Nếu ai thường theo dõi tin tức từ các báo, đài và các phương tiện xã hội khác, sẽ thấy một khía cạnh được khá nhiều người quan tâm và được cập nhật liên tục là thông tin nói về việc kinh doanh, về khả năng làm giàu, về khối tài sản kếch xù của những người đang sở hữu nó.
Chúng ta nên quan tâm đến lãnh vực này vì một thực tế rằng, có tài sản, trở thành người giàu và được tận hưởng một cuộc sống an nhàn và không phải lo lắng về kinh tế – một nhu cầu chính đáng của con người. Vì thế, nhiều người đã tìm mọi cách, và mọi phương thế để kinh doanh, làm giàu. Chính vì thế, ngày nay, có không ít người trở thành tỷ phú, triệu phú. Còn chúng ta, có thể chúng ta không phải là những tỷ phú hay những triệu phú, dầu vậy, nhiều người cũng sở hữu khối tài sản đáng mơ ước so với khả năng của mình.
Nhưng, có khi nào chúng ta, đặc biệt là những người có đức tin, dành một chút thời gian để đặt câu hỏi: “sự giàu có đến từ đâu? Và đâu là nguồn gốc sâu xa của sự giàu có?”[1] Theo Adam Smith, “sự giàu có, trước hết là đến từ sức lao động của con người”. Thật vậy, nếu không có tài năng, nếu không có bàn tay lao động cần cù và óc sáng tạo của con người thì nguồn tài nguyên từ biển cả, từ núi rừng, tức là sự giàu có của tự nhiên sẽ không trở thành của cải, hoặc không thuộc về chúng ta.
Không phủ nhận điều đó, nhưng Luigino Bruni – một nhà kinh tế học người Ý nói rằng, nếu chúng ta nhìn vào nguồn gốc sâu xa của sự giàu có, thì chúng ta sẽ ngạc nhiên khám phá ra rằng, sự giàu có ấy đến từ con người, hay cụ thể hơn là đến từ tài năng của con người. Thật thế, chính từ sự tài năng và khôn khéo, con người đã biết làm cho của cải tăng thêm, sinh sôi nảy nở nhiều trên trái đất này. Nhưng, điều đặc biệt quan trọng mà nhà kinh tế học này muốn lưu ý là những tài năngmà con người được sở hữu không do công lao của chúng ta, không phải là những thứ tự chúng ta có, nhưng là một món quà của Thiên Chúa trao tặng cho con người. Món quà đó được hiểu như là trí thông minh, là óc sáng tạo, là lòng đạo đức, là tinh thần bác ái, là sự quảng đại… có ở nơi mỗi người. Một điều thú vị là Bruni đã không tự tưởng tượng ra, nhưng ông “đọc” ra thông điệp ấy qua dụ ngôn những yến bạc (x. Mt 25,14-30). Và theo ông, đây chính là nguồn gốc sâu xa, là bản chất đích thực của sự giàu có.
Vậy, vấn đề đặt ra là nếu sự giàu có là một món quà đến từ Thiên Chúa, thì chúng ta cần sử dụng món quà ấy như thế nào? Hẳn nhiên ở đây, chúng ta không giới hạn sự giàu có ở những thứ của cải vật chất, mà còn là đời sống tinh thần phong phú, là khả năng về tri thức, là ân sủng và đức tin, v.v. Chắc chắn rằng, như ông chủ kia đã khen ngợi người đầy tớ tài giỏi vì biết làm lời ra những yến bạc khác (x Mt 25, 21-22), Thiên Chúa cũng muốn mỗi người làm “sinh sôi” những “nén bạc” là ân sủng và tài năng mà Ngài đã ban cho chúng ta. Tức là chúng ta cần biết chia sẻ cả về tinh thần và vật chất trong khả năng của mình với người đang gặp khó khăn, nâng đỡ người yếu thế, an ủi người bất hạnh, v.v. Tức là trong điều kiện của mình, chúng ta cố gắng làm cho cuộc sống này trở nên công bằng và đáng sống hơn, v.v. Cũng không quên rằng, khi làm những việc đó, không phải là lúc chúng ta “bố thí” những thứ ta có cho người khác như một hành động anh hùng và đợi chờ những lời chúc tụng; nhưng chúng ta chỉ đang thi hành nghĩa vụ và bổn phận của sự công bằng bởi chúng ta đã nhận được những ân huệ nhưng không từ Thiên Chúa.
Cầu chúc cho mỗi người, dù nhận được một yến, hai yến hay năm yến bạc thì chúng ta cũng luôn biết làm cho chúng sinh lời qua việc trao ban và chia sẻ cách vô vị lợi với tha nhân. Khi ấy, chúng ta sẽ trở nên giàu có hơn trong tâm hồn, và thiết tưởng, đây mới là sự giàu có đích thực mà chúng ta cần nhắm tới: “Phàm ai đã có, thì được cho thêm và sẽ có dư thừa” (Mt 25,30).
[1] Bài viết có lược dẫn tư tưởng của nhà kinh tế học người Ý – Luigino Bruni, Ricchezza – L’orizzonte dei talenti, (xem tronghttps://www.cislscuola.it).
Núi Cát