng để tìm về với Đấng đã gọi mình. Không phải là sáng mắt rồi, thì anh mới bước đi. Ngược lại, anh dám bước đi ngay trong lúc mắt mình hãy còn mù tối. Không phải là anh thấy rõ đường rồi thì mới đi, đúng hơn anh đi rồi thì đường mới rõ ra. Cứ sau mỗi bước chân đi, anh càng đến gần hơn với điều mình muốn đến. Mỗi bước chân đưa anh đến gần hơn với ánh sáng của đời mình. Sau mỗi bước chân “đến gần Đức Giêsu”, vận mệnh cuộc đời của anh thay đổi.
Đến với Đức Giêsu, anh mù Bartime nhận lại ánh sáng của cuộc đời mình. Đồng thời anh cũng nhận được từ Người lệnh truyền “hãy đi!”. Vậy là anh đi. Đi đâu? “Đi theo Đức Giêsu trên con đường Người đi” (Mc 10,52). Được ơn chữa lành, nhận lại ánh sáng của đời mình, anh Bartime không còn sống cuộc đời cũ của mình nữa. Cuộc đời mới của anh bây giờ được định hướng hoàn toàn bởi việc theo Đức Giêsu. Anh cũng không còn bước đi trên con đường riêng của mình nữa. Con đường của anh bây giờ là đường mà Đức Giêsu đi. Ấy là con đường hướng về thành thánh Giê-ru-sa-lem.
- Đức Giêsu, kẻ đi tìm
Trong câu chuyện chữa lành người mù Bartime, rất nhiều chi tiết tập trung vào anh mù. Anh là người nghe thấy người ta nói về Đức Giêsu. Anh là người lên tiếng trước, chủ động kêu xin được chữa lành. Anh kêu lần thứ nhất, Đức Giêusu có vẻ như không nghe. Anh phải kêu đến lần thứ hai, bất chấp phản ứng của đám đông và dư luận. Anh là người đứng dậy tiến về phía Đức Giêsu. Anh là người chọn cho mình con đường mới, bước theo Đức Giêsu. Có vẻ như anh là người hoàn toàn chủ động và là nhân vật chính của câu chuyện.
Nhưng ai mới thật sự là nhân vật chính? Ai mới thật sự là kẻ đi tìm? Nếu câu chuyện đổi đời của anh Bartime được xem là một câu chuyện về ơn gọi, ai là người đi bước trước trong câu chuyện ơn gọi ấy?
Cách kể chuyện khéo léo của thánh sử Mác-cô ở khởi đầu để lại một dấu hiệu nhỏ, mời người đọc chú tâm và suy niệm xa hơn. Trong câu thứ nhất, thánh Mác-cô kể rằng “Đức Giêsu và các môn đệ đến thành Giê-ri-khô”. Nhưng ngay liền sau đó, câu thứ hai lại tường thuật: “Đức Giêsu cùng với các môn đệ và một đám đông ra khỏi thành Giê-ri-khô” (Mc 10,56). Tại sao tác giả lại kể chuyện Đức Giêsu vừa vào thành, rồi lại ra thành ngay? Tại sao không tường thuật chuyện gì Đức Giêsu đã làm trong thành? Tại sao Đức Giêsu mới đến Giê-ri-khô, không làm gì trong thành thì đã ra ngoài thành? Trong mạch văn của câu chuyện, câu trả lời chỉ có thể là thế này: bởi vì trong câu chuyện này điều Đức Giêsu muốn đi tìm không nằm ở trong thành phố. Người mà Đức Giêsu muốn tìm đang ở ngoài thành, ngồi một chỗ rất thấp bên vệ đường, đang kêu xin lòng xót thương. Đức Giêsu là kẻ đi tìm, dù cách đi tìm của Người đầy tế nhị và kín đáo. Người để cho anh Bartime có cơ hội bày tỏ lòng tin của mình trước mặt mọi người. Người thinh lặng để cho tiếng kêu của anh mù được vang lên. Người cứ bước đi, cho anh thêm cơ hội để khẳng định lòng tin của mình. Khi tất cả mọi người đều muốn đẩy anh mù ra xa, chính Người kéo anh lại gần. Khi mọi người chỉ muốn dập tắt tiếng kêu của một người mù tội nghiệp, chính Người dừng lại, tiếp tục cho anh mù có cơ hội lên tiếng. Giữa nguyên một đám đông ồn ào hỗn tạp, Người lên tiếng gọi anh như thể anh là độc nhất, là quý nhất, là quan trọng nhất. Chính Người chữa lành và trao cho anh Bartime một cuộc đời mới. Thật ra, chính Đức Giêsu mới là kẻ đi tìm. Chính người mới là nhân vật chính trong toàn bộ câu chuyện về ơn gọi của anh Bartime. Chính Người cho anh có cơ hội theo Người trên con đường Người đi.
Kết luận
Sống đời sống ơn gọi dâng hiến, ai cũng có ánh sáng của riêng mình. Ai cũng mang nơi mình rất nhiều hoài bão tốt đẹp. Có rất nhiều kỳ vọng và mong đợi mà nhiều người khác đặt vào chúng ta. Ai cũng mong ánh sáng của một người sống đời dâng hiến có thể chiếu giãi trước mặt thiên hạ. Nhưng rồi có thể có một giai đoạn nào đó trên hành trình của mình, bỗng dưng chúng ta gặp lại mình như anh mù Bartime. Chúng ta đánh mất ánh sáng của riêng mình. Chúng ta bị mắc kẹt trong vũng đời tù đọng của mình. Chúng ta như người bước đi trong mù tối chẳng biết đâu là lối ra. Có khi chúng ta xấu hổ với chính hiện tại của đời mình.
Nhưng đó không phải là kết thúc. Đúng hơn, đó chỉ mới là khởi đầu. Hành trình bước theo Đức Kitô là hành trình liên tục cộng tác với ân sủng của Thiên Chúa để làm mới lại đời mình. Ở nơi mà mỗi người chúng ta có thể bị mắc kẹt, chìm vào trong mù tối, đánh mất phẩm vị của đời mình… Thiên Chúa của chúng ta vẫn là một Thiên Chúa dủ lòng thương xót. Đức Giêsu vẫn luôn là một kẻ đi tìm. Người cần đến chúng ta cộng tác trên hành trình sống ơn gọi của mỗi người. Người cần chúng ta không bao giờ từ bỏ những khát vọng và hoài bão tốt lành. Người cần chúng ta đủ niềm tin và hy vọng vào tương lai. Người cần chúng ta đủ khôn ngoan để vứt bỏ những tấm áo choàng cũ kỹ vốn đã từ lâu phủ trùm trên đời mình, đủ can đảm để đứng dậy ở nơi vốn đã kéo mình ngồi lì từ rất lâu, đủ yêu mến để bước về phía trước theo tiếng của Đấng đã gọi mình.
Trên hành trình bước theo Đức Ki-tô, ai cũng có thể sống tâm tình lời nguyện của anh mù Bartime
(Cầu nguyện với Mc 10,46-52)
Lạy Chúa
con là kẻ hành khất, ngồi bên vệ đường
bên rìa của đám đông, bên lề của cuộc sống.
Ngày lại ngày, dòng đời cứ trôi qua
con như một kẻ lạ, một người xa
cứ đợi chờ trong cô đơn mòn mỏi.
Chợt một ngày con nghe có tiếng bước chân
làm lòng con rung lên bao bồi hồi khó tả
những nỗi niềm không thể gọi thành tên.
Con không thấy và con không biết
càng không thể gọi tên những bước chân
càng lúc càng đến gần bên con
sắp sửa băng ngang qua đời con…
Nhưng con cảm nghiệm và xác tín được
đó là những bước chân định mệnh,
có thể làm thay đổi trọn vẹn cuộc đời mình.
Thế là con đi theo thôi thúc
từ trong sâu thẳm cõi lòng mình
và con đã kêu lên.
Lạy Chúa Giêsu, con vua Đa-vít,
tạ ơn Chúa đã dủ lòng xót thương con.
Tạ ơn Chúa đã dừng lại, ghé mắt nhìn đến con.
Chúa đợi chờ con, và cho con cơ hội đến gần Chúa.
Vất lại sau lưng tấm áo choàng
là an toàn duy nhất đã từ lâu con bám víu,
bỏ lại vị trí của một kẻ bên lề,
bằng khả năng định hướng của một người còn mù tối,
con đứng phắt dậy và lao mình về phía Chúa.
Vậy là Chúa trả lại cho con ánh sáng của cuộc đời,
vậy là Chúa kéo con ra khỏi đêm tối.
Vậy là Chúa cho con được bước đi với Chúa,
trên con đường mà Chúa đang đi…
Tạ ơn Chúa đã đến bên con,
tưởng như tình cờ, nhưng là định mệnh.
Tạ ơn Chúa đã cho con sống lại
để con được biết Chúa và được bước theo Chúa.
Trích tuyển tập lời nguyện “Lạy Chúa, Con Đây” (Lời nguyện số 140) – Cao Gia An, S.J.
[1] Chẳng hạn: khi muốn bày tỏ tình yêu đặc biệt của mình dành cho Giu-se, Gia-cóp tặng cho con mình một tấm áo choàng. Quà tặng ấy khiến các anh em của Giu-se ghanh tỵ và nổi khùng lên, vì quà tặng ấy như một khẳng định minh nhiên về sự trổi vượt trong phẩm vị của Giu-se trước tất cả các anh em (St 37,3). Hay một thí dụ khác: khi gọi Ê-li-sê làm ngôn sứ, Ê-lia chỉ cần đi ngang qua và thảy tấm áo choàng của mình lên người được gọi mà không cần phải nói gì. Ngay lập tức Ê-li-sa hiểu điều Ê-lia muốn nói, và đón nhận tấm áo choàng như là biểu tượng của một căn tính mới được khoát lên cho mình (1V 19,19).
Bình luận