Sự thinh lặng của Thiên Chúa và mầu nhiệm Nhập Thể
Quan điểm nhập thể về sự thinh lặng của Thiên Chúa đã dẫn đến nhiều giải thích khác nhau. Chẳng hạn, Simone Weil (1909-1943), một triết gia thần bí và là nhà hoạt động chính trị người Pháp, cho rằng khi tạo ra vũ trụ “không gian, thời gian, vật chất” xong, Thiên Chúa đã rút lui. Vì Thiên Chúa là Đấng vô hạn không thể chịu sự chi phối của không gian thời gian. Về cơ bản, chính sự rút lui này tạo ra tất cả nỗi đau của nhân loại liên quan đến “sự thinh lặng của Thiên Chúa.”
Sự thinh lặng của Thiên Chúa được cho là Ngài đã rút lui khỏi công trình sáng tạo
Theo quan điểm của Weil, khi rút lui khỏi thế giới, Thiên Chúa đã để thế giới vận hành theo các năng động tự nhiên, do đó có một trật tự ổn định trong công trình sáng tạo. Trong quá trình hoạt động đều đặn của các năng động này, không có sự quan phòng đặc biệt nào của Thiên Chúa..[21] Điều này có nghĩa là Thiên Chúa không can thiệp và xâm phạm các quy luật tự nhiên, chẳng hạn như tiêu diệt tên bạo chúa bằng một phép lạ, hoặc vô hiệu hóa một cơn bão đang hoạt động. Phản ứng của Thiên Chúa đối với những tiếng kêu than của con người trước sự đau khổ là thinh lặng. Do đó theo Weil, thái độ lý tưởng của con người đối với đau khổ là lòng biết ơn, dù đau khổ.[22]
Cách hiểu của Weil rõ ràng đi ngược lại với hình ảnh Thiên Chúa trong Kinh Thánh, Đấng tham gia vào các công việc của con người một cách tích cực và nhiệt tình, và cách đặc biệt nhất là trong mầu nhiệm Nhập Thể. Ở đây không có chuyện Thiên Chúa rút lui khỏi công trình sáng tạo. Thiên Chúa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Emmanuel). Ngôi Lời trở nên người phàm trong mầu nhiệm nhập thể cho thấy Thiên Chúa liên đới một cách rõ ràng nhất nơi các hành động trong lịch sử của Ngài.
Thánh Inhaxio Loyola có một cách hiểu khác về sự thinh lặng của Thiên Chúa. Trong cuốn Tự Thuật của mình, chúng ta thấy Inhaxio nhiều lần rơi vào tình cảnh khó khăn, không biết phải làm như thế nào. Có bốn kiểu phản ứng trước những tình huống như thế: 1) kiên nhẫn chờ đợi và sau đó quyết định trong tinh thần cầu nguyện vào thời điểm thích hợp, từ đó kiên nhẫn cho bản thân thêm thời gian và tin tưởng vào Thiên Chúa; 2) dâng lên Thiên Chúa tất cả mọi sự và nhiệt thành tìm kiếm ý muốn của Thiên Chúa qua những lời cầu nguyện, thánh lễ, hãm mình và ăn chay; 3) tìm kiếm sự giúp đỡ từ “những người thánh thiện” – việc thực hành này giảm đi nhiều kể từ sau giai đoạn ngài đi thăm Đất Thánh, và sau này gần như được thay thế bằng việc “nói chuyện thiêng liêng” với các bạn đồng hành; 4) đặt mình trong tay Thiên Chúa và cụ thể là trong tay Đức giáo hoàng.
Mặc dù gặp phải nhiều khó khăn nhưng rõ ràng là người ta có thể chủ động tìm kiếm ý Chúa trong các dấu chỉ của thời đại. Thật vậy, thánh Inhaxiô bị cuốn hút bởi viễn cảnh về một “bức tranh rộng lớn hơn” trong “cuộc đời hành hương” của mình, điều vốn giúp ngài tiến lên phía trước bất chấp mọi trở ngại. Điều này có thể giúp chúng ta tìm hiểu xem liệu mình có thể được mặc khải một “bức tranh rộng lớn hơn” khi đối diện với kinh nghiệm về sự thinh lặng của Thiên Chúa.
Mặc khải về một “bức tranh rộng lớn hơn” trong sự thinh lặng của Thiên Chúa
Mặc dù tất cả những gì ông Gióp mất đều được phục hồi gấp đôi, nhưng những câu hỏi của Gióp vẫn không được Thiên Chúa trả lời, ít nhất là theo cách trực tiếp và dễ hiểu. Nhưng trong chính sự mơ hồ đó, một “bức tranh rộng lớn hơn” được khai mở cho Gióp. Trong bức tranh đó, sự tồn tại của ông dường như trở nên nhỏ bé không đáng kể. Niềm an ủi của ông đến “dưới dạng một cảm giác choáng ngợp về sự giới hạn so với với sức mạnh và hành động động lớn lao của Thiên Chúa.”[23] Ông Gióp sẽ không thấy bức tranh lớn hơn nếu ông không trải qua đau khổ và kinh nghiệm về sự thinh lặng của Thiên Chúa trong sự đau khổ đó.
Điều tương tự cũng đúng trong trường hợp Con Thiên Chúa. Tại Vườn Ô-liu, chén đắng không được cất đi nhưng một thiên thần được gửi đến để tăng sức cho Ngài (Lu-ca 22,43). Sự xuất hiện của thiên thần mở ra cả một bức tranh rộng lớn hơn. Trong Lu-ca 22,36, Chúa Giê-su đã khuyên những người không có gươm hãy mua một cái, ngay cả khi phải bán áo của mình. Tuy nhiên, sự an ủi của thiên thần dường như đã mở ra một bức tranh lớn hơn khiến gươm trở nên thừa thãi (Lu-ca 22,51; Gio-an 18,11). Gươm thuộc về một bức tranh nhỏ, một thế giới hẹp hòi. Thế giới đó giờ đây được nâng tầm trong ánh sáng của bức tranh rộng lớn hơn. Bức tranh rộng lớn hơn đảm bảo rằng không có tiếng kêu đau đớn trên thập giá, mà chỉ có sự phó thác cho Thiên Chúa (Lu-ca 23,46)
Sự thinh lặng của Thiên Chúa mở ra một bức tranh rộng lớn hơn. Ảnh: Canva
Có một sự tình cờ đó là các trình thuật của Mát-thêu và Mác-cô không đề cập đến sự an ủi của thiên thần, điều giúp khai mở một bức tranh rộng lớn hơn. Ở đây tiếng kêu trên thập giá vang lên: “… Tại sao Ngài bỏ rơi Con?” (Mát-thêu 27,46; Mac-cô 15,34). Trong những bản văn này, sự thinh lặng của Thiên Chúa mở ra bức tranh rộng lớn hơn sau cái chết: sự phục sinh, không chỉ được tỏ hiện nơi Người Con vâng phục và đã sống lại mà còn trong lời chứng của tất cả những người chứng kiến Ngài. Đó là lý do tại sao Phaolô có thể nói “dù chúng ta sống hay chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa” (Rô-ma 14,8). Đó chính là bức tranh rộng lớn hơn. Đó là nguồn của hy vọng cuối cùng của chúng ta, điều giúp chúng ta có đủ tầm nhìn cần thiết để nhìn vào tất cả các sự kiện đơn lẻ trước “sự thinh lặng của Thiên Chúa” với sự dũng cảm, tự tin và dấn thân.
Sự liên đới xét như là con đường tiến về phía trước
Trong tất cả các cuộc thảo luận về kinh nghiệm trải qua đau khổ khi đối diện với sự thinh lặng của Thiên Chúa, người ta thường quên trách nhiệm của cộng đoàn trong việc đồng hành với một cá nhân đang đau khổ. Thái độ của những người bạn của Gióp là một ví dụ điển hình. Nền thần học thưởng phạt mà họ biết trước đây khó có thể giúp họ bày tỏ tình liên đới với Gióp một cách có ý nghĩa. Nền thần học mà không có hành động liên đới là nền thần học vô ích. Ngược lại, nền thần học liên đới thấy được nền tảng cho hành động liên đới trong kinh nghiệm về sự mặc khải của Thiên Chúa. Sự liên đới của Thiên Chúa với con người được cá vị hóa ngang qua mầu nhiệm nhập thể. Điều này mời gọi các tín hữu bước theo con đường tương tự khi “nhập thể” với những nỗi đau của tha nhân. Xét về mặt căn bản, trong mỗi trường hợp tuyệt vọng và tự tử, sự thất bại của xã hội/cộng đồng cũng lớn như thảm họa của cá nhân đương sự. Cộng đồng/xã hội cần phải chịu trách nhiệm cho những bi kịch đó theo hai nghĩa: 1) vì đã đẩy cá nhân vào tình trạng tuyệt vọng ngang qua cơ chế và hệ thống vốn ngay từ đầu gây ra tuyệt vọng trong lòng của họ, và 2) vì bỏ rơi một cá nhân trong khoảnh khắc đau khổ của họ.
Một đánh giá thành thật về sự thất bại của nhiều hội nghị thượng đỉnh thế giới khi đối diện với các vấn đề sinh thái nghiêm trọng đó sẽ không bao giờ đổ lỗi cho sự thinh lặng của Thiên Chúa về các thảm họa sinh thái của thời đại chúng ta và của tương lai. Tomás Insua phát biểu: “Những bước tiến mà các nhà lãnh đạo thế giới đã thực hiện để giải quyết tình trạng khẩn cấp về khí hậu vốn đe dọa tương lai của một số cộng đồng nghèo nhất thế giới có thể so sánh với việc đổ một ly nước lên một đống lửa cháy nhà.” [24]
Sự thinh lặng của Thiên Chúa vô hình có thể là trải nghiệm chủ quan của một người đang trải qua đau khổ, thế nhưng người đau khổ sẽ không điếc và mù nếu cộng đoàn trước mặt họ có sự đồng cảm trong lời nói và việc làm. Giống như cộng đoàn Thiên Chúa Ba Ngôi là khuôn mẫu sống cho cộng đoàn nhân loại, có thể nói rằng một Thiên Chúa có tính cộng đoàn đã làm cho Lời Chúa được nhận ra trong và qua những lời nói và hành động có sức giải phóng và nâng đỡ người khác. Thiên Chúa đã nói với nhân loại mỗi ngày ngang qua mọi hành động của nhân loại chúng ta, ngoại trừ tội lỗi.
Kết luận
Cảm nghiệm về sự thinh lặng của Thiên Chúa khi đang chịu khủng hoảng là một trải nghiệm kinh khủng đối với bất kỳ tín hữu nào. Đúng là không có lời giải thích nào có thể xoa dịu nỗi đau của người đang đau khổ. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là những hoàn cảnh như thế hoàn toàn vô nghĩa. Mỗi lời Chúa phán đều có mục đích, và mỗi khoảnh khắc thinh lặng cũng thế. Trong khi phản tỉnh, chúng ta khám phá ra nhiều cách để hiểu được ý nghĩa của những tình huống như vậy. Điều chúng ta kinh nghiệm được khi Chúa thinh lặng đó là cách chúng ta đón nhận nó như thế nào; đôi lúc chúng ta thấy và cảm nhận như thế nhưng thực tế không phải vậy. Chúng ta có thể có kinh nghiệm về một Thiên Chúa vắng mặt hoặc thinh lặng, ngay cả khi “chính ở nơi Người mà chúng ta sống, cử động và hiện hữu” (Cv 17,28). Với niềm hy vọng, chúng ta có thể khẳng định rằng không phải chúng ta đã mất tất cả. Thực sự, sự thinh lặng của Thiên Chúa cần phải được lắng nghe trong những lời nói và và việc làm liên đới với những con người đang chịu đau khổ trong cộng đoàn.
Tác giả: Joseph Lobo, SJ
Lm. Phêrô Phạm Công Tùng, SJ dịch từ La Civiltà Cattolica
Nguồn: https://dongten.net/