Hình ảnh người con thứ qua dụ ngôn Người cha nhân hậu trong Tin Mừng Luca mang dáng vẻ của một chàng thanh niên bỏ nhà đi bụi. Anh ta quyết định thực hiện một chuyến đi để đời, một chuyến đi đầy hoan lạc nhưng cũng đầy bẽ bàng. Ngày bỏ nhà ra đi trông anh khí thế oai phong bao nhiêu thì ngày trở về trông anh thật tiều tụy và đáng thương bấy nhiêu. Ngày bỏ nhà, anh ra đi trong thân thế của một cậu Rich kid chính hiệu, ngày trở về anh bước từng bước lầm lũi trông thật thảm hại, rách rưới và tủi hổ… Hình ảnh của anh thật quá quen thuộc trong tâm trí tôi, vì cứ độ mùa chay về anh lại được nhắc đến như một con người tiêu biểu. Anh là biểu tượng cho những tâm hồn lang bạt đây đó đang đói khát sự tha thứ và muốn được trở về.
Cái đói dẫn anh về nhà…
Tôi thấy anh thật đáng thương, sau những tháng ngày ăn chơi xa đọa, anh lâm cảnh túng thiếu, chỉ còn mỗi tấm áo che thân. Anh đang bị cái đói hành hạ, anh đói bụng và đang muốn tìm cái gì đó để thỏa mãn cơn đói. Anh tự nhủ mình không thể cứ thế nằm một chỗ rồi quằn quại trong cái đói cái khát, mình không thể há miệng chờ sung hay hy vọng một ông Bụt tốt bụng nào đó hiện ra và ban cho mình những điều ước mình cần. Và rồi anh hành động. Anh chấp nhận ở đợ cho một khác, anh chấp nhận làm tôi và ra đồng chăn heo, anh từ bỏ cái sĩ diện của một cậu chủ giàu có để trở thành kẻ tôi đòi. Trước đây anh được kẻ hầu người hạ, giờ thì anh làm đầy tớ cho người khác. Nghĩ mà đau xót! Khi cái đói lên đến cực độ, anh chẳng thiết gì đến những thứ cao lương mỹ vị mà trước đây đã từng thưởng thức, mà chỉ cần chút ít đậu muồng heo để nhét cho đầy bụng, nhưng than ôi, chẳng ai cho… không ai còn thương xót kẻ cơ cực như anh sao? Theo lẽ tự nhiên, khi con người bị rơi vào hoàn cảnh cùng cực thì bản năng sinh tồn sẽ trỗi dậy, lúc đó đạo đức và văn hoá lễ nghĩa không còn quan trọng, người ta sẵn sàng làm bất cứ điều gì, việc gì dù nó có sai trái với lương tâm, người ta vẫn cứ làm để có thể tồn tại. Thật đúng như câu bần cùng sinh đạo tặc.
Tôi thấy lo cho anh, anh cũng đang rơi vào cơn bĩ cực, liệu rằng anh có túng quá hóa liều, có đủ gan để hóa đạo tặc? Không! lương tâm anh không cho phép anh làm điều đó. Anh không hóa liều, không hóa đạo tặc nhưng lại ngộ ra điều trân quý mà mình đã lỡ vất bỏ. Anh nghĩ đến những người làm công cho nhà mình được hưởng cơm dư gạo thừa, ê hề đồ ăn thức uống. Anh vốn dĩ từng thuộc về nơi sung túc đó nhưng đã dại khờ dứt áo ra đi, liệu giờ anh còn đường quay về trốn xưa? Giây phút đầu anh chưa dám nghĩ đến cha mình, mà mới chỉ nghĩ đến những người đầy tớ cho cha mình mà thôi, vì anh sợ cha sẽ không tha thứ cho mình, sợ lỗi lầm mình gây ra quá to lớn nên sẽ không được đón nhận lòng thương xót của cha. Lòng anh đầy hoài nghi nên anh chỉ dám xin được coi như một người làm công mọn hèn cho cha mình. Hoài nghi là vậy nhưng anh vẫn quyết tâm đứng lên, can đảm quay gót trở về nơi anh đã dứt tình đoạn nghĩa. Nhưng suy cho cùng, tôi lại thấy anh chẳng qua vì đói quá nên mới nghĩ đến chuyện trở về nhà, nếu anh không đói chắc gì anh đã nghĩ đến nhà. Phải không anh? Thôi thì đói quá! Về thôi.
Trong tâm thức của anh cũng như của bao người, khi khó khăn nhất, đau khổ nhất thì nhà vẫn là chốn bình yên, là lựa chọn số một để trở về mà anh nghĩ tới. Tôi thấy mừng cho anh, vì dù gì anh cũng biết sám hối. Có thể chỉ vì đói quá nên mới nghĩ đến nhà, vì không thể tự lo được cái ăn cái mặc nên nghĩ đến chuyện quay trở về. Cái ăn là nguồn động lực, cái đói là nguồn thôi thúc anh quay về. Thành ngữ Việt Nam có câu miếng ăn là miếng nhục, là chấp nhận hi sinh phẩm giá con người để có miếng ăn sinh tồn. Được thôi, anh sẵn sàng hứng chịu những lời dè bỉu chê bai, xỉa xói của người đời để quyết tâm về nhà. Cái đói đã làm anh thức tỉnh ở giây phút anh ngụp lặn trong bế tắc.
Tôi nhớ ngày mình còn cắp sách, đạp xe đến trường, sau những buổi học trên lớp thật mệt mỏi và đói, tôi chỉ muốn đạp xe thật nhanh về nhà, để tận hưởng những món ăn mẹ nấu. Tôi tin ai trong chúng ta cũng đều có những giây phút thật giản dị nhưng rất bình yên bên mâm cơm gia đình. Cả những ông bố bà mẹ, người chồng người vợ cũng thế, sau ngày làm việc đói mệt, trở về nhà mà thấy mâm cơm tươm tất đâu ra đấy thì thật ấm cúng và hạnh phúc biết chừng nào. Như vậy, phải chăng chính cái đói dẫn lối cho chúng ta đường về nhà?
Có một cái đói khác khiến anh thức tỉnh…
Tôi tin đằng sau cái đói khát về thể xác của anh, vẫn còn một cơn đói khác đang dằn vặt lương tâm anh ngày qua ngày, cái đói về tình yêu thương và sự tha thứ của người cha. Hẳn anh rất muốn được thỏa mãn cái đói tinh thần này hơn, hơn là chỉ muốn tìm cái gì đó nhét cho đầy cái bụng đang sôi sùng sục kia. Và tôi chợt thấy chính mình trong hình ảnh của anh. Cái đói của anh cũng làm tôi thức tỉnh và nhận ra, tôi cũng đang đói như anh.
Tôi thấy mình có chút ngạo nghễ như anh, tự vỗ ngực cho rằng mình đã đủ trưởng thành để bước vào đời, để chinh phục những thử thách, những vùng đất mới. Để khi nhìn lại tôi thấy mình cũng thất bại ê chề như anh. Tuy tôi không từ mặt cha mình cách thẳng thừng rồi bỏ nhà đi bụi như anh, nhưng có những lúc tôi lẳng lặng gạt bỏ và coi thường những quan tâm đầy tình yêu cùng sự lo lắng của cha mẹ. Tôi thấy mình cũng cơ cực cũng lam lũ như anh. Anh cơ cực vì phải đi làm công cho người khác chỉ để kiếm gì đó lót dạ qua ngày, tôi cơ cực vì phải vật lộn bươn trải kiếm miếng cơm lo cho gia đình. Anh biết đấy kiếm miếng ăn ngoài xã hội đâu phải chuyện đơn giản.
Tôi thấy anh được cha thương yêu quá nên hóa hư và vượt ra ngoài ranh giới cho phép. Cha anh đáp ứng sở nguyện của anh vì tôn trọng tự do anh lựa chọn. Cha anh sẵn sàng chia tài sản cho anh, sẵn sàng để anh ra đi theo như ước muốn của anh mà không một lời khuyên lơn vì thấy anh cương quyết quá. Tôi tin cha anh biết sẽ có ngày anh trở về, cha hiểu anh hơn chính anh hiểu anh mà. Còn tôi, chính tôi đây cũng nhiều lần để mình rơi vào trạng thái lạm dụng lòng thương xót của Chúa: chọn lối sống thoải mái, chọn những giây phút ăn chơi buông thả hơn là phải gò ép mình trong khuôn khổ, chọn những quan lộ rộng rãi thênh thang thay vì những nẻo đường thập giá chật hẹp. Thậm chí nhiều khi tôi còn chấp nhận tội và sống trong tội mà không sợ hãi. Tôi nhìn vào gương của anh rồi nhủ thầm: thôi, đến phút trót rồi ăn năn quay trở về vẫn kịp. Ôi! Thật khờ khạo.
Ở anh, tôi còn thấy một sự nỗ lực đặc biệt. Có thể nói, sự nỗ lực đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc trở về này, ngay cả khi lí do anh trở về là vì sợ chết đói! Đúng thế, anh đã khiêm tốn thừa nhận lỗi lầm của mình và chỉ dám mong cha đối xử với mình như người ở mà thôi. Tôi thấy anh cố gượng dậy, tìm đường về. Còn tôi, tôi có làm được như anh chăng?
Qua cái đói của anh, tôi thấy mình cũng đang đói…
Nhờ anh tôi thấy được cái đói của bản thân mình, đó không phải là cái đói về thể xác nữa, không phải là lo tìm cái gì đó nhét vào bụng nữa nhưng là cái đói trong tâm hồn. Tôi thấy mình cũng lắm lúc lạc lối như anh, đánh mất những giá trị tinh thần là tình thương và sự liên đới của những người xung quanh để miệt mài chạy đi tìm kiếm thú vui khoái lạc, đắm chìm trong những hưởng thụ mà của cải vật chất đem lại. Tôi đói khát lòng thương xót của Chúa như anh đói khát lòng thương xót và sự tha thứ của cha mình vậy. Anh dám về là vì anh biết rằng cha mình là một người cha tốt lành, anh nhớ lại những ngày tháng được cha chăm sóc, yêu thương nên anh tin điều đó. Và vì anh tin vào tình yêu thương của cha trong tận sâu thẳm trái tim mình, nó trở thành nguồn động lực dẫn anh về. Còn tôi, tôi có dám đối diện với Thiên Chúa mỗi lần tôi phạm tội, tôi có dám ngước mắt lên nhìn Chúa không khi đôi mắt tôi đầy vẩn đục? Tôi có dám chìa đôi tay mình ra để xin một cái ôm từ Ngài khi đôi tay đó đã làm biết bao những điều xấu? Tôi có dám đứng lên trở về với Chúa khi đôi chân tôi còn nặng nề bởi những ganh ghét và oán giận trong cuộc sống?
Hình ảnh của anh thật đẹp. Anh đẹp không phải vì bộ quần áo chính hiệu anh khoác lên người, hay vì đeo trên người đầy trang sức với một túi tiền rủng rỉnh, nhưng lại có một tâm hồn đắc thắng của một kẻ ăn chơi đầy cao ngạo. Với tôi, anh đẹp nhất là lúc anh không còn gì với đôi bàn tay trắng, chỉ còn tấm áo rách rưới che thân, cùng với thân hình tiều tụy, nhưng có một tâm hồn ăn năn sám hối và biết nhận ra yếu đuối lỗi lầm của mình. Nó càng đẹp hơn khi anh biết gượng dậy tìm đường về nhà để mong được đón nhận sự tha thứ từ tấm lòng nhân hậu của người cha đáng kính. Chính lúc này tôi thấy anh khoan dung biết bao, anh tha thứ và mở ra cho chính con người tội lỗi của mình một cơ hội để quay về, để làm lại cuộc đời.
Nhìn vào anh tôi học được rằng thể xác cần bao nhiêu thứ để khỏe mạnh thì tâm hồn cũng cần bấy nhiều thứ để lớn lên. Đừng để cho những hào nhoáng bên ngoài lôi kéo và mời gọi ta bước theo. Những thứ đó có thể làm cho con người ta hạnh phúc trong phút chốc nhưng sẽ đánh gục tâm hồn và khao khát thiêng liêng bên trong ta. Mọi thời điểm đều có thể trở thành một động lực thúc đẩy ta trở về để tìm lại chính mình, để nhìn nhận lại bao lâu nay ta đã lạc lối, đã quên mất những thứ dẫn ta đến hạnh phúc đích thực. Hi vọng những người đang đói khát ơn Chúa, đói khát lòng thương xót bao dung của Chúa có đủ can đảm nhận ra và biết đứng lên để trở về với Thiên Chúa là nguồn tình yêu – Đấng có thể khỏa lấp những cơn đói trong con người mình như lời thánh Âu Tinh nói: “Lạy Chúa, Ngài dựng nên con cho Chúa và lòng con những khắc khoải khôn nguôi cho tới khi được an nghỉ trong Chúa.” Nếu bạn đang đói thì về thôi! Chúa vẫn đang chờ đợi bạn từng giây từng phút đó…
Thiên Tâm, OP