- Nguồn gốc xa xưa
Mân Côi có nghĩa là bông hồng. Chuỗi Mân Côi là chuỗi bông hồng, được tượng trưng bằng 5 chục hạt, mỗi hạt là như một kinh Kính Mừng, được coi như những bông hồng kết thành vòng hoa dâng kính Mẹ. 150 kinh Kính Mừng là như 150 bông hồng hay 150 thánh vịnh. Vì chuỗi Mân Côi được các tín hữu thời Trung Cổ đọc và coi như tập thánh vịnh về Đức Mẹ, cũng giống như 150 Thánh Vịnh trong Kinh Thánh, Giáo Hội dùng để chúc tụng ngợi khen Thiên Chúa.
Nói như thế không có nghĩa là kinh Mân Côi chỉ có 15 mầu nhiệm. Nhưng vì trong số những mầu nhiệm liên quan đến cuộc đời của đức Kitô, kinh Mân Côi chỉ nêu lên một số những khoảnh khắc chính yếu, được tượng trưng bằng một tràng chuỗi Mân Côi gồm 15 mầu nhiệm, theo hình thức đã trở thành phổ biến, và được Hội Thánh chuẩn nhận. Việc chọn lựa như thế là do nguồn gốc của kinh này xây dựng trên con số 150, con số các thánh vịnh trong tập thánh vịnh như ta nói ở trên.
- Ý nghĩa hôm nay
Cho đến hôm nay, chuỗi hạt vẫn là một phương tiện truyền thống giúp đọc kinh Mân Côi. Lúc đầu được coi như một dụng cụ thuần túy để đếm số kinh Kính Mừng. Tuy nhiên, tràng hạt còn có tính cách biểu tượng, có thể đem lại ý nghĩa sâu xa cho kinh nguyện.
Trước hết cần lưu ý rằng, tràng hạt tập trung về tượng chuộc tội, và như thế, thánh giá mở đầu và kết thúc chuỗi kinh nguyện của người tín hữu tập trung vào đức Kitô. Mọi sự đều quy hướng về Người, và mọi sự qua Người, trong Chúa Thánh Thần đạt tới Chúa Cha.
Là một dụng cụ để đếm, cho biết kinh nguyện đang tiến tới chỗ nào, tràng hạt cho thấy con đường liên tục của việc chiêm niệm và của sự hoàn thiện Kitô giáo. Chân phước Batolo Longo đã coi tràng hạt như một “sợi dây xích” ngọt ngào, bởi vì nó nối kết chúng ta với Thiên Chúa là Cha đầy tình yêu thương. Một sợi dây xích “đầy tình nghĩa tử”, giúp chúng ta hòa nhịp cùng Đức Maria, người “nữ tỳ của Đức Chúa” (Lc 1, 38), và nhất là giúp chúng ta nên giống chính đức Giêsu Kitô, Đấng vốn dĩ là Thiên Chúa, nhưng đã trở thành “người tôi tớ” vì yêu mến chúng ta (Pl 2, 7).
Tràng hạt còn nhắc nhớ bao mối tương quan của chúng ta, nhớ đến mối dây hiệp thông và tình huynh đệ, liên kết tất cả chúng ta trong Đức Kitô (Tông thư Kinh Mân Côi của Đức Trinh nữ Maria [Rosarium Virginis Mariae – RVM], số 36).
Nguồn: https://mancoichihoa.com