Tin mừng : Ga 1, 1 – 45
Trong đoạn Tin Mừng của Chúa Nhật V Mùa Chay năm A hôm nay, Thánh Gioan thuật lại nhiều chi tiết có vẻ như mâu thuẫn và đối lập. Đó không phải là điều nghi vấn trong câu nói của Matta với Chúa Giêsu: “Nếu Thầy có mặt ở đây thì em con không chết,” vì bà tin rằng Chúa Giêsu đã mở mắt người mù từ khi mới sinh, thì Người có thể làm cho Lazarô sống lại. Đó cũng không phải là cách nói của Chúa về Lazarô, trong khi mọi người đều biết là anh ta đã chết thì Chúa lại cho rằng “anh ấy đang ngủ.” Nhưng sự mâu thuẫn đáng chú ý ở đây chính là sự chần chừ của Chúa Giêsu khi Người được báo tin là Lazarô đã chết. Tại sao vậy? Vì đằng sau sự trì hoãn ấy của Chúa Giêsu chất chưa một tình yêu sâu đậm mà Người dành cho, không chỉ chị em nhà Matta, Maria, và Lazaro, mà còn dành cho Thiên Chúa Cha. Sở dĩ Người trì hoãn, vì Người biết việc Người sắp làm là tỏ lộ tình yêu và làm vinh danh Thiên Chúa.
Khi được báo tin là Lazarô đã chết, Chúa Giêsu “còn lưu lại hai ngày,” rồi Người mới đến chia buồn với chị em Matta và Maria. Theo lẽ thường tình thì khi yêu hoặc thương mến một ai đó, chúng ta tìm mọi cách để làm điều gì hữu ích luôn cho người ta thương mến khi người đó gặp chuyện buồn hoặc sự cố. Với lý luận ấy, chúng ta cũng thắc mắc về hành động ‘yêu’ lạ lùng khác với lẽ thường của Chúa Giêsu, khi nhận được tin Lazaro qua đời ở cái tuổi còn xuân xanh, thì Chúa Giêsu lại không vội vã lên đường ngay để chia buồn với gia đình của anh ấy, nhưng Người lại chần chừ. Phải chăng, hành động trì hoãn của Chúa Giêsu muốn nhắc nhở chúng ta rằng, khi yêu một người thì cần có một thời gian sâu lắng để hiểu nỗi đau với người ấy. Trước khi chạm tới cảm xúc của Matta và Maria, Chúa Giêsu đã đồng cảm với nỗi đau mất mát cùng hai chị em. Khi thấy Maria khóc, Chúa Giêsu cũng “thổn thức và xúc động” để đồng cảm và sẻ chia nỗi đau với hai chị em. Quả thật, Chúa Giêsu đã bộc lộ cảm xúc cảm thông sâu đậm, sự trọn vẹn trong tình yêu của một Thiên Chúa làm người.
Hay phải chăng, qua việc trì hoãn Chúa Giêsu cũng muốn nói rằng, Thầy chưa đi ngay vì “giờ Thầy chưa đến” như Người đã từng nói với Mẹ Người trong tiệc cưới Cana? Trên hết tình yêu cảm thông dành cho gia đình chị em nhà Matta là tình yêu trọn vẹn dành cho Thiên Chúa của Chúa Giêsu. Chính vì lẽ đó mà khi nghe tin Lazaro đang đau liệt, Chúa Giêsu đã nói, “Bệnh này không đến nỗi chết, nhưng để làm sáng danh Thiên Chúa và do đó Con Thiên Chúa sẽ được vinh hiển.” Sau đó, khi nghe tin Lazaro đã chết thì Chúa Giêsu đã chờ để Lazaro được an táng đủ bốn ngày, để khẳng định là Lazaro đã thực sự chết. Rồi, khi đến thăm và an ủi hai chị em Matta và Maria, Chúa Giêsu cũng không vội vã ra mộ của Lazaro để làm phép lạ cho ông chỗi dậy. Nhưng trước khi làm những việc ấy, Chúa Giêsu đã cầu nguyện với Chúa Cha cho việc Người sắp làm bằng lời tạ ơn: “Lạy Cha, Con cảm tạ Cha đã nhậm lời Con. Con biết Cha hằng nghe lời Con, nhưng Con nói lên vì những người đứng xung quanh đây, để họ tin rằng Cha đã sai Con.” Lời thân thưa thân mật của Chúa Giêsu diễn tả sự gắn kết sâu đậm tình Cha-Con và khẳng định một sự bền chặt Ý Chúa Cha trong ý Người, và Ý Người là Ý của Chúa Cha. Chúa Giêsu và Cha của Người trở nên một trong biến cố làm cho Lazarô sống lại và cho mục đích tối hậu là để con người tin rằng Người từ Chúa Cha mà đến.
Trước khi làm cho Lazarô sống lại, hành động ‘trì hoãn’ của Chúa Giêsu có ý nghĩ trọn vẹn của tình yêu. Qua sự chần chừ chưa đến với gia đình chị em nhà Matta ngay để chia buồn với họ, Chúa muốn biểu lộ sự cảm thông đến tận cùng nỗi mất mát của Matta và Maria dành cho Lazarô. Và trên hết một tình yêu của một Thiên Chúa làm người để cảm thông với con người, Chúa Giêsu biểu lộ sự kết hợp và nên một với Chúa Cha bằng tình yêu Cha-Con sâu đậm trong những kế hoạch Người sắp thực hiện. Vì tất cả ý Người muốn là để Thiên Chúa được tôn vinh.
Trong cuộc sống, chắc chắn có những lần vì tình cảm và những đau thương của bản thân, chúng ta vội vàng hành động mà không kịp suy xét. Sự vội vã của chúng ta, nhất là trong lúc nỗi đau đang dâng trào, có thể hiểu được, nhưng cũng chính sự vội vã ấy đôi khi làm cho chúng ta quên mất mục đích của tình yêu thương giữa con người với con người, để rồi chỉ vì tình yêu ích kỷ của gia đình hoặc cộng đoàn chúng ta, mà chúng ta lại làm tổn thương người khác. Sự trì hoãn và kìm nén nỗi đau thương của Chúa Giêsu để làm sáng danh Thiên Chúa Cha nhắc nhở chúng ta hãy tìm kiếm vinh danh Thiên Chúa trước hết trong mọi sự, ngay cả khi chúng ta phải đối diện với những đau thương mất mát trong cuộc đời. Để rồi qua việc tôn vinh và làm sáng danh Chúa thì mọi đau thương của chúng ta sẽ được hóa giải và nỗi buồn sẽ trở thành niềm vui phục sinh.
Maria Trần Nguyệt