Có thể nói, chưa bao giờ con người có đầy đủ tiện nghi và dư thừa của cải vật chất như thời đại ngày nay. Bên cạnh những tiện nghi vật chất và đời sống được nâng cao về mọi mặt đó, thì cũng không thiếu những bon chen, những âu lo, bất ổn đang rình rập vây quanh, làm cho con người sống trong nỗi bất an và sợ hãi. Những lí do này đến từ đâu? Từ chính bản thân hay do hoàn cảnh và môi trường sống? Hoặc do những người xung quanh họ? Vậy làm sao để tìm lại được sự bình an nội tâm hay bình an đích thật trong tâm hồn?
Bình an là sống yên ổn, là an vui khi sống tốt tương quan với Thiên Chúa và với tha nhân, với chính mình và với thiên nhiên. Bình an chính là quà tặng, là hồng ân nhưng không mà Thiên Chúa tặng ban cho con người. Chúng ta thấy rõ điều này trong Tin mừng Gioan 20,19: “Bình an cho anh em”. Lời cầu chúc bình an mà Chúa Giêsu tặng ban cho các môn đệ khi xưa cũng là lời cầu chúc bình an cho mỗi người chúng ta hôm nay. Các môn đệ khi xưa chỉ tìm được sự bình an thực khi Chúa Kitô Phục Sinh hiện ra ban bình an và Thánh Thần cho các Ngài, để các Ngài được biến đổi với một sức sống mãnh liệt. Chúng ta thấy rõ ràng có sự đối lập nơi các môn đệ trước và sau khi nhận được bình an nơi Thầy chí Thánh. Trước đây, các môn đệ sợ những người Do Thái, sợ bị họ bách hại, sợ bị họ trục xuất ra khỏi Hội đường, nên đóng kín cửa và không dám tuyên xưng danh Chúa, nay có bình an của Người, các ông dám mở toang cánh cửa và sửa sẵn sàng ra đi khắp nẻo đường để rao giảng về danh Chúa Giêsu Kitô (x. Ga 20,19-31; Cv 2). Trước đây, các môn đệ hoang mang vì Chúa Giêsu về với Chúa Cha, nay các ông xác tín rằng, Người không bỏ rơi các ông, nhưng luôn hiện diện bên các ông, cùng đồng hành với các ông. Các ông không còn buồn sầu, khóc lóc, nhưng tràn đầy niềm vui, một niềm vui tròn đầy. Sau khi nhận được sự bình an, các môn đệ từ cảm thức của một người tội lỗi, đã hoàn toàn thoát ra khỏi lối sống của một con người cũ, không còn mặc cảm về những tháng ngày phản bội Thầy mình. Bình an của Đức Kitô Phục Sinh đã đến với các môn đệ, và rồi cuộc đời của các ông đã bước sang một trang sử mới. Thật vậy, ngay sau khi được ơn biến đổi, tâm hồn tràn ngập bình an vì có Chúa, các môn đệ không ở yên trong chỗ của mình, nhưng hăng say, nhiệt tình đi loan báo Tin Mừng cho mọi người. Cảm nếm được sự ngọt ngào khi được sống cùng và sống chung với Chúa, các ông đã trở nên một con người mới, một con người của sự bình an (x. Mc 16, 15; Cv 4).
Như vậy, bình an có một sức mạnh biến đổi nội tâm, biến đổi đời sống, tha thứ tội lỗi và làm cho con người được tự do, không bị ràng buộc bởi tội lỗi và có bình an trong tâm hồn. Người có bình an trong tâm hồn, dù gặp bao sóng gió, giông tố hay những rủi ro xảy đến, tâm hồn vẫn được bình an bởi họ biết đặt cuộc đời, phó thác cuộc đời mình vào sự quan phòng của Thiên Chúa.
Để có một sự bình an nội tâm thực sự, chúng ta cần loại bỏ những giả tạo, những hào nhoáng bên ngoài, những lớp vỏ che lấp, những mánh khoé lọc lừa, những mối bận tâm về quyền lực, địa vị và những sợ hãi đang làm con người bất an.
Người thánh hiến hay những người bước theo Chúa Kitô, cũng được mời gọi tìm kiếm sự bình an nội tâm và trao ban sự bình an cho mọi người, vì đó chính là bình an đích thực và trọn vẹn. Cảm nghiệm thâm sâu hơn về sự bình an, vì đó là cốt lõi của chúng ta. Để được như thế, trước tiên hãy trở về với cõi lòng thật của mình, loại bỏ những cằn cỗi, những mối bận tâm, những ràng buộc, những cản trở trong đời thánh hiến, cần duy trì liên lỉ đời sống cầu nguyện, suy gẫm, chiêm ngắm Chúa và có những giây phút thinh lặng bên Chúa. Như thế, mới mong sống những giây phút êm đềm, ngọt ngào, mới mong có thể gặp Chúa một cách trọn vẹn và bình an đích thực. Vì càng đi vào trong sâu thẳm của lòng mình, người Thánh hiến càng nghe rõ được tiếng Chúa và nhận ra sự hiện diện của Chúa. Bình an thật chỉ đến với những ai thành tâm thiện chí đi kiếm tìm nó, và chỉ có thể đạt được nơi Đức Ki tô, nguồn bình an đích thực. Như lời Chúa Giêsu quả quyết: “Thầy để lại bình an cho anh em,Thầy ban cho anh em bình an của Thầy” (Ga 14, 27).
Tóm lại, bình an là một khát vọng thẳm sâu nhất của con người, là một điều tốt đẹp nhất mà ai ai cũng mong muốn kiếm tìm, dù là ai đi chăng nữa, lương hay giáo, giàu hay nghèo, có địa vị hay thấp hèn, người tốt hay người xấu, tất cả đều mong ước có được một cuộc sống bình an. Ước mong mỗi chúng ta sẽ đạt tới và chiếm hữu được sự bình an nội tâm.
M. Thúy Trần
Bình luận