“Vì Một Giáo Hội Hiệp Hành: Hiệp thông, Tham gia và Sứ vụ” là chủ đề của Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới Thường Kỳ 2021-2023. Có thể nói, “hiệp hành” là một từ ghép rất mới trong từ điển tiếng Việt. Đức Tổng Giám mục Nguyễn Năng giải thích: “Hiệp hành” được dùng để diễn đạt ý nghĩa “cùng nhau bước trên một con đường,” “cùng đi với nhau.” “Hiệp hành” chính là một trong những đặc tính làm nên căn tính của Giáo hội (x.Cv 9,2;19,9.23;22,4;24,14.22). Đức Giáo hoàng Phanxicô mời gọi toàn thể Giáo hội cùng nhau suy gẫm và bàn thảo về chủ đề này như một hướng đi mới cho đời sống và sứ vụ của Giáo hội. Ngài nhận định: “Thật cụ thể, con đường hiệp hành là con đường mà Thiên Chúa mong muốn cho Giáo hội trong thiên niên kỷ thứ ba.” Tính hiệp hành của Giáo hội được thể hiện trong 3 từ khóa phụ đề cho Thượng Hội đồng lần này: Hiệp thông, Tham gia, và Sứ vụ. Vậy lời mời gọi, “Vì Một Giáo Hội Hiệp Hành” có ý nghĩa gì đối với Hội dòng chúng ta? Trong cơ cấu tổ chức và sinh hoạt của Hội dòng, chúng ta có tổng hội, hội nghị, và các buổi họp cộng đoàn, vậy làm sao chúng ta có thể trở nên phong phú nhờ tiến trình hiệp hành và củng cố cho tiến trình tồn tại của Hội dòng chúng ta? Đâu là những hướng đi mới cho sứ vụ của Hội dòng theo con đường hiệp hành của Giáo hội?
Trước hết, hiệp hành là sự mở ra cho Thần Khí. Chúng ta không thể có tinh thần hiệp hành nếu thiếu Thần Khí. Và chúng ta không thể hiểu được những hướng đi và lời mời gọi của Chúa Thánh Thần nếu chúng ta thiếu cầu nguyện. Đồng thời, hiệp hành là lên đường gặp gỡ anh chị em, nhất là những người đang đau khổ. Giáo hội hiệp hành là một Giáo hội biết lắng nghe Thần Khí qua việc lắng nghe cảm thức đức tin của con người. Đức Giáo hoàng Phanxicô tin rằng, lắng nghe cảm thức đức tin là cần thiết vì hai lý do, có thể gọi là: giáo huấn và thần học (x.ITC, cảm thức đức tin trong đời sống thánh hiến,74). Cẩm nang về hiệp hành viết: “Cùng nhau, tất cả những tín hữu là chủ thể của sensus fidelium, tiếng nói sống động của Dân Chúa”. Cẩm nang nhấn mạnh, “để tham gia đầy đủ vào hành vi phân định thì cũng quan trọng để người tín hữu lắng nghe tiếng của những người khác trong bối cảnh địa phương mình, bao gồm cả những ai bỏ thực hành đức tin, những người thuộc các truyền thống đức tin khác, những người không cùng tín ngưỡng tôn giáo” (X.phụ lục C của Cẩm Nang cho THĐ về Hiệp Hành). Sự tham gia đòi hỏi phải hiểu đúng mối tương liên, tôn trọng, và có chỗ cho mọi người cùng bày tỏ ý kiến, hành động, và thi hành trách nhiệm. Tất cả chúng ta đều có quà tặng gì đó để trao cho cộng đồng và sứ vụ. Mỗi người đều có thể học và đón nhận cái gì đó từ người khác. Khi ai đó chỉ biết chỉ trích và đàm tiếu thì không phải là hiệp thông và tham gia.
Chủ động khởi xướng là dấu chỉ của những thành viên có trách nhiệm và biết đối thoại. Câu hỏi được đặt ra là: làm sao để chúng ta có thể “bước đi cùng nhau?” Trong sứ vụ của mình, chúng ta đang đi cùng ai? Chúng ta sử dụng những phương pháp nào để đến với nhau, chia sẻ, và đối thoại? Chúng ta cùng nhau quyết định các vấn đề ra sao? Và làm thế nào chúng ta có thể thực hiện những quyết định ấy cùng nhau? Do đó, đồng hành cùng nhau là một chìa khóa chúng ta cần phải mang theo bên mình. Chúng ta không chỉ đồng hành với những người cùng chí hướng, nhưng cả những người không cùng chí hướng, với những người trong nhóm và cả với những người ngoài nhóm, đặc là những người bị gạt ra bên ngoài lề xã hội; tất cả chúng ta có thể đồng hành cùng nhau. Khi càng dễ dàng chấp nhận nhau thì việc đồng hành cùng nhau càng trở nên phong phú. Sứ vụ là chiếc cầu nối giữa người với người, mở rộng vòng tròn tình huynh đệ bằng hữu, tôn trọng, yêu thương, và liên đới. Giáo hội hiệp hành đi cùng với tha nhân bằng sự hiệp thông và tham gia (tài liệu chuẩn bị THĐ, 26).
Thiết nghĩ, tính hiệp hành là là một trong những yếu tố cấp thiết trong đời sống của các dòng tu. Tham gia tích cực bằng việc đóng góp tiếng nói của mình, tạo cơ hội cho người khác lên tiếng, và lắng nghe ý kiến của họ trong các cuộc họp chung là rất quan trọng. Một thực tế đáng buồn đang xảy ra nơi một số cộng đoàn dòng tu, đó là, một số thành viên lớn tuổi liên tục vắng mặt trong các cuộc họp chung, còn số đông thành viên trẻ thì giữ thinh lặng vì sợ ý kiến của mình không được lắng nghe. Đây là cách thức chúng ta đang “khóa” tiếng nói của Thần Khí, mà chúng ta quên mất rằng lắng nghe tiếng nói của các thành viên trẻ là việc cần thiết để tìm ra con đường mới mà Chúa Thánh Thần đang vạch ra cho Hội dòng. Hãy phân định làm sao để Chúa Thánh Thần vén mở cho cộng đoàn và hãy cởi mở lắng nghe cả những khía cạnh tích cực và tiêu cực, những thách đố để sống và thi hành sứ vụ của chúng ta. Phải cổ vũ nơi mọi thành viên tinh thần chia sẻ trách nhiệm với nhau và với các vị hữu trách.
Phải nâng cao chất lượng đời sống cộng đoàn như là những cộng đoàn liên văn hóa. Chúng ta tuyên bố tính liên văn hóa của mình như là một phản ánh về sự hiệp nhất và đa dạng của Chúa Ba Ngôi, và minh chứng cho sự phong phú của Giáo hội. Một Giáo hội hiệp hành là một Giáo hội liên văn hóa. Chúng ta được xem là những chuyên gia về tính liên văn hóa bởi vì những cộng đoàn của chúng ta là liên văn hóa ở hầu hết các nơi. Đối với một số dòng tu, quan hệ vùng miền vẫn còn là một tiêu chuẩn thống trị khi bầu chọn những người lãnh đạo. Thần Khí của tính hiệp hành mời gọi hãy cởi mở và đón nhận nhau hơn nữa. Phải cải thiện và không ngừng thực hành lắng nghe chăm chú và nói chuyện chân thành với nhau. Đối thoại hiệp hành phụ thuộc vào sự can đảm và chân thành khi nói và nghe. Lắng nghe chăm chú rất quan trọng trong việc nâng cao đời sống cộng đoàn và tham gia vào sứ vụ. Chúng ta chú ý đến tầm quan trọng của việc chia sẻ và góp ý chân thành; chấp nhận nói sự thật ngay cả khi điều đó làm cho ta đau đớn. Đời sống cộng đoàn và sứ vụ của chúng ta thường hay đau khổ vì chúng ta không chân thành và cởi mở chia sẻ những suy nghĩ và cảm giác với nhau. Trong nhiều bối cảnh, việc giữ im lặng có thể đồng nghĩa với việc lảng tránh trách nhiệm, còn lời đàm tiếu thì giống như con virus chết người làm tê liệt đời sống cộng đoàn và sứ vụ.
Tham gia vào Chương trình Hành động Laudato Sí, lắng nghe tiếng than khóc của người nghèo và tiếng kêu than của trái đất là một vấn đề vô cùng quan trọng và cấp bách. Hoán cải sinh thái bắt đầu bằng đời sống tâm linh và thay đổi nếp nghĩ. Với phong cách sống thả cửa, con người đang phá hủy trái đất. Tuy nhiên, nhiều khi chúng ta quên mất rằng, chúng ta chính là một phần của lời giải. Do đó, mọi khởi xướng đều quan trọng hướng đến hoán cải sinh thái. Gần đây, chúng ta đã bắt đầu Chương trình Hành động Laudato Sí để cùng với Giáo hội lập kế hoạch và thực hiện những hành động cụ thể hướng đến sự hoán cải này. Vậy, mỗi người và mỗi cộng đoàn chúng ta đã có kế hoạch gì để thực hiện chương trình này?
Têrêsa Tuyết Mai