“Theo Đạo (Công giáo) bỏ Ông Bà”, đó là một trong những lý do mà khá nhiều người, nhất là người trưởng nam trong gia đình, thường trưng dẫn khi họ từ chối hoặc do dự gia nhập đạo Công giáo. Xem ra sự ngộ nhận này vẫn còn tồn tại trong tâm thức của không ít người. Thực ra, đạo làm con được răn dạy và thực hành bởi chính Chúa Giêsu Kitô, đồng thời là một đòi hỏi thiết yếu của đời sống Kitô hữu.
Nếu không xét đến khía cạnh niềm tin của từng tôn giáo đặc thù, ta có thể nói rằng dân tộc Việt Nam cùng dự phần vào một nền văn hóa, những phong tục tập quán và niềm tin dân gian. Chính vì điều này mà người ta có thể dễ dàng nhận ra một người Việt ở bất cứ nơi đâu trên thế giới.
Dù theo Phật giáo, Cao Đài, Islam, Kitô giáo hay bất kỳ đạo nào khác tại Việt Nam, không người Việt nào có thể phủ nhận rằng mình đã được dìm sâu trong “Đạo Hiếu” truyền thống của cha ông, quen được gọi là “Đạo Ông bà” [1].
I. Đạo Hiếu trong truyền thống Việt Nam
Người Á châu nói chung và người Việt nói riêng rất trọng chữ hiếu. Dù theo tôn giáo nào, người Việt cũng được nuôi dưỡng trong cách sống “hiếu nghĩa” với những bậc sinh thành, khi các ngài còn sống cũng như khi đã khuất. Từ tấm bé, người Việt Nam được dạy rằng:
Công cha nghĩa mẹ cao dày,
Cưu mang trứng nước những ngày còn thơ.
Nuôi con khó nhọc đến giờ,
Trưởng thành con phải biết thờ song thân.
Lòng hiếu thảo còn được coi trọng như đạo làm con:
Công cha như núi Thái sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.
Những tâm tình và quan niệm trên đã hình thành nên việc “thờ kính ông bà tổ tiên,” mà ta thường gọi là “Đạo Ông Bà.” Một người (thuộc bất kỳ tôn giáo nào) chỉ là người con có hiếu thực sự khi người ấy biết chăm sóc, tôn trọng và kính mến ông bà, cha mẹ và tổ tiên và hiến dâng cuộc sống của mình cho gia đình. [2]
Việc “hiếu kính” ông bà cha mẹ của người Việt Nam còn mang một ý nghĩa sâu hơn nữa qua việc kính nhớ đến những bậc sinh thành ra mình khi đã khuất. Họ thường ít tổ chức mừng sinh nhật của các ngài hằng năm, nhưng ngày các ngài chết và dịp lễ Tết con cháu lại kính nhớ các ngài cách đặc biệt. Trong những ngày ấy, các thành viên của gia đình chuẩn bị những lễ vật như hoa trái và nhang đèn nơi bàn thờ tổ tiên của gia đình, để tưởng nhớ và tôn kính đặc biệt các bậc tổ tiên. Đó là thời khắc thật linh thiêng giúp mọi người (thuộc bất kỳ tôn giáo nào) xóa bỏ đi những hiểu lầm và xung đột trong quá khứ, hầu có thể được an bình, yêu thương, hạnh phúc và hợp nhất giữa các thành viên trong gia đình hay cộng đồng của mình [3].
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, trong Tông huấn Hội Thánh tại Á Châu, cũng công nhận đặc tính này: “Người Á châu rất quý trọng các giá trị như tôn trọng sự sống, từ bi với mọi loài, gần gũi thiên nhiên, hiếu thảo với cha mẹ, người lớn và tổ tiên…” [4].
Đặc biệt, Công Đồng Vaticanô II khẳng định Thiên Chúa hiện diện nơi những nền văn hóa khác nhau, vì “khi tự mạc khải cùng dân Ngài cho tới khi tỏ mình đầy đủ trong Chúa Con nhập thể, Thiên Chúa đã nói theo văn hóa riêng của từng thời đại” [5]. Theo các nghị phụ công đồng, văn hóa là “những quà tặng và những nét đặc biệt thuộc tinh thần của mọi người và mọi thời đại.” Có nhiều đường nối kết giữa sứ điệp của ơn cứu độ và văn hóa nhân loại. Công Đồng thúc giục các tín hữu Công giáo nên sống thân thiện với những truyền thống tôn giáo và quốc gia của mình và kính cẩn khám phá ra “những hạt giống của Lời Chúa đang tiềm ẩn nơi các truyền thống ấy” [6].
“Đạo Hiếu” trong nền văn hóa Việt Nam là một nền tảng rất quan trọng cho việc đối thoại liên tôn giữa Hội thánh Công giáo và các tôn giáo khác.
II. Đạo Hiếu trong đời sống Kitô giáo
“Đạo Hiếu” được đón nhận và đi vào lối sống của người Việt Nam một cách tự nhiên, ở mọi thời và mọi nơi. Như thế, “Đạo Hiếu” được xem như “hạt giống của Lời” được gieo vào dòng máu và con tim của dân Việt qua muôn vàn thế hệ, ngày nay khi gặp được Tin Mừng soi chiếu, nó được đón nhận như một thành phần không thể thiếu được của toàn bộ đời sống của Kitô hữu. Vậy Kitô giáo dạy gì về đời sống hiếu nghĩa?
Kinh Thánh dạy rõ về bổn phận hiếu nghĩa của con cái đối với những bậc sinh thành ra mình. Trước hết, trong Cựu Ước, một trong những giới luật nổi bật quan trọng về lòng thảo hiếu đối với mẹ cha là “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trên đất mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi” (Xh 20, 12).
Tác giả sách Cách Ngôn đã đề nghị những thực hành cụ thể đối với mẹ cha:
“Này con, giáo huấn của cha, con hãy nghe, lời dạy của mẹ, con đừng gạt bỏ. Vì những lời ấy sẽ là vòng hoa xinh con đội lên đầu, là vòng kiềng con đeo vào cổ” (Cn 1,8-9). Hay người con hiếu thảo là người con biết tuân giữ lời cha truyền và nghe lời mẹ dạy: “Hỡi con, lệnh cha con truyền, hãy lo tuân giữ, lời mẹ con dạy, chớ bỏ ngoài tai. Những lời truyền dạy đó, con hãy khắc trong tim, con hãy đeo vào cổ, để ghi nhớ đêm ngày. Những lời đó sẽ hướng dẫn con lúc con tới lui, sẽ giữ gìn con khi con nằm xuống, sẽ cùng con chuyện trò khi con thức dậy” (Cn 6,20-22).
Chính cách sống hiếu nghĩa của người con sẽ làm cho cha mẹ được mừng vui hạnh phúc: “Hãy lắng nghe cha con, đấng sinh thành ra con, đừng khinh dể mẹ con khi người già yếu. Chân lý và khôn ngoan, nghiêm huấn và hiểu biết, con hãy mua lấy chứ đừng bán đi. Thân phụ người công chính sẽ mừng vui, đấng sinh thành người khôn sẽ hoan hỷ. Ước gì cha mẹ con được hỷ hoan và người sinh ra con được mừng rỡ” (Cn 23,22-25).
Sách Huấn ca đề cao công ơn cha mẹ: “Cha con, con hãy hết lòng tôn kính, và đừng quên ơn mẹ đã mang nặng đẻ đau. Hãy luôn nhớ công ơn dưỡng dục sinh thành, công ơn ấy, con sẽ lấy chi đáp đền cho cân xứng?” (Hc 7,27-28).
Sống hiếu thảo với cha mẹ là điều kiện để được chúc phúc và làm đẹp lòng Thiên Chúa:
“Hỡi các con, hãy nghe cha đây, và làm thế nào để các con được cứu độ. Đức Chúa làm cho người cha được vẻ vang vì con cái, cho người mẹ thêm uy quyền đối với các con. Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, ai kính mẹ thì tích trữ kho báu. Ai thờ cha sẽ được vui mừng vì con cái, khi cầu nguyện, họ sẽ được lắng nghe. Ai tôn vinh cha sẽ được trường thọ, ai vâng lệnh Đức Chúa sẽ làm cho mẹ an lòng. Người đó phục vụ các bậc sinh thành như phục vụ chủ nhân. Hãy thảo kính cha con bằng lời nói việc làm, để nhờ người mà con được chúc phúc. Vì phúc lành của người cha làm cho cửa nhà con cái bền vững, lời nguyền rủa của người mẹ làm cho trốc rễ bật nền. Chớ vênh vang khi cha con phải tủi nhục, vì nỗi tủi nhục đó chẳng vinh dự gì cho con. Quả thật, người ta chỉ được vẻ vang lúc cha mình được tôn kính; và con cái phải ô nhục khi mẹ mình bị khinh chê. Con ơi, hãy săn sóc cha con, khi người đến tuổi già; bao lâu người còn sống, chớ làm người buồn tủi. Người có lú lẫn, con cũng phải cảm thông, chớ cậy mình sung sức mà khinh dể người. Vì lòng hiếu nghĩa đối với cha sẽ không bị quên lãng, và sẽ đền bù tội lỗi cho con. Thiên Chúa sẽ nhớ đến con, ngày con gặp khốn khó, và các tội con sẽ biến tan như sương muối biến tan lúc đẹp trời. Ai bỏ rơi cha mình thì khác nào kẻ lộng ngôn, ai chọc giận mẹ mình, sẽ bị Đức Chúa nguyền rủa” (Hc 3,3-16).
Sang thời Tân Ước, Đức Giêsu đã yêu cầu sống đạo hiếu không chỉ trong lời nói mà cả trong hành động. Ngài nhắc lại luật hiếu thảo trong Xh 20, 12 và Lv 20, 9: “Bất cứ người nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử. Nó đã nguyền rủa cha mẹ, thì máu nó đổ xuống đầu nó”, để nói với những kẻ đạo đức giả trốn tránh trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ mình:
Còn các ông, các ông lại bảo: “Ai nói với cha với mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi, thì người ấy không phải thờ cha kính mẹ nữa”. Như thế, các ông dựa vào truyền thống của các ông mà huỷ bỏ lời Thiên Chúa. Những kẻ đạo đức giả kia, ngôn sứ Isaia thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông rằng: “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân (Mt 15,5-9).
Vâng lời cha mẹ là điều phải đạo, như thánh Phaolô dạy: “Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa” (Cl 3, 20). Đó là điều kiện để được sống và sống hạnh phúc trên trần gian này: “Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này” (Ep 6,1-3).
Đức Giêsu, trong thân phận con người, đã thể hiện lòng hiếu thảo cách toàn vẹn. Trước tiên Ngài luôn hiếu thảo với Cha trên trời, hoàn toàn tuân theo và thực hiện ý Chúa Cha trong mọi sự: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người” (Ga 4, 34). Thiên Chúa Cha đã xác nhận: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người.” (Mt 3, 17). Lòng vâng phục hiếu thảo ấy cuộc được sống triệt để với thánh Giuse và Mẹ Maria tại gia đình Nadarét cũng tuyệt vời như thế: “Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nadarét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng. Còn Đức Giêsu ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta” (Lc 2,51-52).
Là dân Thiên Chúa, Hội thánh theo gương Đức Giêsu, sống hiếu thảo với Cha trên trời và các bậc sinh thành ra mình. Do đó, Hội thánh không ngừng nhắc nhở Kitô hữu về bổn phận của con cái đối với cha mẹ. “Sự tôn kính của con cái (sự hiếu thảo) đối với cha mẹ là tình cảm tri ân đối với những vị đã ban sự sống và dùng tình yêu thương và công khó nhọc để sinh thành và nuôi dưỡng con cái cho khôn lớn về thể xác, về khôn ngoan và về ân sủng” [8]. Đặc biệt, lòng hiếu thảo tri ân ấy còn được mở rộng đến tất cả những ai đã sinh thành và nuôi dưỡng người tín hữu qua việc lãnh nhận và sống đức tin của mình [9].
Lòng kiếu kính của Kitô hữu không chỉ được bày tỏ khi các vị còn sống mà còn tiếp tục biểu lộ lúc các ngài đã qua đời (ông bà, cha mẹ, tổ tiên …). Hội thánh dạy các tín hữu phải chu toàn đạo hiếu: tôn kính biết ơn và vâng lời ông bà cha mẹ trong những điều chính đáng; chăm lo cho cha mẹ được đầy đủ phần xác cũng như phần hồn; khi cha mẹ qua đời phải lo việc tang ma, làm các việc thiện, cầu nguyện và dâng lễ cho các ngài, đặc biệt trong những ngày các ngài qua đời cũng như trong tháng cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời (tháng 11 hằng năm) hay dành đặc biệt ngày mùng 2 Tết cầu nguyện cho ông bà, cha mẹ và tổ tiên.
Vì vậy, Hội thánh Công giáo Việt Nam có những chỉ dẫn rất cụ thể về việc tôn kính ông bà tổ tiên, đề cập đến: Bàn thờ gia tiên để kính nhớ Ông Bà Tổ Tiên; việc đốt nhang hương, đèn nến và vái lạy trước bàn thờ Tổ Tiên; trong hôn lễ, dâu rể được làm nghi lễ Tổ và Gia Tiên trước bàn thờ; trong tang lễ, được vái lạy trước thi hài người quá cố, đốt hương vái theo phong tục địa phương; được tham dự nghi lễ tôn kính vị thành hoàng quen gọi là phúc thần tại đình làng.
“Để đồng bào lương dân dễ dàng chấp nhận Tin Mừng, hội nghị nhận định: Những cử chỉ thái độ, lễ nghi (sau này) có tính cách thế tục lịch sự xã giao để tỏ lòng hiếu thảo, tôn kính và tưởng niệm các Tổ Tiên và các bậc anh hùng liệt sĩ, nên được thi hành và tham dự cách chủ động… Trong trường hợp thi hành các việc trên đây sợ có sự hiểu lầm nên khéo léo giải thích qua những lời phân ưu khích lệ, thông cảm… Đối với giáo dân, cần phải giải thích cho hiểu việc tôn kính Tổ tiên và các vị anh hùng liệt sĩ theo phong tục địa phương, là một nghĩa vụ hiếu thảo của đạo làm con cháu, chứ không phải là những việc tôn kính liên quan đến tín ngưỡng, vì chính Chúa cũng truyền phải “thảo kính cha mẹ”, đó là giới răn sau việc thờ phượng Thiên Chúa.”
Quyết nghị của các Giám mục Việt Nam về Lễ nghi tôn kính Ông Bà Tổ Tiên (1974)
Lm Phêrô Đinh Ngọc Lâm
—————————————————————
[1] X. Huỳnh Trụ, Đạo Hiếu trong Đạo Ông Bà và Đạo Công Giáo: “Đạo Ông Bà là gì? Đạo Ông Bà là Đạo Hiếu, là đạo truyền thống của dân tộc Việt Nam, dạy con cháu phải hiếu thảo với cha mẹ, ông bà , tổ tiên, khi các ngài còn sống cũng như khi các ngài đã qua đời.” (ubmvgiadinh.org/?open=contents&display=2&id= 1474, ngày 25.7.2010)
[2] Chữ “thờ” hiểu theo nghĩa của người Việt Nam là “thờ kính” cha mẹ, các đấng sinh thành dưỡng dục mình với tất cả tình yêu và sự sống của các ngài, nên quả là đáng cho chúng ta tôn kính các ngài, chứ không hiểu cùng một cấp độ như “thờ phụng” Thiên Chúa, Đấng tạo dựng muôn loài muôn vật.
[3] X. Đinh Ngọc Lâm, Đối thoại Liên tôn, TP. HCM, 2009, tr. 172.
[4] X. Đinh Ngọc Lâm, ibid., 173-174.
[5] G.P. II, Tông huấn Giáo Hội tại Á Châu, số 6.
[6] GS 58.
[7] AG 11.
[8] X. Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, số 2214 – 2220.
[9] GLHTCG, số 2215.
Nguồn: TS Nhịp cầu Tâm Giao 2