Chẳng ai muốn nỗi buồn đến với mình, cũng chẳng ai muốn khóc hơn muốn cười. Nhưng cuộc sống đôi khi lại trớ trêu đến độ mình muốn được cười mà lại phải khóc, mình muốn khóc mà đời bắt phải cười. Nghe thì vô lý nhưng cái vô lý đó lại vẫn luôn xảy ra từng ngày.
Ngay bên cạnh chúng ta chẳng thiếu những mảnh đời đau thương và bất hạnh. Vậy mà có mấy ai và có mấy khi chúng ta nhận ra được đau khổ của họ mà cảm thông. Cho đến một ngày khi đi làm về ta thấy chiếc cờ tang tím buồn treo trước cửa nhà họ, lúc đó ta mới thấy cần phải xin cho được “biết khóc”.
Ngay bên cạnh chúng ta chẳng thiếu những trái tim của người cha người mẹ đang vụn vỡ vì sự hư hỏng của những đứa con bất hiếu. Vậy mà có mấy ai và có mấy khi chúng ta nhận ra được nỗi đau của họ để rồi nghĩ đến các đấng sinh thành của mình. Xin cho được “biết khóc” trước nỗi cô đơn của cha mẹ để rồi lập tức nhắc điện thoại lên, tạm gác những công việc không cần thiết và trở về ăn với cha mẹ một bữa cơm cũng đã đủ.
Ngay bên cạnh chúng ta có những người tưởng chừng như lúc nào cũng vui vẻ và hình như họ chẳng bao giờ biết buồn là gì. Vậy mà có mấy ai và có mấy khi ta nhìn ra được nỗi buồn và giọt nước mắt của họ ẩn sâu sau nụ cười. Xin cho được “biết khóc” và biết nhạy cảm với những con người đáng thương ấy bởi sẽ chẳng có ai thực sự mạnh mẽ đến độ không biết buồn là gì.
“Biết khóc” không phải là biểu lộ bằng những giọt nước mắt bên ngoài. Nhưng “biết khóc” là biết thấu cảm, biết sẻ chia, biết vui với người vui và khóc với người khóc mà không làm điều ngược lại. “Biết khóc” là thể hiện con người có giáo dưỡng, có tri thức, có kỹ năng sống và là người có tâm thực sự.
Elisabeth
https://tgpsaigon.net/Nguồn: