Nhiều người vẫn đặt vấn đề rằng: chúng ta cần quan tâm điều gì nhất trong khi thi hành sứ mạng loan báo Tin mừng? Bài viết này giúp tìm câu trả lời cho vấn đề nêu trên. Trước hết, người môn đệ Chúa Giêsu cần quan tâm đến lòng nhiệt thành truyền giáo sâu thẳm nơi tâm hồn. Thứ đến, cần canh tân sự hiện diện của mình trong môi trường được sai đến. Và sau cùng, cần trau dồi kỹ năng truyền giáo.
1. Lòng nhiệt thành truyền giáo
Đề máy xe không nổ, có thể do cạn xăng. Bật quẹt lửa không lên, có thể ga đã hết. Cầm bút viết, không ra mực, có thể mực đã cạn khô. Vặn vòi nước không chảy, có thể bồn hết nước… Chán nản, không muốn đi loan báo Tin mừng, có thể lửa nhiệt thành đã tắt!
Có khá nhiều nguyên nhân cản trở sứ mạng loan báo Tin mừng, hay làm cho sứ mạng ấy không đạt hiệu quả. Nhưng nguyên nhân lớn nhất và sâu nhất, khiến nhiều người không nhận ra, là thiếu lòng nhiệt thành truyền giáo. Tình trạng này được thánh Giáo hoàng Phaolô VI đề cập đến trong Tông huấn Loan Báo Tin mừng Evangelii Nuntiandi, số 80 và thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II nhắc lại trong Thông điệp Sứ Vụ Đấng Cứu Thế Redemptoris Missio, số 36.
Tại sao thiếu lòng nhiệt thành truyền giáo là nguyên nhân cản trở lớn nhất và sâu thẳm nhất và nó biểu lộ ra bên ngoài như thế nào? Trước hết, thiếu lòng nhiệt thành truyền giáo rất khó nhận ra vì nó không đến từ bên ngoài nhưng xuất phát tự nội tâm người môn đệ. Hơn nữa, sức tàn phá của nó tuy âm thầm nhưng tác hại khôn tả, vì làm khô cằn và phá huỷ đời sống đức Tin, đồng thời làm nhạt nhẽo mối tương quan cá nhân giữa người môn đệ với Thiên Chúa là cội nguồn Sứ mạng. Kế đến, thiếu lòng nhiệt thành truyền giáo được thể hiện ra bên ngoài qua tình trạng “mệt mỏi và chán chường, làm chiếu lệ và hờ hững, nhất là thiếu niềm vui và hy vọng.”[1]
Điều tại hại, và rất khó nhận ra, do sự thiếu lòng nhiệt thành truyền giáo gây ra là: người môn đệ Chúa Giêsu không bỏ cuộc mà vẫn thi hành sứ mạng, nhưng chỉ làm cách qua lần chiếu lệ. Họ bị lôi cuốn vào hình thức bề ngoài hơn chiều kích nội tâm; thích làm truyền giáo theo kiểu “ăn xổi ở thì” hơn là kiên nhẫn theo đuổi kế hoạch lâu dài; thích làm truyền giáo theo cảm tính và ý riêng hơn là theo hướng dẫn của Hội Thánh. Khi rơi vào căn bệnh thiếu nhiệt thành truyền giáo, người môn đệ Chúa Giêsu dễ tìm lý do ngụy biện để trốn tránh việc rao giảng Tin mừng. Thánh Giáo hoàng Phaolô VI đã cho thấy những kiểu ngụy biện do sự thiếu nhiệt thành truyền giáo như sau: “Chẳng hạn chúng ta thường nghe nói: áp đặt một chân lý, dẫu là chân lý của Tin mừng, cưỡng bách theo một con đường, dù là con đường cứu rỗi, đều là vi phạm tự do tôn giáo. Ngoài ra có người thêm rằng cần gì phải loan báo Tin mừng, vì mọi người đều được cứu rỗi nếu ăn ngay ở lành. Vả lại, nếu thế giới và lịch sử tràn đầy Hạt giống của Ngôi Lời thì phải chăng không là ảo tưởng khi muốn mang Tin mừng đến nơi đã tràn đầy những hạt giống do chính Chúa gieo vãi.”[2]
Tóm lại, có thể nói thiếu nhiệt thành truyền giáo là một căn bệnh vô cùng hiểm nghèo vì nó làm khô cạn “chất Tin mừng” trong các cộng đoàn Hội Thánh. Người thiếu nhiệt thành truyền giáo cũng giống như người bị bệnh thiếu máu, lúc nào họ cũng cảm thấy “chóng mặt,” uể oải, mệt mỏi, không hứng thú và kiên trì thi hành sứ mạng. Vì thế, để sứ mạng loan báo Tin mừng đạt hiệu quả cao, người môn đệ Chúa Giêsu luôn đề phòng “căn bệnh hiểm nghèo” này.
2. Canh tân sự hiện diện
Trong những hướng dẫn căn bản về truyền giáo, Hội Thánh luôn luôn nhấn mạnh đến sự hiện diện của mình trong thế giới để nhằm mục đích loan báo Tin mừng.[3] Hiện diện (presence) khác với hiện hữu hay tồn tại (existence). Hiện diện là sự có mặt của hữu thể với chủ đích rõ ràng (ví dụ sự hiện diện của sinh viên trong lớp học là để nghiên cứu), trong khi đó hiện hữu là sự có mặt của hữu thể một cách khách quan (ví dụ con người có, con vật có…). Trong chiều hướng đó, Hội Thánh không hiện hữu hay tồn tại trong thế giới nhưng hiện diện với chủ đích rất rõ ràng là loan báo Tin mừng. Vì có mục đích hiện diện để loan báo Tin mừng, nên Hội Thánh phải hiện diện thế nào (cách hiện diện) để Tin mừng được rao giảng. Nói cách khác, cách hiện diện của Hội Thánh phải chuyển tải được sứ điệp Tin mừng “cho các loài thụ tạo” (Mc 16, 16) và cho “đến tận cùng trái đất” (Cv 1, 8). Chính vì lý do đó, canh tân cách VI đã nhấn mạnh về điểm này: “Người đương thời sẵn sàng lắng nghe những nhân chứng hơn hiện diện theo định hướng truyền giáo là vấn đề quan trọng mà Hội Thánh không ngừng nỗ lực suy tư.
Cuộc sống hằng ngày có nhiều hình ảnh giúp chúng ta hiểu thêm về sự hiện diện. Ví dụ nước ngấm đến đâu làm ướt đồ vật đến đó, vì bản chất của nước là làm ướt; hương thơm của hoa làm thơm nức căn phòng, vì bản chất của hoa là tỏa hương… Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu đi đến đâu Tin mừng lan toả tới đó, vì tự bản chất họ là truyền giáo. Nói cách khác, người môn đệ Chúa Giêsu chỉ cần hiện diện thôi (chưa cần hành động) cũng chuyển tải sứ điệp Tin mừng rồi vì “hữu xạ tự nhiên hương” (có chất thơm thì tự nhiên có mùi thơm). Thật vậy, hiện diện chính là sống đời chứng tá sống động để loan báo Tin mừng. Thánh Giáo hoàng Phaolô là những thầy dạy, hoặc nếu họ có nghe thầy dậy, thì bởi vì chính thầy dạy cũng là những nhân chứng rồi.”[4] Sau này, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II cũng khẳng định rằng hình thức đầu tiên của truyền giáo là làm chứng.[5]
Công Đồng Vatican II khẳng định: “Tự bản chất, Hội Thánh lữ hành là truyền giáo.”[6] Điều này có thể được quảng diễn rằng Hội Thánh là một hữu thể truyền giáo. Nói khác đi, chất thể cấu thành Hội Thánh là “chất truyền giáo” hay “chất Tin mừng.” Vì thế, Hội Thánh hiện diện ở bất cứ nơi nào thì nơi ấy Tin mừng được rao giảng. Vậy nếu nơi đâu người môn đệ Chúa Giêsu hiện diện mà Tin mừng chưa được rao giảng (hay được rao giảng rất yếu ớt) thì cần xem lại cách hiện diện của mình, vì có thể “chất truyền giáo” hay “chất Tin mừng” trong tâm hồn người môn đệ ấy đã cạn khô. Tình trạng này được gọi là sự hiện diện bị lỗi hay lệch chuẩn so với Tin mừng.
Tóm lại, hiện diện là cấp độ nền tảng nhất và là sứ điệp không lời để loan báo Tin mừng. Nếu người môn đệ có sự hiện diện đầy chất Tin mừng chắc chắn sẽ có hoạt động loan báo Tin mừng đầy hiệu quả. Trái lại, sẽ rất khó để có một hoạt động chuyển tải sứ điệp Tin mừng nơi người môn đệ có sự hiện diện cạn chất Tin mừng. Do đó, khi thi hành sứ mạng truyền giáo, người môn đệ cần quan tâm đến vấn đề sống như thế nào (hiện diện) hơn là “làm cái gì” để Tin mừng được rao giảng.
3. Trau dồi kỹ năng truyền giáo
Kỹ năng là năng lực (khả năng) của con người tích luỹ được do tập luyện và kinh nghiệm để thực hiện nhuần nhuyễn, và đem lại hiệu quả cao, một hành động hay việc nào đó (ví dụ kỹ năng ăn nói trước công chúng). Kỹ năng khác với bản năng. Bản năng là khuynh hướng tự nhiên để phản ứng lại những tác động bên ngoài (ví dụ giơ tay đỡ khi bị tấn công). Như vậy, kỹ năng mang tính chủ động còn bản năng mang tính thụ động; kỹ năng là phản ứng có ý thức còn bản năng tạo ra phản ứng vô ý thức. Để công cuộc loan báo Tin mừng đem lại hiệu quả cao, đòi hỏi người môn đệ có kỹ năng chứ không phải bản năng.
Cụm từ “kỹ năng truyền giáo” muốn nói đến những kỹ năng mà người môn đệ Chúa Giêsu cần luyện tập, trau dồi nhuần nhuyễn để qua đó họ cảm nếm niềm hạnh phúc trong đời chứng nhân, đồng thời sứ mạng họ thi hành đem lại kết quả mong đợi. Nói chung có nhiều kỹ năng mà người môn đệ Chúa Giêsu cần trau dồi luyện tập. Tuy nhiên, bài viết này chỉ gợi ý một số kỹ năng căn bản rất cần được quan tâm.
Dựa vào ba mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa, với chính mình và với thế giới, người môn đệ Chúa Giêsu cần quan tâm ba loại kỹ năng sau: kỹ năng đến với Chúa, kỹ năng đến với chính mình và kỹ năng đến với người khác. Trước hết, đến với Chúa sẽ giúp người môn đệ giữ được mối tương quan thâm sâu với Ngài và “kiểm tra” được lòng nhiệt thành truyền giáo của mình. Để trau dồi kỹ năng này, người môn đệ cần luyện tập đời sống cầu nguyện, học hỏi và chia sẻ Lời Chúa theo hướng dẫn của Hội Thánh. Kế đến, đến với chính mình sẽ giúp người môn đệ biết mình là ai, nhận ra những ưu điểm cũng như thiếu sót của mình để canh tân sự hiện diện trong việc loan báo Tin mừng. Để trau dồi kỹ năng này, người môn đệ cần luyện tập đời sống nội tâm, âm thầm, đơn giản, tránh lối sống phù phiếm xa hoa, thích chạy theo hình thức bề ngoài… Sau cùng, đến với người khác sẽ giúp người môn đệ có tương quan tốt với mọi người và có khả năng cộng tác trong việc chung. Để trau dồi kỹ năng này, người môn đệ cần luyện tập khả năng lắng nghe, đối thoại và làm việc chung, tránh lối làm việc gia trưởng, độc tài, thái độ kẻ cả…
Kết luận: lòng nhiệt thành truyền giáo, canh tân sự hiện diện và trau dồi kỹ năng truyền giáo là những điều căn bản nhất mà người môn đệ Chúa Giêsu cần quan tâm khi thi hành sứ mạng loan báo Tin mừng. Ba điều này có mối liên hệ hữu cơ và khắng khít với nhau để làm nên con người truyền giáo toàn diện, do đó chỉ có thể phân biệt chứ không thể tách biệt chúng. Sẽ là khập khiễng nếu người môn đệ Chúa Giêsu thiếu một trong ba điều này.
Lm. Giêrônimô Nguyễn Đình Công (Giáo phận Xuân Lộc),
Giám đốc các Hội Giáo hoàng Truyền giáo tại Việt Nam
Trích / HĐGMTập san Hiệp Thông VN, Số 118 (Tháng 5 & 6 năm 2020)
[1] ĐGH Phaolô VI, Tông Huấn Loan Báo Tin Mừng Evangelii Nuntiandi (EN) (Roma: 8/12/1975), 80; ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp Sứ vụ Đấng Cứu Thế Redemptoris Missio (RM) (7/12 1990), 36.
[2] EN 80.
[3] x. Vatican II, Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội Ad Gentes (AG) (Roma: 7/12/1965), 2; EN, 41; RM, 42.
[4] EN 41.
[5] x. RM 40.
[6] AG 2.