Lễ Cầu Hồn: BÀI ĐỌC I: Kn 3, 1-9; Rm 5, 5-11; Ga 6:37-40
(Kinh Tiền Tụng 1, Lễ Cầu Hồn)
Những ngày này, chúng ta sống mầu nhiệm “các thánh thông công” một cách sâu đậm. Hôm qua chúng ta hướng lên trời cao để tôn vinh, mừng kính và khẩn cầu toàn thể các thánh trên trời, thì hôm nay chúng ta hướng tới các linh hồn đã nỗ lực sống thánh và nay cần được thanh luyện để trở thành thánh. Chúng ta được các thánh khích lệ và nâng đỡ trong đường nên thánh và được mời gọi giúp ích cho các linh hồn được đạt tới sự viên mãn thánh thiện qua những việc hy sinh, lời cầu nguyện và nhất là thánh lễ chúng ta cử hành.
Hằng năm chúng ta có Tháng Cầu Hồn, nhất là tuần lễ 8 ngày đầu của tháng 11, cách riêng là 02/11, để cầu nguyện cách đặc biệt cho các linh hồn. Nghĩa cử này rất phong phú ý nghĩa vì vừa thể hiện lòng hiếu thảo với người quá cố, vừa tuyên xưng niềm tin vào sự sống đời sau, vừa diễn tả sự hiệp thông trong Hội Thánh.
1. Đượm tình hiếu nghĩa
Các Kitô hữu thường bị mang tiếng là “theo đạo bỏ ông bà!”. Thực ra, lòng hiếu nghĩa chỉ được bày tỏ theo một cung cách khác mà thôi. Những dịp đầu tháng 11 hoặc đầu tết âm lịch, chúng ta thấy nghĩa trang người tín hữu tấp nập người thăm kẻ viếng. Hội Thánh khuyến khích các tín hữu viếng nghĩa địa, bằng việc ban ơn đại xá trong 8 ngày đầu của tháng 11 và ban ơn tiểu xá vào các ngày khác cho ai thăm viếng nghĩa địa và đọc kinh cầu cho các linh hồn. Trong 14 mối thương người, chúng ta cũng thấy các mối thứ bảy là: “chôn xác kẻ chết” và “cầu cho kẻ sống và kẻ chết”.
Như vậy, việc cử hành ngày lễ cầu hồn giúp chúng ta thể hiện tình hiếu nghĩa với người đã ra đi trước chúng ta. Tình yêu, lòng quý trọng và biết ơn của chúng ta không bao giờ thay đổi. Chúng ta xa mặt nhưng không cách lòng. Tình yêu mến lớn hơn sự chết. Chúng ta bày tỏ tấm lòng hiếu nghĩa bằng lời kinh, tiếng nguyện, thánh lễ, hy sinh, việc lành phúc đức… Đối với các ngài, giờ này vật chất đã vô nghĩa, chỉ cần quà tặng thiêng liêng là các việc lành phúc đức chúng ta làm mà thôi…
Trần gian là quán trọ, thiên đàng mới là quê hương. Chính vì thế, người tín hữu đối diện với cái chết một cách thanh thản, vì hiểu rằng, sự chết chỉ là “cửa ngõ” bước vào cõi sống vĩnh hằng. Chúng ta xác tín điều đó, vì chính Đức Kitô đã vượt qua cõi tạm bằng cuộc chiến thắng vĩnh viễn đối với tử thần. Gắn bó với Chúa Giêsu, chúng ta cũng được tham phần vào cuộc chiến thắng vĩ đại của Ngài.
Truyền thống thường phân biệt Giáo hội lữ hành (chiến đấu) với Giáo hội thiên quốc (chiến thắng) và Giáo hội thanh luyện (thay tẩy). Việc các tín hữu tôn kính các thánh và cầu nguyện cho các linh hồn diễn ta mầu nhiệm hiệp thông giữa “các thánh” (communio sanctorum). Giữa chúng ta và các ngài vẫn có một sự “thông công”, nghĩa là “thông truyền những của cải thiêng liêng” cho nhau (LG 49; x. GLHTCG, 948-962).
Hội Thánh tin và dạy rằng: “tất cả các Kitô hữu hiệp thông với nhau: những người đang lữ hành ở trần thế, những người đã qua đời và đang hoàn tất việc thanh luyện, các thánh trên trời. Tất cả hợp thành một Hội Thánh duy nhất. Và chúng tôi tin rằng nhờ sự hiệp thông đó, Thiên Chúa từ bi nhân hậu và các thánh luôn lắng nghe lời cầu xin của chúng tôi” (SDF 30; GLHTCG, 962).
***
Hôm nay, chúng ta tràn đầy tin tưởng và hy vọng hướng về các linh hồn. Với lòng yêu mến và biết ơn, hiếu thảo và bác ái, chúng ta dâng hy tế cứu độ qua Thánh Lễ, cùng với các việc hy sinh cầu nguyện và các việc lành phúc đức. Chúng ta ước mong những “của cải thiêng liêng” ấy cũng với kho tàng ân sủng qua các ân xá mà Giáo hội trao ban, Chúa sẽ giải thoát các ngài mà cho hưởng ánh sáng ngàn thu.
Đồng thời, tưởng nhớ đến những người đã khuất cũng là dịp chúng ta suy nghĩ đến cùng đích của đời mình. Thế trần mau qua, thiên đàng vĩnh cửu. Chúng ta sẽ đi về đâu nếu giờ này Chúa gọi chúng ta? Nếu được nhắn nhủ một lời với chúng ta, chắc các vị an nghỉ nơi đây cũng muốn nói với chúng ta rằng: hãy sẵn sàng, vì Chúa sắp đến.
Tác giả: Lm. Đaminh Trần Ngọc Đăng
Nguồn: https://gpbuichu.org