Có ông bố trẻ vui đùa cùng cô con gái. Tay bố giơ lên, che cả khuôn mặt. Bố biến mất. Cô bé vài tháng tuổi ngạc nhiên, hoang mang, lo sợ. Đôi môi đang tươi tắn bỗng méo xệch. Đôi mắt đang long lanh buỗng rưng rưng, nước từ đâu trong đáy mắt leo lên, xếp hàng đầy ứ dưới khóe mi. Chỉ một giây nữa thôi, cô bé sẽ òa khóc, thì bỗng: “Ú òa!” – đôi tay bố tách ra, trả lại gương mặt cùng nụ cười thân thương của bố cho đôi mắt cô bé. Cô bé lại cười, lại nhảy cẫng lên vì vui. Nước mắt khi nãy leo lên giờ không biết xuống cách nào, đành rơi ra rồi mau chóng trả lại nét long lanh, tươi tắn cho đôi mắt trẻ thơ.
Đời sống tâm linh cũng có những trải nghiệm “ú òa” như thế. Trong tương quan với Chúa, ta mãi là “trẻ thơ nép mình lòng mẹ”. Trong nhận thức về Đấng Tối Cao, ta mãi là em nhỏ bập bẹ học tiếng “Abba, Cha ơi!”, bởi huyền nhiệm tình Chúa rộng lớn, vô biên biết chừng nào. Chúa cũng có thể cùng ta vui trò “ú òa”, vì Chúa thương ta như người cha.
Có những khi đang rất gần Chúa, ta bỗng chẳng thấy Chúa đâu. Chúa dường như biến mất làm ta ngạc nhiên, hoang mang, hãi sợ. Chúa ở đâu trong những đau khổ ta và nhân thế đương gánh chịu? Chúa ở đâu cả trong bao khúc đời ta trôi lặng lẽ? Chúa có thực sự ở đây, ở bên, ở cùng con người cho đến ngày tận thế? (x.Mt 18,20) Các thánh gọi trải nghiệm này là “đêm tối của đức tin”. Đức Thánh Cha Bê-nê-đíc-tô XVI từng chia sẻ trong cuộc trò chuyện với Peter Seewald được ghi lại trong cuốn “Lời cuối với Đức Bê-nê-đíc-tô XVI” rằng: dẫu Ngài chưa phải đi sâu vào đêm tối, nhưng những biến cố chung quanh về con người vẫn làm Ngài tự hỏi “tại sao sự dữ lại hiện diện, làm thế nào để điều này tương hợp với tính toàn năng và lòng nhân lành của Chúa”. Ở một mức độ nào đó, lớn hay nhỏ, nông hay sâu, bước đi trong đức tin, hầu như tất cả đều có trải nghiệm này. Tay Chúa khi ấy có lẽ đã giơ lên, chụm lại ngang mặt – Chúa vẫn ở đó nhưng Ngài ẩn mặt đi.
Ta cần làm gì trong đêm tối âm u, hãi sợ ấy? Ta có nên òa khóc ngay tức khắc để có Chúa về lại hay không?
Đức Cố Giáo Hoàng đã vượt qua bằng cách “không bao giờ chối từ về xác quyết nền tảng của đức tin”, Ngài luôn “tin tưởng vững vàng”. Ngài “chờ Thiên Chúa mở ra”, và không luôn luôn, nhưng đôi khi, trong cuộc sống vài lúc Thiên Chúa đã mở ra cho Ngài. Ta cũng học cách luôn “vững vàng tin tưởng” để lại “được thấy ân lộc Chúa ban” (Tv 26,13) là chính sự hiện diện của Chúa, bởi “Chúa chẳng đành bỏ rơi những ai kiếm tìm Ngài.” (Tv 9,11)
Trong những thời khắc không thấy Chúa, có lẽ, việc cần kíp hơn cả vẫn là giữ mắt nhìn về phía ta từng thấy Chúa, giữ lòng xác tín vào tình yêu quan phòng của Chúa, và “khiêm tốn chờ đợi Chúa mở ra”. Nếu vẫn mong thấy Chúa, ta có lẽ không nên bò, đi hay chạy xa khỏi không gian có Chúa, là Kinh Thánh, là Giáo Hội của Ngài. Òa khóc nếu ta chẳng còn có thể kìm nén và thưa với Chúa lời nguyện của cõi lòng đang khát khao:
“Lạy Chúa, con tìm Thánh Nhan Ngài,
Xin Ngài đừng ẩn mặt”
(Tv 26,9)
Sau những trải nghiệm như thế, nếu vẫn vững lòng, đức tin của ta chắc chắn sẽ nên mạnh mẽ, vững vàng hơn như trò “ú òa” làm bao tình cha con thêm thắm thiết. Chúa chắc chắn sẽ mở tay ra để ta lại được thấy Ngài. Còn thời gian bao lâu nằm gọn trong bàn tay Chúa.
Thánh Âu-tinh từng viết trong Tự thuật: “Luôn có niềm vui rất lớn sau nỗi khổ cực to”. Sau đôi mắt trống trải không thấy Chúa với những giọt lệ chực trào sẽ là đôi mắt thực sự cười và toàn thân “nhảy lên vì vui sướng” khi lại được có Chúa trong đôi mắt long lanh, chỉ cần ta luôn “vững vàng tin tưởng” mà thôi.
Chực khóc đôi mắt nhỏ
Khi chẳng thấy Chúa đâu
Bỗng dưng Chúa “ú òa”
Ngài vẫn ở ngay bên.
Phương An