Kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện đến nay đã tròn hai năm, những hoang mang lo sợ vẫn đang hoành hành trên khắp các châu lục. Vậy làm sao mọi người có thể sống an bình hoan lạc trong hoàn cảnh này? Đó là câu hỏi đáng chúng ta quan tâm và tôi muốn phần nào tìm ra câu trả lời theo chủ đề hướng tới một Giáo hội hiệp hành: “Hiệp thông – tham gia – sứ vụ”.
Hiệp thông: “Nguồn cội sâu xa sự hiệp thông trong Dân Chúa phát xuất từ tình yêu và sự hợp nhất của Thiên Chúa Ba Ngôi. Chính Chúa Ki-tô đã hoà giải chúng ta với Chúa Cha và hợp nhất chúng ta trong Chúa Thánh Thần. Vì thế, tất cả chúng ta đều có vai trò của mình trong việc phân định và thực hiện lời Chúa kêu gọi cho dân Ngài”[1].
Ngoài việc hiệp thông với Giáo hội, chúng ta cần hiệp thông với nhau cách tích cực hơn qua việc cảm thông với những buồn vui, đau khổ, thất vọng, lo âu… của anh chị em mình, nhất là trong cơn đại dịch này. Nhưng thái độ cảm thông là việc không dễ để thực hiện nếu không biết đặt hoàn cảnh của mình vào hoàn cảnh của người khác. Chỉ khi làm được điều ấy thì ta mới thấu hiểu được anh chị em xung quanh và mới hiểu đâu là việc ta nên làm cho họ. Ngoài ra, là một chị nữ tu, sự thấu cảm và lối suy nghĩ tích cực về người khác vẫn cần đặt lên hàng đầu trong đời sống cộng đoàn, vì mỗi người có hoàn cảnh và lối sống khác nhau: khác nhau về tuổi tác, khác nhau về môi trường, khác nhau về lối suy nghĩ, v.v. nên dễ có những xung đột với nhau. Do đó, có được thái độ khiêm nhường và cảm thông theo gương Chúa Giêsu sẽ là chìa khoá giúp chúng ta thực hành sự “hiệp thông” cách tích cực trong cuộc sống thường ngày.
Tham gia: “Kêu gọi tất cả những ai thuộc về Dân Chúa: giáo dân, người được thánh hiến và giáo sĩ vào tiến trình hiệp hành, càng nhiều càng tốt, đặc biệt là người ở bên lề. Sự tham gia này chính là tập lắng nghe nhau cách chân thành và tôn trọng, để từ đó, cùng nhau lắng nghe tiếng Chúa Thánh Thần. Tất cả các tín hữu đều có đủ tư cách và ân ban để phục vụ lẫn nhau và tham gia vào sứ mạng của Giáo hội”[2].
Chúng ta là người được Thiên Chúa tuyển chọn và thánh hiến, được góp phần vào những sinh hoạt của Giáo hội như: việc tông đồ, bác ái, truyền thông, giáo dục, y tế, v.v. Như vậy, phần nào đó, chúng ta đang tham gia vào công cuộc rao giảng Tin mừng nước Chúa ngay giữa lòng nhân loại. Chúa Giê-su là người đầu tiên thực hiện ý Chúa Cha tham gia vào công cuộc rao giảng Tin mừng Nước Thiên Chúa. Trong quá trình hoạt động công khai, Ngài không dùng những triết lý cao siêu và khó hiểu mà luôn khởi đi từ những thực tế gần gũi với con người, ai cũng có thể hiểu được bằng cách dùng các dụ ngôn gắn liền với cuộc sống của họ như: Con chiên lạc, Đồng bạc bị đánh mất, Người Cha nhân hậu, v.v. Ngoài ra, Ngài còn dạy dỗ họ nhiều điều, dùng quyền năng mình mà cứu chữa những kẻ đau ốm bệnh tật, kêu gọi họ ăn năn sám hối. Khi hoàn tất sứ mạng của mình nơi trần thế, Ngài lên trời về với Chúa Cha nhưng vẫn luôn ở với chúng ta cách mầu nhiệm và gần gũi qua bí tích Thánh Thể. Các Tông đồ chính là những người tiếp tục việc rao giảng và làm chứng về Chúa Giêsu cho các thế hệ sau cách trung tín và khôn ngoan. Tiếp nối sứ mạng ấy, Giáo hội ngày hôm nay vẫn không ngừng tham gia vào việc giảng dạy, “chữa lành” và làm cho kẻ “chết” về phần hồn được sống lại qua các Bí tích.
Sứ mạng: “Hội thánh hiện hữu để loan báo Tin Mừng. Sứ mạng của tất cả chúng ta là làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa giữa toàn thể gia đình nhân loại”[3].
“Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít, vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt ra gặp lúa về” (Lc10,2). Đây không phải là suy nghĩ của con người mà là lời mời gọi của Chúa Giê-su, Ngài chính là Ông chủ của đồng lúa và Ngài muốn chúng ta cùng cộng tác trong sứ mạng “thu gom những bông lúa chín về”. Vậy nên là linh mục, tu sĩ, hay giáo dân, là bác sĩ, kỹ sư hay công nhân… hãy hết lòng thi hành trách nhiệm, đó chính là cách chúng ta đang “làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa” trong lãnh vực của mình và chắc chắn chúng ta sẽ trở thành những thợ gặt lành nghề trong cánh đồng mênh mông bát ngát. Để làm được điều đó cách hiệu quả, mỗi tín hữu cần gắn kết với Chúa qua việc lắng nghe và thực hành Lời Chúa, gắn kết với Chúa qua các Bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, gắn kết với Chúa bằng đời sống cầu nguyện thâm sâu, liên lỉ, gắn kết với Chúa qua việc thực thi bác ái đối với tha nhân, gắn kết với Chúa qua việc tuân giữ giáo huấn của Giáo hội, v.v.
Thiên Chúa đã xuống thế làm người, vì thế, Ngài hiểu được nhu cầu của con người: nhu cầu thể xác, nhu cầu tinh thần, nhu cầu tâm linh. Ngài từng bước đáp ứng nhu cầu ấy. Thấy người mù Ngài chữa cho sáng, thấy người đau yếu Ngài chữa cho lành, cho kẻ què đi được… Nhờ đó mà Tin Mừng cứu độ vừa được rao giảng vừa được hiện thực hoá trong những hoàn cảnh cụ thể. Vậy nên, là những thợ gặt của Chúa, chúng ta cũng phải quan tâm tới những nhu cầu thiết thực của con người và đáp ứng những nhu cầu chính đáng ấy trong khả năng của mình bằng tình thương chân thành. Nếu làm được, thì quả thực ai cũng có thể trở thành thợ gặt giỏi trong cánh đồng truyền giáo
Chủ đề hướng tới một Giáo hội hiệp hành: “Hiệp thông – tham gia – sứ vụ” giúp chúng ta có cơ hội học hỏi và nhìn lại chình mình, sống lại những gì là căn bản nhất của một người Ki-tô hữu, thông hiệp với Chúa Ki-tô là nguồn mạch sức sống không bao giờ cạn, thông hiệp với Giáo hội là góp phần vào việc xây dựng Nước Chúa ngày một thêm vững mạnh, thông hiệp giữa con người với nhau, giúp sống hoà thuận thương yêu, cảm thông và chia sẻ cùng nhau. Để thực hiện được điều đó, đòi hỏi mỗi người tha thiết hơn với lời cầu nguyện, xưng thứ tội lỗi và rước Chúa ngự vào tâm hồn cách thẳm sâu, Chúa sẽ lắng thấu và ban ơn an bình cho chúng ta.
Lạy Chúa, vẫn còn đó những khó khăn, hoang mang sợ hãi vì đại dịch và biết bao những trăn trở, lắng lo trong cuộc sống này. Nguyện xin Chúa hãy đến và an ủi chúng con, để tâm hồn thân xác và cả con người chúng con được lành mạnh. Cũng xin Chúa giúp chúng con thực hành cách trọn những ý hướng của một Giáo hội hiệp hành, như thế, tin rằng chúng con sẽ có được sự an bình đích thực trong tâm hồn và trong cuộc sống.
Tx. Vi Ân Thanh
[1] Nhóm Hiệp Hành Giáo Phận, Chương trình học hỏi về Thượng Hội Đồng Giám Mục thứ XVI, 2023, trong http://www.giaophanlongxuyen.org.
[2] Ibidem
[3] Ibidem