Chiếc xe lam đã chất đầy người và hàng hóa. Bác tài xế chờ anh lơ xe sau khi đã thu tiền hành khách xong xuôi thì bắt đầu nổ máy. Tiếng máy chạy bằng xăng pha dầu nổ ầm ĩ và nhả ra phía sau đám khói mịt mù bốc lên mùi hăng hăng khét lẹt thật khó chịu. Thảo mong cho xe chạy mau để không khí có thể lọt vào thay thế mùi khó ngửi này. Từ hơn hai tháng nay, cô là khách hàng quen thuộc của chuyến xe lam nối liền phố chợ về tới ấp Chánh, nhà cô. Thảo đang học lớp 12, vì ngôi trường bé nhỏ vùng quê của Thảo không đủ học sinh, buộc lòng cô phải chuyển lên trường trên thành phố, cách nhà hơn mười cây số. Mỗi ngày hai lượt, sáng Thảo đạp xe đi học, buổi trưa tan trường lại đạp xe về. Trời nắng, Thảo không muốn đạp xe nên cô và chiếc xe đạp đã trở thành khách hàng quen thuộc của bác tài xe lam trên đoạn đường từ trường về đến ngã ba Bầu. Khi xuống bến, cô chỉ việc thong thả đạp xe thêm khoảng một cây số nữa là về đến nhà. Nhờ vậy, Thảo cảm thấy khỏe hơn, đoạn đường đi học cũng như được rút ngắn hơn. Thêm vào đó, đi xe lam buổi trưa, cô còn được nghe nhiều câu chuyện xảy ra hàng ngày của các bà, các cô buôn gánh bán bưng. Dù vậy, thỉnh thoảng cô cũng được nghe chen ngang giữa mấy câu chuyện đời thường là những chuyện cãi nhau hay đánh ghen của mấy bà ngoài chợ. Len lỏi giữa những chiếc giỏ xách và những bộ quần áo lam lũ là Thảo, cô nữ sinh với bộ áo dài trắng quần đen ngay ngắn, hai tay ôm cặp để trên đùi ngồi lọt thỏm nhỏ xíu. Đi riết rồi gần như quen mặt nhau, hôm nào gần đến giờ xe chạy mà chưa thấy đủ mặt là mọi người lại có ý ngóng đợi, bác tài xế cũng chần chừ chờ thêm vài phút nữa rồi mới chịu nổ máy.
Trên chuyến xe hôm nay, như thường lệ, có mười người chia nhau ngồi vào băng ghế hai bên. Khi xe sắp chạy, đột nhiên, một bác dáng điệu tất bật như sực nhớ ra còn điều gì chưa làm, vội vàng xuống xe sau khi đòi anh lơ trả tiền lại. Bác tài xế còn nấn ná chờ chớ khách làm Thảo sốt ruột, cô mong được về nhà sớm, hôm nay cô không được khỏe mà bài tập thầy cho về nhà lại rất nhiều nữa…
Một chiếc xe đạp trờ tới rồi ngừng lại; anh lơ xe nhanh nhảu:
–Đi xe không anh hai? Anh hai về đâu?
Người thanh niên xuống xe đạp, anh lơ xe nhanh nhẹn trèo lên mui. Xe đạp của Thảo đã để trên mui xe lam từ trước. Vì cô sẽ xuống trước người thanh niên nọ nên anh lơ xe phải bỏ xe của cô xuống, xếp lại quang gánh trên mui, để xe của người thanh niên lên trước rồi sau cùng mới là xe của Thảo. Bấy nhiêu việc cũng mất thêm gần mười phút. Vì bác lúc nãy ngồi kế bên Thảo đã xuống xe nên có một khoảng trống, thế là người thanh niên lên xe và thay vào chỗ ấy. Thảo cảm thấy vui mừng khi xe bắt đầu lăn bánh, cô đang mong chờ làn gió sẽ thổi tan đi mùi hơi người, mùi xăng nồng nồng và cả cái oi bức của buổi ban trưa. Cùng lúc ấy, chàng thanh niên bắt đầu lục trong túi áo, lấy ra một bao thuốc lá và hộp diêm quẹt, anh lấy tay gõ gõ lên bao thuốc, lấy ra một điếu gắn lên miệng và cong bàn tay lại đánh một cây diêm mồi thuốc. Thảo cảm thấy như bị nghẹt thở, vì cô ngồi phía ngoài nên làn khói theo chiều gió bay ngược tới tấp vào mặt mũi cô. Được một lát, nhịn không nổi nữa, Thảo lấy tay bóp mũi mình lại, dù biết rằng hành động như vậy là không được hay lắm. Gần hết điếu thuốc, chàng trai mới quay mặt lại và cái nhìn đầu tiên là thấy hai ngón tay của Thảo đang bóp chặt mũi.
– Ôi chao, cô bé không sao chớ? Mới tan học về phải không? Xin lỗi nha, nhưng mà em phải tập cho quen đi mới được.
Thảo im lặng. Một bác đứng tuổi ngồi đối diện, dáng vẻ nhà nông, lên tiếng:
– Cháu gái à, mai mốt lấy chồng, nó hút thuốc tối ngày, cháu phải chịu thôi.
– Dạ, nhưng cháu sẽ không lấy chồng.
– Hì hì … Cả bác nông dân và người thanh niên hút thuốc cùng cười.
– Cô bé nói dễ thương quá, nhưng mà thôi, vì cô bé, tôi sẽ không hút thuốc trong xe nữa.
– Cảm ơn.
Kể từ đó, Thảo gặp người thanh niên ấy đều đều, lần nào anh cũng cười thật tươi và gật đầu chào Thảo, riết cũng thành quen. Tan học, ra tới bến xe là Thảo lại thắc mắc không biết ông hút thuốc đã về hay chưa? Một hôm khi Thảo xuống xe ở ngã ba Bầu như thường lệ, người thanh niên đó cũng xuống theo. Thảo cứ lờ đi và nghĩ chắc anh ta có việc gì ở đây nên ghé lại. Thảo đón lấy xe đạp của mình, bỏ cặp sách vào chiếc giỏ xe phía trước ghi-đông và leo lên, từ từ đạp xe về nhà. Con đường nhỏ buổi trưa vắng hoe, mọi người đều đã nghỉ ngơi tránh nắng hoặc đang ăn cơm với gia đình. Đâu đó vọng ra từ sau mấy cánh cửa không đóng là tiếng cải lương buổi trưa quen thuộc. Bỗng có tiếng gọi từ phía sau và một người trờ tới, Thảo quay nghiêng và nhận ra chính là người thanh niên hút thuốc đi chung xe. Anh ta đến gần và lên tiếng:
– Chào cô bé! Quen biết đã lâu mà chưa được biết tên. Cô bé tên chi vậy? Nhà cô bé ở đâu? Có thể mời tôi đến chơi được không? Cô bé học trường nào mà đi xa quá vậy? Nay học lớp mấy rồi?
Mặc kệ anh ta cứ nêu ra những thắc mắc với một ngàn lẻ một câu hỏi, Thảo cứ im lặng đạp xe.
– Tội nghiệp tôi quá, tôi hỏi hoài mà cô bé không thèm nghe, thiệt tình! Tôi là người đàng hoàng mà cô.
Tới lúc này Thảo đành phải lấy hết can đảm lên tiếng:
– Dạ thưa, tui có nghe ông hỏi, nhưng mà mấy câu ông hỏi tui không nhất thiết phải trả lời. Tui tên chi kệ tui, tui đi học trường nào cũng kệ tui. Nhà tui thì ở cuối con đường, trước nhà có cổng ra vào, có cửa sổ đón gió mát. Ba má tui hiền lắm, nhưng nhà tui có con chó rất dữ tợn. Má tui cho tui tiếp đãi bạn bè ở nhà nhưng tất cả đều là bạn học cùng trang lứa với tui. Nếu mời ông về nhà chơi, má ngó thấy ông … lớn như vầy má tưởng tui kết nghĩa chú cháu với ông … Thôi ông ngừng lại đi, đừng theo tui nữa, tui sắp tới nhà rồi.
– Trời, sao cô bé làm một hơi vậy. Thôi tôi đi về.
Anh thanh niên ngừng xe và trở đầu trở lại, mặt buồn hiu. Trời ơi, mình bảnh bao như vầy mà bị cô bé chê già. Nhìn tới nhìn lui , cô bé chỉ khoảng 17 tuổi, còn anh, mở sổ ra tính cũng chỉ tới con số 28 thôi. Cô bé ác quá à, cho anh lên tới chức chú. Mấy tháng nay tuần nào cũng gặp cô, tuy chưa được nói chuyện gì với nhau nhưng anh cảm thấy có cái gì đó mến mến, lưu luyến lắm. Anh là nhân viên bưu điện, được nhà nước cho đi học bổ túc nghiệp vụ. Anh có người bà con ở đây, nên dù có hơi xa, anh cũng không ngại đến đây ở tạm trong thời gian học. Vì thế anh đã tình cờ gặp cô và làm bạn đồng hành suốt hơn tháng qua. Vậy mà tới giờ vẫn chưa biết được cô tên gì. Nghĩ lại mà cứ thấy ấm ức, anh là người trước giờ không sợ khó, không lẽ lần này anh rút lui khi vừa lâm trận? “Thương em mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua”. Đã biết vậy thì, anh nghĩ, có sá gì đâu con chó dữ mà lui bước?
Mình hỏi cô bé tên chi nhưng cô bé im lặng không trả lời, vậy thôi từ nay mình cứ gọi cô bé là cô Chi vậy. Địa chỉ cô bé đưa ra cũng quá rõ ràng. Này nhé, nhà có cái cổng ngoài rồi mới tới cửa ra vào; có cửa sổ và nằm ở trên đường, vậy thì mình cứ thế mà tìm thôi!
Ngày lại ngày trôi qua, anh vẫn gặp cô đều đều. Anh rút kinh nghiệm rồi, mọi việc phải từ từ mới có hiệu quả. Bây giờ cô bé đã thấy dễ chịu hơn với anh rồi, gặp anh từ xa cô đã cười:
– Chào ông, ông tan sở đó hả?
– Chào Chi, hôm nay đi học vui không?
Anh còn nhớ rõ chuyến xe cận tết năm đó. Trên xe chật kín người và hàng hóa. Anh xoay xở giữa một bên là cô bé còn một bên là gánh hoa cúc vàng đầy ắp. Dù có nhẹ nhàng đến mấy thì khi xe chạy xóc, những cánh hoa vẫn ngả nghiêng đưa đẩy và gẫy gập. Anh khều cô và nói nhỏ vào tai cô:
-Có mấy cái bông bị gãy kìa, để tôi lén bẻ tặng em nhé.
Cô tròn mắt nhìn anh, anh nheo mắt nhìn cô cười cười. Tới ngã ba, cô và anh cùng xuống xe. Đã từ lâu anh bắt chước cô xuống xe ở chỗ này rồi đạp xe theo cô, chừng cô quẹo vào ngõ nhà thì anh đạp xe đi thẳng. Như thế, anh phải đạp xe nhiều hơn lúc trước mà không hiểu sao anh không thấy mệt mỏi chút nào cả. Bữa đó, khi hai người bắt đầu đạp xe về nhà, anh thả nhẹ vào giỏ xe của cô mấy bông cúc vàng rực rỡ. Cô tinh nghịch chọc anh:
– Hên cho ông đó, rủi mà người ta thấy ông bẻ bông, người ta bắt đền ông phải mua nguyên gánh đó.
– Vậy thì tôi sẽ gánh nguyên gánh bông tới nhà em ăn tết. Hay là, tết này em cho phép tôi tới thăm nhà, chúc tết ba má nha.
– Không được đâu, tui còn chưa biết tên ông.
– Tưởng gì, tôi tên Khanh. Vậy giờ tôi được phép tới nhà chưa?
– Ba má mà thấy ông tới chúc tết, dám tưởng ông là thầy giáo của tui đó.
– Sao từ chối tôi hoài vậy, người gì mà ác quá à.
Đang vui, tự nhiên mặt Thảo bí xị như sắp khóc, anh biết anh đã lỡ lời, vội vàng lắp bắp:
– Xin lỗi em, tôi … anh … anh không cố tình nói vậy đâu, đừng buồn nha.
– Tui … em còn nhỏ, nên không dám quen biết với người lớn, có vậy thôi, chứ đâu có ác độc gì đâu!
– Anh biết rồi, xin lỗi mà, đừng nữa giận nha.
– Thôi để từ từ khi nào em hết sợ người lớn thì anh mới tới nhà thăm em nha.
– Vậy cũng được.
Nhìn vào đôi mắt long lanh vui trở lại của Thảo, anh thấy mùa xuân như ở đâu đây thật rộn ràng…
Hôm nay tan học Thảo mong được gặp anh hết sức. Thấy anh từ xa Thảo mừng rỡ vẫy tay rồi nhường chỗ cho anh cùng ngồi.
– Chào anh Khanh, em nói anh nghe chuyện này, em sắp cùng gia đình đi xa lắm. Ngày mốt em có
bữa tiệc nhỏ thết đãi bạn bè, em mời anh ghé nhà em chơi nha.
-Vậy à.
Vậy là cuối cùng Thảo cũng đã mời anh đến nhà chơi. Nhưng sao lòng anh buồn quá, vì có thể lời mời này là lần đầu mà cũng là lần cuối. Thảo vừa mới nói đó, cô sắp đi xa…
-Mà nè, sao anh cứ gọi em là Chi, em không phải tên Chi, em tên Thảo.
Buổi tối hôm đó, nhà Thảo thật nhộn nhịp, bạn bè cười nói ồn ào. Thảo vui cùng với các bạn mà quên hẳn đi rằng Khanh chưa tới hay là Khanh sẽ không tới. Mãi đến lúc tiệc đã tàn, Thảo tiễn các bạn ra cổng. Khi người bạn cuối cùng đã lui gót, Thảo mới nhìn thấy Khanh. Cô reo lên:
– Kìa anh Khanh, anh có tới hả, sao anh đến trễ vậy, tiệc vừa mới xong nè.
– Anh đến từ lâu, đứng ở ngoài sân nhìn Thảo và các bạn vui chơi ở trong đó.
– Sao anh không vào nhà vậy?
– Thôi Thảo à, đứng ở đây anh có thể nhìn thấy hết được nét hồn nhiên của em, anh sợ vào đó sẽ làm không khí mất vui.
– Trời ơi, sao anh lại nghĩ vậy!?
…
– Thảo nè!
– Dạ.
– Thảo sắp đi rồi, anh không có gì tặng cho em, anh chỉ có lời cầu chúc, mong em được bình an và may mắn trong cuộc đời, để mãi mãi em được vui tươi hồn nhiên như bây giờ, em nhé. Em biết không, nhìn thấy em hôm nay, anh cứ hối tiếc mãi, anh tiếc rằng anh đã lớn, để không còn được hồn nhiên như em, làm người lớn buồn lắm.
– Em và các bạn lại luôn mong cho mình mau lớn để có thể làm những gì mình thích.
– Làm người lớn có những điều thật khó nói, Thảo ạ.
– Anh cứ nói đi, đừng ngại!
– Không, ngày mai em đi rồi, anh nghĩ có nói gì thì cũng đã quá trễ…
– Anh ở lại mạnh giỏi, giữ gìn sức khỏe, đừng hút thuốc nữa nha.
– Anh cũng muốn lắm, nhưng mà khó bỏ quá!
Nhiều năm đã trôi qua, anh đã từ bỏ được thói quen hút thuốc. Giờ đây, mái tóc trên đầu đã lẫn lộn hai màu đen trắng. Kể từ buổi tối hôm đó, anh không gặp Thảo lần nào nữa. Cô ra đi nhẹ nhàng cũng như khi xuất hiện trong cuộc đời anh. Bây giờ Thảo ra sao, không biết có còn hồn nhiên, thơ ngây như ngày nào anh gặp gỡ. Bây giờ, anh đã dọn về ở hẳn nơi chốn thị thành hoa lệ. Thành phố từ lâu đã không rồi vắng bóng những chuyến xe lam. Mỗi năm khi xuân về tết đến, dù có bận rộn đến đâu, anh cũng cố thu xếp để về chốn cũ thăm lại người bà con. Về đó, có đôi lần, anh may mắn bắt gặp một chiếc xe lam chạy qua, nhưng giờ đây, nó không còn chở người nữa, chỉ có hàng hóa mà thôi. Mỗi lần như thế, mắt anh lại hoa lên, như hiện ra trước mắt anh là những đoá hoa cúc vàng ngày xuân và ánh mắt trong veo như nước hồ thu của Thảo năm nào…
Phong Trần.