Trên tuyến xe lửa đi Paris, có một sinh viên trẻ ngồi cạnh một cụ già. Chỉ ít phút sau khi đoàn tàu chuyển bánh, cụ rút trong túi áo ra một cỗ tràng hạt và chìm đắm trong cầu nguyện. Người sinh viên quan sát cụ già với vẻ bực bội. Sau một hồi lâu, xem chừng không thể nào chịu nổi, anh ta mạnh dạn lên tiếng:
– Thưa Ông, Ông còn vẫn tin vào những chuyện nhảm nhí thế à?
Cụ già thản nhiên trả lời:
– Đúng vậy, tôi vẫn tin. Còn cậu, cậu không tin sao?
Người thanh niên xấc xược trả lời:
– Lúc nhỏ tôi có tin, nhưng bây giờ làm sao tôi có thể tin vào những chuyện nhảm nhí ấy được, bởi vì khoa học đã mở mắt cho tôi. Ông cứ tin tôi đi và hãy học hỏi những khám phá mới của khoa học, rồi ông sẽ thấy rằng những gì ông tin từ trước đến nay đều là những chuyện nhảm nhí hết.
Cụ già nhỏ nhẹ hỏi người sinh viên :
– Cậu vừa nói về những khám phá mới của khoa học, liệu cậu có thể giúp tôi hiểu được chúng không?
Người sinh viên nhanh nhẩu trả lời:
– Ông cứ cho tôi địa chỉ, tôi sẽ gởi sách vở đến cho Ông, rồi ông sẽ say mê đi vào thế giới phong phú của khoa học cho mà xem.
Cụ già từ từ rút trong túi ra một tấm danh thiếp và trao cho người sinh viên. Đọc qua tấm danh thiếp, người sinh viên bỗng xấu hổ đến tái mặt và lặng lẽ rời sang toa khác. Bởi vì trên tấm danh thiếp ấy có ghi: “Louis Pasteur1, viện nghiên cứu khoa học Paris”.
Trong một xã hội mà khoa học kĩ thuật đang phát triển không ngừng thì con người dường như quá tự hào về những công trình nghiên cứu mà họ đã dày công tìm hiểu, nên những việc đạo đức bình dân dễ bị xem thường. Nhưng nếu có một chút lý trí thì chưa cần là một nhà khoa học, ngay cả chúng ta chắc chắn cũng sẽ nhận ra phải có một Đấng nào đó đang vận hành, đang chăm sóc và bảo vệ vũ trụ này từng giây phút. Vì thế, việc một số các nhà khoa học tin vào một “Đấng nào đó” chính là Thiên Chúa khiến ta có thể hiểu được; vì tin vào Thiên Chúa, họ cũng có lòng yêu mến Mẹ của Đấng ấy và vì thế, những việc đơn sơ, giản dị như việc lần Chuỗi Mân Côi mỗi khi đi xe, ngồi chờ nơi công cộng thực sự là một điều đã được nhiều nhà khoa học nổi tiếng như Louis Pasteur, Pascal,… áp dụng.
Chuỗi Mân Côi nhìn bên ngoài có vẻ rất bình thường với những lời kinh lặp đi lặp lại một cách nhàm chán dưới cái nhìn của một số người. Thế nhưng, giống như vị bác học vĩ đại trong câu chuyện trên đã cho ta thấy một cái nhìn hoàn toàn khác về chuỗi Mân Côi mà Mẹ Maria đã trao tặng cho con cái của mình. Lời kinh giản dị ấy chính là một cuốn Phúc âm rút gọn về cuộc đời Con của Mẹ; lời kinh ấy diễn tả tâm tình con thảo, yêu mến Mẹ của ta; lời kinh ấy dạy ta biết đến với Mẹ cách đơn sơ, khiêm tốn để cùng với Mẹ, ta đến với Chúa dễ dàng hơn; đó có lẽ cũng là lời kinh mà Mẹ yêu thích nhất.
Thật may mắn là trong cuộc sống hiện đại ngày nay, khi bên cạnh việc nhiều người cho rằng lần hạt Mân côi là việc của những người “quê mùa”, “thất học”… thì ta vẫn còn bắt gặp những hình ảnh rất đẹp nơi nhiều người, đặc biệt là nơi các ông bà già, nơi các trẻ nhỏ… thường xuyên cầm trên tay chuỗi Mân côi và miệng thầm thì những lời kinh đơn sơ.
Sống trong tháng kính Đức Mẹ Mân Côi, ta đã và đang làm gì để tỏ lòng yêu mến Mẹ? Với sự vội vã của cuộc sống ngày nay, ta cũng được mời gọi thì thầm những lời kinh Mân Côi để tìm được sự bình an nội tâm giữa những xáo động, quay cuồng của cuộc sống. Ta hãy dâng lên Mẹ những nhu cầu và cả những bận tâm của cuộc sống, để Mẹ giúp ta tìm ra hướng giải quyết đẹp lòng Chúa nhất. Và hẳn đó cũng là phương thế để ta làm vui lòng Mẹ.
Têrêsa Linh, Tv
1 Louis Pasteur, nhà bác học người Pháp sống thế kỷ 19, cha đẻ của lý thuyết lên men, vi khuẩn và vaccin trừ bệnh chó dại. Khi Ông mất, chính phủ Pháp tổ chức quốc tang và trên đường linh cữu ông đi qua, từng đám người quì xuống chan hoà nước mắt. Trong lịch sử, ít có nhà bác học nào mà nhân loại tỏ lòng biết ơn sâu sắc như thế. Vậy mà nhà bác học vĩ đại này đã say mê tràng hạt mân côi. (Nguồn: https://www.simonhoadalat.com/).