Chị ơi! Em…không muốn đi tu nữa!!! – Em vừa nói vừa nghẹn ngào, tôi thấy đôi mắt em đỏ hoe, những giọt nước mắt như muốn tràn ra bên ngoài…
Tôi đã được nghe về em qua lời kể của một số người và tôi đã chính thức được gặp em trong dịp Tĩnh Tâm Tam Cá Nguyệt vừa qua. Qua những cuộc nói chuyện, vui chơi, tôi nhận thấy em là một cô gái giỏi giang, có cá tính, mạnh mẽ, vui vẻ, hòa đồng và khả năng ngoại giao rất tốt. Vì em là cô gái mạnh mẽ nên em đã kịp thời kìm nén cảm xúc của mình, không để cho những giọt nước mắt có cơ hội tràn ra bên ngoài. Còn tôi, trái ngược lại với em, tôi không thể che giấu được sư bàng hoàng, ngạc nhiên trên khuôn mặt của tôi, điều này làm tôi đứng khựng lại trước mặt em, không nói nên lời. Tôi trấn an bản thân và bình tĩnh hỏi em:
-Tại sao em lại có suy nghĩ như vậy? Em đang có chuyện gì sao?
– Em cũng không biết nữa chị ạ… Em cũng không biết em đang bị làm sao nữa - Em đáp lời tôi với một vẻ mặt đầy lo lắng.
Để hiểu rõ hơn về quyết định của em với mong muốn giúp em được điều gì đó, tôi bắt đầu đặt ra cho em những câu hỏi, và chia sẻ với em một vài câu chuyện giúp em bình tĩnh hơn với hy vọng em có thể bộc bạch nỗi lòng của mình. Sau một hồi nói chuyện, em đã mở lòng mình và chia sẻ cho tôi biết lý do tại sao em lại có ý nghĩ như vậy. Em bắt đầu kể với tôi:
– Chị ơi! Dạo này cứ nhắc đến “đi tu” là em thấy chán và có chút bực bội. Mỗi lần đi tham dự các buổi Tĩnh Tâm, em đã cố gắng giấu không để cho ai biết là em lên nhà Dòng, vậy mà em vẫn bị người ta phát hiện, họ bắt đầu có những suy nghĩ, lời nói này nọ về em. Họ đòi hỏi em phải làm những gì mà họ thấy các Dì xứ vẫn hay làm. Chẳng hạn đơn giải như chuyện em mặc quần lửng ra đường họ cũng nói: “Úi xời! Đi tu mà ăn mặc thế à, mang tiếng đi tu mà đi học tô son, làm điệu, như này còn lâu mới đi tu được.” Mỗi lần mà em nghe thấy bài ca “liên khúc đi tu phải làm những gì” của các “cô hàng xóm” là em cảm thấy rất khó chịu. Họ gắn cho em cái mác “đi tu” sớm quá. Em còn đang đi học mà, em đã vào nhà Dòng đâu mà họ đã bắt em phải sống như các Dì, ăn mặc như các Dì. Em là con gái, em cũng có quyền làm đẹp chứ…Tuy vậy, nhưng thỉnh thoảng em cũng có suy nghĩ: Nếu mình đi tu mà không tu được, trở về nhà thì không biết lúc đó làm sao? Em cảm thấy hoang mang và lo lắng lắm chị ạ…
Nghe em tâm sự, tôi thầm nghĩ trong lòng: Cảm ơn em, cảm ơn những lời chia sẻ tận đáy lòng của em, cảm ơn em vì em đã tin tưởng chị, cảm ơn em vì đã cho chị nhớ lại chị của mấy năm về trước. Hiểu được tâm trạng của em lúc này và cũng có một chút giống mình, tôi mỉm cười và nói với em:
– Em à! Em đừng lo lắng quá về những điều đó. Trước hết, theo kinh nghiệm chị thấy rằng, không chỉ riêng em phải đối diện với những thách đố và đòi hỏi của người đời, đây là tình trạng mà nhiều bạn trẻ trong hành trình tìm hiểu ơn gọi gặp phải. Cũng không thiếu những bạn trẻ vì những lý do tương tự mà từ bỏ ước mơ theo Chúa trong ơn gọi tu trì của mình. Vừa nãy em có nói là em “giấu không cho ai biết,” nhưng em à… “kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra.” Em không giấu được lâu đâu, kiểu gì người ta cũng biết. Và em nói “em là con gái em có quyền làm đẹp.” Đúng! Em đang ở tuổi đi học, em đang học trong môi trường cấp III và em lại là con gái, không có lý do gì mà em lại không được làm đẹp, nhưng, em luôn cần phải tự hỏi, “em làm đẹp vì ai? Và vì điều gì?” Cái đẹp theo đúng nghĩa của nó chính là món quà của Thiên Chúa, nên em có quyền làm đẹp, nhưng đừng làm cho vẻ đẹp của Thiên Chúa bị bóp méo. Về những lời nói của các “cô hàng xóm” thì em đừng quan tâm, để ý, vì họ có quyền được nói, được tự do ngôn luận, mình không có quyền ngăn cấm họ. Họ mới nhìn đời tu ở một khía cạnh rất nhỏ qua các Dì xứ. Mỗi người có một ơn gọi riêng, không ai giống ai, quan trọng mình phải sống tốt bậc sống của mình.
Rồi, em nói là “em sợ không tu được.” Điều này em cần cầu nguyện thật nhiều để lắng nghe ý Chúa muốn nơi em, qua Tin Mừng và trong tất cả biến cố cuộc sống hằng ngày. Xin ơn Chúa trợ giúp, xin Ngài nâng đỡ, bổ sức và đồng hành với em trong những lúc khó khăn, áp lực. Và đặc biệt là em hãy cố gắng tập trung vào việc học của mình, đừng để cảm xúc hay những thứ không tốt ảnh hưởng tới việc học của em. Thời điểm này, học là quan trọng nhất, mọi chuyện khác em hãy để sau kể cả chuyện lựa chọn tu hay không tu. Những lúc khó khăn em hãy chạy đến bên Chúa, đồng thời tích cực tham dự các buổi Tĩnh Tâm cộng đoàn để thực sư được Ngài an ủi và được nghỉ ngơi bên Chúa. Bớt suy nghĩ linh tinh kẻo ảnh hưởng đến sức khỏe, tập giữ nụ cười ở trên môi. Hãy nhấc “điện thoại” lên “gọi điện” cho Chúa hằng ngày nhé!
Nói xong, tôi thấy nụ cười đã trở lại trên gương mặt của em, tuy vẫn còn chút lo nghĩ nhưng chắc hẳn em cũng đã cảm thấy lòng mình nhẹ nhàng hơn. Em nói: “Vâng! Em sẽ cố gắng, xin chị thêm lời cầu nguyện cho em!” Thời gian gặp gỡ của hai chị em chúng tôi không nhiều nhưng cả tôi và em đều cảm thấy rất vui vì đã hiểu nhau hơn. Và nhờ có Chúa Thánh Thần soi sáng cho cuộc trò chuyện, tôi cảm thấy lòng thật bình an. Tạ ơn Chúa, tạm biệt em, tôi trở về với cộng đoàn và mong được gặp lại em trong dịp Tĩnh Tâm cộng đoàn vào tháng tới.
Bạn thân mến! Khi đọc xong những dòng chia sẻ trên có thể các bạn sẽ nghĩ “chuyện trẻ con.” Nhưng chắc ai trong chúng ta cũng biết, độ tuổi cấp III là độ tuổi có nhiều thay đổi về tâm-sinh lý. Nếu không được tư vấn, không được chia sẻ kịp thời, các em rất dễ rơi vào tình trạng căng thẳng, và như thế sẽ ảnh hưởng rất nhiều về tâm lý và dễ bị sa vào các tệ nạn xã hội. Ước mong sao các bậc làm cha, làm mẹ, những người có trách nhiệm trở thành những “người bạn luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu” của con em mình, để các em thấy được sự quan tâm, lo lắng và gần gũi của mọi người, lúc ấy các em mới dễ tâm sự mỗi khi cần sự giúp đỡ. Tôi và các bạn cùng cố gắng nhé!!!
Cát Bụi