Trong thế giới ngày nay ngày càng khó khăn để tin tưởng bất cứ ai vì một lý do chính đáng nào. Ít có chuyện gì ổn định, bền vững, đáng tin cậy. Chúng ta sống trong thế giới mọi sự đều là dòng chảy, ở đâu cũng phải dè chừng, các giá trị bị bỏ rơi, mọi người rời chỗ mình ở, thông tin mâu thuẫn, không trung thực và giả dối được xã hội và đạo đức chấp nhận. Không còn bao nhiêu tin tưởng trong thế giới chúng ta.
Điều này kêu gọi chúng ta cái gì? Chúng ta được gọi để làm nhiều chuyện, nhưng có lẽ không có gì quan trọng hơn là lòng trung tín, là thẳng thắn và kiên trì trong việc giữ mình đúng thực là mình và với những gì chúng ta bảo vệ.
Và đây là một minh họa.
Một trong các nhà truyền giáo Dòng Anh Em Hiến Sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm kể câu chuyện sau. Cha được gởi đến truyền giáo ở một nhóm của các cộng đoàn người thiểu số ở miền Bắc Canada. Mọi người rất dễ thương với cha nhưng nhanh chóng, cha nhận ra một chuyện. Chung chung, mỗi lần cha ấn định một cuộc hẹn thì không có ai đến. Mới đầu cha nghĩ do thiếu thông tin liên lạc, nhưng cuối cùng cha hiểu, chuyện này quá hiển nhiên để gọi đây là vì sự cố. Cha gặp một người lớn tuổi trong cộng đoàn để xin lời khuyên. Cha nói: “Mỗi lần tôi ấn định cuộc hẹn với họ thì không thấy ai đến.” Người lớn tuổi này hiểu vấn đề và trả lời: “Dĩ nhiên là họ không đến, chuyện họ cần là có một người ở ngoài cuộc như cha đến đây giúp họ tổ chức cuộc sống!” Nhà truyền giáo hỏi: “Vậy tôi phải làm gì?” Người lớn tuổi trả lời: “Cha đừng ấn định ngày hẹn, cha cứ đến và nói chuyện với họ! Họ sẽ dễ thương với cha. Quan trọng hơn nữa, đây là những gì cha cần làm: Cha ở lại đây lâu và làm cho họ tin tưởng. Họ muốn biết cha là nhà truyền giáo hay khách du lịch. Tại sao họ phải tin tưởng cha? Họ bị phản bội và nghe lời nói dối của hầu hết những người đến đây. Cha hãy ở lại đây lâu và làm cho họ tin tưởng.”
Ở lại lâu và làm cho họ tin tưởng. Ở lại lâu có nghĩa là gì? Chúng ta có thể ở lại và không nhất thiết tạo được tin tưởng, cũng như chúng ta có thể đi chỗ khác mà vẫn tạo được tin tưởng. Về bản chất, việc trung thành với bản chất, với con người của mình, với những gì chúng ta tin là chủ yếu để trung thành với các cam kết, các lời hứa mà chúng ta làm và những gì chân thật nhất trong con người của mình, để đời sống riêng của mình không đi ngược với hình ảnh mình có với quần chúng.
Món quà của lòng trung thành là món quà của một cuộc sống trung thực. Sự trung thực riêng tư của chúng ta là ơn ích cho cả cộng đồng, cũng như sự không trung thực riêng tư của chúng ta làm cho cả cộng đồng bị tổn thương. Nhà văn Parker Palmer đã viết: “Nếu bạn trung thành ở đây, bạn mang đến một ơn ích rất lớn.” Và nhà thơ người Afghanistan Rumi viết: “Nếu bạn ở đây mà không trung thực, bạn mang một tác hại rất lớn.” Trong mức độ mà chúng ta trung thành với những gì chúng ta tin, gia đình, bạn bè và cộng đoàn chúng ta đã cam kết và với các mệnh lệnh đạo đức sâu đậm nhất trong cõi lòng riêng của mình, chúng ta trung thành ở lại với người khác, và chúng ta “ở lại lâu dài với họ”. Điều ngược lại cũng đúng, trong chừng mực chúng ta không trung thành với tôn giáo của mình, với các lời chúng ta đã hứa và trung thực với chính tâm hồn mình, chúng ta không trung thành, chúng ta xa người khác, chúng ta chỉ là khách du lịch chứ không phải người truyền giáo.
Trong thư gởi cho tín hữu Ga-lát, Thánh Phaolô nói cho chúng ta biết thế nào là việc ở bên cạnh nhau, sống với nhau, vượt lên khoảng cách địa lý và các tình huống khác của đời sống làm chúng ta xa cách nhau. Chúng ta ở với nhau như anh chị em của nhau, trung thành với nhau khi chúng ta sống trong đức ái, vui vẻ, hòa bình, nhẫn nại, nhân hậu, đau khổ, dịu dàng, kiên trì và bác ái. Khi nội tâm chúng ta sống những điều này thì chúng ta “ở lại với nhau”, không xa nhau, dù khoảng cách địa lý làm chúng ta xa nhau. Ngược lại, khi chúng ta sống ngoài những điều này, “chúng ta không ở lại với nhau” dù chúng ta ở gần nhau. Như các nhà thơ thường hay nói, ở trong chúng ta, có một chỗ trong tâm hồn chúng ta, chứ không phải có một chỗ trên bản đồ. Và như Thánh Phaolô nói, ở trong chúng ta là sống trong Thần Khí.
Và tôi nghĩ, chính điều này cuối cùng đã định nghĩa lòng trung thành và kiên trì, là sự khác biệt giữa một nhà truyền giáo đạo đức và một khách du lịch, cho thấy ai là người ở lại, ai là người đi xa.
Để mỗi người chúng ta giữ được lòng trung thành, chúng ta cần người này người kia, chúng ta cần hơn cả một ngôi làng, chúng ta cần tất cả. Lòng trung thành của mỗi người làm cho lòng trung thành của mọi người dễ dàng hơn, cũng như sự không trung thành của một người làm cho sự trung thành của người khác khó hơn. Vì thế, trong một thế giới cực kỳ cá nhân và thoáng qua, khi chúng ta có cảm tưởng như mọi người xa mình, món quà đẹp nhất mà chúng ta có thể cho, chính là món quà của lòng trung thành riêng của mình, món quà ở lại lâu dài.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Nguồn: phanxicô.vn