Người phương Đông thường nói “Tâm – Trí” và coi tâm chính hơn trí (phụ) “Đạo tại tâm”, trái lại, người phương Tây thì lại “Trí – Tâm”: đề cao lý trí (chính), tâm chỉ là phụ. Còn chúng ta những người tu sĩ Đa Minh, chúng ta nghĩ thế nào về vấn đề này?
1. Tâm và trí
Trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, kiến thức, trình độ chuyên môn về tôn giáo lẫn xã hội, đời cũng như đạo đều rất cần thiết cho người tu sĩ trẻ, để họ không bị đào thải hoặc bị từ chối nhưng có thể được tiếp nhận vào mọi môi trường sứ vụ và cuộc sống. Quả thực, kiến thức, khả năng là những phương tiện tốt giúp tạo bản lãnh, sự tự tin cho chị em trong khi thi hành sứ vụ ở các giáo xứ, biên cương truyền giáo hay trong các môi trường làm việc ngoài xã hội (giáo dục, y tế, tư vấn, …). Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhiều dấu hiệu cho thấy nhiều người trẻ nói chung và cả một số tu sĩ cũng để mình rơi vào tình trạng quá thiên về kiến thức, về học vấn đến độ tự biến mình thành người máy Rô-bốt không có trái tim , sống hời hợt thậm chí vô tình, vô tâm.
Chúng ta biết rằng, một người quân bình là người có cả tâm lẫn trí, như nguyên lý âm – dương của người phương Đông . Tuy cả hai đều quan trọng và cần thiết nhưng mức độ lại không ngang bằng nhau. Bởi lẽ, sự quân bình nơi vạn vật, nơi mọi sự thuộc cuộc sống con người và xã hội, lại có trật tự chính – tùy (chẳng hạn mặt trong là chính, mặt ngoài là phụ; mặt phải là chính, mặt trái là tùy; tinh thần là chính, vật chất là phụ). Chính Hòa Thượng Minh Thiền đã viết: «Con người sinh ra, trái tim có trước bộ óc có sau, cho nên cái tâm có trước, cái trí có sau. Tâm là gốc, trí là ngọn. Tim là gốc. Óc là ngọn …» . Như vậy, giữa Tâm và Trí thì tâm bao giờ cũng quan trọng hơn trí, nói khác đi, tâm là chính, trí là phụ, có thế mới đảm bảo thế quân bình lành mạnh của cuộc sống làm người, làm Kitô hữu và làm người tu sĩ . Ngược lại, «nếu bỏ quên cái tâm chỉ dùng cái trí làm chánh yếu trong cuộc sống … cuộc sống của chúng ta sẽ là một cuộc sống chổng đầu» . Có lẽ vì thế mà người ta thường nói: “Có tài mà không có đức thì là kẻ phá hoại”, hoặc ngược lại “có đức mà không có tài thì vô dụng”, hoặc còn nói cách khác: «Có trí mà không có tâm, thì sinh độc ác, có tâm mà không có trí, dễ sinh phá hoại» . Do đó, trong trường hợp nếu phải chọn thì người ta vẫn thích chọn người có tâm hơn, rồi từ từ huấn luyện thêm phần trí, vì người ta thu phục thế giới không phải bằng trí thức nhưng bằng cái “tâm lành”. Hơn nữa, «Thiện căn ở tại lòng ta, chữ “Tâm” kia mới bằng ba chữ “Tài” (c. 3250)» , và chính thánh Phaolo đã khẳng định: «Giả như tôi có nói được các thứ tiếng, […]. Giả như tôi được ơn nói tiên tri, … mà không có lòng mến (tâm), thì cũng chẳng ích gì, chẳng là gì …» . Một con người không có tâm thì không phải là người thực sự. Tuy nhiên, trong con người vừa có “thiện tâm” (chánh tâm) vừa có “tà tâm” (ác tâm) như Thánh Phaolo đã từng nói: «Trong con người anh em có Thần Khí và xác thịt, sống theo Thần Khí thì hướng về những gì thuộc Thần Khí (sự sống, sự bình an), sống theo xác thịt thì hướng về những gì thuộc tính xác thịt (tội lỗi, sự chết)» . Do đó, nói một người có Tâm không chỉ vì người đó có tâm thiện, tâm chính, nhưng còn vì là người biết phân biệt giữa Thần khí – tà khí, tốt – xấu, thiện – ác để có thái độ sống đúng đắn.
Như thế, mọi người nói chung, các Kitô hữu nói riêng và đặc biệt hơn chúng ta những người tu sĩ cần được huấn luyện và tự huấn luyện để không chỉ có tâm nhưng còn phải có cái tâm thiện, tâm sáng.
2. Huấn luyện và đổi mới cái tâm
Cái tâm chắc chắn mỗi người đều đã có, nhưng tâm thế nào mới là quan trọng. Vì thế, chúng ta hãy chăm lo huấn luyện, trau dồi và canh tân cái tâm của mình để nó ngày một lành hơn, sáng và trong hơn.
Đời sống nhân bản sẽ trống rỗng và mỗi người sẽ không thể hoàn thành việc đào tạo, phát triển chính mình nếu chỉ lo trang bị những kiến thức tự nhiên, khoa học, và cho dù ngay cả những hiểu biết về triết học, thần học, … mà quên đi “cái tâm” vốn là cốt lõi của một con người. Thực vậy, nếu chúng ta vẫn quan niệm “tiên học lễ hậu học văn” là điểm trọng yếu trong quá trình giáo dục một người thì hơn bao giờ hết việc “huấn luyện cái tâm” phải được đặt lên hàng ưu tiên và chủ chốt trong chương trình đào tạo và tự đào tạo. Cũng vậy, với chúng ta đang trong tâm tình “canh tân đời sống thánh hiến”, cụ thể là “canh tân đời sống nhân bản” thì việc “trau dồi và làm mới hơn (nếu tâm đã tốt) hoặc thậm chí phải đi tìm lại cái tâm thiện (nếu đã mất) là việc đáng quan tâm và đáng làm hơn bao giờ hết. Mặt khác, chúng ta – những tu sĩ Đa Minh vốn thuộc dòng thuyết giáo, việc học hành là một sứ vụ và Luật dòng khuyến khích chúng ta phải học và học suốt đời . Việc học ấy phải nhắm đến ơn cứu độ. Nhưng làm sao có thể đạt được múc đích cao quý ấy nếu chúng ta không nắm được cái “cốt lõi” hay “cái đích” của việc học. Cái đích ấy là gì vậy? Chính Mạnh Tử đã khẳng định: “Cái đích lớn lao của sự học, không có gì khác hơn là tìm lại cái tâm đã mất”. Nếu hiểu “tâm” theo nghĩa đen là “trái tim” – nơi chứa đựng sự sống và có nhiệm vụ chuyển tải máu huyết đi khắp cơ thể, thì theo truyền thống Kitô giáo (hiểu theo nghĩa bóng), con người đánh mất cái tâm là đánh mất sự sống Thiên Chúa đã ban khi con người phạm tội, khi đẩy Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời của mình, bởi lẽ Thiên Chúa chính là tiếng nói, là Tâm của con người . Vì thế, mỗi người tu sĩ chúng ta hãy mau chóng tìm lại cái tâm thiện, tâm lành của mình để rồi có thể tìm cái tâm giúp người khác. Không có tâm tốt chúng ta không thể là người đúng nghĩa.
Như thế, một người bình thường cần phải sống có nhân có nghĩa hay nói khác đi là phải sống “có tâm” thì các tu sĩ – người mang tình yêu Chúa đến cho người khác – càng cần phải “có tâm” biết bao. Hơn nữa, nhiệm vụ chính yếu của các tu sĩ là giúp người khác sống đúng nhân phẩm của mình với lòng nhân ái, bao dung mà nếu mình không có tâm hay chỉ có tâm hời hợt, tâm máy móc thì có đáng là một con người, một Kitô hữu nữa không nói chi là một tu sĩ chính danh. Chính Đức Giêsu đã cảnh cáo: “Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời …” . Hơn nữa, các tu sĩ dù có giỏi đến đâu mà không có tâm ngay, tâm sạch thì không thể làm chứng cho sự thật và không thể được gọi là những sứ giả hòa bình đem Tin Mừng, chân lý, sự bình an của Thiên Chúa đến cho con người. Chưa giáo dục tâm mình thì làm sao có thể hướng dẫn tâm người khác, nhất là các bạn trẻ. Thực tế, không ít người trong số họ hiện đang sống thiếu tâm, thiếu nhân nghĩa, suốt ngày chỉ biết lao vào hoặc học hành, thu gom kiến thức, hoặc hưởng thụ, hoặc kiếm tiền bằng bất cứ cách nào, … đến độ vô tâm trước nỗi đau của cha mẹ, những người thân và họ đang trở thành những con người mất quân bình, thiên lệch giữa lý trí và con tim rồi từ đó dễ có những hành động sai trái thậm chí vô tâm và tội lỗi .
Giữa một xã hội nhiều biến động đến đau đầu như thế, những người trẻ đang mong đợi nơi các tu sĩ trẻ – một hình ảnh đẹp, một mẫu người sống tốt, với một trái tim nhân ái, yêu thương để hướng dẫn họ đi đến cùng đích của cuộc đời. Chính vì thế, để có thể thi hành sứ vụ ở bất cứ lãnh vực hay môi trường nào, kiến thức, khả năng chuyên môn chưa đủ, trên hết người tu sĩ cần phải có cái tâm. Cái tâm đúng nghĩa là cái tâm lành, tâm thiện và cả tâm thánh nữa, nghĩa là cái tâm của yêu thương vô điều kiện, không tính toán; cái tâm nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, tự đắc, … không nóng giận, không hận thù. Đó cũng là cái tâm biết tha thứ tất cả, chịu đựng tất cả . Cái tâm ấy chính là trái tim có cùng nhịp đập, cùng trăn trở với Chúa Giêsu và «luôn chạnh lòng thương» , sẵn sàng rộng mở ôm ấp cả nhân loại và mọi nỗi đau của từng con người bằng một tình yêu thương không biên giới, dấn thân phục vụ cho đến cùng.
Như vậy, bên cạnh việc trang bị cho mình những kiến thức, khả năng cần thiết, mỗi người chúng ta hãy tự huấn luyện cho mình có được cái tâm, tấm lòng của người mục tử, người mẹ hiền, người cha nhân ái với hết mọi người. Nếu vị mục tử nhân lành Giêsu đã không loại bỏ bất cứ con chiên nào, dù đó là chiên hư, chiên “bỏ đàn” đi hoang thì người tu sĩ chúng ta cũng phải có trái tim bao dung, có “tâm lòng yêu thương để cưu mang hết mọi người, nhất là những người khổ đau, bất hạnh. Và nếu người cha, người mẹ bình thường không bao giờ cắt bỏ tình máu mủ với con cái mình dù đó là con “khốn nạn, bất hiếu”, hay dù là “con nghiện”, “con nhiễm HIV/AIDS” thì người tu sĩ cũng phải có lòng nhân ái, độ lượng với tất cả những ai mình gặp gỡ, tiếp xúc và trước nhất là với các chị em sống chung với mình. Sống như thế, mỗi người chúng ta quả đang phản chiếu “hình ảnh đẹp” của Thiên Chúa không phải chỉ do những nét duyên dáng, dịu dàng bên ngoài, nhưng là nét đẹp từ chính cõi lòng, từ chính cái tâm sáng, tâm lành như thi sĩ Bùi Giáng đã diễn tả: «Em ơi em đẹp vô cùng, vì em có cái lạ lùng bên trong».
Vậy hãy tích cực duy trì và phát triển cái tâm lành “nét đẹp vô song” nơi mỗi người chúng ta. Đó không phải điều dễ dàng, vì thế đòi hỏi chúng ta phải tập luyện kiên trì và thường xuyên trau dồi nó để tâm không chỉ luôn “lành”, “sáng” mà còn “đẹp và thánh thiện” như Chúa Giêsu hằng mời gọi mỗi người chúng ta: «Các con hãy nên trọn lành như Cha anh em trên trời là Đấng trọn lành».
3. Thực hành
3.1. Biết nói những lời lịch sự và căn bản: “Làm ơn/xin vui lòng, xin lỗi và cám ơn)
Trong tập thể, mỗi gia đình, mỗi cộng đoàn luôn cần trên môi mỗi người những lời: xin vui lòng hay làm ơn (please/per favore), xin lỗi (I am sorry/mi dispiace) và cám ơn (thank you/grazie). Đây là những lời nói rất đơn giản thuộc về nhân bản nhưng cũng hết sức quan trọng và cần thiết để mọi người có thể sống nhân bản và tử tế với nhau. Trong thực tế, có nhiều người nghĩ rằng: lúc nào cũng nói cám ơn thì khách sáo quá, hoặc lời “xin lỗi” chỉ dành cho những người dưới quyền hoặc bé hơn, còn người lớn hay cấp trên nếu có lỡ nói sai hay làm sai thì cũng không cần phải xin lỗi. Thật là ẫu trí khi nghĩ như thế. Bởi dù là cấp trên hay cấp dưới, là cha mẹ hay con cái, người lớn hay trẻ con, tất cả đều là con người và đều có nhân phẩm và tất cả đều phải nói năng, cư xử có nhân bản. Vì thế, dù là bất cứ ai, hễ nhận ơn thì nên nói lời cám ơn; hễ làm sai thì phải xin lỗi; hễ muốn nhờ vả thì hãy lịch sự nói lời “làm ơn hay hãy vui lòng”. Dĩ nhiên từ “hãy vui lòng” hay “làm ơn” đôi khi dùng nhiều quá nhất là với những người thân hay chị em trong cộng đoàn có thể nghe hơi khách sáo, nhưng ít là chúng ta biết khéo léo trong cách nói năng qua giọng nói, ánh mắt, cử chỉ để người đối diện cảm thấy được tôn trọng thực sự. Chẳng hạn: Với ánh mắt dịu dàng và nở nụ cười tươi, cha mẹ, hoặc người trên có thể nhờ người con hay người dưới: “Con à, con làm giúp cha/mẹ việc này nhé!” hay “Em ơi, em lấy giúp chị cuốn sách trên bàn kia với!”, …
Về việc nói lời xin lỗi khi có lỗi hay làm phiền người khác, đôi khi không dễ dàng với một số người, nhất là với người trên. Vì nhiều người cho rằng cha mẹ, cấp trên không cần xin lỗi cấp dưới, vì như vậy sẽ làm giảm uy tín của cha mẹ hay cấp trên. Thánh Augustino cũng có quan điểm này và cho phép các Bề Trên không cần phải xin lỗi các thành viên của mình, chỉ cần xin lỗi Chúa là đủ. Thực tế cho thấy, khi cha mẹ xin lỗi con cái hay cấp trên xin lỗi người thuộc quyền thì không hề bị mất hay suy giảm uy tín, trái lại, càng tỏ ra mình khiêm tốn và càng được con cái, cấp dưới kính phục, yêu mến. Gương Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo II đã thay mặt Giáo Hội để xin lỗi cả thế giới dịp Năm Thánh 2000 về những sai lầm của Giáo Hội đã xảy ra trong qua khứ; Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI đã xin lỗi các Nạn Nhân bị lạm dụng tính dục bởi thành phần giáo sĩ Công Giáo Úc Đại Lợi.
Từ “cám ơn (thank you, grazie)” xem ra rất đơn giản và dễ dàng, thế nhưng thực tế chúng ta không ít lần quên nói lời cám ơn người đã làm ơn hay giúp đỡ chúng ta. Nhiều người còn nghĩ rằng chỉ người dưới mới phải nói lời cám ơn người trên và chỉ đầy tớ mới phải cám ơn ông/bà chủ. Hiểu như vậy thì thật là thiển cận và thiếu công bằng, vì dù người dưới hay trên cũng đều có nhân phẩm và có quyền bình đẳng như nhau, có khác thì chỉ khác về chức vụ, bổn phận. Mặt khác, theo lẽ bình thường, người thụ ơn mới phải cám ơn người ban ơn, nhưng nếu xét cho tận cùng, tất cả chúng ta đều phải cám ơn nhau vì đều thụ ơn lẫn nhau. Thật vậy, người ban ơn sẽ chia sẻ những gì mình có cho ai nếu không có những người khiêm tốn đón nhận? Người giàu có dư tiền dư của sẽ lấy gì mà ăn nếu không có những người nông dân vất vả trên nương đồng “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” để mang lại thóc gạo cho xã hội; họ sẽ lấy gì mà mặc nếu không có những người dân trồng trọt và những người thợ dệt; họ lấy gì mà tiêu dùng nếu không có những kỹ sư và những công nhân ngày đêm lăn lộn với nhiều thứ sản phẩm khác nhau, … Do vậy, chúng ta cần phải biết ơn lẫn nhau và hãy tỏ lòng biết ơn ấy ít là bằng hai chữ “cám ơn” và trên hết hãy biết ơn Thiên Chúa – Đấng tạo dựng chúng ta và cho chúng ta mọi sự. Cho dẫu, sống trong cuộc đời này, chúng ta đừng mong chờ hay đòi hỏi người khác phải biết ơn hay phải cám ơn mỗi khi ta làm ơn hay giúp họ điều gì và cũng tập không quá buồn bã về sự bạc bẽo chúng ta có thể gặp, nhưng với chính bản thân mình, chúng ta hãy luôn sống tâm tình tạ ơn Chúa và biết ơn bằng những lời cám ơn chân thành. Hãy sống đúng không chỉ như những người có giáo dục và có nhân bản nhưng còn như những người có lương tri. Bác sĩ Samule JohnSon đã nói rằng: «Lòng biết ơn là kết quả của một nền giáo dục cao điểm, hạng người thô lỗ không có đức ấy» . Vì thế, đừng bao giờ để mình trở thành kẻ vô ơn như chín trong mười người phong hủi trong Tin Mừng đã được Chúa Giêsu chữa lành mà vô ơn không biết quay lại dâng lời tạ ơn và tán tụng tình thương Chúa.
Vì thế, hơn bao giờ hết, chúng ta hãy tập cho mình dễ dàng và mau mắn thực hiện những lời nói rất tuy đơn giản ở trên “làm ơn/vui lòng, xin lỗi và cám ơn” nhưng lại có khả năng diễn tả phần nào con người có nhân bản của chúng ta.
3.2. Tập không giận, không nuôi hận thù nhưng yêu thương, tha thứ
Một trong những cách giữ và luyện cho tâm luôn trong lành và sáng đẹp là quyết tâm “không bao giờ giận dỗi hay để lòng hận thù bất cứ ai” . Đây không phải là điều dễ dàng, vì trong cuộc sống cộng đoàn luôn có những va chạm, cọ sát làm cho mỗi người chúng ta không thể tránh khỏi những lúc bối rối khó xử hoặc buồn bã, đau lòng thậm chí bị tổn thương cách nặng nề, nhất là những khi bị hiểu lầm, bị “hất cẳng”, hoặc bị “vùi dập”. Những lúc đó, nếu cứ để tự nhiên thì với bản chất và sức tự nhiên của con người, chúng ta không thể chịu đựng và không dễ vượt qua. Quên và tha thứ (Forget va Forgive) là cách thế rất tốt để chữa lành vết thương nơi mình và tha nhân. Bởi lẽ, khi để bụng giận dỗi hay có ý định trả đũa người khác, thì vô tình chính chúng ta lại làm khổ bản thân mình cả về thể lý lẫn tâm lý. Vì chỉ cần cứ nghĩ và nhớ đến những chuyện không tốt mà người khác gây ra cho mình, tâm trí chúng ta sẽ bị dày vò, khó chịu; ngực chúng ta sẽ căng lên khó thở và tâm hồn cũng không thể bình an. Như thế, người khổ trước nhất là chính chúng ta chứ không phải đối phương. Và khi ta giận hay có ý trả đũa người khác, xét cho cùng chúng ta lại còn tồi tệ hơn họ, vì khi họ làm điều không tốt hay thậm chí gây tổn thương cho chúng ta có thể họ vô tình, thiếu ý thức hoặc có thể có một lý do nào đó mà chỉ mình Thiên Chúa biết. Còn chúng ta, nếu để lòng giận hờn hay tìm cách trả lại điều xem ra không tốt đã lãnh nhận từ họ thì chúng ta sẽ trở nên xấu xa, đê hèn hơn vì chúng ta đã có thời gian để suy nghĩ, toan tính và sắp đặt. Do đó, nếu không tập cho mình khỏi vướng vào hai thói xấu này, chúng ta sẽ trở thành người tồi tệ hơn bao giờ hết và như thế chúng ta đang đi ngược lại với Tin Mừng. Do vậy, để mỗi ngày nên hoàn thiện hơn, chúng ta hãy tập sống cao thượng và hãy hành xử theo Lời của Chúa Kitô: «Anh em đã nghe luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa …».
Quả thật, để sống theo giáo huấn và gương của Thầy Chí Thánh Giêsu, chúng ta không chỉ tập cho mình đừng bao giờ giận dỗi hay thù hằn người khác mà còn hãy tập sống bao dung, bác ái và yêu thương như Ngài. Trên thập giá, Chúa Giêsu đã thể hiện rõ điều này khi Ngài xin Chúa Cha tha cho những kẻ đã vô tâm đóng đinh và giết chết Ngài: «Lạy Cha xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm (Lạy Cha xin tha cho các anh em con, vì các anh em con không biết việc họ làm)». Có thể nói, yêu thương và tha thứ chính là phương sách tuyệt hảo nhất để “biến thù thành bạn”. Chúng ta cứ thử mà xem! Cứ yêu, cứ thương người ghét mình, người làm khổ mình, một lúc nào đó, họ sẽ suy nghĩ lại và trái tim họ cũng sẽ thay đổi, bởi cho dù là bất cứ ai, trong tận thâm sâu cõi lòng, con người ta vẫn có cái tâm lành, tâm tốt. Điều quan trọng là chúng ta phải biết cách và phải tạo cơ hội để cái tâm ấy được sống và trỗi dậy. Đồng thời, chúng ta hãy theo sát gương yêu thương vô điều kiện của Chúa Giêsu để cái tâm tốt, tâm lành của mỗi người chúng ta chẳng những không bị chết, không bị ngủ quên mà còn ngày càng được thanh luyện, mài dũa để nó sáng hơn, trong hơn và đẹp hơn.
3.3. Quan tâm, giúp đỡ
Một người khi đã có cái tâm lành, tâm sáng cũng có nghĩa là luôn có trái tim biết yêu thương và tha thứ cho tha nhân thì chắc chắn người đó sẽ rất nhạy bén trong mọi vấn đề, nhất là biết quan tâm đến những nhu cầu của những người sống xung quanh với mình, nhất là của những người nghèo, người cô thế, cô thân. Đồng thời, người đó cũng sẵn sàng giúp đỡ ngay cả trước khi được tha nhân hỏi đến.
Tu sĩ chúng ta được tiếng là những người sống bác ái, yêu thương, giúp đỡ người nghèo. Đúng thực, chúng ta xem ra dễ dàng làm những việc truyền giáo, đi giúp người nghèo khắp chốn Đông Tây Nam Bắc, thậm chí chúng ta cũng sẵn sàng xả thân cho những kế hoạch vĩ đại làm rung động nhiều nhà hảo tâm, làm nhẹ vơi những nỗi đau, thiếu thốn của những người bất hạnh… Nhưng đôi khi, chúng ta lại không dễ dàng sống yêu thương, bác ái với những chị em đang sống chung với chúng ta trong cùng một Hội dòng, một cộng đoàn, một mái nhà. Thật vậy, chúng ta có dễ dàng cảm thông với những chị em không có sức khỏe như chúng ta, với những chị không có khả năng như chúng ta, … Đôi khi chúng ta dễ dàng chê bai, phê bình, chỉ trích chị em mà không quan tâm hỏi han để có thể hiểu rõ chị em hơn. Nếu không biết, không hiểu được chị em làm sao chúng ta biết nhu cầu của họ mà giúp đỡ.
Một lời chào hỏi, một câu hỏi thăm “Chào Chị, hôm nay Chị khỏe không ạ!”, “Đêm qua Chị ngủ ngon không?”, “Hôm nay, Chị ăn ngon miệng không?” tuy rất thông thường và đơn giản, và thậm chí có không ít người còn cho là “sến, khách sáo”; nhưng thực ra, chúng lại rất cần và có ích cho chúng ta. Chúng không chỉ là những câu hỏi thuộc về đời sống nhân bản, xã giao lịch sự, nhưng chúng còn diễn tả sự quan tâm và tình yêu thương của chúng ta dành cho nhau. Có thể, do văn hóa Á Đông chúng ta chưa quen, chứ đây là những câu hỏi rất thông thường nhưng cần thiết của văn hóa Tây phương. Và biết đâu, chỉ một lời hỏi thăm chân thành chúng ta có thể đụng chạm được trái tim của người chị em và như thế quả là đời sống nhân bản không còn chỉ là những lời nói lịch sự, tế nhị, quan tâm nhưng nó còn cho thấy mối tương quan sâu xa đến đức tin và đức ái (như chúng ta đã đề cập ở trên). Khi quan tâm, yêu thương hỏi thăm, giúp đỡ chị em là chúng ta bày tỏ một đức tin sống động rằng: “Tôi nhìn thấy hình ảnh của Chúa nơi Chị, nơi Em”, tôi trân trọng phẩm giá của Chị em tôi và tôi thực sự muốn chia sẻ tình yêu tôi đã lãnh nhận từ Chúa cho Chị, cho Em. Tôi thương chị em tôi, tôi ước ao chị em tôi khỏe và vui, và tôi luôn muốn điều tốt nhất cho chị em. Có được tâm tình này, chúng ta sẽ luôn sẵn sàng đi bước trước, không cần đợi chị em phải nhờ vả mình nhưng luôn mở lòng và mở rộng đôi tay để mang vác lấy những nặng nhọc, khó khăn cho chị em. Khi đó, hận thù, ghen ghét sẽ không còn và tình yêu sẽ ngự trị và nở hoa.
Những điều trình bày trên đây không có ý nói rằng tất cả những người không có học, không có nhân bản thì cũng đồng thời không biết yêu thương. Hiểu như vậy là hoàn toàn sai lầm, vì trong thực tế có nhiều người vô học, nói năng, cư xử đôi khi thô lỗ, cọc cằn, nhưng họ lại rất tốt bụng, sẵn sàng cho đi “chén cơm sống còn” của họ. Họ không có học có thể là vì hoàn cảnh quá nghèo đến nỗi không thể đến trường hoặc thậm chí có thời gian đệ tự học. Và thực tế, nhiều người tri thức, giàu có lại thiếu nhân bản trầm trọng và thậm chí sống vô lương tâm. Đó là những trường hợp ngoại lệ và bất thường. Ở đây, chúng ta đang nói về chính chúng ta, những người tu sĩ, những người được mệnh danh là sứ giả, chứng nhân của Tin Mừng tình thương và dù sao chúng ta cũng được học hành, được giáo dục đào tạo, nên chúng ta hãy cố gắng thực hành tích cực những đức tính nhân bản cách sống động và trong yêu thương để qua cách nói năng, hành xử của chúng ta người ta có thể nhận ra hình ảnh tuyệt vời của Thiên Chúa. Điều này sẽ không dễ dàng, nếu chúng ta không thực hành ngay từ trong Cộng đoàn chúng ta đang sống.
Lạy Chúa Giêsu Kitô,
Chúa thật là Đấng nhân từ và hiền hậu.
Nơi Chúa chỉ có tình thương và tha thứ.
Chúa luôn mời gọi chúng con
đến học nơi Chúa vì ách của Chúa êm ái và gánh của Chúa thì thật nhẹ nhàng.
Lạy Chúa, xin thương ban lại cho mỗi người chúng con
một cái tâm thật lành, thật thiện và thật sáng
để chúng con biết thở bằng hơi thở thánh thiện của Chúa
biết nghĩ bằng tư tưởng trong sáng của Chúa
biết nói những lời lẽ chân thật và với âm điệu dịu dàng của Chúa
biết hành động bằng đôi tay quảng đại của Chúa
biết bước đi bằng đôi chân hăng hái, nhiệt thành của Chúa
và để chúng con biết sống bằng trái tim yêu thương của Chúa
hầu bất cứ ai gặp gỡ, tiếp xúc với chúng con
đều thấy được hình ảnh và sự hiện diện sống động của Chúa. Amen.
Nt. Maria Trần Thị Ngọc Hương, OP.
Nguồn: http//: daminhtamhiep.net
……………………………………………….
[1] Trần Thị Ngọc Hương, «Chương 4: Đề xuất một số giải pháp khắc phục và phương hướng nâng cao hiệu quả đào tạo các nữ tu trẻ»: Nguyễn Xuân Bích Thu – Trần Thị Ngọc Hương, Thách đố của việc đào tạo các Nữ tu trẻ ngày nay, Luận văn tốt nghiệp, Lớp Thần học Năm III, Niên khóa 2004-2005, tr. 87-91.
[2] Nhiều bạn trẻ (nam và nữ) coi việc đi tu hay vào Dòng là để có cơ hội học hành, thăng tiến bản thân. Một số người mới gia nhập cứ bù đầu vào việc học tại các Đại học, ít dành thời gian cần thiết hoặc ít là tối thiểu cho việc học những nhân đức bản, đời sống tâm linh và đời sống tu. Thậm chí có những người lại ham học đến độ “chỉ học và học” mà không quan tâm đến những yêu cầu của đời sống cộng đoàn hoặc có khi còn coi việc mình đi học là lý do hãnh diện với những anh chị em cùng sống với mình trong cộng đoàn.
[3] Phạm Thị Oanh, «Người Trẻ Thách Đố của Thời Đại», in Chia sẻ, số 46 (Tháng 6 – 2005), tr. 8.
[4] Bảo Tịnh, «Tâm và Trí», in Chia sẻ, số 14 (1997), tr. 66.
[5] Minh Thiền, Bồ Đề Đạt Ma Quán Tâm Pháp, 1995, tr. 8.
[6] X. Bảo Tịnh, «Tâm và Trí», tr. 66-67.
[7] Minh Thiền, Bồ Đề Đạt Ma Quán Tâm Pháp, tr. 8.
[8] Mạnh Tâm, «Giáo dục “tâm” mình, Huấn luyện “tâm” người», in Chia sẻ, số 34 (2002), tr. 30.
[9] Nguyễn Du, Truyện Kiều, Bản Nôm Tự Đức thứ 19 Liễu Văn Đường – 1866, Nxb. Văn Học, 2010, tr. 214.
[10] 1Cr 13,1-3.
[11] Rm 8,5-6.
[12] X. HP 2004, số 63-67; NQ 2011, số 119.
[13] X. Mạnh Tâm, «Giáo dục “tâm” mình, Huấn luyện “tâm” người», tr. 32.
[14] Mt 5,20.
[15] Tin tức mỗi ngày đăng những tin rùng mình nhưng có thật đang xảy ra nhan nhản trong cuộc sống hằng ngày ngoài xã hội, trong phố xóm và có khi ngay trong gia đình của bạn bè, những người thân của chúng ta. Đó là những câu chuyện rất đau lòng chỉ vì sống thiếu cái tâm, chẳng hạn bạn Nguyễn Đức Nghĩa (sinh năm 1984, trú tại số nhà 112, ngõ Điện Nước, thuộc tổ 7, phường Lãm Hà, Kiến An, TP. Hải Phòng. Y là con út trong gia đình khá giả có hai chị em, bố là ông Nguyễn Đức Hùng và mẹ là bà Phạm Thị Chuân – cán bộ Tổng công ty xây dựng Bạch Đằng đã nghỉ hưu. Từ khi còn nhỏ Nguyễn Đức Nghĩa đã được biết đến là người thông minh, lễ phép, sống chan hòa, gây được ấn tượng tốt với bạn bè và hàng xóm), sinh viên Đại học Ngoại thương, viết văn hay, nói cũng hay, nhưng đã bị áp dụng bản án cao nhất (bị tiêm thuốc độc cho chết ngày 22.7.2014) vì tội giết người dã man. Không chỉ giết, lấy tài sản của người yêu cũ, Nghĩa còn chặt đầu và 10 ngón tay rồi ném xác người yêu xuống sống để phi tang (17.5.2010). Một con người có học, được giáo dục đầy đủ lại hành động vô tâm, dã man, phi nhân tính hơn kẻ vô học. Câu chuyện đau lòng thứ hai cũng rất đáng lưu tâm: Sư Thầy Kim So Phia (SN 1989, ngụ ấp Cổ Tháp B, xã Nguyệt Hoá, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh) giết người yêu sau nhiều lần hiếp và ép người yêu phá thai (3 lần). Thật không thể tưởng tượng, hành động thiếu nhân bản, độc ác được thực hiện thành công bởi một người không chỉ đội lớp áo thầy tu mà còn đã từng được giáo dục và sống đời tu hành (8 năm). Hành động ấy đã được tính toán kỹ lưỡng và được thực hiện trong chính khuôn viên Nhà Chùa. Rồi cháu giết bà vì bị Bà mắng một câu, hoặc cháu giết Bà chỉ để lấy tiền của Bà đi chơi game, … Còn rất nhiều những câu chuyện đau lòng và ghê rợn khác nữa đã và đang xảy ra xung quanh chúng ta. Nguyên nhân bởi đâu, tất cả chỉ vì con người ta đã đánh mất cái tâm thiện, tâm lành nên mới quá đỗi ích kỷ, mới đang tâm giết hại chính những người thân thương của mình.
[16] Sống “tâm lành, tâm thiện” là biết sống ngay thẳng, lương thiện trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống, ngay cả trong nghịch cảnh vẫn luôn sống đúng phẩm giá cao đẹp của mình “nghèo cho sạch rách cho thơm”. Câu chuyện “Đồng xu lẻ” là câu chuyện có thật về cậu bé Rube tuy rất nghèo túng nhưng luôn sáng ngời tấm lòng cao thượng, đức chính trực và sự trong sạch cho dẫu trong cùng hoàn cảnh của cậu, không ít người đã đánh mất nhân phẩm và sống gian trá, lừa lọc.
[17] X. 1 Cr 13,4-7.
[18] Mt 10,36.
[19] Mt 5,48.
[20] Sáng ngày18.7.2008 khi thánh hiến bàn thờ Nhà Thờ Chánh Tòa St. Mary ở Sydney, ĐTC Bênêđictô đã chính thức xin lỗi những người bị lạm dụng tính dục bởi các giáo sĩ thuộc Giáo Hội Công Giáo Úc: «Ở đây, tôi xin tạm ngừng để nhìn nhận sự nhục nhã mà tất cả chúng ta đều cảm thấy như hậu quả của việc lạm dụng tính dục trẻ em do một số giáo sĩ và tu sĩ trong đất nước này gây ra». Đức Thánh Cha nói tiếp: «Những tội ác này, tạo nên một sự phản bội trầm trọng đối với sự tin tưởng, đáng cho chúng ta đồng thanh kết án. Họ đã tạo ra những đau khổ lớn lao, họ đã làm hỏng việc làm chứng của Hội Thánh». Sau đó ĐTC đã thúc giục các phần tử tu sĩ trong Hội Thánh có mặt cùng nhau làm việc để «chống lại sự dữ này».
«Các nạn nhân phải nhận được sự cảm thương và săn sóc, và những người chịu trách nhiệm về tội ác này phải bị đưa ra trước công lý» (Phaolô Phạm Xuân Khôi, Nguồn: vietcatholic.net, trích trong http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/Giaohoi/GioiTreTheGioi/2008/13DucThanhChaXinLoi.htm,04.3.15).
[21] Trích trong Đỗ Đình Tiệm – Phạm Minh Công, Nghệ thuật Giao tiếp và Chỉ huy, Nxb. Thanh Niên, Hà Nội 2004, tr. 35.
[22] X. Lc 17,11-19.
[23] Ông Schopenhauer một Triết gia nổi danh người Đức, từng là «người bi quan coi đời là cuộc phiêu lưu vô vọng và nặng nhọc, buồn chán lạ thường. Nhưng trong thâm tâm thất vọng của Schopenhauer, vẫn luôn tự nhủ rằng: “Phải cố làm sao tránh đừng oán hận một người nào”» (Đỗ Đình Tiệm – Phạm Minh Công, Nghệ thuật Giao tiếp và Chỉ huy, tr. 32).
[24] Mt 5,38-48.
[25] Lc 23,34.
[26] Chuyện cô bé bị chặt bàn tay trả thù bằng cách cho người đã chặt tay mình một bữa ăn thật no nê, thịnh soạn.
Tổng thống thứ 16 của nước Hoa Kỳ ông Abraham Lincoln (04.3.1861 – 15.4.1865) được ca ngợi là người lãnh đạo tài tình bậc nhất trong lịch sử và bí quyết thành công của ông chính là “biến thù thành bạn”, nghĩa là ông không những không chỉ trích người khác mà còn không tỏ ra tức giận và cũng không trả thù những đối thủ hay phê bình, chỉ trích ông và đặc biệt ông còn khen ngợi và nói tốt cho họ với những người khác. Kết quả là ông vừa bớt được kẻ thù vừa có thêm nhiều bạn tốt (Trích lại từ: Dale Carnegie, Đắc nhân tâm, chương 1 “Muốn lấy mật đừng phá tổ ong”, in http://tructuyen.net.vn/sach-hay/dac-nhan-tam/c-1.aspx, 12.10.14).