Trong sách “Túi khôn của nhân loại”, tác giả Phan Sào Nam có kể câu chuyện như sau:
Mạnh Tử học Tư Đồ 3 năm, sau đó ông trở về nước Lỗ lấy vợ năm 19 tuổi. Điền Thị – vợ ông là người nết na hiếu thảo, được Mạnh mẫu vừa ý nhắm cho con trai mình.
Một hôm, Mạnh Tử bất chợt bước vào phòng, thấy vợ đang thay áo để ngực trần. Theo Nho giáo nghiêm khắc mà Mạnh Tử vừa học và đang ra sức truyền bá, thì hành động của vợ là sự khiếm nhã lớn xúc phạm chồng. Do đó ông lớn tiếng đuổi vợ ra khỏi nhà.
Thật ra Mạnh Tử đuổi vợ không hẳn vì lý do đạo đức, mà chính vì Điền Thị xấu (Ngay từ đầu ông đã chê vợ nhưng không dám trái ý mẹ).
Mạnh mẫu quyết không để con dâu hiền thục ra khỏi nhà mình, liền hỏi con trai: Thế trước khi vào phòng, con có gõ cửa không?
Mạnh Tử lúng túng trả lời: – Thưa… không ạ!…
Nhẹ nhàng nhưng rắn rỏi, Mạnh mẫu bảo:
– Vậy chính con mới là người khiếm nhã. Con được ăn học, biết lỗi thì phải sửa. Con nghĩ thế nào khi đã xúc phạm vợ mình?
Mạnh Tử phải xin lỗi mẹ, xin lỗi vợ, và mời nàng ở lại. Từ đó ông trở thành người chồng mẫu mực và rất yêu thương vợ.
Quý vị và các bạn thân mến!
Ai trong chúng ta dễ dàng làm tổn thương người khác, vì rằng chúng ta thường không quan tâm đến cảm xúc của người khác, trước mỗi hành động hay lời nói của mình. Hãy thể hiện thái độ khiêm tốn của mình bằng cách tích cực gặp gỡ họ, khuyến khích họ giãi bày và lắng nghe họ. Nếu không cần thiết, đừng biện minh cho hoàn cảnh của mình và cuối cùng một động thái không thể thiếu đó là thực tâm xin lỗi và mong muốn được người khác thứ lỗi. Lời xin lỗi quả thật có một sức mạnh kỳ diệu. Nhiều tổng thống, thủ tướng, thượng nghị sĩ hay những người nổi tiếng phải triệu tập các cuộc họp báo để xin lỗi công chúng về hành động hay lời nói của họ. Cho dù lỗi lầm gây ra là lớn hay nhỏ, hãy can đảm nói lời xin lỗi, nó sẽ làm thay đổi mối quan hệ hiện tại của chúng ta và chúng ta sẽ nhận ra rằng cuộc sống đáng yêu biết bao.
Khi Mạnh Tử xin lỗi vợ, ông không hề bị giảm giá trị bản thân, nhưng ngược lại từ đó ông trở thành người chồng mẫu mực, và xây dựng một gia đình hạnh phúc bên người vợ hiền thục. Nếu ông không nhận ra lỗi lầm của mình, không nói lời xin lỗi và cương quyết đuổi vợ ra khỏi nhà, thì điều gì sẽ xảy ra trong đời sống hôn nhân của mình?
Thiên Chúa đặc biệt yêu thương và quên hết lỗi lầm của người biết xin lỗi. Kinh Thánh kể lại rằng khi lên đền thờ cầu nguyện, người thu thuế đã biết khiêm tốn xưng thú với Chúa rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. Anh ta đã chân thành xin lỗi và ước mong được Chúa tha thứ lỗi lầm. Vì thế, Chúa đã phán bảo rằng: “Người này khi trở về nhà thì đã được công chính rồi”.
Cũng vậy, trong dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu, cho dù người con thứ sau khi phung phá hết tài sản phải quay trở về vì chẳng còn nơi để đi, chẳng còn ai muốn chứa kẻ rách nát, vậy mà chỉ cần xin lỗi rằng: “Lạy Cha, con đã lỗi phạm đến Trời và đến Cha …” thì lập tức Người Cha Nhân Hậu liền bảo các đầy tớ rằng: “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng!”. Chỉ với lời xin lỗi, người con thứ đã được Người Cha Nhân Hậu phục hồi cương vị làm con của anh ta trong gia đình.
Lạy Chúa, xin ban cho chúng con lòng khiêm tốn để chúng con nhận ra lỗi lầm của mình và mau mắn nói lời xin lỗi với mọi người xung quanh. Và “dù tội của con đỏ như son, cũng sẽ trở nên trắng như tuyết”, nếu chúng con biết bước đến tòa Hoà Giải để nói lời xin lỗi với Ngài. Amen.
(Sưu tầm)