GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CHO NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO
ĐỪNG CÁM DỖ NHAU NHÉ!
Sơ Maria Antôn Quỳnh Thoại
Câu hỏi:
Đi tu rồi, người tu sĩ có được yêu ai đó không?
Trả lời:
1. Chuyện cô giáo dân với hai tu sĩ
Cô là người Philippines, tầm 40 tuổi, đang chăm sóc chồng vừa qua cơn phẫu thuật tim. Sau một hồi bẻ miệng uốn lưỡi, với sự trợ giúp của cô, bạn nó (Thầy Dòng) vẫn không đọc đúng tên chú. Số là tên chú được viết bằng chữ “bác sĩ” trong danh sách các bệnh nhân muốn được rước Mình Thánh Chúa hôm ấy. Mà thôi! Chuyện đó cũng thường tình ấy mà, như người Tây nói tiếng Việt ta vậy.
Chuyện kế tiếp mới vui!
Số là bạn nó thì mặc áo dòng, nhìn thánh thiện như thiên thần áo trắng vậy. Nó thì quần đen áo sơ mi, nên cũng không ai biết nó là ma sơ hết. Đi bên cạnh bạn nó, mà đôi lúc cứ như vào vai “Người Vô Hình” của ca sĩ Minh Hằng. Người ta, kẻ lui người tới cứ chào bạn nó là cha, là linh mục, chẳng có ai thèm chào nó một câu. Coi kìa! Nhìn bạn nó gật đầu và đáp từ thôi cũng đủ mệt. Nó cười an ủi: hên quá, không ai biết mình là ai! Khỏe!
Nhưng xui cho nó khi gặp cô….
Sau một hồi hỏi thăm bệnh tình của chú, cô được biết về bạn nó. Rồi cô kể một tràng những người cô quen biết. Kẻ đi tu rồi ra lập gia đình, người làm linh mục 5 năm rồi cũng đã có vợ và một con…Đời tu như linh mục ấy, nói như cô, là “gãy gánh, vì không qua được những cơn cám dỗ, tu hành rồi còn yêu đương lăng nhăng!” Và như để kết cho câu chuyện tu xuất mình vừa kể, cô nhìn bạn nó động viên:
– Thầy cố gắng nhé, đừng để sa chước cám dỗ. Hãy trung thành trong ơn gọi của mình!
Tưởng xong chuyện, ai dè cô quay sang nhìn nó, phán một câu nhớ lâu luôn đến giờ:
– Cô gái này, đừng bao giờ cám dỗ các thầy nhé, để thầy yên phận tu trì!
Thiệt là oan ức mà, nó đang muốn phân trần!!!! Nhưng rồi nó cũng nghịch nghợm đáp lại:
– Cô cũng hãy nói như vậy với thầy nhé, vì cháu cũng là ma sơ rồi đó!
Biết mình bị hố, cô liền quay sang thầy bạn:
– Vậy thầy cũng không được cám dỗ sơ ấy nhé, hai người đừng có mà rủ nhau lập cộng đoàn riêng nhe!
Và chúng tôi cùng cười, xin lời cầu nguyện cho nhau luôn trung thành trong ơn gọi và bậc sống của mình.
2. Chuyện tình của ông bà cố
Về đến ký túc xá, mồ hôi nhễ nhại. Nó quăng mình xuống giường và tiện thể suy nghĩ về cuộc hạnh ngộ sáng nay. Nghĩ… Sao Chúa hay vậy ta? Dựng nên con người có đôi có cặp, Adam ở đâu, Eva ở đó. Khi vui sướng trong vườn địa đàng cũng như khi đau khổ vì sa ngã bất trung, họ luôn khắng khít bên nhau. Nhìn tía má nó kìa, cãi nhau chí chóe rồi lát lại ông ơi bà ơi, như chưa hề có cuộc xung đột. Vì sao vậy? Vì các ngài thương nhau, như lời Tía nói:
– Cả tỉnh Sóc Trăng, tui chỉ chấm có mỗi bà à! – Theo ngôn ngữ tuổi teen, tía đúng là chuyên gia thả thính!
Má nằm đu đưa trên chiếc võng kế bên, hứ một cái đáp lại:
– Thôi đi ông ơi, tại lúc đó lời cám dỗ quá ngọt ngào nên tui xiu lòng, chứ bây giờ thử coi, không có cửa đâu cưng. – Theo ngôn ngữ ngôn tình, má nó cũng không phải dạng vừa đâu!
Nằm kế bên, nó cười khúc khích, thầm cám ơn lời cám dỗ ngọt ngào của tía và sự “nhẹ dạ” của má. Nhờ đó ba chị em nó được làm con tía má đến giờ.
3. Chuyện tình của bà sơ
Rồi đùng một phát, Chúa gọi nó: Hãy theo Ta. Đó có phải là lời cám dỗ không? Nó không biết. Chỉ biết lời đó rất thuyết phục. Nếu không sao, đứa con nít 13 tuổi như nó, cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, lại nhanh miệng “xin vâng”. Nó cũng chưa biết “nửa kia của mình” trước khi theo Thầy Giêsu. Trái tim non nớt của nó bấy giờ chỉ có hình ảnh của ông bà nội ngoại, tía má, hai đứa em và nhóm bạn chơi lò cò chung với nhau mỗi ngày. Nó không có “người dưng khác họ đem lòng nhớ thương” gì hết.
Tuổi thơ vẫn cứ trôi qua êm đềm. Nó học hết cấp hai, rồi cấp ba. Vẫn vô tư với người tình Giêsu chưa một lần trực tiếp gặp mặt. Nó vẫn vui với lý tưởng dâng hiến. Là ma sơ của Chúa, nó chọn Giêsu là đối tượng duy nhất nơi tâm trí mình.
Nhớ ngày nó được gọi để chuẩn bị khấn lần đầu. Chị Tổng Phụ Trách gặp nó, hai chị em ngồi dưới mái hiên nhà nguyện, cách gợi chuyện thân tình của chị làm nó cởi mở hơn…
– Sao rồi? Sẵn sàng chưa con? – Chị hỏi.
– Dạ con cũng không biết nữa. Thấy có gì đó sai sai… (cười)
– Trời đất! Vụ gì đây cô nương? Chỗ nào sai đâu, nói Dì nghe.
– Dạ… tại con thấy nhiều chị cùng lớp phải từ bỏ này kia, kia nọ. Các chị lớn còn chia tay người yêu nữa… Còn con, không thấy mình phải từ bỏ gì hết, người yêu cũng không có luôn. Con thấy đời tu mình nhẹ nhàng quá… không thấy thánh giá đâu hết, con có tu thiệt không?
– Haha… Dì vừa cười vừa cú nhẹ vào trán nó một cái. Thôi đi cô, cô chỉ mới ở chặng thứ nhất thôi, phía trước còn nhiều chông gai và thách đố, đến lúc có anh nào thương lại mếu máo không chịu buông bỏ và đau khổ khi phải hy sinh.
Rồi chị vỗ vai nó dịu giọng:
– Hãy luôn tin tưởng vào ơn Chúa và xin Người đồng hành trong mỗi bước đi con nhé.
– Dạ…
Vậy là lòng nó bình an, nghĩ về ngày tiên khấn với niềm hạnh phúc lớn lao.
Tưởng khấn xong rồi là khỏe, không phải khổ vì yêu như mấy đứa bạn ở xóm. Ôi thôi, mỗi lần về nghe mấy đứa nó tâm sự mà não nề. Thật ra thì mỗi nhà mỗi cảnh. Như nhỏ bạn (Thắm) còi coi vậy mà hạnh phúc. Chồng nó nghèo nhưng được cái thương nó và lo cho gia đình. Thằng Ngọc sát vách nhà thì mới ly dị vợ. Tội nhất là Nương Điệu, đẹp gái nhất xóm, giỏi giang nhất vùng, lấy được chồng giàu… vậy mà khóc suốt ngày, còn bị chồng đánh nữa.
Nghĩ bụng, may mà mình đi tu, không thì chắc cũng vướng vào cảnh dở khóc dở cười. Nghĩ vậy thôi. Ai dè đùng phát, anh ấy xuất hiện. Học viện (nơi nó được học) có ký túc xá cho sinh viên cả nam và nữ. Ngày ngày xuống nhà cơm ăn chung, đi lễ chung, đọc kinh chung… Như ông bà ta hay nói: “nhất cự li, nhì tốc độ”. Gần gũi thân tình lâu dần, nó chợt nhận ra trái tim mình loạn nhịp.
– Adam của đời con hả Chúa ơi? – Nó vừa chắp tay cầu nguyện vừa lẩm bẩm.
Chúa kỳ ghê. Chọn con vào “con đường chẳng mấy ai đi”, rồi lại đánh thức trái tim đang ngủ yên. Anh ấy nhiều lần làm trái tim nó đập loạn xạ và không ngừng thổn thức trước những ân tình. Sớm không đến, sao lại đến lúc “ván đã đóng thuyền”? Khấn trọn rồi như chiếc thuyền đã ra khơi. Bao nhiêu năm với Chúa trong sứ mạng tông đồ, khó khăn vất vả cỡ nào cũng vượt qua được, sao giờ lại đắn đo… Thật khó chịu vô cùng! Tưởng khấn rồi, lòng nó vững như kiềng ba chân; ai dè giờ nó “lúng ta lúng túng như gà mắc tóc, nuốt dây thun”. Nó nói nhỏ với đứa bạn thân:
– Ê, bà ơi, tui bị say nắng rồi, làm sao đây??? Vô nhà cơm là cứ ngó coi “người ta” đang ngồi ở góc nào, huhu… Khó chịu quá đi…
– Haha, chúc mừng mày, tưởng không thích con trai chứ!
– Thôi nha, đang nóng trong người đó, đừng có thêm dầu vào lửa à!
– Có gì đâu, tim mày bằng thịt mà, biết rung rinh vậy mới ra con người…
Rồi hai đứa cười như vỡ chợ. Cái cú đầu của chị Tổng ngày xưa, giờ mới có tác dụng nè.
Và nó bắt đầu tìm về trái tim mình, lắng nghe từng nhịp đập và thấy thương mình vô cùng. Đi tu sớm làm gì, giờ mới thấy cái cảnh…! Sau những giờ cầu nguyện và suy tư, nó ngồi vào bàn học, viết câu trả lời cho người bạn hỏi trên đây.
Bạn thân mến!
Trái tim người tu sĩ vẫn còn biết rung động trước một người. Cám ơn Chúa đã cho phép điều đó xảy ra để người tu sĩ biết nhớ, biết thương và biết day dứt vì yêu. Chúng ta từng rất tâm đắc câu nói của Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận:
“Trái tim người tu sĩ không phải bằng đá. Trái tim đó bằng thịt và biết yêu thương.” (ĐHV, 445).
Điều đó nhắc nhở rằng người tu sĩ đi theo Chúa trong ơn gọi dâng hiến, họ cũng vẫn là những con người như bao người khác. Họ cũng có trái tim biết yêu thương và khao khát được yêu. Lời khấn khiết tịnh không làm mất đi khả năng tính dục nơi người tu sĩ. Chỉ có điều, tình yêu của họ không nhằm tiến triển theo hướng tình yêu đôi lứa, dành cho một người với mục đích xây dựng gia đình và duy trì nòi giống. Người tu sĩ được mời gọi để làm triển nở tình yêu theo một chiều kích khác. Nghĩa là, tình yêu ấy đem lại sự sống và góp phần xây dựng bảo vệ sự sống theo ơn gọi của mình.
Chẳng hạn, người tu sĩ dấn thân loan báo Tin Mừng cứu độ đến những ai chưa biết Chúa. Những công việc bác ái âm thầm, đời sống chứng tá, v.v, là kết quả của sáng kiến nơi con tim biết chung nhịp đập với những nỗi thống khổ của đồng loại. Con tim tu sĩ với khả năng yêu thương, cũng đôi lần được chào đón riêng tư và muốn được sống cho riêng mình bằng những ân cần, chăm sóc và thấu hiểu. Tuy nhiên, tu sĩ không dừng lại để vun vén cho những cảm xúc riêng tư đó, nhưng chuyển hóa chúng thành động lực để chia sẻ. Họ vui sống đời hiến dâng.
Thật khó và nhiêu khê khi tu sĩ không cho phép bản thân sở hữu những cảm xúc đó, cho riêng mình như bao người. Thánh Phaolô nói: “Trong mọi thử thách, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta.” (Rm 8,37). Vì với Người, Đấng tu sĩ chọn làm gia nghiệp, là đối tượng ưu tiên trong tâm trí. Tình Yêu của Người sẽ dạy tu sĩ biết yêu thế nào cho đúng, và triển nở đời mình trong mọi tương quan với đồng loại.
Cảm ơn bạn đã đồng cảm với những thổn thức tình cảm của người tu sĩ. Xin cầu nguyện cho họ thật nhiều. Hy vọng và cầu chúc họ luôn hạnh phúc và bền đỗ trong ơn gọi hiến dâng, bằng trái tim rất con người!
Thân chào bạn!
(Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 1, Nxb Tôn Giáo, 2020)