Có một linh mục nói với tôi rằng: “Cứ nhìn thấy tu sĩ Đa Minh ở đâu là thấy mùa xuân ở đó”. Tôi thắc mắc: “Tại sao vậy, thưa Cha?” Vị linh mục nở một nụ cười và trả lời: “Vì trên tu phục của các tu sĩ dòng Đa Minh có 2 câu đối trước và sau, nên cứ thấy tu sĩ Đa Minh là thấy mùa xuân”. Tôi mới vỡ lẽ.
Nói đến tu phục của Dòng Đa Minh khiến tôi nhớ đến chuyện tích kể về câu đối đó. Trong dòng, câu đối đó được gọi là áo phép, hay là áo Đức Mẹ trao cho dòng. Truyền thống lâu đời cho rằng áo phép được thêm vào tu phục Dòng Đa Minh nhiều năm sau ngày thành lập, vì Đức Trinh Nữ Maria đã hiện ra với chân phước Reginald de Orleans vào lúc anh lâm bệnh nặng và trao áo dòng cho anh: “Kìa, đây là tu phục của Dòng con!” Tuy nhiên, câu chuyện này không có ý nói Đức Trinh Nữ đã thêm áo phép này vào tu phục nguyên thủy của Dòng. Khi Đức Mẹ cho anh Reginald thấy áo dòng, thì tu phục Dòng đã có áo phép rồi, và anh vào Dòng sau khi được lành bệnh.
Áo phép Dòng Đa Minh mầu trắng gồm có hai tà áo nằm bên trên áo chùng trắng (tunica), che trước ngực và sau lưng, dài cho đến đầu gối. Tu sĩ Đa Minh mặc áo này bởi vì Đấng sáng lập là Thánh Đa Minh xuất thân từ các kinh sĩ. Và tu phục đã được phê chuẩn trong sắc lệnh lập dòng của Đức Giáo Hoàng Honorius III năm 12161.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn nghe nói: “áo dòng chẳng làm nên thầy tu”. Quả vậy, người tu sĩ Đa Minh trân trọng bộ áo dòng truyền thống, nhưng trên hết là đời sống theo linh đạo của Dòng. Với châm ngôn: “Nói với Chúa và nói về Chúa” của Dòng thì hai tà trước-sau của áo phép cũng tựa như hai mái chèo của con thuyền: một bên là nói với Chúa, và một bên là nói về Chúa, hoặc cũng có thể hiểu một bên là cầu nguyện và một bên là hoạt động. Người tu sĩ Đa Minh sống theo tôn chỉ: “Chiêm niệm và chia sẻ cho tha nhân điều mình chiêm niệm”. Người ta chỉ có thể cho cái người ta có. Những tu sĩ Đaminh chia sẻ cho tha nhân không phải là tiền của, hay tri thức, nhưng là chính Chúa, Đấng mà họ đã chiêm ngắm và chìm sâu trong tình yêu của Người qua việc chiêm niệm. Ngoài ra, đời sống của người tu sĩ Đa Minh còn được diễn tả dựa trên 4 cột trụ là: cầu nguyện, học hành, đời sống cộng đoàn và sứ vụ. Tôi không có tham vọng chia sẻ hết những gì liên quan đến đời sống của những tu sĩ Đa Minh trong một bài suy tư ngắn gọn và đơn sơ này. Nhưng cái mà để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi, không phải là những người tu sĩ chỉ say sưa trên bục giảng, mà là hình ảnh của những người tu sĩ lặng lẽ bên Chúa Giêsu Thánh Thể với hết cả tâm tình. Đó là những con người luôn “cân bằng” giữa đời cầu nguyện và hoạt động như Thánh phụ Đa Minh đã thiết tha với cầu nguyện: ngài dành ban ngày cho tha nhân, còn ban đêm cho Chúa. Người để lại mẫu gương cho anh chị em về đời sống cầu nguyện, luôn hướng tâm hồn lên Đấng là Suối Nguồn trước khi đi hoạt động giảng thuyết.
Tôi hy vọng hình ảnh của những tu sĩ Đa Minh sống quân bình giữa hai câu đối cầu nguyện và hoạt động sẽ luôn là một hình ảnh đẹp, mang đậm nét Đa Minh. Để nhờ đó, mùa xuân không chỉ luôn hiện diện với những tu sĩ Đa Minh, mà mùa xuân ân phúc còn trải dài đến với mọi người, mọi nơi.
Mai Ngàn
1. https://daminhtamhiep.net/2015/04/nam-venia-va-hon-ao-phep-trong-truyen-thong-da-minh/