Với hầu hết chúng ta, khi điều này xảy ra, chúng ta vẫn là những người tốt và hào phóng, ngoại trừ chúng ta trở nên cay nghiệt, hoài nghi và phán xét nhiều hơn trước đây.
Một trong những bi kịch lớn trong mọi tác phẩm văn học là câu chuyện về ông Saul trong Kinh Thánh. So với Saul thì nhân vật Hamlet giống như một nhân vật của Disney. Ít nhất thì Hamlet cũng có lý do chính đáng cho thảm họa ập đến với mình. Còn với ông Saul, với những ơn ông có, lý ra số phận của ông phải tốt hơn rất nhiều.
Câu chuyện của ông bắt đầu với lời tuyên bố, trong toàn bộ Israel, không ai có thể sánh được với ông về chiều cao, sức mạnh, lòng tốt, lời ca ngợi. Là nhà lãnh đạo bẩm sinh, một hoàng tử giữa những người đồng cấp, tính cách phi thường của ông được mọi người công nhận và tuyên xưng. Câu chuyện của ông bắt đầu như câu chuyện cổ tích. Và cứ thế tiếp diễn trong một thời gian.
Nhưng, đến một lúc nào đó, mọi thứ bắt đầu trở nên xấu đi. Đó là lúc Đavid xuất hiện, một thanh niên trẻ hơn, đẹp trai hơn, tài năng hơn, được ca ngợi hơn. Sự đố kị bắt đầu và đố kỵ dần dần biến tâm hồn ông thành chất độc. Khi nhìn Đavid, ông chỉ thấy sự nổi tiếng làm lu mờ chính ông, ông không thấy lòng tốt của người khác, không thấy lòng tốt đó có thể là ơn cho nhiều người như thế nào. Ông trở nên cay đắng, nhỏ nhen, lạnh lùng và muốn giết Đavid, rồi cuối cùng lại tự mình giết mình, một con người tốt bụng khi còn son trẻ đã sa ngã thành một người tức giận như thế.
Chuyện gì đã xảy ra ở đây? Làm thế nào mà một người có quá nhiều lòng tốt, tài năng, quyền lực và ơn lành lại vì thất vọng mà trở thành người đàn ông tức giận, nhỏ nhen, rồi tự tay giết mình? Chuyện này xảy ra như thế nào?
Nữ văn sĩ quá cố Margaret Laurence, trong quyển tiểu thuyết đen tối The Stone Angel đã mô tả chính xác cách điều này có thể xảy ra. Hagar Shipley, nhân vật chính của bà có phần giống ông Saul trong Kinh Thánh.
Câu chuyện của Hagar bắt đầu giống như câu chuyện của Saul: cô trẻ, tốt đẹp, đầy tiềm năng. Một phụ nữ trẻ đẹp, thông minh, tài năng như vậy sẽ ra sao? Đáng buồn thay, chẳng ra gì. Cô trôi dạt vào mọi thứ: tuổi trưởng thành, hôn nhân không hạnh phúc, thất vọng sâu đậm không được nhận ra, cuối cùng cô trở nên luộm thuộm, lạnh lùng, cay đắng, không năng lực, không tham vọng. Điều đáng chú ý cũng như đáng buồn là cô không nhận ra bất kỳ điều gì trong những điều này đã xảy ra với mình. Trong tâm trí cô, cô vẫn nghĩ cô là cô gái trẻ đẹp, tốt bụng, duyên dáng, nổi tiếng, hấp dẫn như hồi trung học. Cô không nhận ra thế giới của cô đã trở nên nhỏ bé như thế nào, cô không còn được bạn bè xung quanh ngưỡng mộ, cô để bề ngoài của cô như người bê tha.
Sự thức tỉnh của cô đột ngột và tàn khốc. Một ngày mùa đông, cô mặc chiếc áo khoác parka cũ, cô bấm chuông ngôi nhà cô giao trứng. Một đứa trẻ mở cửa, nhìn cô và cô nghe đứa bé nói với mẹ: “Bà già bán trứng khủng khiếp đang ở ngoài cửa!” Rụng rời ngạc nhiên.
Sửng sốt, cô rời ngôi nhà và đến nhà vệ sinh công cộng, cô bật hết đèn và nhìn khuôn mặt mình trong gương. Một khuôn mặt mà chính cô không nhận ra, một người trái ngược một cách thảm hại với hình ảnh cô nghĩ về mình. Thực tế, cô thấy người phụ nữ già nua, kinh khủng mà đứa bé nhìn thấy ở cửa, chứ không phải hình ảnh người phụ nữ trẻ trung, duyên dáng, hấp dẫn, rộng lượng mà cô vẫn nghĩ về mình. Cô tự hỏi, làm sao điều này có thể xảy ra? Làm sao chúng ta, những người vô hình với chính mình, có thể trở thành người mà chúng ta không thể nhận ra?
Ở mức độ nhỏ hoặc lớn hơn, điều này xảy ra với tất cả chúng ta. Không dễ để già đi, để chấp nhận cái chết của nhiều thứ mà chúng ta mơ ước cho chính mình và để chứng kiến những người trẻ sau chúng ta được nổi tiếng, được ca ngợi mà chúng ta từng được. Giống như Saul, chúng ta có thể bị ghen tị tức giận làm mù quáng và giống như Hagar, chúng ta không thấy chính mình. Dĩ nhiên người khác nhìn thấy.
Nhưng, với hầu hết chúng ta, khi điều này xảy ra, chúng ta vẫn là những người tốt và hào phóng, ngoại trừ chúng ta trở nên cay nghiệt, hoài nghi và phán xét nhiều hơn trước đây. Chúng ta vẫn là người tốt, nhưng than van quá nhiều, quá thương hại mình, nguyền rủa nhiều hơn là chúc phúc cho những người đã thay thế chúng ta về tuổi trẻ, về nổi tiếng và địa vị.
Vì thế một trong những nhiệm vụ thiêng liêng quan trọng nhất của con người trong nửa sau cuộc đời là nhận ra sự ghen tị, xấu xí này bên trong mình, quay trở lại với tình yêu, với sự tươi mới của tuổi trẻ để tái sinh, để trở nên ngây thơ lần thứ hai, và bắt đầu lại, để là những người trẻ tuổi với ánh mắt ngưỡng mộ.
Vào đầu Sách Khải Huyền, tác giả, nói bằng giọng nói của Chúa, đã đưa ra lời khuyên này cho chúng ta, ít nhất là với những người trong chúng ta đã qua tuổi thanh xuân: “Ta đã thấy con làm việc chăm chỉ như thế nào. Ta công nhận lòng hào phóng và mọi việc tốt con làm. Nhưng Ta có điều này trách con – con không còn yêu thương con như khi con còn trẻ! Hãy quay lại và nhìn từ nơi con đã sa ngã!”
Chúng ta có thể muốn nghe những lời này từ Kinh Thánh hơn là nghe một cô bé nói với mẹ có một người già, xấu xí, cay đắng đang ở trước cửa.
Ronald Rolheiser
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch