Giáo hội công giáo chìm trong tình trạng hỗn loạn. Từ ngày 18 tháng 12 năm 2023, Rôma mở ra khả năng chúc phúc cho “các cặp” đồng tính đã tạo một cuộc khủng hoảng chưa từng có. Có những tòa giám mục từ chối áp dụng Fiducia supplicans, có những tòa giám mục khác đồng ý với Rôma.
Cộng đồng công giáo thường bị chia rẽ, thậm chí còn bị bị chia xé. Sự bất an bắt nguồn từ bản chất của quyết định nhưng cũng liên quan đến giáo hoàng muốn nó.
Hồng y Víctor Manuel Fernández, thần học gia Argentina bạn của Đức Phanxicô được bổ nhiệm làm bộ trưởng bộ Giáo lý Đức tin tháng 7 năm 2023, tác giả của “Tuyên bố”, ngày 4 tháng 1 ngài đã tìm cách dập lửa. Hồng y cho mỗi giám mục quyền chúc phúc hay không, điều này làm gỡ mìn nhưng lại bác bỏ bất kỳ thảo luận nào và yêu cầu vâng phục, hồng y làm tăng thêm căng thẳng.
Đặc biệt hồng y lập luận sự thoái từ này là do đồng tính bị hình sự hóa ở một số quốc gia, tạo nguy hiểm cho các cặp đang muốn chúc phúc. Ngài khuyến khích các giám mục đấu tranh để công nhận “phẩm giá” của những người đồng tính. Cơ bản ngài dứt khoát: “Rõ ràng là sẽ không có chỗ để tách Tuyên bố này ra khỏi học thuyết giáo lý xem nó là dị giáo, trái với Truyền thống của Giáo hội hoặc báng bổ.”
Nếu “việc chú ý đến văn hóa địa phương” có thể “chấp nhận các phương thức áp dụng khác nhau”, thì trong mọi trường hợp, việc này không thể đưa đến “sự phủ nhận hoàn toàn hoặc dứt khoát với con đường được đề xuất cho các linh mục”. Chủ đề này phải được xử lý “ngoài mọi hệ tư tưởng”.
Nhưng không vì thế mà ngăn các giám mục Phi châu ngày 11 tháng 1 xác nhận họ từ chối chúc phúc. Họ dựa trên giáo huấn của Giáo hội chứ không dựa trên những phạm trù của hồng y Fernandez xác định. Họ tái khẳng định “sự hiệp thông” của họ với giáo hoàng.
Ngược với mọi mong đợi, trong một chương trình trên truyền hình Ý ngày 14 tháng 1, Đức Phanxicô đã thừa nhận ngài “bị cô lập” trong vấn đề này. Ngài biện minh cho quyết định mở rộng chúc phúc của Giáo hội cho “tất cả mọi người”, không có chuyện ngài bỏ sự mở ra này.
Chủ đề này rất nhạy cảm vì trên hết nó ảnh hưởng đến những người đồng tính đáng tôn trọng. Cuộc tranh luận kết tinh nhiều yếu tố vào cuối triều Đức Phanxicô, năm nay ngài 87 tuổi. Sự kiện này xen vào giữa hai chu kỳ của Thượng hội đồng về tương lai Giáo hội. Kỳ họp tháng 10 năm 2023 đã qua và kỳ họp tháng 10 năm 2024 sẽ đến. Sự bất đồng này của một số giám mục chống lại Rôma đã đánh dấu lịch sử của triều giáo hoàng, để lại vị đắng cho nhiều người.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng này không thể bị cho là cuộc nổi dậy trong cung điện và nguy cơ xúi giục nổi loạn chống giáo hoàng. Nó không hoàn toàn mang tính giáo điều vì hồng y Fernandez nhất quyết phân biệt rõ ràng những phúc lành này với giáo lý về hôn nhân công giáo. Nó cũng không phải là một cuộc khủng hoảng danh tính. Đúng hơn, chúng ta nên nhìn theo hướng “khủng hoảng văn minh”.
Theo nghĩa nào? Được thành lập dựa trên những câu chuyện Phúc âm và Kinh thánh, Giáo hội công giáo bảo vệ quan điểm về xã hội mà cốt lõi là sự kết hợp duy nhất giữa một người nam và một người nữ, được kêu gọi để trở thành cha mẹ. Bây giờ Giáo hội chính thức thừa nhận và bổ sung vào tầm nhìn xã hội của mình một mô hình vợ chồng khả dĩ khác, đó là cặp đồng tính. Giáo Hội công nhận điều này với một phúc lành, chắc chắn là không chính thức, nhưng được xác định và đóng khung rõ ràng qua một tài liệu của cơ quan thần học cao nhất Giáo hội Rôma.
Cho đến lúc này, Giáo hội đã tránh đối đầu với chủ đề này bằng cách lặp lại giáo huấn của giáo lý Giáo hội công giáo: tôn trọng người đồng tính, lên án hành động.
Hơn nữa, Đức Phanxicô còn áp đặt chủ đề này với tư cách là mục tử và để ngài trở thành người thực hiện chính dự án. Vì thế chấn thương được cảm thấy. Có nhiều người hoan nghênh “sự tiến bộ” này cũng có nhiều người khác lại không hiểu. Lần này họ lên tiếng và không phải những người bình thường hay chống đối lên tiếng.
Các tu sĩ Đa Minh lên tiếng. Họ vừa đăng hai bài chuyên sâu trên “Tạp chí Tôma”, một tạp chí uy tín của Dòng. Sau tháng gây tranh cãi đầu tiên, những đóng góp này cho phép chúng ta bước vào một tranh luận hợp lý hơn.
Bài viết đầu tiên liên quan đến “cảm thức đức tin”, một cảm thức phổ biến nơi người công giáo cơ bản, theo bản năng, họ cảm nhận những gì thuộc về Thiên Chúa và những gì không thuộc về. Đức Phanxicô thường mô tả “cảm thức đức tin” là “không thể sai lầm.” Đánh giá này giải thích lý do vì sao người mộ đạo cảm thấy khó chịu với Fiducia Supplicans.
Linh mục giáo sư thần học Emmanuel Perrier viết trong phần giới thiệu một bài báo có liên quan: “Chúng ta chỉ có thể báo động trước sự xáo trộn của giáo dân với một bài trong vòng lân cận của giáo hoàng gây ra. Thật không thể chịu nổi khi chứng kiến tín hữu mất niềm tin vào lời của vị mục tử hoàn vũ, chứng kiến các linh mục bị giằng xé giữa ràng buộc con thảo và những hậu quả thực tế mà bản văn này buộc họ phải đối diện, chứng kiến các giám mục bị chia rẽ. Hiện tượng với quy mô lớn này cho chúng ta thấy phản ứng của cảm thức đức tin.”
Một bài viết khác của linh mục giáo sư Thomas Michelet, dạy tại trường đại học Đa Minh Angelicum ở Rôma. Tiêu đề ngắn gọn: “Chúng ta có thể chúc phúc cho ‘fiducia supplicans’ không?”, bài viết rất chi tiết vì sàng lọc tất cả các lập luận của Fiducia supplicans.
Tuy nhiên, linh mục đặt câu hỏi mà chúng ta sẽ thấy ở cuối bài này: “Thời thế ưu tiên các quyền cá nhân hơn lợi ích chung, một điều mà về lâu dài sẽ gây tổn hại cho bất kỳ xã hội nào, ngay cả khi đó là Giáo hội. Liệu chúng ta có thể cứu được con chiên bị lạc bằng mọi giá đến mức mất đi chín mươi chín con khác bị bỏ rơi không?”
Cũng trong thời gian này, để đưa ra ý tưởng về sự hỗn loạn xung quanh thế giới công giáo, hồng y Mauro Gambetti, người rất thân cận với Đức Phanxicô, phụ trách quản lý Đền thờ Thánh Phêrô, ngày 11 tháng 1 trong cuộc họp báo tại Vatican, ngài xác nhận các linh mục ở Đền thờ Thánh Phêrô đã sẵn sàng chúc phúc cho các cặp đồng tính, nhưng chưa có ai đến.
Tôi xin được giải thích những gì đã xảy ra để hiểu quyết định của giáo hoàng, các vấn đề của nó cũng như mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng này.
Chính xác thì chúng ta đang nói về cái gì?
Tôi xin độc giả đọc hai tài liệu Rôma đã được chính thức công bố ở Rôma:
– Ngày 18 tháng 12 năm 2023, “Tuyên bố” Fiducia supplicans của bộ Giáo lý Đức tin được hồng y bộ trưởng Victor Manuel Fernández ký.
Trách nhiệm kép của Bộ là giải thích Kinh thánh theo cách “công giáo” chứ không theo cách tin lành hay chính thống. Bộ có nhiệm vụ phán quyết những vấn đề mới được đặt ra cho Giáo hội qua các thời đại, để trả lời một cách “công giáo”. Câu hỏi về đồng tính thường rơi vào loại này. Đó là chủ đề xã hội xảy ra trong thời đại chúng ta, đặt các vấn đề cho Giáo hội công giáo và sau đó phải quyết định.
Điều này được viết ở số 31 của Tuyên bố: “Có thể chúc lành cho các cặp vợ chồng trong tình trạng bất hợp lệ và các cặp đồng tính, dưới hình thức mà chính quyền giáo hội không được ấn định về mặt nghi thức, để không tạo ra sự nhầm lẫn với lời chúc phúc riêng của bí tích hôn phối”.
Chính sự xuất hiện của từ “các cặp đồng giới” đã làm nảy sinh vấn đề. Đây là bài viết tôi đã viết vào thời điểm đó.
– Ngày 4 tháng 1 năm 2024, thông cáo báo chí được hồng y Fernández công bố, giao cho các giám mục giáo phận quyết định, tùy thuộc vào bối cảnh và đặc biệt khi đồng tính bị hình sự hóa, không tiến hành ban phép lành của cho “các cặp đôi đồng giới”.
Để ghi lại và hiểu rõ về chủ đề này, tôi xin độc giả đọc phần quan trọng khác này:
– Câu trả lời, được công bố ngày 22 tháng 2 năm 2021, khi hồng y tiền nhiệm Luis F. Ladaria, Dòng Tên người Tây Ban Nha còn tại chức, ngài đã nói hoàn toàn ngược lại: “Vì lý do này, không được phép ban phép lành cho các mối quan hệ hoặc quan hệ đối tác, ngay cả những mối quan hệ ổn định, liên quan đến việc thực hành tình dục ngoài hôn nhân (nằm ngoài sự kết hợp bất khả phân ly vợ chồng, một nam và một nữ trong kết hợp để truyền sinh), như trường hợp kết hợp giữa những người cùng giới tính.”
Các phản ứng chính là gì?
Trong khuôn khổ bài viết này, tôi không thể trình bày tất cả các phản ứng quốc tế. Chắc chắn “Tuyên bố” này đã không để ai thờ ơ. Chúng ta không nhớ có một xáo trộn quan trọng nào về mặt cảm xúc và trí tuệ giữa các giám chức, giáo phận, giáo xứ, giữa người công giáo cơ sở, trên phạm vi toàn cầu, tất cả mọi người như vậy, tất cả chỉ vài ngày trước lễ Giáng sinh. Nói rằng Giáo hội công giáo đang “xáo trộn” là nói nhẹ đi.
Như quý độc giả ghi nhận, tôi từ chối thông tin mang tính biếm họa – vì thế tôi viết dài để có thể đề cập rộng rãi về một chủ đề – tuy nhiên, tôi sẽ giữ lại hai phản ứng cá nhân, điển hình và quan trọng từ hai xu hướng chính trong loại này: “tôi hoan nghênh” cho bên này, “tôi từ chối” cho bên kia.
Sau đó tôi sẽ cung cấp cho quý độc giả một bản tóm tắt ngắn gọn về bốn loại phản ứng nổi bật.
Đầu tiên là trường hợp của linh mục Dòng Tên Mỹ James Martin, người có ảnh hưởng lớn, nhân vật hàng đầu trong cuộc đấu tranh để công nhận các cặp đồng tính. Linh mục có 300.000 người theo ngài trên tài khoản Twitter. Tôi không biết có nhiều giám chức nào rất phổ biến, có thể tạo ảnh hưởng lớn đến như vậy, kể cả ở Mỹ trên Twitter. Chưa kể thế lực của ngài trong mạng lưới giáo hội.
Chúng ta nợ ngài cơn giận thánh thiện của một tu sĩ Dòng Tên. Cách đây ba năm, đồng nghiệp Dòng Tên của ngài là hồng y Ladaria, ngày 22 tháng 2 năm 2021 đã chấm dứt việc chấp nhận chúc phúc cho các cặp đồng tính như tôi vừa đề cập.
Đức Phanxicô buồn trước nỗi đau của linh mục James Martin, đặc biệt nỗi đau này là tiếng vang của sự thiếu hiểu biết về cộng đồng người đồng tính toàn cầu. Điều này giải thích vì sao ngài lập tức viết thư cho linh mục Martin để trấn an. Vài dòng viết này đã được linh mục đăng trên tài khoản Twitter của ngài.
Đức Phanxicô, giáo hoàng rất chính trị biết cách xử thế trong tình huống này, ngay lập tức ngài xin giới truyền thông thân cận ngài – các nhà báo thân với ngài – gieo nghi ngờ dưới hình thức phủ nhận không chính thức nhưng đầy đủ thông tin.
Ngài cho biết ngài không hài lòng với văn bản này của hồng y Ladaria, ngài chưa thực sự chấp thuận – trong khi đã chính thức đưa ra trong buổi tiếp kiến với hồng y Ladaria (sau đó hồng y Ladaria đã tự bào chữa) – và rằng tinh thần của văn bản, cấm việc chúc phúc cho các cặp không đúng ý nguyện của ngài.
Trong khi đó, linh mục James Martin đã cân nhắc để làm suy yếu thẩm quyền trong phạm vi quyết định chính thức của bộ Giáo lý Đức tin. Theo linh mục, khả năng chúc lành cho “các cặp đồng giới” trong lần công bố ngày 18 tháng 12 năm 2023 là một “bước tiến lớn”. Linh mục cho biết, ngài đã chờ đợi sự cho phép này từ rất lâu và ngài đã làm việc rất nhiều để đạt được.
Linh mục Martin đã bước qua hành động, thay mặt cho Outreach Faith, một tổ chức công giáo LGBT mà ngài là một trong những người điều hành chính đã tweet lại ngày 21 tháng 12.
Ở Rôma, những người hiểu biết sâu sắc về Giáo hội biết rằng mạng lưới Dòng Tên nổi tiếng về kỷ luật là một thực tế sâu sắc và vô hình của triều Đức Phanxicô. 19.000 tu sĩ Dòng Tên trên khắp thế giới – nhiều gấp ba lần so với tất cả các giám mục – đóng vai trò ảnh hưởng quyết định trong việc hỗ trợ triều giáo hoàng cải cách này.
Phản ứng điển hình thứ hai là của hồng y Robert Sarah. Ngày 8 tháng 1 năm 2024, ngài đăng dưới dạng “thông điệp Giáng sinh” một bài hoàn toàn phản đối khả năng chúc phúc cho các cặp đồng tính mà ngài cho là “dị giáo”. Theo ngài, quyết định này “làm Giáo hội bị suy yếu nghiêm trọng”.
Không phải tất cả các giám mục Phi châu đều theo ngài, nhưng trên thực tế, ngài là tiếng nói nổi tiếng nhất của châu Phi trong Giáo hội hoàn vũ. Ngài dứt khoát không chơi trò “chống lại” Đức Phanxicô, người mà ngài quý trọng và đánh giá cao như người anh em dù ngài không chia sẻ tất cả quan điểm của Đức Phanxicô.
Khi điều mà ngài cho là “chân lý” của Giáo hội đang bị nghi ngờ, hồng y Sarah dăng đàn và phát biểu. Đây thậm chí là đặc điểm làm chức năng hồng y của ngài có phần bị hoen ố, phải công nhận, dưới thời Đức Phanxicô, những người dám tranh luận dễ bị những người xung quanh xếp vào loại “đối thủ” hoặc những “nhà tư tưởng”.
Việc này tạo ấn tượng, rất hiếm các hồng y dám lên tiếng vì sẽ vi phạm nghĩa vụ “vâng phục” của họ. Thật phi lý về mặt trí tuệ và không phù hợp với lịch sử của Giáo hội công giáo. Chưa bao giờ Giáo hội xin các hồng y đặt khối óc và trái tim của họ để truyền tải kênh tư tưởng duy nhất của giáo hoàng đương nhiệm, người mà các hồng y phải tuân theo một cách mù quáng như một người phục tùng một nhà lãnh đạo độc tài.
Cũng cần lưu ý một trong những tác động của “Tuyên bố” này là tự do ngôn luận và tranh luận, thay vì bị bịt miệng dưới triều giáo hoàng này vì những ý kiến khác nhau.
Sau hai phản ứng mang tính triệu chứng và cá nhân hóa này, tôi sẽ tóm tắt bốn loại phản ứng:
1) Tiếng “xin vâng” thẳng thắn, đông đảo và hàng loạt: đó là các giám mục thẳng thắn và nhiệt tình nói vâng. Họ là giám mục của các nước Đức, Bỉ, Thụy Sĩ, Bồ Đào Nha, Croatia, Đan Mạch, Litva, Ý, Ireland, Tây Ban Nha, Scotland, Phần Lan, Slovakia, Na Uy ở châu Âu. Ở Mỹ Latinh, Argentina và Mexico. Ở châu Á, các giám mục Hồng Kông, Singapore và Phi Luật Tân.
2) Nói “có và không”: một số giám mục sẽ không dám nói không bằng văn bản nhưng họ sẽ tránh trong các tuyên bố chính thức, từ ngữ “các cặp” để khuyến khích một cách rõ ràng việc chúc phúc cho “mọi người”. Theo chỗ tôi biết, đó là Hoa Kỳ và Pháp, Canada (ngay cả khi chủ tịch Hội đồng Giám mục ủng hộ Fiducia supplicans), và gần đây là giám mục Hà Lan.
Quan điểm thận trọng này để không làm Rôma giận, có nghĩa là trên thực tế nói không với việc chúc phúc cho các cặp, nhưng khẳng định sự cởi mở với những người đồng tính.
3) Quyết định “không”: các giám mục này sẽ thẳng thắn nói không, giống như Hội nghị chuyên đề của các Hội đồng Giám mục Châu Phi và Madagascar (SEEAM) hoặc của Ba Lan và Hungary. Cũng từ chối, trừ khi tôi nhầm, hội đồng giám mục Brazil, Uruguay và Peru, ở Châu Mỹ Latinh. Và Úc.
Ngày 11 tháng 1, hồng y Ambongo, tổng giám mục Kinshasa, chủ tịch Hội đồng Giám mục Phi châu và Madagascar đã viết thư cho giáo hoàng để thông báo với ngài: “Chúng tôi, các giám mục Phi châu không xem việc Phi châu ban phúc lành cho các hiệp hội đồng tính hoặc các cặp đồng giới là thích hợp”, quan điểm này của người châu Phi có tác dụng như một quả bom ở Vatican dù quyết định được đưa ra có sự đồng ý của giáo hoàng và hồng y Fernandez, như hồng y Ambamgo kể lại.
4) Nói “cần xem lại” khá độc đáo là của các giám mục Maghreb. Họ thường được đưa vào SECAM của châu Phi nhưng ngày 15 tháng 1, họ tách ra và yêu cầu đánh giá lại vấn đề trong khuôn khổ thượng hội đồng thế giới tháng 10 năm 2024 vì họ nghĩ, Giáo hội không thể giải quyết được sự chia rẽ. Trong thông cáo báo chí, họ giải thích: “Đối diện với nguy cơ với các quan điểm dứt khoát và khả năng công cụ hóa có thể nguy hiểm cho sự hiệp nhất của Giáo hội, theo chúng tôi, chủ đề này xứng đáng được xem xét lại một cách êm nhẹ trong khuôn khổ của động lực đồng nghị đang diễn ra trong Giáo hội hoàn vũ.”
Trong nhóm mười người này, do hồng y Cristóbal López Romero, tổng giám mục Rabat ở Maroc chủ trì, có tổng giám mục đầy ảnh hưởng của Alger là tu sĩ Đa Minh người Pháp Jean-Paul Vesco, rất đồng điệu với Đức Phanxicô. Đưa hồ sơ này vào tay Thượng hội đồng tiếp theo cũng là một chiến thuật rõ ràng để văn bản này được Giáo hội thông qua tốt hơn. Dù sao, các giám mục này muốn tránh “bất kỳ tinh thần bút chiến nào” và “nuôi dưỡng mọi điều góp phần tạo hiệp thông và hiệp nhất cho Giáo hội hoàn vũ”. Đây là tất cả danh dự của họ.
Trong khi chờ đợi, các giám mục này chấp nhận chúc phúc cho “các cặp” nhưng với điều kiện. Sống trong thế giới hồi giáo, họ biết quá rõ – giống như các đồng nghiệp của họ ở Cận và Trung Đông – quyết định này của Rôma đã gây sốc cho những người hồi giáo đối thoại với họ đến mức nào. Người hồi giáo xem đây là một bằng chứng thêm nữa cho sự “suy đồi” của Giáo hội và của phương Tây, một dấu hiệu mà dưới mắt họ cho thấy tính ưu việt của tôn giáo họ, hồi giáo sẽ là sự mặc khải lịch sử thiêng liêng cuối cùng.
Vì thế, các giám mục Bắc Phi thận trọng trong tuyên bố của họ: “Khi những người trong hoàn cảnh bất hợp lệ tụ tập lại để xin phép lành, thì có thể ban phép lành với điều kiện là việc này không tạo nhầm lẫn cho chính các đương sự hoặc cho những người khác.”
Nếu chúng ta nghĩ về mặt số lượng quốc gia, tầm quan trọng của câu trả lời “không”, khoảng 50 quốc gia, cao gấp đôi tầm quan trọng của câu trả lời “có”, khoảng 20 quốc gia. Lý do “dân chủ” này không mang tính giáo hội, tuy nhiên ngày nay sẽ không sai khi viết, sau khi điều tra chi tiết hơn, phần lớn các giám mục trên thế giới bác bỏ hoặc nghi ngờ về sự thích đáng của việc chúc lành cho “các cặp” đồng tính.
Kết quả này có liên quan đến sự thống nhất bất ngờ của châu Phi cận Sahara chống lại Fiducia supplicans, dẫn đến một động lực mà Đức Phanxicô và hồng y Fernández đã không lường trước được trong tỷ lệ này. Nhưng vào cuối triều này, Giáo hội công giáo thực sự thấy mình bị chia rẽ.
Chắc chắn, một giám mục giáo phận không có trách nhiệm phải giải thích trước hội đồng giám mục của mình. Họ có chủ quyền trên lãnh thổ giáo hội của họ. Cấp trên của họ là giáo hoàng đã bổ nhiệm họ. Điều này áp dụng cho Fiducia supplicans.
Cuối cùng, về mặt phản ứng, chúng ta cũng nên nói về sự thiếu thấu hiểu của các Giáo hội chính thống Đông phương đã thấy rõ trong Tuần lễ Thống nhất Kitô giáo.
Chúng ta cũng phải liệt kê các tổ chức đồng tính, kitô giáo và công giáo khá chào đón tuyên bố này nhưng không nhiệt tình như mong đợi.
Ở đây tôi giữ lại câu “nên một trong Chúa Kitô” của báo La Croix của hai người có trách nhiệm. Bài viết giải thích quyết định của Rôma là một “bước nhỏ” nhưng “đáng kể”.
Hiệp hội Kitô giáo“David và Jonathan LGBTI+” tuyên bố có “400 thành viên” ở Pháp, họ chờ đến ngày 21 tháng 1 mới bình luận: “Do đó, chúng tôi rất vui mừng với bước tiến này: đề xuất của Vatican là lời nói cởi mở (…) nhưng chúng tôi nhận thấy sự mơ hồ của tuyên bố, điều này làm chúng tôi cảm thấy khó chịu.”
Diễn đàn châu Âu của các nhóm kitô giáo LGBT, trang web của họ hiện diện trong Thượng hội đồng tháng 10 năm 2023, không bình luận về quyết định này của Rôma.
Tuy nhiên, “Mạng lưới Cầu vồng của người công giáo”, mạng lưới toàn cầu của người công giáo đồng tính nhận xét: “Một tin tuyệt vời với việc chấp nhận các mối quan hệ LGBT được Giáo hội công nhận.”
Cuối cùng, chúng ta cũng nên khảo sát phản ứng của giáo dân bình thường về vấn đề này. Có lẽ sẽ có một cuộc thăm dò ý kiến về chủ đề này?
Vì sao Đức Phanxicô đưa ra quyết định này?
Kể từ khi được bầu chọn vào tháng 3 năm 2013, Đức Phanxicô liên tục gởi các thông điệp nhân từ đến cộng đồng người đồng tính, nhưng ngài luôn nhắc lại giáo huấn Giáo hội. Câu quan trọng được ngài nói trong cuộc họp báo đầu tiên trên máy bay khi từ Đại hội Giới trẻ ở Rio de Janeiro về Rôma ngày 28 tháng 7 năm 2013.
Khi được hỏi về những sinh hoạt “vận động hành lang cho người đồng tính ở Vatican”, ngài trả lời: “Bạn nói về hành lang vận động cho người đồng tính. Ồ, người ta viết nhiều về vận động hành lang này. Nhưng tôi chưa thấy ai ở Vatican đưa cho tôi xem chứng minh thư có chữ “đồng tính” trên đó. Họ nói có một số. Tôi nghĩ khi ở bên một người như vậy, bạn phải phân biệt giữa việc là “đồng tính” với việc vận động hành lang; bởi vì không phải tất cả các hành lang đều tốt. Cái này tệ quá. Nếu một người đồng tính, họ có thiện chí đi tìm Chúa, thì tôi là ai mà phán xét họ? Sách giáo lý của Giáo hội công giáo giải thích điều này một cách rất hay, nhưng nó nói, chờ một chút, nó nói như thế nào… nó nói: Chúng ta không được loại trừ những người này vì điều này, họ phải hòa nhập vào xã hội. Vấn đề là không có khuynh hướng này, không, chúng ta phải là anh em, vì đây là một chuyện, nhưng nếu có chuyện khác, thì chuyện khác. Vấn đề là biến xu hướng này thành một cuộc vận động hành lang: vận động hành lang của những kẻ keo kiệt, vận động hành lang của các chính trị gia, vận động hành lang của những người thợ xây, vận động hành lang rất nhiều. Đây là vấn đề nghiêm trọng nhất đối với tôi.”
Dư luận quần chúng sẽ không giữ lại câu nói nguyên vẹn “Nếu một người đồng tính, họ có thiện chí đi tìm Chúa, thì tôi là ai mà phán xét họ” mà chỉ nói ngắn gọn “tôi là ai để phán xét?”, gợi ý giáo hoàng sẽ nhân từ với người đồng tính, điều này thực sự sẽ xảy ra.
Chúng ta đi qua mười năm này để đến ngày 20 tháng 6 năm 2023, khi Vatican trình bày “tài liệu làm việc” của Thượng Hội đồng về tính đồng nghị, về việc quản trị Giáo hội.
Trong số nhiều biện pháp được đề xuất, từ cuộc khảo sát toàn cầu chuẩn bị cho Thượng Hội đồng này, có lời kêu gọi gởi tới các giáo xứ “thực sự chào đón mọi người” với danh sách này: “Những người đã ly hôn và tái hôn, những người đa thê hoặc những người LGBTQ+”.
Nhưng việc đề cập đến những người “LGBTQ+”, “đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính, chuyển giới, những người không thuộc giới tính nào và những người khác”, không còn xuất hiện trong tài liệu kết thúc công việc của thượng hội đồng được trình ngày 28 tháng 10 năm 2023 tại Vatican. Và cùng với nó, là vấn đề chúc lành cho các cặp đồng tính.
Đó là một nửa bất ngờ. Đề cập này đã bị gạt sang một bên trong Thượng hội đồng về gia đình ngay từ phiên họp đầu tiên năm 2014, đã không đạt được đa số 2/3 để được giữ lại.
Việc loại bỏ chủ đề “đồng tính” mới này của thượng hội đồng năm 2023 đã có hậu quả là thúc đẩy Đức Phanxicô không còn dựa vào con đường thượng hội đồng để đi tới việc chúc phúc cho các cặp đồng tính mà ngài mong muốn.
Vì thế ngài dùng con đường cấp bậc và uy quyền, con đường của những quy định do Bộ Giáo lý Đức tin ban hành, vốn là một phần trong ý muốn thường xuyên của ngài để có một giải pháp cho người đồng tính, một mong muốn được thể hiện ngay từ đầu triều. Ngài biết ở tuổi 87, thời gian của ngài có giới hạn. Ngài phải nhanh chóng giải quyết những vấn đề quan trọng đối với ngài dù phải gây rạn nứt.
Một dấu chỉ cho thấy mong muốn này. Có vẻ như các thủ tục nội bộ được quy định để điều hành bộ Giáo lý Đức tin đã không được tôn trọng. “Các nhà tham vấn”, những thần học gia cho ý kiến đã ngầm ngạc nhiên vì họ không được hỏi ý kiến. Họ cho rằng quyết định này đã được ngài đưa ra trong một ủy ban nhỏ và được tân bộ trưởng Fernández ban hành.
Nhưng vì sao Thượng hội đồng tháng 10 năm 2023 lại trì hoãn vấn đề đồng tính? Câu trả lời đơn giản. Chính các đại diện châu Phi đã cân nhắc về sự lựa chọn này…
Một giả thuyết khác lưu hành ở Rôma, am tường và khá gần gũi với Đức Phanxicô. Đối diện với sự bác bỏ của Thượng hội đồng, lẽ ra ngài sẽ cẩn thận giải quyết vấn đề này bằng một đạo luật có thẩm quyền giáo hoàng để tránh cuộc tranh luận về việc chúc phúc cho các cặp đồng tính khỏi bị ký sinh trong phiên họp thứ hai của Thượng hội đồng vào tháng 10 năm 2024.
Khi làm như vậy, dù là người bảo vệ nhiệt tình cho phương pháp tham vấn đồng nghị để đưa ra quyết định, nhưng sẽ có nguy cơ làm nản lòng động lực bằng cách đưa ra quyết định mà không có sự tham vấn rõ ràng.
Trong khi đó, ngài đã quay trở lại chủ đề này ngày 26 tháng 1 khi tiếp các thành viên của bộ Giáo lý Đức tin trong buổi tiếp kiến hàng năm của họ. Ngài nhấn mạnh: “Chúng ta không chúc phúc cho các kết hợp mà chỉ đơn giản chúc phúc cho những người cùng nhau đưa ra yêu cầu.” Ngài nói rõ: “Mục đích là thể hiện một cách cụ thể sự gần gũi của Chúa và Giáo hội (…) bằng cách xin sự giúp đỡ để tiếp tục hoặc đôi khi bắt đầu một hành trình đức tin”. Vì vậy, “không cần phải hoàn thiện về mặt đạo đức để nhận được phước lành”.
Những thách thức của cuộc khủng hoảng này là gì?
Tất cả các giáo hoàng đều phải làm việc trên ba trục, chưa kể đến trục trọng tâm đời sống thiêng liêng cá nhân của họ. Đầu tiên là trục mục vụ. Họ có trách nhiệm mang thông điệp kitô giáo như Giáo hội công giáo xác định, đến với các tín hữu của họ nhiều nhất có thể.
Trục thứ hai là trục thần học. Đằng sau từ ngữ phức tạp là một thực tế đơn giản, đó là Kinh thánh, mà nhiều thế hệ các nhà thần bí và trí thức đã lãnh hội qua nhiều thế kỷ, dẫn đến một “giáo huấn” của Giáo hội mà chúng ta gọi là “truyền thống” bao gồm lời Chúa, các Công đồng, giáo huấn của các giáo hoàng. Các giáo hoàng chính xác là những người bảo đảm cho “truyền thống” và “giáo huấn” này.
Trục thứ ba là giáo hội. Đó là trục chính trị nhất trong ba. Giáo hoàng phải hướng dẫn Giáo hội bằng cách tính đến: những ý kiến nội bộ thường trái ngược nhau; những cơn gió ngược với con đường Giáo hội muốn đi theo; nhằm khơi dậy đức tin của tín hữu. Toàn bộ nghệ thuật là để duy trì sự hiệp nhất của Giáo hội. Với trục thần học, đó là trách nhiệm lớn lao của giáo hoàng trước Thiên Chúa. Đức Phanxicô là người bảo đảm sự hiệp nhất của thân thể Giáo hội.
Cho đến nay ba trục này luôn song hành với nhau vì các giáo hoàng gần đây, vbb giáo hoàng tiền nhiệm của Đức Phanxicô đã giới hạn phạm vi của trục mục vụ với người công giáo. Họ không loại trừ ai nhưng họ nói chuyện với tư cách là người công giáo với người công giáo. Vì vậy giữa ba trục có sự nhất quán chặt chẽ và cân bằng không ngừng, giữa ba trục này hiếm có mâu thuẫn.
Chuyện gì đang xảy ra với Đức Phanxicô? Ngài không chạm đến trục thần học, ngài không có quyền sửa đổi trừ khi ngài triệu tập một Công đồng (cuộc họp của tất cả các giám mục) nhưng ngài mở ra trục mục vụ của người công giáo với những người không ở trong ‘Giáo hội’. Ngài muốn có một Giáo hội cho tất cả mọi người, “tất cả, tất cả, tất cả” (todos, todos, todos) ngài nhấn mạnh trong Đại hội Giới trẻ Thế giới năm 2023 tại Lisbon, trong Thượng hội đồng tháng 10. Ngài muốn một Giáo hội bao gồm không loại trừ ai. Quyết định này là nguyên mẫu của chính sách này.
Nhưng hậu quả là sự thống nhất của ba trục bị phá vỡ về cơ bản. Sự cân bằng của các triều giáo hoàng trước đó đã bị mất đi. Sự căng thẳng giữa ba trục, mục vụ, thần học, giáo hội, đã trở nên rõ ràng kể từ khi Đức Phanxicô được bầu. Với quyết định chúc phúc cho các cặp đồng tính, sự căng thẳng bùng nổ, mối dây ràng buộc bị phá vỡ và biến thành một cuộc khủng hoảng lớn.
Nó đẩy Giáo hội vào tình trạng chia rẽ trong khi sứ mạng hàng đầu của giáo hoàng là hiệp nhất. Nó gây ra sự nhầm lẫn trong khi sứ mạng chính của giáo hoàng là kiên trì giảng dạy. Nó cũng ảnh hưởng đến uy tín của Đức Phanxicô, với tư cách là giáo hoàng dưới mắt nhiều người.
Ngày chúa nhật 14 tháng 1, Đức Phanxicô xác nhận ngài sẽ giữ nguyên quyết định của mình. Vì thế, cuộc khủng hoảng này sẽ tiếp tục và sự chia rẽ sẽ gia tăng. Hồng y Fernandez cảm thấy sự phân chia này đã tồn tại trước đây và trình tự này đã tiết lộ nó nhưng ngài nhầm lẫn giữa phân chia và vết rách, có vẻ như đó là một vết rách hiện đang mở ra.
Chúng ta có nên quen thuộc với một Giáo hội công giáo hiện nay đang xáo trộn không? Con đường đồng nghị cho thấy điều này, một Giáo hội tự tái tạo lại chính mình, không theo chủ nghĩa cố định. Rõ ràng sự tiến bộ lớn được mong chờ sẽ mang lại nhiều vị trí hơn cho phụ nữ và giáo dân trong quản trị. Đây là một nhu cầu thông thường. Đối với vấn đề tổ chức, quản lý luôn cần được hoàn thiện không phải là vấn đề không thể vượt qua.
Vấn đề là sự tiếp tục của triều giáo hoàng đang được đề cập. Những người sẽ bầu chọn người kế nhiệm Đức Phanxicô, ca ngợi mối quan tâm mục vụ và mong muốn đi đến “các vùng ngoại vi” của ngài. Không có tranh luận về nguyên tắc này. Mặt khác, có một câu hỏi nghiêm túc về các ưu tiên. Và đó không phải là câu chuyện của những người bảo thủ hay cấp tiến.
Nhiều giám chức đang thắc mắc, đặc biệt những người ôn hòa ngày càng bối rối – thậm chí họ còn âm thầm nổi dậy kể từ cuối tháng 12 – nếu vào thời điểm mà việc trao truyền giáo huấn của Giáo hội bị hỏng ở các nước phương Tây, ngoại trừ trong các gia đình kitô giáo, nơi mà bây giờ họ đi tìm “thánh thiêng” ngoài Giáo hội, nơi số chủng sinh và linh mục đang giảm đi đáng kể, ngoại trừ ở châu Phi và châu Á, mục vụ khẩn cấp không phải là chăm sóc một chút các con chiên của đàn chiên công giáo sao? Cánh cửa Giáo hội đang rộng mở. Nó không bao giờ đóng cửa như mọi người muốn nói. Mọi người đều có thể tự do vào, việc chăm sóc đàn chiên chưa bao giờ ngăn cản bất cứ ai, họ luôn được chào đón ở đó. Nhưng một cộng đồng cảm thấy thoải mái sẽ hấp dẫn hơn một cộng đồng bị chia rẽ và căng thẳng.
Thành thật mà nói, những con chiên lạc có lẽ không ở nơi chúng ta nghĩ. Quả thực, trong một tháng, nhiều tín hữu, ở mọi cấp độ của Giáo hội, không còn biết cậy vào ai, họ là những người cảm thấy mình như những con chiên “đi lạc”.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Nguồn: phanxico.vn