Đức Hữu
Nhân loại đang sống trước thềm đêm Giáng Sinh. Lẽ thường, lúc này cháu nó phải đăng cái gì đó vui vẻ như lời cúc tới mọi người. Nhưng giờ đây, trong bối cảnh bi ai của nhân loại, cháu nó xin được phép mừng lễ Giáng Sinh theo cách của riêng mình vậy.
Không biết tự lúc nào, cái se lạnh của tiết trời khi Sài Gòn vào đông đã len lỏi vào từng góc đường, con hẻm của thành phố hoa lệ này. Người ta bật điện thoại, mở ứng dụng thời tiết và ngạc nhiên rồi thích thú khi trên màn hình ghi đất Sài Gòn đang run lẩy bẩy trong nhiệt độ 19-20 độ C. Người Sài Gòn tận hưởng cái giây phút xem nhiệt độ đó một cách tròn đầy, cũng như cái cách họ tận hưởng cái khí trời lúc này vậy. Chỉ những người Sài Gòn mới tận hưởng chuyện đó cách lý thú như thế. Chứ như người Đà Lạt thì đâu mấy thích thú, họ chỉ thấy hơi thích thích khi con số 19 độ kia, trừ bớt con số 1 đứng đầu. Còn bạn bè ở Bắc bộ thì nhiêu đó thì thấm vào đâu, họ còn chịu những lúc trời lạnh hơn thế kia nhiều. Thật ra, trời Sài Gòn làm gì có cái gọi là vào đông, làm gì có cái gọi là se lạnh. Đó chỉ cách nói thi vị hóa mà thôi. Họ làm cho cái tiết trời thú vị cách hiếm hoi đó trở nên lãng mạn, vì trước đó, và sau khi tiết trời này qua đi, họ lại vật lộn với chuyện mưa như trút nước, hay với trời nóng như đổ lửa.
Cứ bình thường, khoảng chừng đầu tháng Mười Hai, trời Sài Gòn đã vào đông. Nhưng với năm 2021 này, trời Sài Gòn vào đông từ khá sớm, từ tháng Năm lận, hối hả đến tận bảy tháng. Nhưng cách vào đông của năm nay không được thi vị hóa như nó vốn nên thế, nhưng vào đông đợt này lại là cách người ta dùng để xoa dịu bớt cái rét đau cái rét đậm, không cắt da cắt thịt, nhưng cắt sâu vào mảnh tâm hồn vốn nhạy cảm của họ – mà thật ra, đã là người, thì tâm hồn của bất kỳ ai cũng đều mỏng manh và nhạy cảm cả.
Vào đông như mọi năm là một ước mơ, nhưng vào đông kiểu năm nay là một cơn ác mộng. Người ta sợ khi nhắc đến cơn đông Covid. Người ta sợ khi nhắc đến là vì họ sợ cái chết, nghĩa là họ sợ đối mặt với cái hiện sinh phũ phàng ấy của phận người, rằng con người vốn mỏng manh, phải sống trong bao cái khổ đau và phải chết.
Thật ra, không phải đến lúc này, khi cơn đông Covid ập đến, họ mới nhận ra được thực tế đó. Trước giờ, họ vẫn biết đến sự hiện hữu của thực tế ấy. Nguyễn Du, khi mở đầu truyện thơ Truyện Kiều, đã viết hai câu xót lòng xót dạ này: “Trải qua trăm cuộc bể dâu – Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”. Bao điều con người trông thấy đều có thể gây đau đơn cả. Đời là bể khổ là vậy! Lời an ủi Đức Giêsu trao cho các môn đệ của mình: “Anh em đừng lo lắng về ngày mai” cũng vạch ra cho ta thấy hiện thực bể dâu của phận người. Bao lâu người ta còn lo lắng về mọi sự ở đời, bấy lâu người ta còn đau khổ. Sự đau khổ ấy ở trong từng miếng ăn, từng cái mặc, trong từng nhu cầu lành mạnh và thiết yếu mỗi ngày. Nhưng tôi cho rằng, cái đau khổ tồn tại không phải do các bộn bề, lo toan đó. Chẳng phải các con vật vẫn bộn bề, theo cách riêng của chúng, để tìm được cái ăn và chỗ trú mỗi ngày hay sao? Mỗi sáng con linh dương phải chạy nhanh hơn con sư tử nhanh nhất, để nó không thành con mồi cho sư tử. Còn sư tử cũng phải chạy vào mỗi sớm mai, vì nếu không chạy nhanh hơn con linh dương chạy chậm nhất, nó sẽ chết đói.
Nhà hiền triết khắc kỷ Epictetus từng nói: “Không ai có thể khiến bạn đau khổ nếu như bạn không muốn thế.” Phát ngôn này có vẻ không hợp lý. Tôi đang sống trong đủ đầy, gia đình ấm no; nhưng khi tôi nhìn thấy anh ăn xin ngoài đường kia ngày nào cũng vất vả tìm cái ăn cái mặc, tôi chạnh lòng và cảm được cái khổ mà anh đang chịu. Bản thân tôi không muốn đau khổ, lại đang sống trong hạnh phúc nhưng vẫn cảm được cái đau khổ. Như vậy, thiết nghĩ, lý do ta đau khổ không phải là mình muốn thế, cho bằng là do chính ta nhận thức được đau khổ. Ta nhận thức được hiện thực bất toàn, và nhận thức được cả sự bất toàn trong hiện thực của chính mình. Lời trấn an của Đức Giêsu mà tôi nhắc phía trên cũng thể hiện được sự nhận thức kép này: con người ta vì bất toàn và nhận thức được sự bất toàn ấy mà đâm ra lo lắng trước mọi sự trên đời. Ta cứ xem xét hoàn cảnh của Adam trước sa ngã sẽ rõ. Adam trước sa ngã là Adam sống hồn nhiên, vô tư tuyệt đối. Adam khi đã sa ngã là Adam không còn hồn nhiên, không còn vô tư. Bóng tối của sự dữ đã len vào tâm hồn của Adam, vào tâm hồn của chúng sinh. Đó chính là sự bất toàn của con người. Trong ngôn ngữ của Kitô giáo, con người đã phạm tội và phải chết; trong ngôn ngữ của Phật giáo, con người đã chấp ngã và do đó thành ra vô minh.
Chuyện bệnh tật là chuyện thường khi. Bệnh thì dùng thuốc, thuốc đắng thì dã tật. Bao lâu nay sự đời vốn thế. Nhưng HIV-AIDS, ung thư làm gì có chuyện thuốc đắng dã tật! Với hai nhóm bệnh này, dù thuốc men hiếm khi phát huy tác dụng tối đa, người ta vẫn có thể tránh được, vẫn có thể cách này cách khác dựng các ô hào, chiến lũy để bảo vệ bản thân. Còn cơn dịch lần này ập đến đột ngột, với sức tàn phá khủng khiếp; con người không kịp rào chắn cho cái thân xác yếu đuối này, và cho đến nay, dù đã có biện pháp ngăn chặn phần nào nhưng cái giá phải trả lại quá đắt. Càng như thế thì ta, con người, càng nhận thấy rõ cái tội lỗi, cái vô minh của con người, là chính ta. Ta không thể rào chắn được con virus, ta quay sang rào chắn lẫn nhau. Dường như ta đồng hóa virus với chính ta vậy! Ta bắt đầu loại biệt nhau, được dịp ta hô hào cho sự kỳ thị – mà trước đó ta vẫn giả vờ chống đối. Thật ra cũng có cái hay! Nhờ khi rào chắn nhau như thế, ta, con người, lại có dịp nhận thấy, thuở ta chưa rào chắn nhau, ta đã cấu kết với nhau thế nào trong việc tàn phá môi sinh này. Chẳng lạ gì khi trong những phong tỏa, bầu không khí trở nên trong lành hơn, muông thú có vẻ bớt căng thẳng hơn khi có thể ung dung xuống đường xuống phố, trở lại căn nhà xưa kia của chúng.
Giả như dịch bệnh ập đến, con người cứ thế chết đi – giống như thú vật ngoài kia vậy – mà không nhận thức được chuyện gì đang xảy ra, thì có lẽ con người đã chẳng khổ đến thế. Vì nhận thức được cái chết đang cận kề, vì nhận thức được sự đau khổ đang kề dao ngay cổ, vì nhận ra được cái vô minh, tội lỗi vẫn bao trùm ta, nên ta mới khổ sở đến đáng thương như thế. Đúng vậy! Khổ sở đến đáng thương! Ai thương? Thương ai? Ta thương! Thương ta! Đúng rồi, con người có khả năng tri nhận cái đau khổ, cũng có nghĩa là con người có khả năng tri nhận cái hạnh phúc. Nhờ thế mà giữa con người, là chính ta đây, mới cảm được thế thái nhân tình và diễn tả nó thành ngữ “khổ sở đến đáng thương”. Đang khi cả xã hội đang rào chắn nhau, thì vẫn có những người, thuộc mọi giai tầng, họ vẫn bò, trườn, luồn, lách, chạy khom, chạy nhanh, đi rén – bằng mọi cách – lao mình về phía làn đạn Covid-19 để cứu giúp con người, là chính ta đây, đang la liệt trong cơn dịch, đang thất thểu giữa dòng đời. Họ là ai vậy? Họ là con người như ta, vẫn tri nhận được cái khổ đau, nhưng đã sẵn sàng, can đảm đứng dậy, vươn lên tầng tri nhận cái hạnh phúc. Họ có khả năng thương mình và thương người.
Gioan Tẩy Giả từng kêu gọi dân Do Thái san phẳng những đồi núi nhấp nhô, và uốn thẳng những nẻo đường quanh co. Trong chiến tranh, địa thế nhấp nhô, quanh co bao giờ cũng có lợi, đặc biệt là đối với những người đang ở thế thủ chiến. Trong cơn dịch này cũng thế, con người lập nên địa thế nhấp nhô, quanh co để thủ trước sự tấn công ồ ạt của Covid-19. Chỉ có điều, con người dùng cái tham, cái sân, cái si như chất liệu đắp đồi núi nên nhấp nhô và uốn nẻo đường thành quanh co. Tôi hiểu, Gioan Tẩy Giả kêu gọi con người dẹp bỏ cái tham-sân-si kia đi để có thể nhìn trực diện vào nhau, để thấy nhau cách rõ ràng nhất, thấy nhau như nhau là, thấy nhau trong tư cách một con người có phẩm giá tôn quý. Họ, những người lao mình về làn đạn Covid-19, thực sự đã đạp phẳng những nhấp nhô, đã chạy thẳng trên những nẻo đường quanh co. Với bước chân mạnh mẽ giữa cơn đông Covid, tại mỗi nơi họ đến, họ đã nhóm lên ngọn lửa tình người, sưởi ấm cả nhân loại này.
Khả năng tri nhận cái hạnh phúc trong đời người của họ đã đem lại niềm hy vọng cho chính họ và cho chính đồng loại của họ, là con người, là chính ta đây. Phải! Niềm hy vọng này vốn đã được cài đặt trong bản tính nhân loại. Không có hy vọng, con người sẽ sống không ước mơ. Sống không ước mơ là sống không biết đến ngày mai. Cái hiện sinh này dễ làm ta mang trong mình não trạng có thể kiểm soát được mọi thứ; vì ta chỉ quan tâm giây phút này mà thôi. Do đó, thông điệp của niềm hy vọng được nhóm lên giũa cơn đông Covid sẽ lôi ta ra khỏi những ảo tưởng rằng mình có thể kiểm soát được mọi việc – dù cho ta đang ẩn nắp phía sau những nhấp nhô, quanh co. Nhưng niềm hy vọng này cũng không phải là tin rằng điều gì đó sẽ diễn ra tốt đẹp, nhưng là xác tín rằng điều đang diễn ra ngay lúc này, bất kể nó xấu hay tốt, luôn có một ý nghĩa nào đó đối với cuộc nhân sinh này. Niềm hy vọng giúp con người, là chính ta đây, có thể san phẳng mọi nhấp nhô, uốn thẳng mọi quanh co để đối diện trực tiếp với đau khổ. Đang khi cơn đông Covid đang rít lên từng hồi lạnh giá ở khắp nơi, những người sống trong hy vọng ngoài việc nhận thức được sự đau khổ vẫn tri nhận được sự hạnh phúc trong kiếp người.
Cuối cơn đông, trước khi sang xuân bao giờ cũng là thời điểm cả thế giới mừng lễ Giáng sinh. Tôi nghĩ việc mừng biến cố này mang ý nghĩa rất lớn đối với ta, khi ta đang đối mặt với cơn đông Covid. Thu sang thì lá úa vàng và rụng dần. Đông đến thì cây khẳng khiu. Đông không phải là thời điểm để cây cối chết đi, nhưng là lúc để cây cối nghỉ ngơi, chuẩn bị cho một mùa bung nở mới. Thú vật cũng thế, đông là lúc chúng ngủ vùi, là lúc chúng chuẩn bị cho mùa sinh sản mới. Con người thời hiện đại vì bị cuốn vào vòng xoáy yêu cuồng sống vội mà đã quên mất, đông là lúc con người nghỉ ngơi, chuẩn bị cho một khởi đầu khác sống động hơn. Biến cố Giáng sinh được mừng vào khoảng thời gian cuối đông, và tiết trời dần trở mình để leo sang bờ xuân. Đây vừa là lúc ta ngủ vùi, bất động, vừa là lúc ta khẽ chuyển mình cho các hoạt động mới. Biến cố này ẩn tàng khả năng sáng tạo và tái tạo mà Đấng Tạo Hóa đã phú ban cho nhân loại.
Ngay lúc này đây, ta cần đọc thấy thông điệp ấy, và hiểu rõ được điều mà biến cố đó muốn trao gửi cho ta. Ta đang sống trong cơn đông Covid, đang co ro, đang ngủ vùi, đang đau khổ. Ta không biết khi nào – một tháng, hai tháng, một năm, hai năm, hay hơn nữa – cơn đông này sẽ qua đi. Niềm hy vọng nơi bản tính nhân loại không trả lời câu hỏi ấy cho ta, nhưng giúp ta xác tín rằng: cơn đông ấy dù thế nào nó cũng sẽ qua đi. Niềm hy vọng nơi bản tính nhân loại sẽ giúp ta nhận ra, cơn đông là dịp để ta “dọn dẹp” chính mình, để ta san phẳng các nhấp nhô, uốn thẳng những quanh co, chờ ngày ta tái tạo cái cũ và sáng tạo cái mới. Hãy sống sao cho thật ý nghĩa bởi:
Như cỏ nội hoa đồng
Xấu đẹp cũng về không
Ta chung nhau bản thể
Hơn nhau ở tâm hồn.[1]
Bạn và tôi đừng sợ, dù phải bước đi trong màn đêm u tối. Trong đêm đen của cuộc đời, đừng quên cầu nguyện, đừng quên chạy đến với lòng thương xót của Thiên Chúa, đừng bao giờ sợ hãi đến nỗi vung tay ra khỏi bàn tay Chúa. Ngài là nguồn của ánh sáng đang nắm lấy đôi tay nhỏ bé của mỗi người, ngay trong đêm đen đang phủ lấp cuộc đời. Ngài ở đó và Ngài biết tất cả. Đừng lo toan quá sức đến nỗi không để Chúa là Đấng chăn chiên lo cho chúng ta. Có Ngài ở bên và chăm lo, mọi giây phút của cuộc đời chúng ta sẽ được bình an và hạnh phúc. Nói cách khác rằng chúng ta sẽ tìm được bình an và hạnh phúc khi chúng ta biết Chân lý tuyệt đối là gì.[2]
Cơn đông Covid ập đến, vạch trần sự mỏng manh của kiếp người. Nhưng nó không phải là tất cả. Đông chỉ là một phần tư của một năm; Covid, hay đau khổ, chỉ là một phần tư của cuộc đời. Ba phần tư còn lại là xuân, hạ, thu – là bao sắc hương của cuộc đời. Cuộc đời của chúng ta là phép cộng của một phần tư của đau khổ và ba phần tư của hạnh phúc và hy vọng. Con người rồi một lần nữa sẽ vươn lên, để tiếp tục tiến về phía trước.
Emmanuel – Thiên Chúa ở cùng chúng ta
“Thức dậy đi, hỡi đàn sắt đàn cầm, tôi còn đánh thức cả bình minh”
(Tv 108,3)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Nhập môn triết học, Dom. Tạ Văn Tịnh, OP; Nxb Văn hóa – Văn nghệ
Dương Diên Hồng, cái biết của người xưa, Nxb Văn hóa – Thông tin
Lê Tử Thành, Tìm hiểu Logic học, Nxb trẻ
Nguyễn Văn Nhứt, OP; The basic of philosophy
[1] Hiểu về trái tim, Minh Niệm, tr 56.
[2] Dom. Tạ Văn Tịnh, OP; Nhập môn triết học, tr 57