“Những lời nói bập bẹ đầu tiên của một đứa bé khiến cho con tim của mọi người trong gia đình tràn ngập vui sướng. Những lời cuối cùng của một người hấp hối được giữ gìn, ghi nhớ như lời trối trăng, như một kỷ niệm quý báu được cất giữ trong chiếc rương tâm khảm của chúng ta” (Gabriele Adani).
Thật thế, lời nói của con người vô cùng quý giá và có sức ảnh hưởng rất lớn, nó là thứ vô hình nhưng mang trong mình một sức mạnh lớn lao: “lời tử tế ngắn gọn dễ nói nhưng âm vang của nó thực sự vô tận” (Mẹ Têrêsa Calcutta). Âm vang ấy tác động đến con người theo nhiều cách khác nhau, nó có thể khiến người khác vui vẻ, hạnh phúc và thay đổi cuộc đời họ, nhưng lời nói cũng có thể khiến người khác đau khổ, tuyệt vọng hay căm ghét. Vì thế, “lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” (ca dao Việt nam).
Hẳn ta đều biết, một lời nói ra lọt vào tai người khác rất khó có thể xóa bỏ. Vì vậy, trước khi nói, hãy suy nghĩ cẩn thận, cha ông ta cũng từng khuyên: “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”. Và để lời nói có giá trị, trước khi cất lời, cần nói lời thật và phải suy nghĩ xem lời nói ra có tốt không, có ích cho người nghe không? Khi cần, hãy nói những lời nói bác ái, yêu thương và xây dựng. Thánh Phaolo Tông đồ đã nhắn gửi giáo đoàn Êphêsô: “Anh em đừng bao giờ thốt ra những lời độc địa, nhưng nếu cần, hãy nói những lời tốt đẹp, để xây dựng và làm ích cho người nghe. Anh em chớ làm phiền lòng Thánh Thần của Thiên Chúa… Đừng bao giờ chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn, hay la lối thoá mạ, và hãy loại trừ mọi hành vi gian ác” (Ep 4,29-31). Đức Giêsu cũng nhắc nhở: “Có thì nói có, không thì nói không, gian dối phát xuất từ ma quỷ”. Khi chúng ta nói lời sự thật, lời động viên xây dựng, chúng ta đang cộng tác với công trình sáng tạo của Chúa. Khi nói lời huỷ diệt, lời làm cho người khác phải chói tai buốt lòng, là chúng ta đang nói lời xuất phát từ quỷ. Đức Giêsu đã trân trọng ngôn từ và ngôn từ của Ngài có sức xoa dịu, chữa lành, động viên, an ủi. Nếu muốn cho ngôn từ của ta có sức mạnh, trước hết chúng ta phải học cách trân trọng ngôn từ, nói những lời có ý nghĩa. Như thế, chúng ta mới có cơ may nói Lời Thiên Chúa, Lời Chân Lý, Lời trao ban và Lời chữa lành1. Chúng ta cũng phải để cho Lời Chúa soi sáng dẵn dắt để có thể biết dùng lời nói của mình một cách thích hợp nhất: “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv 119, 105).
Thánh Gioan mà chúng ta mừng kính hôm nay được mệnh danh là Kim Khẩu (Chrysostome) bởi vì Ngài đã dùng môi miệng vàng để gieo Lời Chúa vào tâm hồn người nghe, làm say mê người nghe nhờ lòng sốt sắng, tài ăn nói thuyết phục, miệng tuôn trào những lời quí như vàng và đưa rất nhiều người quay về với Chúa. Noi gương Ngài, chúng ta hãy dùng môi miệng Chúa ban để nói những lời tốt đẹp và làm ích cho người nghe. Đặc biệt là con cái Thánh Đa Minh, chúng ta cần biết noi gương Cha thánh, luôn “nói với Chúa và nói về Chúa”, chúng ta phải nói với Chúa luôn, từ đó, ta mới có những lời tốt lành để nói cho người khác và có thể nói những điều tốt lành về Chúa cho tha nhân2.
Thúy Trần
2 Ý tưởng bài giảng Thánh Lễ của Cha Dom. Trần Ngọc Đăng.