Hôn nhân là một trong những vấn đề quan trọng, nhưng cũng hết sức phức tạp vì nó không chỉ là mối tương quan giữa một người nam và một người nữ, mà mối tương quan ấy còn tác động tới và chịu ảnh hưởng bởi nhiều người trong gia đình và xã hội. Do đó, xã hội và Giáo hội đều quan tâm, bảo vệ và tiết chế các vấn đề liên quan đến hôn nhân qua những khoản luật nhất định. Để có thể kết hôn thành sự, cả hai phải trong tình trạng tự do, không bị ngăn trở theo luật. Theo Bộ Luật 1983 của Giáo hội Công Giáo, có 12 ngăn trở làm cho hôn nhân vô hiệu:
- ngăn trở do chưa đủ tuổi kết hôn (GL 1083 §1),
- ngăn trở do bất lực (GL 1084 §1),
- ngăn trở do đã kết hôn (GL 1085 §1),
- ngăn trở do khác biệt tôn giáo (GL 1086),
- ngăn trở do chức thánh (GL 1087),
- ngăn trở do lời khấn dòng (GL 1088),
- ngăn trở do bắt cóc (GL 1089),
- ngăn trở do tội mưu sát phối ngẫu (GL 1090),
- ngăn trở do họ máu (GL 1091),
- ngăn trở do họ kết bạn (GL 1092),
- ngăn trở do công hạnh (GL 1093),
- và ngăn trở do nghĩa dưỡng (GL 1094).
Một trong những câu hỏi rất quan trọng được đặt ra trước khi hai người nam và nữ quyết định để tiến tới hôn nhân, đó là: họ có quan hệ họ hàng gì với nhau hay không? Nếu có, quan hệ ấy có ngăn trở họ tiến tới hôn nhân hay không theo luật dân sự và luật Giáo hội? Những câu hỏi này được đặt ra vì nó liên quan tới 4 loại ngăn trở sau cùng trong số 12 ngăn trở trên. Vì thế, bài viết này tìm hiểu luật buộc ngăn trở họ máu trong hôn nhân theo luật dân sự của Việt Nam và luật Giáo hội Công giáo hoàn vũ.
Ngăn trở Hôn Nhân theo Luật Việt Nam
Theo Luật Hôn Nhân và Gia đình 2014 (số 52/2014/QH13), để bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình, Điều 5.2d nghiêm cấm việc “Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.” Luật cấm này được tái khẳng định trong Điều 8 quy định về điều kiện kết hôn như sau:
- Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:
- a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
- b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
- c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
- d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại cácđiểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.
- Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.
Vậy, “những người cùng dòng máu về trực hệ” bao gồm những ai? Và ai là “những người có họ trong phạm vi ba đời?” Để hiểu được những thuật ngữ và luật cấm này, Điều 1 của cùng bộ luật giải thích về cách tính dòng họ như sau:
- Những người cùng dòng máu về trực hệ là những người có quan hệ huyết thống, trong đó, người này sinh ra người kia kế tiếp nhau.
- Những người có họ trong phạm vi ba đời là những người cùng một gốc sinh ra gồm cha mẹ là đời thứ nhất; anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì là đời thứ ba.
- Người thân thích là người có quan hệ hôn nhân, nuôi dưỡng, người có cùng dòng máu về trực hệ và người có họ trong phạm vi ba đời.Như vậy, luật dân sự của Việt Nam ngăn cấm việc kết hôn giữa những người có cùng huyết thống theo trực hệ và giữa những người có họ trong phạm vi ba đời theo bàng hệ. Ví dụ, ngăn cấm hôn nhân giữa ông bà, cha mẹ, con cái và cháu chắt; giữa anh chị em ruột (A và B), giữa cô (chú) và cháu trai (cháu gái), và giữa anh chị em họ (AA’1 và BB’1, v.v..). Bên cạnh đó, luật Hôn Nhân và Gia Đình còn cấm việc kết hôn giữa “cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.” Tại sao lại có khoản luật này? Luật ngăn cấm việc kết hôn giữa những người cận huyết không chỉ dựa trên luật tự nhiên để ngăn chặn việc sản sinh ra những thế hệ không lành mạnh với những di chứng và bệnh tật, mà còn dựa trên đạo đức luân lý.Những qui định trên của luật dân sự của Việt Nam có gì khác với những qui định về ngăn trở hôn nhân trong Giáo Luật của Giáo hội Công Giáo hoàn vũ?
Ngăn trở Hôn Nhân theo Giáo Luật 1983
Cũng giống như luật dân sự, Giáo Luật số 1091 §1 nghiêm cấm việc kết hôn giữa tất cả những người trong trực hệ. Ðiều 1091 §1 nhấn mạnh: “Trong trực hệ, hôn phối giữa tất cả thân thuộc, dù chính thức hay tự nhiên, đều là vô hiệu.” Cụm từ “dù chính thức hay tự nhiên” có nghĩa là tất cả những người có quan hệ huyết tộc về trực hệ, cho dù quan hệ ấy được hợp thức hóa bởi luật Giáo hội hoặc chỉ là hôn nhân tự nhiên, đều không được kết hôn với nhau.
Cách tính huyết tộc và ngăn trở giữa những người trong bàng hệ theo Giáo luật có phần khác với luật hôn nhân của Việt Nam. Giáo luật số 1091 §2 tuyên bố, “Trong bàng hệ, hôn phối vô hiệu cho đến hết cấp thứ bốn.” Vậy cấp thứ bốn tương đương đời thứ mấy trong luật dân sự?
Trong Giáo luật, huyết tộc được tính theo hàng và cấp. Giáo luật số 108 chỉ rõ:
(2) Trong hàng dọc (trực hệ), có bao nhiêu đời người thì có bấy nhiêu cấp, nghĩa là tính theo số người sinh bởi gốc chung nhưng không tính chính gốc ấy.
(3) Trong hàng ngang (bàng hệ), các cấp được tính theo bao nhiêu người trong cả hai hàng cùng bởi gốc chung, nhưng không tính chính gốc.
Dựa trên sơ đồ huyết tộc trên, chúng ta có thể thấy, A và B là con ruột của ông bà XY. A lấy A’ sinh ra hai người con là AA’1 và AA’2. B lấy B’ sinh ra BB’1 và BB’2. Trong trực hệ, A và B có tương quan huyết tộc với XY ở cấp 1; AA’1, AA’2, BB’1 và BB’2 có tương quan huyết tộc với XY ở cấp 2. Trong bàng hệ, A có tương quan huyết tộc với B ở cấp 2; A và BB’1 tương quan huyết tộc ở cấp 3; AA’1 có tương quan huyết tộc với BB’1 ở cấp 4. Như vậy, tất cả những thành viên trong sơ đồ trên không được kết hôn với nhau.
Bên cạnh đó, trong sơ đồ trên C1 cũng không được kết hôn với B, vì họ có tương quan huyết tộc trong bàng hệ ở cấp thứ 4. Tương tự, D1 không được kết hôn với A. Tuy nhiên, C1 có thể kết hôn với BB’1 vì giữa họ là tương quan huyết tộc bàng hệ ở cấp 5. C1 và D1 có thể kết hôn vì giữa họ là tương quan huyết tộc bàng hệ ở cấp 6. Khi có hoài nghi về mối liên hệ huyết tộc, Giáo luật số 1091§4 ngăn cấm hôn nhân giữa những người “có cùng liên hệ huyết tộc trong bất cứ cấp nào của trực hệ, hoặc trong cấp thứ hai của bàng hệ.”
Ngăn trở do họ kết bạn, Công Hạnh, và Dưỡng Hệ
Bên cạnh ngăn trở do huyết tộc, còn có một số ngăn trở hôn nhân do họ kết bạn, do công hạnh và do dưỡng hệ. Ngăn trở hôn nhân do họ kết bạn (hay còn gọi là hôn thuộc), đó là tương quan giữa người chồng và họ hàng của gia đình vợ, hoặc giữa người vợ và họ hàng của gia đình chồng. Trong tương quan này, Giáo luật số 1092 chỉ định, “hôn thuộc theo trực hệ dù ở cấp bậc nào cũng tiêu hủy hôn phối.” Điều này có nghĩa, con rể không được kết hôn với mẹ vợ, hoặc con riêng của vợ; hoặc con dâu không được kết hôn với bố chồng hoặc con riêng của chồng. Tuy nhiên, tương quan này không ngăn cản hôn nhân trong bàng hệ. Nghĩa là, anh rể có thể lấy em gái hoặc chị gái của vợ sau khi vợ qua đời.
Ngăn trở do công hạnh (còn gọi là ngăn trở liêm sỉ). Ngăn trở này phát sinh do hôn nhân vô hiệu sau khi đã sống chung, hoặc do sự tư tình công khai và hiển nhiên. Giáo luật số 1093 chỉ ra, “ngăn trở này tiêu hủy hôn phối trong trực hệ ở cấp thứ nhất, giữa người nam với những người có liên hệ huyết tộc với người nữ, hay ngược lại.” Ví dụ, nếu anh A đã từng sống chung chạ với chị B, thì không thể lấy mẹ hoặc con riêng của chị B; và chị B cũng không thể lấy bố hoặc con riêng của anh A. Giáo luật không cấm việc kết hôn giữa anh A và chị em gái của chị B trong tương quan bàng hệ, hoặc giữa chị B và anh em của anh A.
Ngăn trở do dưỡng hệ phát sinh do quan hệ giữa con nuôi với những người liên hệ của bố mẹ nuôi. Giáo luật số 1094 chỉ định, “hôn phối vô hiệu giữa những người thân thuộc do dưỡng hệ đã được pháp luật nhìn nhận, trong trực hệ hay trong cấp thứ hai của bàng hệ.” Ngăn trở này làm hôn nhân bất thành giữa con nuôi với bố mẹ nuôi mà đã được pháp luật nhìn nhận; giữa con nuôi với bố mẹ ruột của bố mẹ nuôi; giữa con nuôi với con cháu ruột của bố mẹ nuôi; và giữa hai người con nuôi của cùng một bố mẹ nuôi.
Vậy, Giáo luật có ngăn cấm hôn nhân giữa người đỡ đầu Rửa Tội và con thiêng liêng không? Trong Bộ Giáo luật hiện hành (1983), mối tương quan giữa người đỡ đầu và con thiêng liêng không còn là một ngăn trở trong hôn nhân. Tuy nhiên, hôn nhân của mối tương quan này vẫn bị ngăn cấm trong Luật hiện hành của Giáo hội Công Giáo Đông Phương. Ví dụ, nếu B là người đỡ đầu Rửa tội cho A và cả hai đều thuộc Giáo hội Công Giáo theo nghi thức Latinh, thì mối tương quan này không ngăn trở hôn nhân giữa B và A. Nhưng nếu một trong hai người thuộc Giáo hội Công Giáo Đông Phương, thì hôn nhân giữa hai người sẽ bị vô hiệu do ngăn trở tương quan đỡ đầu thiêng liêng; thậm chí tương quan đỡ đầu thiêng liêng còn ngăn trở hôn nhân giữa người đỡ đầu, người rửa tội, và cha mẹ của người rửa tội (x. Giáo luật Công Giáo Đông Phương số 811).
Những ngăn trở Hôn Nhân có thể được miễn chuẩn?
Nếu mắc một trong những ngăn trở trên, nhưng hai người vẫn tiến tới hôn nhân thì hôn nhân của họ không thành. Để kết hôn thành sự và hợp pháp thì cần phải xin phép chuẩn. Tuy nhiên, Hội Thánh chỉ có thể miễn chuẩn những ngăn trở nào ràng buộc bởi Hội Thánh mà thôi, vì Hội Thánh không có thẩm quyền để miễn chuẩn những điều ràng buộc của luật tự nhiên và luật Thiên Chúa. Sau đây là những ngăn trở của luật tự nhiên và Thiên Chúa mà Giáo hội KHÔNG có thẩm quyền để miễn chuẩn: 1) ngăn trở do họ máu theo trực hệ; và 2) ngăn trở do họ máu cấp thứ 2 ở bàng hệ.
Đối với những ngăn trở chỉ do luật Hội Thánh, thì thẩm quyền của Hội Thánh có thể miễn chuẩn. Ví dụ, ngăn trở về họ máu cấp 3 và cấp 4 theo bàng hệ, ngăn trở do kết bạn, ngăn trở do dưỡng hệ, và ngăn trở do công hạnh. Để xin miễn chuẩn một trong bốn ngăn trở trên, đương sự cần xin miễn chuẩn từ Giám mục Giáo phận. Tuy nhiên, Giáo luật số 90 §1 lưu ý, “Không được miễn chuẩn luật Giáo hội khi không có lý do chính đáng và hợp lý, xét theo hoàn cảnh của trường hợp cũng như tầm quan trọng của luật xin miễn chuẩn; nếu không, sự miễn chuẩn sẽ bất hợp pháp, và kể cả vô hiệu, trong trường hợp sự miễn chuẩn không được ban do chính nhà lập pháp hay do cấp trên của cơ quan lập pháp.” Điều này có nghĩa, không phải ai có ngăn trở trên và đệ đơn xin miễn chuẩn đều được miễn chuẩn, nhưng tùy theo sự phán quyết của Giám mục Giáo phận sau khi đã điều tra, tìm hiểu, và suy xét kỹ lưỡng; ngài chỉ có thể miễn chuẩn cho từng trường hợp cụ thể khi có lý do chính đáng và hợp lý.
Nt. Agnes Lien Do
Tài Liệu Tham Khảo:
Beal, John P., et al., eds. New Commentary on the Code of Canon Law. New York/Mahwah, NJ: Paulist Press, 2000.
Bộ Giáo Luật 1983. Bo Giao Luat – Canon Law (catholic.org.tw)
Code of Canon Law. Latin-English Edition: New English Translation. Fourth Printing. Washington, DC: Canon Law Society of America, 2023.
Luật Hôn Nhân và Gia Đình 2014. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Quyen-dan-su/Luat-Hon-nhan-va-gia-dinh-2014-238640.aspx.