Tin mừng: Lc 11, 1-13
Ngày kia, Chúa Giêsu cầu nguyện ở một nơi kia. Khi Người cầu nguyện xong, có một môn đệ thưa Người rằng: “Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện như Gioan đã dạy môn đệ ông”.
Người nói với các ông: “Khi các con cầu nguyện, hãy nói: ‘Lạy Cha, nguyện xin danh Cha cả sáng. Nước Cha trị đến. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày. Và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha mọi kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ’”.
Và Người còn bảo các ông rằng: “Nếu ai trong các con có người bạn, giữa đêm khuya đến nói với người ấy rằng: ‘Anh ơi, xin cho tôi vay ba chiếc bánh, vì tôi có anh bạn đi đường ghé lại nhà tôi, mà tôi không có gì thết đãi anh ấy’. Và từ trong nhà có tiếng người ấy đáp: ‘Xin đừng quấy rầy tôi, vì cửa đã đóng, các con tôi và tôi đã lên giường nằm rồi, tôi không thể chỗi dậy lấy bánh cho anh được’. Thầy bảo các con, dù người đó không dậy vì tình bạn để lấy bánh cho người bạn, người đó cũng sẽ dậy, ít nữa là vì sự quấy rầy của người kia mà cho anh ta tất cả những gì anh ta cần.
“Và Thầy bảo các con: Các con hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì được, ai tìm thì gặp, ai gõ thì sẽ mở cho.
“Người cha nào trong các con có đứa con xin bánh mà lại cho nó hòn đá ư? Hay nó xin cá, lại cho nó con rắn thay vì cá sao? Hay nó xin quả trứng, lại cho nó con bọ cạp ư? Vậy, nếu các con là những kẻ gian ác, còn biết cho con cái mình những của tốt, phương chi Cha các con trên trời sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ xin Người”.
XIN
Xin là hành động của một người cần điều gì đó. Khi còn nhỏ, chúng ta được cha mẹ dạy phải biết “xin” khi cần điều chúng ta muốn. Biết xin là điều cần thiết, nhưng xin thế nào cho đúng cách, cho hợp lý thì lại là điều chúng ta cần quan tâm.
Trong bài tin mừng Chúa Nhật 17 TN hôm nay, thánh sử Lu-ca thuật lại cho chúng ta biết cách phải xin như thế nào để lời cầu xin của ta trở thành một lời cầu nguyện.
Xin với lòng khiêm nhường: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện”.
Mỗi chúng ta khi sống trên đời này đều mong muốn được sống hạnh phúc và bình an. Sự bình an và hạnh phúc đích thật thì chỉ có ở nơi Thiên Chúa. Một hạnh phúc vĩnh cửu được trao ban từ Đấng Vĩnh Cửu. Và chỉ có qua cầu nguyện, ta mới có thể chạm đến Đấng Vĩnh Cửu. Cầu nguyện cũng được coi như là hơi thở của người Kitô hữu. Qua cầu nguyện, chúng ta được gặp gỡ thân tình và được gắn kết với Thiên Chúa là chính nguồn sự sống. Chính Chúa Giêsu cũng luôn cầu nguyện và Ngài cầu nguyện không ngừng. Có lẽ hiểu được tầm quan trọng của cầu nguyện mà các môn đệ đã đến xin Chúa Giêsu dạy các ông cầu nguyện. Với lòng khiêm nhường, các môn đệ đã không ngần ngại đến với Chúa. Và Chúa Giêsu đã dạy các ông Kinh Lạy Cha – là lời cầu nguyện tuyệt hảo nhất. Đến với Chúa với lòng khiêm nhường chính là chìa khóa để mở ra cho ta đi vào trong tương quan với Thiên Chúa, chỉ khi ta biết khiêm nhường, nhìn nhận mình nhỏ bé, ta mới nhận ra ta là ai? Và ta như thế nào? Đặc biệt trong cầu nguyện, chúng ta có khao khát kiếm tìm Chúa không? Vì thế, Chúa luôn muốn ta phải khiêm nhường thật lòng khi cầu nguyện.
Xin với lòng kiên trì: “Thầy nói cho anh em biết: dẫu người kia không dậy để cho người này vì tình bạn thì cũng dậy để cho người này tất cả những gì chúng ta cần, vì anh ta cứ lì ra đó”.
Thường khi chúng ta đến với Chúa để xin ơn này ơn kia. Quả thực, lời cầu xin hằng ngày cũng là một thách đố lớn cho mỗi người chúng ta, không phải lúc nào chúng ta cũng đón nhận một kết quả như ý muốn. Nhiều người trong chúng ta lại thắc mắc đã cầu xin với Chúa mãi, mà không được nhận lời. Biết bao những mơ ước, những khó khăn, cả những thất bại trong cuộc đời đều trao dâng cho Thiên Chúa, nhưng vẫn chẳng thấy Chúa đâu. Chính những lúc đó không ít người trong chúng ta lại chán nản, nghi ngờ vào sự hiện diện và tình yêu thương của Thiên Chúa
Thế nên, lại một lần nữa Chúa mời gọi chúng ta hãy kiên trì trong cầu nguyện. Thực vậy, trong bất cứ lãnh vực nào của cuộc sống con người, ai tập được tính kiên trì người đó kể như đã thành công.
Trong đời sống thiêng liêng cũng vậy, và còn hơn thế nữa, bởi suốt đời người Kitô hữu phải kiên trì cầu nguyện mới mong sống gắn bó mật thiết được với Thiên Chúa. Cũng như thân xác không thể sống và phát triển được nếu con người không ăn uống, thì cũng thế, linh hồn con người không thể sống nếu không có cầu nguyện. Đặc biệt khi cầu nguyện phải xác tín rằng: Thiên Chúa là Cha nhân từ luôn yêu thương chúng ta, Ngài có làm cho chúng ta được toại nguyện hay không, hoặc Ngài nhận lời chúng ta theo cách nào thì cũng đều là vì lợi ích cho linh hồn chúng ta.
Để chứng minh Chúa Giêsu đã đưa ra một ví dụ dạy chúng ta phải biết kiên trì với Thiên Chúa trước những nhu cầu cần thiết. Gương người bạn đến gõ cửa nhà bạn mình để xin được giúp đỡ. Người đời dù quen hành động theo lý do ích kỷ, thế mà cũng phải chịu thua sự kiên trì của người xin. Và hơn thế nữa, Thiên Chúa vốn là người Cha nhân lành, luôn đối xử với chúng ta theo tình thương, Ngài là Đấng nhân hậu và giàu lòng thương xót, Ngài rất vui thích ban mọi ơn lành và nhưng không cho con người. Bởi thế, nếu chúng ta kiên trì cầu xin với Thiên Chúa, thì chắc chắn sẽ được nhận lời.
Xin với lòng tin tưởng phó thác: “Thế nên Thầy bảo anh em: Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. Vì hễ ai tin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho”.
Một lời kêu mời tha thiết “cứ xin”, “cứ tìm”, “cứ gõ”, qua đó cũng nói lên rằng chúng ta không chỉ kiên trì trong cầu nguyện mà còn phải có lòng tin tưởng, phó thác vào Thiên Chúa – Đấng sẽ “cho chúng ta nhận được, cho chúng ta thấy và mở cửa cho chúng ta”. Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận viết trong Đường Hy Vong số 142 rằng: “Giờ cầu nguyện là giờ tâm sự với Chúa là Cha, chứ không phải giờ làm bài, là giờ của quả tim, chứ không phải là giờ của luận lý. Đừng nặn óc bóp trán để đến với Chúa”. Vì thế, chúng ta hãy trình bày cho Chúa tất cả những ưu tư, gánh nặng của mỗi người chúng ta như người con nhỏ bé đến với cha mình, và tin tưởng đón nhận những gì Thiên Chúa cho là tốt đối với chúng ta nhất.
Xin ơn là một nhu cầu thiết yếu của người Kitô hữu. Nhưng để lời cầu xin của chúng ta trở thành một lời cầu nguyện đẹp lòng Chúa thì lời xin đó phải là lời của một tâm hồn khiêm nhường, kiên trì, tin tưởng và phó thác vào Thiên Chúa. Đức Thánh Cha Phanxicô cũng từng nói: “Chúng ta đừng cảm thấy bị sốc nếu chúng ta thấy cần phải cầu nguyện; đừng xấu hổ. Nhất là khi chúng ta đang cần điều gì đó, hãy cầu xin. Nhiều người trong chúng ta có cảm giác này: chúng ta xấu hổ khi cầu xin, khi cầu xin sự giúp đỡ, khi yêu cầu ai đó giúp chúng ta điều gì đó để đạt được mục tiêu nào đó, và cũng xấu hổ khi cầu xin Chúa. Đừng xấu hổ khi cầu nguyện. Hãy thưa: “Lạy Chúa, con cần điều này”, “Lạy Chúa, con đang gặp khó khăn này”, “Xin giúp con!”: Tiếng kêu của con tim hướng về Thiên Chúa là Cha. Và cũng hãy làm điều đó trong những khoảnh khắc hạnh phúc, chứ không chỉ trong những giờ phút tồi tệ; trong những khi hạnh phúc hãy cảm ơn Thiên Chúa về mọi điều Người đã ban cho chúng ta và đừng xem bất cứ điều gì như là đương nhiên hoặc chúng ta xứng đáng được: mọi thứ đều là ân sủng”.
Sen Cát