Chương 2: Kibera
11. Hatima
Ngạn ngữ tiếng Swahili có câu: Mamba hula hatima yake. Dịch sát nghĩa là “cá sấu ăn vận số của mình”. Hiểu theo nghĩa khôn ngoan, câu ngạn ngữ này dạy rằng vận số của mỗi người là do chính người ấy tạo ra.
Rất ý nghĩa khi khôn ngoan Châu Phi dùng hình ảnh cá sấu để nói về vận số. Cá sấu là loài được sinh ra giữa chốn bùn lầy. Cả đời có thoát ra khỏi được chốn bùn lầy hay không là do tự cá sấu quyết định. Nơi mình sinh ra và hoàn cảnh mình sinh ra không có lỗi. Lỗi là khi mình chấp nhận sống cả đời và chôn vùi cả đời mình trong chốn bùn lầy đã sinh ra mình thôi! Mamba hula hatima yake.
Câu ngạn ngữ ấy tôi đọc được trong một ngôi trường cấp II-III của Dòng Tên dành cho các học sinh đặc biệt trên xứ này. Bên dưới câu ngạn ngữ ấy là một câu tuyên ngôn mạnh mẽ cũng bằng tiếng Swahili: hapa tunapambana na hatima yetu – Tại đây, chúng tôi chiến đấu với số phận của mình!
Đây là ngôi trường đặc biệt dành cho những người chiến đấu để tạo ra vận số của riêng mình. Đa số học sinh trong trường đều là trẻ mồ côi xuất thân từ khu ổ chuột. Gần một nửa số học sinh nơi đây mang trong mình mầm bệnh HIV. Có em thì bố mẹ đều đã chết vì bệnh. Có em thì bị bố mẹ bỏ rơi ngay khi mới chào đời. Hoàn cảnh giống nhau, và các em chia nhau cùng một quan niệm sống, đó là không để cho số phận khuất phục mình.
Để đến được với ngôi trường này, các em đã phải đi một hành trình rất xa. Ra khỏi khu ổ chuột đầy đói nghèo và tệ nạn. Ra khỏi cái nhịp sống tự nhiên với ít nhiều sắc màu bạo lực và hoang dã. Nhưng khó nhất là ra khỏi cái sức ì và thành kiến trong môi trường sống chung quanh. Từ khi khoác lên mình bộ đồng phục của nhà trường, các em bị chính những người trong khu ổ chuột xa lánh và ghét bỏ. Cái tươm tất đẹp đẽ của bộ đồng phục lôi các em ra khỏi cái xộc xệch nhăn nheo của cuộc sống mà các em vốn thuộc về. Hình như bộ đồng phục ấy là lời tuyên cáo rằng các em đang chiến đấu để thuộc về một cuộc sống khác. Nhưng cũng có thể vì bộ đồng phục của các em gợi lên trong lòng những con người sống trong khu ổ chuột hình ảnh của một ước mơ đã không thành giữa vô số những ước mơ không thành trong đời họ….
Trong ngôi trường này, các em trước hết được học về kiến thức sách vở để có thể đường đường chính chính tham gia những cuộc thi chính quy của quốc gia. Nơi đây các em còn được trang bị nhiều vốn sống căn bản. Về việc giữ vệ sinh cá nhân. Về việc biết mình. Về việc sống tương quan với nhau. Về việc giữ khoảng cách đúng mực giữa nam và nữ. Về việc làm chủ bản thân trong những ham muốn. Về thời điểm thích hợp để lập gia đình. Về việc làm sao để con cái mình sinh ra không phải khổ như mình đã từng khổ. Về ước mơ và hy vọng, về mục đích và kế hoạch cho tương lai…
Cô hiệu trưởng của trường cho tôi ba tiếng đồng hồ buổi sáng để dạy các em bất cứ điều gì mà tôi muốn dạy. Cô đề nghị tôi tốt nhất là nên kể về kinh nghiệm thành công của mình để tạo cảm hứng cho các em trong việc học hành và hướng đến tương lai. Cô làm tôi giật mình chưng hửng. Tôi có kinh nghiệm thành công ư? Kể chuyện thành công của mình sẽ là một đề tài thích hợp với các em học sinh trong hoàn cảnh này ư? Những câu chuyện thành công có giúp được gì các em không? Khoe những thành công của mình ra trước mặt các em liệu sẽ giúp ích thật sự cho các em không?
Vào trường, tôi bắt đầu bằng việc thú nhận với các bạn rằng tôi đến đây không phải để dạy. Tôi không chuẩn bị điều gì để dạy cho các bạn cả. Tôi cũng không biết phải dạy điều gì là tốt cho các bạn cả. Tôi đến đây là để học từ các bạn. Tôi mong được nghe các bạn kể về câu chuyện cuộc đời và ước mơ của các bạn. Ai cũng có câu chuyện của đời mình để kể mà, phải không? Ai cũng có ước mơ để vươn tới mà, phải không?
Hình như thấy tội nghiệp ông thầy không có giáo án, các bạn bắt đầu xung phong kể chuyện. Câu chuyện của các bạn xoay quanh tuổi thơ với cái bụng thường xuyên trống rỗng và cái thân không có đủ áo để mặc trong những ngày mưa lạnh trong khu ổ chuột. Các bạn kể về nỗi buồn và nỗi tủi hờn khi thấy không có ai thật sự thương mình và chăm sóc cho mình. Về những cảnh bạo lực và chết chóc mình đã phải chứng kiến hàng ngày… Rồi các bạn kể về niềm hạnh phúc khi được khoác lên người bộ áo đồng phục của nhà trường. Về sự bình yên và tĩnh lặng mà các bạn chưa bao giờ được hưởng trong ngôi trường này. Về những kiến thức kỳ diệu mà các bạn đọc được trong thư viện của trường.
Sau khi đã đi hết một vòng, các bạn đề nghị tôi kể về câu chuyện của mình. Tại sao tôi rõ ràng là dân Châu Á mà cô hiệu trưởng lại giới thiệu tôi là người đến từ Châu Âu? Tôi tới Châu Phi này để làm gì?
Tôi kể với các bạn rằng tôi cũng là một chú cá sấu được sinh ra giữa vũng lầy của xã hội mình trong những tháng ngày hậu chiến. Tôi kể về những khó khăn và những nỗi sợ mình đã từng trải qua. Tôi kể với các bạn về những nghi ngờ tôi đã từng có về khả năng và tương lai của mình. Tôi lại kể về câu chuyện tuổi thơ đi bán vé số trên đường phố. Về căn nhà tranh vách lá đầy lổ thủng của gia đình mình trong những mùa gió lùa và mưa giột. Về con đường đất đỏ trước nhà mình, mịt mù mụi cát trong những ngày nắng nhưng lại lỗ chỗ ổ gà ổ voi trong những ngày mưa. Tôi kể về những thất bại mình đã từng trải qua, những lúc gia đình mình gặp khó khăn, những lần mình muốn bỏ học để đi làm kiếm tiền phụ giúp gia đình, những lúc tưởng mình đã chìm vào thất vọng và chỉ muốn buông tay… Và cuối cùng, tôi kể về ước mơ muốn trở thành linh mục, về sức mạnh cháy bỏng của ước mơ ấy đến độ có thể giúp tôi vượt qua mọi khó khăn.
Từ những câu chuyện mà chúng tôi đã kể và đã được nghe, tôi mời các em rút ra kết luận và bài học cho mình. Kết luận của các em thật tuyệt vời: Chúng ta đều là những chú cá sấu được sinh ra giữa chốn bùn lầy. Có thoát ra khỏi được chốn bùn lầy hay không là do tự mình quyết định. Nơi mình sinh ra và hoàn cảnh mình sinh ra không có lỗi. Lỗi là khi mình chấp nhận sống cả đời và chôn vùi cả đời mình trong chốn bùn lầy đã sinh ra mình thôi. Hatima không phải là một chiếc lồng từ trên trời ụp xuống đầu chúng ta. Hatima được tạo ra từ ý chí và quyết tâm, với rất nhiều giọt mồ hồi và nước mắt… Chúng ta ai cũng có thể là mshindi wa hatima – kẻ chiến thắng số phận.
Kết thúc buổi học, một cậu nhóc hỏi tôi:
– Ông Cha, chắc hồi nhỏ ông Cha học giỏi lắm ha?
– Không có đâu – tôi trả lời – hồi nhỏ ông Cha học dở òm.
– Học dở òm mà cũng làm ông Cha được hả?
– Được chứ. Biết mình dở òm nên ông Cha cố gắng học miết, học miết…
Cậu nhóc gật gù ra vẻ tâm đắc. Rồi như vừa rút ra được một bài học giá trị, cậu ta lên tiếng khích lệ các bạn của mình:
– Học dở như ông Cha mà còn đạt được điều mình mơ ước, thì huống chi là chúng ta, phải không các bạn? Cố lên nào hỡi các washindi wa hatima!
Cao Gia An, S.J., Trích “Nhật Ký Châu Phi 2024”
Nguồn: Gia An’s blog