– Bố ơi, sao bác Tâm lại mắng con: gai mồng tơi đâm thôi mà cũng kêu đau thế bố?
Trong làng, bác Tâm là người chúng tôi sợ mà không kính nhất. Bác không có chồng, ở một mình trong ngôi nhà cấp bốn lụp xụp. Vườn nhà bác không hoa, chỉ toàn ngô, khoai, bàng, sắn – căn nhà khô khan, lạnh ngắt như chính chủ nhà vậy. Lông mày bác cong như hai cành vạn tuế uốn ngược. Hàm răng lúc nào cũng đưa ra phía trước như chực chờ để mắng mấy đứa chúng tôi. Chẳng biết bác có phép thần thông gì mà bao lần chúng tôi nghịch, dù chỉ một chút, là bác liền xuất hiện, ngăm đe, sửa trị. Cứ thế mãi, nhóm “giang ao” (gồm 3 thằng “quỷ sứ” như lời bác gọi và tôi) chỉ mong bác chuyển nhà đi thật xa.
Tôi – vì chơi với nhóm “giang ao” (quê tôi không có hồ), nên tính mạnh mẽ không quên mang theo bên mình. Tôi chẳng mấy khi mít ướt trước mặt tụi bạn. Tụi nó bầu tôi làm trưởng nhóm, chuyên nghĩ kế giúp cả nhóm “nghịch khôn”: nghịch mà vẫn giữ được tiếng ngoan. Trong xứ ai cũng nhận xét: “Bốn đứa nhỏ nghịch, quậy, nhưng vẫn đạo đức, ngoan ngoãn, nghiêm trang.” Chỉ trừ bác Tâm. Mãi mãi trong mắt bác, chúng tôi là “tứ quỷ – tứ hư”.
Một ngày, bác Tâm bỗng xuất hiện trong nhà tôi. Chẳng hay biết nên mới từ ngõ xa, tôi đã khóc lớn gọi bố mẹ xoa dầu cho vết thương mới tậu được sau vụ hái trộm bàng cùng nhóm bạn ở nhà bác. Nhảy từ cây cao xuống, chân tôi rơi vào mấy cành chanh bác mới chặt còn xanh mướt lá. Gai đâm tôi đau điếng. Chảy máu. Sưng phù. Không khóc với tụi bạn, tôi để dành về nhà khóc với bố mẹ. Khóc với đúng người, được an ủi; sai người, thiệt hại lắm. Luôn được bố mẹ quan tâm, chăm sóc, nhưng tôi vẫn tự cho mình quyền được nũng nịu, muốn bố mẹ thể hiện thêm nữa tình yêu thương. Tựa như khi yêu, chẳng bao giờ là đủ vậy.
Tôi giật bắn mình khi thấy bác Tâm, tim đập thon thót, cả người run rẩy vì ánh mắt sắc hơn liềm đi gặt của bác đang hướng trọn về mình. Bác bảo tôi, cao giọng nhưng vẫn ồm ồm như đàn ông:
– Có gai mồng tơi đâm thôi mà cũng kêu đau. Đúng là con gái út. Được nuông chiều quá mà.
Có gì đó sai sai, tôi nghĩ. Mình ngã vào gai chanh mà, đâu phải mồng tơi. Bác chẳng biết gì mà cũng nói. Thêm nữa, mồng tơi làm gì có gai.
Muốn hỏi lại nhưng vì sợ bác quá, tôi chạy nhanh về phòng, lòng ấm ức, băn khoăn. Sao tôi thấy ghét bác Tâm quá!
– Con à. Bố nói trong lúc băng bó vết thương cho tôi. Bác Tâm bảo thế là để khích lệ, động viên con đó. Gai chanh to, dài, nhọn, con cũng hãy coi như gai mồng tơi để thấy vết thương nhẹ nhàng hơn. Người ta khó có thể kiểm soát được cảm xúc nhưng hoàn toàn có thể điều chỉnh suy nghĩ và hành vi mà cảm xúc dẫn tới. Con vẫn thấy đau khi ngã, khi bị gai đâm, nhưng cách con nghĩ và nói về nỗi đau có thể sẽ khác, khi con mặc cho nó một ý nghĩa tích cực. Con gái út của bố mà, lần tới bị đau, con hãy thử tìm ý nghĩa cho nó nhé. Biết đâu con sẽ cười tươi mà chạy đến khoe với bố chiến tích của tuổi thơ, vì nó đã giúp con mạnh mẽ hơn, can trường hơn, và oai hơn nữa, phải không nào? Và cả khi đau, con vẫn không quên chào bác Tâm khi bác ở nhà mình, đúng không nhỉ?
Bố nói dài, nhưng khi ấy, tôi chẳng hiểu là bao. Ngồi gọn trong lòng bố, cô bé lớp Hai cứ thấy vang mãi trong đầu: dù ngã vẫn cười, dù đau vẫn tích cực, dù khóc vẫn chào bác Tâm.
Ngày ấy, lời bố nói đã hoá giải mọi giận ghét tôi dành cho bác Tâm. Ngày ấy, tôi đã coi bác như một cô giáo vĩ đại với một bài học oai hùng.
Mãi sau này, cô bé trong nhóm tứ quỷ lớn lên, mới hiểu chắc rằng lời bác Tâm khi ấy chẳng mang chút xinh đẹp nào như lời bố giảng giải. Gai mồng tơi của bác thực sự là chỉ trích, trách móc, chứ không hề đáng yêu và truyền cảm hứng như giải thích của bố. Bố đã nói dối tôi. Nhưng lời nói dối ấy thật đẹp và ngọt ngào. Gai mồng tơi trong lời nói dối của bố đã giúp tôi lớn lên thêm mạnh mẽ, luôn cố gắng đặt nhẹ, tích cực, lạc quan trước những nỗi đau của bản thân, cả thể xác lẫn tinh thần. Gai mồng tơi của bố như những chiếc đinh, mềm nhưng đóng chặt, nhắc nhớ và giúp tôi lưu giữ từng niềm vui kèm lòng biết ơn, dẫu đó chỉ là những hạnh phúc nhỏ nhoi. Nhờ đó, tôi duy trì được gam màu tươi sáng cho cuộc đời mình.
Gai mồng tơi ngày ấy đã giúp tôi bắt đầu có thiện cảm với bác Tâm để rồi thoải mái ngây ngô, gần gũi, hỏi chuyện, giúp đỡ và rồi thương mến bác lúc nào chẳng hay. Bác thường giận dữ, cau có, chửi mắng chỉ vì muốn tự mình bảo vệ chính mình khỏi những bắt nạt người yếu thế của thói đời. Bác chẳng có vũ khí nào ngoài thứ vũ khí nhiều gai ấy.
Ngày bác Tâm mất, năm tôi lên cấp Ba, tôi đã khóc, nhưng không bù lu bù loa mà âm thầm, riêng tư. Như cách gai mồng tơi đã dạy tôi thuở bé: là con gái út, được nuông chiều, nhưng vẫn phải thật mạnh mẽ, tươi vui.
Phương An