Có một tác giả đã nói : “Thinh lặng là một trạng thái của tâm hồn không hề gợn sóng và khi đó ta đang lắng nghe, đang đắm mình trong một không gian bình an, tĩnh tại, phẳng lặng và dịu êm.
Thinh lặng cũng giống như nốt nặng của một bản nhạc giúp ta nghe rõ hơn nốt trước và nốt sau đó và cũng như dấu phẩy trong một bài văn, giúp người đọc hiểu trọn vẹn hơn ý nghĩa của bài viết. Nhưng chúng ta cũng cần phân biệt thinh lặng và im lặng. Thinh lặng khác với im lặng.
Ta có thể im lặng bởi vì ta không thèm nói và cũng có thể im lặng vì ta đang tức giận đến tột độ hoặc đau khổ đến không thốt lên lời. Hiện nay chúng ta đang sống trong môi trường Tập viện nhưng trước khi đến đây, mỗi chị em đều được sinh ra ở nhiều môi trường khác nhau, nên đôi khi trong sinh hoạt thường nhật có thể vô tình hay cố ý mà chúng ta đụng chạm hoặc cọ sát đến nhau. Vậy nếu mỗi chị em chúng ta chưa đủ trưởng thành để đón nhận và chấp nhận nhau thì sẽ thế nào ? Có thể sẽ rơi vào tình trạng này đó là giữ im lặng không nói gì !
Nhưng thực ra lúc này, lúc mà chúng ta giữ im lặng đó lại là lúc chúng ta đang nói nhiều nhất. Richard Foster, tác giả cuốn sách “kỷ luật” đã viết rằng : “Hoa trái của sự thinh lặng là : một sự tế nhị ngày một gia tăng và sự cảm thông đối với người khác. Thêm vào đó, có một sự dễ dàng đi tìm gặp người khác. Có một sự chú ý mới để đáp ứng nhu cầu của tha nhân và có một sự đáp trả mới đối với trái tim của họ”
Quả thế, chính trong sự thinh lặng mà ta khám phá ra được nhiều phương cách sáng tạo để đi tới với những người kém may mắn hơn tôi. Và đây cũng không phải là điều gì đáng gây nên ngạc nhiên khi chúng ta không nhớ rằng sự thinh lặng trước Thiên Chúa không có can dự gì đến sự việc chúng ta phải làm cho trí óc của chúng ta ra trống rỗng. Sự thinh lặng thực sự trước mặt Thiên Chúa đó chính là sự chú ý tập chung để lắng nghe. Tình yêu của người có một ngôn ngữ rất độc đáo, rất hùng biện, rất huy hoàng, như cảnh rạng đông, như buổi hoàng hôn. Và một điều kỳ diệu hơn nữa, đó là đặc ân Người ban cho chúng ta được phục vụ Người.
Khi nói về thinh lặng có vẻ như cũng hấp dẫn, nhưng nhiều người trong chúng ta không khỏi cảm thấy thật khó để có thể nghe theo lời mời gọi của Thiên Chúa mà thực hành thinh lặng để nhận ra Người là Thiên Chúa. Trong cuộc sống thường ngày. Chúng ta sử dụng ngôn ngữ để nói và nói rất nhiều. Dĩ nhiên là chúng ta cũng phải để tai nghe người khác nói và thực tế chúng ta thấy rằng nghe thì quan trọng hơn nói. Vì ai cũng có thể nói nhưng không phải ai cũng có thể lắng nghe và muốn nghe được phải tập từ bỏ và cố gắng. Có một tác giả tên là Wiliam Subart, ông bị liệt phải nằm trên giường và ông chỉ có thể nhìn đời qua cửa sổ ; nhìn cảnh vật … và ông lại là một nhà thơ. Ông đã viết trong tập nhật ký của mình nhan đề “Nhật ký của một người đang chết”. Ông gửi gắm nỗi niềm tâm sự của mình như sau:
“Thinh lặng có lẽ là tiếng Alleluia vĩ đại nhất
Thinh lặng là mặt trời, là vì sao, là cây, là hoa.
Nhưng thinh lặng thôi chưa đủ. Còn có biết bao bài ca của trái đất này hòa nhịp với gió, với âm thanh của thác nước, với tiếng ca của các loài chim, với tiếng rống của các con thú, với tiếng ồn ào của nhân loại”. Ngày nay có vẻ như rất nhiều người sợ sự thinh lặng và cố gắng lấp đầy sự thinh lặng bằng các tiếng động, nghe nhạc, bằng sự giao tiếp… Nói, nói cái gì cũng được, miễn là nói… Nhưng ngược lại nếu chúng ta muốn nghe thì chúng ta phải im lặng. Cuộc sống đạo đức mà mọi người chúng ta đều được mời gọi để sống cho dù đang ở trong môi trường nào ! Đó là cuộc sống : Nói ít nghe nhiều và làm nhiều. Chúa Giêsu đã nhiều lần nói trước dân chúng, nhiều người đã chỉ nghe thấy tiếng Ngài nói chứ không chú ý nghe điều Ngài nói. Thường tình thì chúng ta cũng chỉ ưa nghe những điều làm chúng ta vui mà thích thú, còn những điều trái ý thì thấy thật khó để đón nhận và lắng nghe. Vì thế trong thời điểm này sự thinh lặng lại có vị thế hết sức quan trọng và cần thiết vì thinh lặng bên ngoài có thể giúp làm dịu xúc cảm bên trong. Nói một cách chính xác hơn, khi mình không có được thỏa thuận với một người nào đó, họ liên tục làm mình khó chịu, thì việc không nói có thể giúp mình sửa đổi quan điểm của mình đối với họ. Trong trường hợp này, thinh lặng là một kỷ luật, nhằm tạo một thái độ cho bên trong. Điều này không đến tự mình. Nhưng kỷ luật từ bên ngoài có thể giúp chúng ta thay đổi một vài điều bên trong.
- Thinh lặng, con đường để tìm hiểu mình
Thinh lặng là con đường mà qua đó ta tìm hiểu được chính mình. Thường thường, chính chúng ta cũng ngạc nhiên thấy mình tự chạy trốn mình và không thích ở một mình, chúng ta lại thích có một cái gì đó để làm. Khi còn tập tu ở dòng khổ tu, Ernesto Cardenal, một đệ tử của Thomas Merton, kể kinh nghiệm như sau : “Con người thời buổi này khó mà ở một mình. Đi sâu vào chính con người mình là điều gần như không thể được. Nhưng nếu phải bắt buộc diện đối diện với chính mình trong một căn phòng thinh lặng, để chỉ một mình với Chúa.”
Im lặng không chỉ có nghĩa là không nói gì, nhưng là để tránh mọi khả năng lẩn tránh, để có thể chịu đựng được con người thật của mình. Trong mỗi chúng ta đôi khi không những chỉ từ bỏ các buổi nói chuyện mà còn từ bỏ luôn các công việc làm cho ta xa con người thật của mình. Trong thinh lặng, bắt buộc chúng ta phải có mặt với chính mình. Mỗi chúng ta ai đã từng trải qua chuyện này thì thấy đây không phải là một chuyện dễ làm. Lúc đó đầu óc đầy cả những tâm tư tình cảm, xúc cảm, cảm tưởng, sợ hãi, chán nản. Các ước muốn và các ước nguyện hiện đến, các cơn giận dữ chôn giấu bùng ra, những dịp may bỏ qua, những lời nói vụng về hay bỏ quên được nhớ lại. Thường thường những giây phút thinh lặng đầu tiên cho chúng ta thấy một nội tâm xáo trộn. Qua sự thinh lặng chúng ta mới có thể thực sự lắng nghe để thấu hiểu người khác như chính họ và giúp chính bản thân ta bước vào những mối tương quan khác bền vững hơn. “Pauld Xardel đã nói : Người ta sẽ tin bạn không phải vì bạn nói nhiều nhưng vì bạn biết thinh lặng để lắng nghe”.
Chúa Giêsu cũng luôn hiện diện cách trọn vẹn trong thinh lặng và chờ đợi chúng ta trong thinh lặng. Chính trong thinh lặng chúng ta sẽ gặp được Người và Người sẽ nói với tâm hồn chúng ta. Tuy nhiên để có thể lắng nghe tiếng Chúa nói, chúng ta cần có tâm hồn trong sạch để cớn Chúa, phải thành tâm ăn năn sám hối và trở lại với Người.
Với Chúa Giêsu cầu nguyện trong thinh lặng là làm mới lại sức năng động của Ngài và của Tin mừng Ngài rao giảng. “Từ sáng sớm Ngài đã ra nơi hoang vắng mà cầu nguyện, chiều đến Ngài lên núi một mình mà cầu nguyện”. Vậy hoạt động và thinh lặng khác nhau nhưng không xung khắc nhau, thực tế nó luôn bổ xung cho nhau. Môi trường có thể giúp cho chúng ta thinh lặng nhưng thực sự nó không quyết định thinh lặng cho chúng ta.
Khi nhìn ra thế giới ta thấy, công nghệ hiện đại giúp con người trong môi trường sống trở nên gần gũi với nhau như trong một ngôi làng và người ta có thể huyên thuyên, trò chuyện với nhau như thể đang gần nhau. Tuy nhiên nó cũng có nguy cơ phá tan ngôi nhà nội tâm của mỗi người bởi sự hối hả của nó, khiến ta không đủ thời gian để thinh lặng để cảm nhận mối tương quan mà mình đang có và có thể những người ngồi cạnh nhau nhưng lại không gần nhau.
- Thinh lặng trong đời sống thánh hiến
Là nữ tu được thánh hiến cho Thiên Chúa qua Hội dòng, chúng ta đã đáp lại lời mời gọi của Chúa, theo Chúa, sống với Chúa. Nếu chúng ta muốn làm chứng cho Chúa nơi môi trường mình đang sống, nơi mà luôn đòi hỏi bản thân ta phải ở trong trạng thái sẵn sàng phục vụ, luôn tỏ ra thông cảm, hiểu biết chúng ta cần thinh lặng thì khi đó chúng ta mới ra đi với mọi người bằng trái tim, thân xác của ta được. Sự thinh lặng giúp tâm hồn ta tĩnh lặng, điềm đạm, tự chủ, quân bình, biết chắt lọc những âm thanh cần thiết giữa bao tiếng ồn ào của cuộc sống “Hồn con, con vẫn trước sau. Giữ cho thinh lặng giữ sao thanh bình. Như trẻ thơ nép mình long mẹ. Trong con hồn lặng lẽ an vui” (TV 131). Đoạn thánh vịnh này đề cao tâm hồn biết thinh lặng. Chúng ta còn có thể tìm thấy đề tài này với những kinh nghiệm sâu sắc được các tác giả thánh viết ra như (Hc 20, 1. 5-7) (Cn 17, 23).
Để kết hợp ngày một thân mật, trọn vẹn với Chúa, không gì hơn là dành thời gian cho nguyện gẫm trong thinh lặng và hồi tâm để nhìn lại cõi lòng mình. Vì thế, sự cô tịch vắng vẻ trong tâm hồn là điều kiện để tâm hồn sống đời thiêng liêng. Nó giúp loại khỏi ta những gì không qui hướng về Chúa. Thánh Biển Đức cũng đã nói trong cuốn “Ngôi nhà nội tâm” rằng : “Nhờ thinh lặng, cô tịch, chiêm niệm, nhờ việc vượt thắng những rộn ràng xao động của thế giới bên ngoài và nhờ việc tập sống với chính mình chúng ta mới có thể có được một cuộc sống liên lỉ đối thoại với chính mình và với Thiên Chúa đó chính là điều giúp ta đạt đến đỉnh hoàn thiện. Chúng ta vào Dòng không ngoài mục đích dấn thân phục vụ. Một tu sĩ có đời sống cầu nguyện hay không hệ tại ở việc cầu nguyện lâu giờ, hoặc xuất hiện nhiều trên nhà nguyện nhưng có thể nói qua công việc, tâm tình khi làm. Bởi vì lời cầu nguyện đích thực sẽ thúc đẩy chúng ta sống tinh thần phục vụ.
Chúa Giêsu là “siêu người mẫu” trong cuộc đời người thánh hiến
- Chúa Giêsu mẫu gương thinh lặng
và “thinh lặng” là điểm nổi bật trong cuộc đời của Ngài. Trong 3 năm giảng dạy, Người luôn tìm dịp để giữ tương giao với Chúa Cha trong thinh lặng : Ban ngày giảng dạy, ban đêm cầu nguyện (x. Lc 6, 12). Khi đi rao giảng Ngài cũng dùng thinh lặng như một phương thế hữu hiệu. Khi dân chúng rầm rầm, rộ rộ muốn tôn Chúa lên làm vua, Ngài lặng lẽ lánh xa họ (x. Ga 6, 14-15). Sự thinh lặng bao trùm cả cuộc đời Đức Giêsu. Ngay cả khi chết sự thinh lặng trên thập giá trở thánh ánh sáng mới chiếu soi cho nhân loại.
Trong mỗi người chúng ta đều có một nơi mà ở đó thinh lặng ngự trị trọn vẹn, gạt bỏ hết các tư tưởng ồn ào, âu lo, ước muốn… đó là nơi chính chúng ta cũng biết rõ. Không cần phải thiết lập, nó đã có sẵn, chỉ bị che khuất bởi các tư tưởng và âu lo, nếu chúng ta dọn sạch nơi này chúng ta sẽ gặp được Chúa. Tâm hồn trống rỗng trước mặt Người. Hãy để Thiên Chúa lấp đầy những khoảng trống đó bằng ân sủng và bình an của lòng thương xót.
Maria Lê Thị Nguyệt Hv