Đức Giêsu hỏi: “Này bà, sao bà khóc? Bà tìm ai?”
Bà Maria tưởng là người làm vườn liền nói:“Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về” (Ga 20,15).
Mẩu thoại trên là cuộc nói chuyện giữa Đức Giêsu và Bà Maria Madalena đang khi bà này hốt hoảng vì không thấy xác Chúa khi đi viếng mộ. Bà không nhận ra Chúa vì tưởng là người làm vườn.
Trong cơn hốt hoảng, trong nước mắt của đau khổ, Maria tìm xác Chúa để rồi đã tìm được hơn những gì mong muốn, đó chính là Thầy Giêsu với cả xác hồn Phục sinh.
Ngày hôm nay, thiết nghĩ đây cũng là câu hỏi chung của tất cả những người thánh hiến, “chúng ta đang tìm ai và chúng ta đang tìm gì?”
Với cuộc sống tất bật, dòng đời đẩy đưa, hòa mình vào nhịp sống của công việc, chạy đua theo hiệu năng tông đồ, người thánh hiến dễ quên mất căn tính đời tu. Vậy để xác định rõ mục đích và hướng đi, mỗi người chúng ta phải tìm ra “chiếc la bàn cuộc đời” cho riêng mình.
Thật thế, trong niềm tin phục sinh chúng ta đã được nhận lãnh từ Hội thánh tông truyền, sẽ không như Macdala, chúng ta không đi tìm xác Thầy Giêsu. Nhưng những người thánh hiến được mời gọi đi tìm một con người Giêsu sống động giữa lòng đời và lòng người. Dẫu vậy, câu hỏi đặt ra tiếp theo là: “Chúng ta đang tìm gì trong Giêsu ấy?”
Một Giêsu với sự an thân, an nhàn và an toàn được bao bọc trong bốn bức tường, chẳng làm phiền đến ai và cũng chẳng bị ai làm phiền. Hãy xem bạn bè những bạn bè cùng trang lứa, ai ai cũng phải đua chen với cuộc sống, công việc, gia đình, chuyện cơm áo – gạo – tiền… Còn tôi, “trốn đời” trong bốn bức tường là khôn ngoan hơn chăng? Nếu suy nghĩ như thế, đời tu của chúng ta sẽ không khác gì một kiếp “tầm gửi” hoặc sinh vật phải sống nhờ vào chiếc vỏ sò, và cố nhiên chúng ta tự biến mình trở nên nhút nhát, cuộc sống của chúng ta đáng thương biết chừng nào.
Hay cách khác, với một dự phóng cao xa và sâu hơn chúng ta đi tìm Giêsu, thực hiện lý tưởng với mưu cầu tiến thân, sự tiến thân không chỉ dừng lại ở việc học cao hiểu rộng nhưng còn là uy thế, danh vọng, một địa vị, một chỗ đứng trong cả xã hội và Giáo hội. Vẫn còn nhớ hai anh em Giacôbê và Gioan xưa đã nhờ Mẹ mình đến xin Chúa cho được ngồi bên hữu và bên tả Chúa. Nhưng Chúa Giêsu đã trả lời:“Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em” (Mt 20, 26-27). Vậy tôi và bạn, chúng ta đang tìm gì nơi Giêsu, trong lý tưởng đời mình?
Giêsu – Thầy của chúng ta, dù là Người con duy nhất của Thiên Chúa Cha, nhưng vì yêu Người đã đi xuống đến tận cùng của sự khiêm nhường, của hy sinh để phục vụ.
Người đã mặc lấy kiếp phàm nhân, sống ba mươi năm âm thầm trong ngôi làng nghèo Nazaret và tiếp đó là ba năm rong ruổi khắp các hang cùng ngõ hẻm của Palestin trong hành trình rao giảng Tin mừng. Người làm như vậy, có lẽ không gì hơn là để chia sẻ với những buồn vui của kiếp người, để đồng lao cộng khổ với những khó khăn, để sống trong yêu thương, trong hy sinh hầu thi ân giáng phúc, đem mưa cứu rỗi đến cho mảnh đất nhân loại cằn khô. Điều đó được thể hiện trọn vẹn qua hy lễ Thánh giá.
Ôi Giêsu, phải chăng đó là tình yêu đích thực? Là sự hy sinh đến tận cùng của tình yêu.
Maria Macdala đã tìm xác Chúa trong nước mắt cuộc đời, với tâm hồn yên mến và tấm lòng hướng thiện nên đã được Chúa đền đáp hơn những gì ước mong.
Ngày hôm nay, Chúa mời gọi chúng con bước theo Người trong đời sống thánh hiến hầu phác họa lại cách chân thực chân dung của một vì Thiên Chúa là Tình yêu tuyệt đối. Lời mời gọi ấy luôn vang vọng giữa cuộc đời, giữa bao thách đố của thời đại, giữa bao cám dỗ ngọt ngào vẫy gọi, giữa bao toan tính của chuyện được mất, hơn thua, giữa sự yêu mình và hy sinh phục vụ.
Xin cho chúng con luôn ý thức rằng Thầy không đến để tìm sự an thân, càng không phải là sự tiến thân cho riêng mình. Vì chính Thầy đã là nguồn mạch Bình An và là tận cùng của sự Thiện hảo. Xin cho chúng con biết noi gương Thầy để trong hành trình đi tìm Chân – Thiện – Mỹ, chúng con biết xả thân, biết quên mình đi cho tha nhân, cho lý tưởng phục vụ ngõ hầu luôn hướng về Thầy là nguồn sống đích thực và ngày một trở nên “tấm gương trong” phản chiếu hình bóng Giêsu -Thầy Chí thánh cho nhân gian.
TT