Đại dịch Covid-19 vẫn đang gây ra biết bao hậu quả không những về kinh tế vật chất nhưng trên mọi bình diện của cuộc sống con người. Hàng trăm triệu người nhiễm bệnh, hàng triệu người đã chết. Cuộc sống bị đảo lộn với bao khó khăn về vật chất lẫn tinh thần. Nó làm cho những khó khăn của cuộc sống con người vốn dĩ đã đầy dẫy những áp lực và phức tạp càng trở nên bi đát hơn. Những lo lắng về đời sống kinh tế với cái ăn cái mặc để phục vụ cuộc sống mỗi ngày một nặng nề hơn. Bên cạnh đó, những khủng hoảng tâm lý, hoảng sợ, lo âu, chán nản ngày càng nhiều. Đứng trước tình cảnh này, nhiều vấn nạn được đặt ra. Nhiều câu hỏi xuất hiện liên quan đến đời sống đức tin của chúng ta: Có Thiên Chúa hay không, sao Ngài lại để những điều đó diễn ra? Thiên Chúa có phải là Đấng quyền năng, thấu biết mọi sự không mà sao không thấy Ngài can thiệp gì? Và nhất là sự chất vấn về tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa: Một Thiên Chúa giàu lòng thương xót được thể hiện như thế nào? Thiên Chúa có còn yêu thương nhân loại nữa không khi thấy những đau khổ và bế tắc của con người đang diễn ra hôm nay? Những điều được đặt ra ấy là cơ hội để mời gọi chúng ta dừng lại suy niệm và khám phá tình yêu của Thiên Chúa trong tháng Thánh Tâm Chúa, nhất là trong ngày đại lễ kính Thánh Tâm Chúa năm nay.
Để có được câu trả lời cụ thể cho những vấn đề đặt ra về tình yêu của Thiên Chúa trong cuộc sống hôm nay, chúng ta hãy trở lại con đường tiến bước của lịch sử cứu độ mà Thiên Chúa đã thực hiện và tỏ bày cho nhân loại suốt dọc dài thời gian của thế giới này. Có thể thấy rõ, ngay từ khi tạo dựng con người và vũ trụ Thiên Chúa đã không có điều gì khác hơn là tình yêu. Tất cả những gì Thiên Chúa thực hiện đều là cách thức thể hiện tình yêu của Người. Dẫu con người không hiểu, không đón nhận và thậm chí khước từ tình yêu ấy, nhưng Thiên Chúa vẫn kiên nhẫn và trung tín trong tình yêu đối với muôn loài thụ tạo mà Người đã làm ra.
Bài trích sách tiên tri Hôsê dễ dàng cho ta hiểu tình yêu Thiên Chúa cách cụ thể hơn: “Khi Itrael còn non trẻ, Ta đã yêu nó, từ Ai cập Ta đã gọi con Ta về. Ta đã tập đi cho Epraim, đã đỡ cánh tay nó, nhưng chúng không hiểu là Ta chữa lành chúng. Ta lấy dây nhân nghĩa, lấy mối ân tình mà lôi kéo chúng. Ta xử với chúng như người nựng trẻ thơ, nâng lên áp vào má; Ta cúi xuống gần nó mà đút cho nó ăn” (Hs 11,1-4). Quả thật, còn hình ảnh nào đẹp đẽ và cụ thể hơn khi Thiên Chúa ví mình như người cha người mẹ yêu thương, chăm sóc cho đứa con của mình. Từ khi nó được cưu mang, rồi sinh ra, lớn lên cho đến những bước chập chững trên hành trình làm người, không khi nào tình yêu ấy vơi cạn. Một Thiên Chúa vô hình cao cả nhưng lại được cụ thể hóa nơi hình tượng của một con người thật gần gũi thân thương. Điều đó đủ cho thấy tình yêu thương của Ngài thế nào đối với con người. Một tình yêu vô tận đã khiến cho Ngài không ngừng ra tay hành động trước những khổ đau của con người: “Hỡi Epraim, Ta từ chối ngươi sao nổi! Hỡi Itrael, Ta trao nộp ngươi sao đành! Trái tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi. Ta sẽ không hành động theo cơn nóng giận, sẽ không tiêu diệt Epraim nữa, vì Ta là Thiên Chúa, chứ không phải người phàm” (Hs 11,8ac-9). Có lẽ không còn niềm an ủi nào hơn, không cần tìm một câu trả lời nào rõ hơn khi ta được lắng nghe những lời này của Chúa. Một Thiên Chúa đã luôn thao thức để đưa dẫn con người đến với hạnh phúc trọn vẹn và vĩnh cửu. Thiên Chúa không đành lòng đứng nhìn con cái của mình loay hoay và vật lộn trong những bi đát của cuộc đời này. Thiên Chúa qua tiên tri Hôsê đã không chỉ giãy bày tấm lòng của Ngài đối với dân riêng của Chúa mà còn đối với mỗi người chúng ta. Ngài đang nói với chúng ta rằng: Ta không ngừng yêu con. Tuy nhiên, cách thức mà Thiên Chúa bày tỏ tình yêu đối với con người thì khác so với cách của con người chúng ta. Đường lối của Thiên Chúa thì khác xa so với đường lối của con người.
Đoạn Tin mừng mà thánh Gioan thuật lại cho chúng ta thấy Thiên Chúa đã chọn cách khác so với suy nghĩ của con người để thể hiện tình yêu của Thiên Chúa. Không chỉ là việc ban Con Một Duy Nhất cho thế gian mà Ngài còn thực hiện cả một chương trình cứu độ qua sự sống, cái chết và sự phục sinh của Người Con đó. Đức Giêsu trong thân phận con người, Ngài không chỉ đi tới tận cùng của những đau khổ nơi nhân loại mà Ngài còn mặc khải trọn vẹn tình yêu cao vời của Thiên Chúa đối với nhân loại. Thiên Chúa đã không chọn một hình ảnh và hoàn cảnh đẹp đẽ hơn để diễn tả tình yêu của mình, nhưng đã bày tỏ tình yêu trong chính những đau khổ và bi đát nhất. Sau khi Đức Giêsu bị đóng đinh trên thập giá và tắt thở, các môn đệ đã muốn hạ xác Ngài xuống để án táng. Nhưng để xác định là những tử tù đã chết thật thì người ta sẽ đánh giập ống chân của người đó. “Quân lính đến, đánh giập ống chân của người thứ nhất và người thứ hai cùng bị đóng đinh với Đức Giêsu. Khi đến gần Đức Giêsu và thấy Người đã chết, họ không đánh giập ống chân Người. Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra” (Ga 19,32-34). Dưới ánh mắt tự nhiên của con người, hình ảnh một người chết trên thập giá đã là quá đau thương, huống chi là lại bị lưỡi giáo đâm thâu vào trái tim nữa. Đó tưởng chừng như là ngõ cụt, là dấu chấm hết, là kết thúc cho số phận của một con người tài năng. Hình ảnh đó dường như cũng là một hình ảnh không đáng lưu lại trong tâm trí của con người. Tuy nhiên, ta lại thấy ở đó là sự ngời sáng của một tình yêu cho đến tận cùng. Một tình yêu không chỉ dừng lại ở sự hiến thân bằng cái chết nhưng còn là trao ban cho đến tận cùng bằng một trái tim mở rộng bị đâm thủng để những giọt nước giọt máu cuối cùng được đổ ra. Mũi giáo đâm vào trái tim theo con người đó là hành động cuối cùng để chấm dứt sự sống của một con người. Nhưng nó lại là sự khơi mào cho một tình yêu lớn lao vô tận được trào tuôn mãi mãi. Nơi trái tim bị đâm thâu, nhân loại được tận hưởng một tình yêu đến tận cùng và không gì có thể thay đổi hay ngăn chặn được sự tuôn trào không ngừng cho con người mọi thời đại. Như thế, chính trong những bi đát nhất của thân phận con người thì Thiên Chúa lại thể hiện cách rõ ràng tình yêu của Ngài cho nhân loại.
Tình yêu của Thiên Chúa là chân thật và không bao giờ thay đổi. Tình yêu ấy luôn hiện hữu và theo sát với con người trong hành trình làm người. Tuy nhiên, con người nhiều lúc không nhận ra bởi như lời thánh Phaolô nói: “xin cho anh em, nhờ lòng tin, được Đức Kitô ngự trong tâm hồn; xin cho anh em được bén rễ sâu và xây dựng vững chắc trên đức ái, để cùng toàn thể dân thánh, anh em đủ sức thấu hiểu mọi kích thước dài rộng cao sâu, và nhận biết tình thương của Đức Kitô, là tình thương vượt quá sự hiểu biết”. Quả vậy, trí óc con người giới hạn nên không thể hiểu hết được mọi chiều kích của tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta. Tình yêu ấy vượt trên sự hiểu biết giới hạn của lý trí con người. Tình yêu được thể hiện dưới mọi hình thức và hoàn cảnh khác nhau khiến nhiều lúc ta không nhận ra và khước từ. Đặc biệt trước những khổ đau của phận người, ta thật khó để thấy sự hiện diện của tình yêu vô tận của Thiên Chúa.
Trong cuộc sống con người, khi những thuận lợi và niềm vui xảy đến ta có thể dễ dàng nhận ra ân sủng và tình yêu của Thiên Chúa. Thế nhưng, khi những đau khổ và bế tắc xảy đến, ta loay hoay lý giải và tìm kiếm lòng thương xót của Thiên Chúa. Thật khó để có thể tin rằng trong những bi đát của cuộc đời Chúa vẫn hiện diện ở đó và yêu thương ta. Dù ta có tin hay không thì điều đó vẫn không ngừng diễn ra. Thiên Chúa luôn luôn hiện hữu và không ngừng chăm sóc cho những vết thương đang gây ra đau đớn cho cuộc đời ta bởi những điều tiêu cực của cuộc sống này.
Là những người theo Chúa cách sát sao, chúng ta được mời gọi chỉ cho con người và thời đại hôm nay sự hiện diện của Thiên Chúa và lòng thương xót của Ngài bằng chính kinh nghiệm cuộc đời của chúng ta. Đã bao giờ chúng ta cảm nghiệm và xác tín tình yêu của Thiên Chúa trong những lúc bị hiểu lầm, vu khống, thất bại, ghen tị, hận thù… hay chưa? Có khi nào chúng ta đã thấy Chúa cách rõ ràng trong những thử thách của bệnh tật, của cám dỗ, yếu đuối và thậm chí cả trong những sa ngã hay chưa? Có lúc nào đó ta đã gặp được Chúa trong khi phản bội lại lời cam kết với Chúa qua việc từ bỏ sống theo linh đạo, theo ba lời khấn dòng mà ta tự nguyện và hạnh phúc lựa chọn hay chưa? Tất cả những điều đó sẽ là kinh nghiệm để không chỉ giúp ta nhận ra tình thương của Thiên Chúa nhưng còn cho ta phương thế để hướng dẫn người khác gặp được Chúa và nhận ra tình yêu vô tận của Ngài đối với con người và thế giới hôm nay.
Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu, nguồn tình yêu vô tận, xin cho mỗi người chúng con luôn khám phá và nhận ra lòng thương xót của Ngài đối với nhân loại trong bất cứ cảnh huống nào của cuộc đời. Dù là vui hay buồn, sướng hay khổ, thành công hay thất bại, hạnh phúc hay đau buồn thì Chúa vẫn không ngừng hiện diện và yêu thương chúng con. Xin cho chúng con biết chạy đến với Thánh Tâm Chúa để được dòng máu nước tình yêu của Ngài thanh tẩy và bổ sức giúp chúng con sống trọn vẹn cuộc đời và ơn gọi của mình. Đồng thời, chúng con cũng có thể đưa dẫn người khác đến tận hưởng tình yêu bao là và mãi mãi nơi Thánh Tâm Người.
Con Nai