“Tất cả những điều siêu nhiên trong kitô giáo đều xuất phát từ mệnh lệnh yêu thương, từ tình yêu.”
.
Nhà tiểu luận Jean de Saint-Cheron suy ngẫm về vấn đề siêu nhiên trong kitô giáo và sự khác biệt giữa siêu nhiên với ma thuật. Trích lời của triết gia Pascal, ông nhắc lại hành động hữu hình của Thiên Chúa “không bao giờ hiển nhiên đến mức có thể thuyết phục được mọi người”. Tác giả trả lời vấn đề này cho các câu hỏi của độc giả.
Đã ba tuần nay tôi cố gắng làm sáng tỏ một chủ đề mà người tin hay không tin đều quan tâm: vấn đề siêu nhiên, đặc biệt ở những biểu hiện hữu hình như phép lạ, những hiện tượng phi thường v.v. Trong phạm vi báo La Croix dành cho tôi cũng như cho các tác giả khác trong chuyên mục này chỉ được viết 3.700 ký tự, vì thế với chủ đề quá lớn, quá khó này, cần phải ngắn gọn và chính xác.
Hiện nay với những chuyện huyền bí, mê tín tôi nghĩ chúng ta phải biết phân biệt thế nào là siêu nhiên theo thần học kitô giáo: “Tất cả những điều siêu nhiên trong kitô giáo đều xuất phát từ mệnh lệnh yêu thương, từ tình yêu.” Mệnh lệnh này mang nhiều ý nghĩa với tôi, nhưng có một số người lại nói ngược lại, tôi xin nêu lên ở đây một số yếu tố giúp tôi hy vọng.
Sự nhầm lẫn của siêu nhiên
Truyền thống thần bí kitô giáo luôn cảnh báo để giúp chúng ta chống lại sự nhầm lẫn giữa điều siêu nhiên chính là Thiên Chúa và điều huyền bí mà chúng ta gọi là “siêu nhiên”, vốn không phải là Thiên Chúa, nhưng lại kích thích sự tò mò hời hợt và sự thiếu kiên nhẫn của chúng ta trước những điều chưa biết (đặc biệt là qua các vụ đồng cốt). Một số nhà thần bí vĩ đại nhất lịch sử, Thầy Eckhart, Thầy Ruysbroeck, Thánh Têrêxa Avila, Thánh Gioan Thánh Giá, những người được Chúa ban ơn phi thường đã viết nhiều tác phẩm giúp giáo dân tránh xa ma thuật, mê tín và những hiện tượng kỳ lạ.
Dưới mắt các thánh, điều siêu nhiên có giá trị duy nhất là tình yêu của Thiên Chúa. Thánh Gioan Thánh giá khuyên chúng ta nên cẩn thận với những chuyện huyễn học như đặc ân, các hình ảnh siêu nhiên tưởng tượng… và phải tránh chúng như tránh dịch hạch: “Điều an toàn nhất là phải trốn những chuyện siêu nhiên này. Chúng ta chỉ chấp nhận những gì phù hợp với lý trí và luật Phúc Âm.”
Tiêu chuẩn để phân biệt
Đây là tiêu chuẩn quan trọng để phân biệt điều gì là siêu nhiên và điều gì là lừa đảo, mê sảng hay ma quỷ (tôi biết tôi sẽ gặp rủi ro khi dùng thuật ngữ này). Dù không phải là kitô hữu, nhưng triết gia Bergson đã đưa ra những điều cốt yếu: “Chủ nghĩa thần bí chân chính, trọn vẹn và tích cực được lan rộng nhờ lòng bác ái vốn là bản chất của nó. Chủ nghĩa thần bí này là cảm giác của một số người có được khi họ là công cụ của một Thiên Chúa yêu thương mọi người bằng tình yêu bình đẳng, Đấng xin họ yêu thương nhau.” Và cảm giác chỉ là công cụ giúp chúng ta khiêm tốn, không kiêu hãnh; nhu cầu tình yêu này làm chúng ta trở nên rộng lượng, không ích kỷ; đáp ứng lời yêu cầu thiêng liêng này là làm cho nó thành cụ thể chứ không phải chỉ trên lý thuyết.
Triết gia Pascal viết: “Đức tin khác với bằng chứng. Hành động hữu hình của Thiên Chúa không bao giờ hiển nhiên đến mức có thể thuyết phục được mọi người: có đủ ánh sáng cho những ai mong muốn thấy, có đủ bóng tối cho những ai có khuynh hướng ngược lại.” Đó là không gian dành cho tự do con người. Thiên Chúa không áp đặt. Các phép lạ không thuyết phục được những người không muốn nhìn thấy chúng – điều này chúng ta thấy rõ trong Tin Mừng. Qua đức tin, chúng ta thấy Chúa ban những dấu lạ và chúng ta nhận biết những dấu chỉ này. Nhưng trên hết, đức tin khuyến khích chúng ta trở nên những dấu chỉ: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau.” (Ga 13:35). Điều làm cho Thánh Phanxicô Assisi thành thánh, là chứng nhân của Thiên Chúa không phải là các dấu thánh nhưng là nụ hôn ngài hôn người cùi.
Marta An Nguyễn dịch(phanxico.vn)