Lời Chúa: Mt 18,21 – 19,1
Khi ấy, Phêrô đến thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, khi anh em xúc phạm đến con, con phải tha thứ cho họ mấy lần? Có phải đến bảy lần không?” Chúa Giêsu đáp: “Thầy không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy.
“Về vấn đề này, thì Nước Trời cũng giống như ông vua kia muốn tính sổ với các đầy tớ. Trước hết người ta dẫn đến vua một người mắc nợ mười ngàn nén bạc. Người này không có gì trả, nên chủ ra lệnh bán y, vợ con và tất cả tài sản của y để trả hết nợ. Người đầy tớ liền sấp mình dưới chân chủ và van lơn rằng: “Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn, và tôi sẽ trả lại cho ngài tất cả”. Người chủ động lòng thương, trả tự do và tha nợ cho y.
“Khi ra về, tên đầy tớ gặp một người bạn mắc nợ y một trăm bạc: Y tóm lấy, bóp cổ mà nói rằng: “Hãy trả nợ cho ta”. Bấy giờ người bạn sấp mình dưới chân và van lơn rằng: “Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn, tôi sẽ trả hết nợ cho anh”. Y không nghe, bắt người bạn tống giam vào ngục, cho đến khi trả nợ xong. Các bạn y chứng kiến cảnh tượng đó, rất khổ tâm, họ liền đi thuật với chủ tất cả câu truyện. Bấy giờ chủ đòi y đến và bảo rằng: “Tên đầy tớ ác độc kia, ta đã tha hết nợ cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta; còn ngươi, sao ngươi không chịu thương bạn ngươi như ta đã thương ngươi?” Chủ nổi giận, trao y cho lý hình hành hạ, cho đến khi trả hết nợ. “Vậy, Cha Thầy trên trời cũng xử với các con đúng như thế, nếu mỗi người trong các con không hết lòng tha thứ cho anh em mình”.
Khi Chúa Giêsu nói những lời đó xong, thì Người bỏ xứ Galilêa mà đến Giuđêa, bên kia sông Giođan.
Suy niệm
Tha thứ một điều cần thiết nhưng lại khó khăn biết bao. Cần thiết vì nếu không tha thứ ta không thể sống với ai được. Con người là bất toàn. Luôn sai lỗi. Nếu ta không tha thứ thì cuối cùng chỉ còn mình ta với ta. Và ta cũng bất toàn. Nếu người khác không tha thứ thì ta cũng không sống nổi. Nhưng trên hết ta phải tha thứ để được Chúa thứ tha. Vì Chúa là Đấng hay tha thứ.
Chúa là Đấng từ bi thương xót. Luôn tha thứ lỗi lầm của con người. Lịch sử của con người là lịch sử của tình thương. Thiên Chúa yêu thương con người. Tạo dựng nên con người. Cứu chuộc con người. Sau Mô-sê đến lượt Gio-suê hướng dẫn dân Chúa ra khỏi Ai cập tiến vào Đất Hứa. Ra khỏi nô lệ khổ cực tiến vào tự do yêu thương. Ra khỏi đất ăn nhờ ở tạm vào đất sở hữu vĩnh viễn. Chúa yêu thương cho dân vượt qua Biển Đỏ. Hôm nay lại cho dân vượt qua sông Gio-đan khô chân. Qua sông qua biển. Đó là tình yêu thương của Chúa (năm lẻ).
Biết bao tình yêu thương Chúa bày tỏ với dân Ít-ra-en. Nhưng họ luôn cứng đầu cứng cổ. Phản loạn. Tội lỗi. Chúa phải sai các tiên tri đến cảnh tỉnh họ. Sửa chữa họ. Trừng phạt họ. Để họ tỉnh ngộ. Ê-dê-kiên trở nên dấu chỉ báo trước hình phạt Chúa giáng xuống ông hoàng và dân cư Giê-ru-sa-lem. “Tôi là điềm báo cho các ông. … Họ sẽ phải đi tù, đi đày. Ông hoàng đang ở giữa họ sẽ vác hành lý lên vào lúc trời tối và sẽ ra đi; họ sẽ khoét một lỗ trên tường cho ông chui qua. Ông sẽ che mặt để chính mắt khỏi nhìn thấy xứ sở” (năm chẵn). Chúa cảnh báo để họ sám hối, để được tha thứ.
Nhưng rồi Chúa lại tha thứ tất cả. Để tha thứ Chúa gửi Con Một xuống trần gian. Chịu mọi đau khổ để đền tội cho con người. Để đưa con người vượt qua biển trần gian. Để con người được vào không phải đất hứa ở trần gian, nhưng vào đất hứa trên thiên đàng. Để tha thứ cho ta Chúa phải chịu khổ nhục thiệt thòi như vậy. Chúa dạy ta phải tha thứ cho anh em. Tha như Chúa. Tha mãi mãi. Tha không giới hạn. Đó là điều kiện để ta được Chúa tha thứ. Đó là cách thế để cứu thế giới. Thế giới tràn đầy tội lỗi. Không thể tồn tại nếu thiếu lòng tha thứ. Hơn nữa ta phải tha thứ để làm chứng cho Chúa. Làm sáng lên lòng nhân từ tha thứ của Chúa. Để nhân loại nhận biết Chúa. Đây là thời đại cuối cùng. Đây là lúc biểu lộ tình thương. Đây là thời kỳ của ân sủng. Ơn tha thứ. Lòng thương xót cho con người. Ta hãy cùng Chúa đem ơn tha thứ cho thế giới bằng chính sự khoan dung tha thứ của ta.
TGM Giuse Ngô Quang Kiệt
Bình luận