Thế giới hiện đại đang chứng kiến biết bao những kỳ công vĩ đại trên mọi lãnh vực của đời sống nhân loại. Con người thỏa sức để phô bày những tài năng lớn lao. Người ta tìm cách khẳng định mình bằng những sáng kiến, phát minh có giá trị cho đời sống xã hội. Sự khôn ngoan, tài giỏi của con người được đánh giá dựa trên khả năng tiếp cận với những kỹ thuật mới để làm cho cuộc sống được thoải mái và hạnh phúc nhất. Người ta cũng tìm cách để giảm thiểu những tiêu cực và hạn chế những đau khổ của đời sống trong vũ trụ này. Những khó khăn người ta không chỉ tìm cách loại bỏ mà còn tránh đề cập tới. Trong bối cảnh này, phải chăng sự xác tín của thánh Phaolô rằng: “Thánh giá là tột đỉnh của sự khôn ngoan” không còn đúng nữa? Có phải điều đó chỉ đúng trong thời đại của ngài, còn giờ đây sự khôn ngoan phải là những điều khác?
Giáo Hội dành tháng 9 để tôn kính thánh giá Chúa. Đây không phải là biểu hiện của sự tôn sùng sự đau khổ của con người hay khuyến khích con người chấp nhận những bất hạnh trong cuộc sống. Nhưng đó là cách thức để nhắc nhở con người khám phá con đường cứu độ đời mình không gì khác hơn là bước vào con đường thập giá mà chính Đức Giêsu đã đi qua. Nơi đó ta cũng khám phá được tình yêu tột đỉnh của Thiên Chúa dành cho nhân loại.
Quả vậy, để cứu độ con người Thiên Chúa đã thực hiện một kế hoạch mà con người không thể hiểu được. Người đã chấp nhận hiến trao chính Con Một cho nhân loại. Đây không phải là sự đòi hỏi hay thúc ép bởi con người hay thế lực nào, nhưng hoàn toàn là sáng kiến vì tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại. Đức Giêsu không chỉ đến mang thân phận con người, sống kiếp con người như chúng ta ngoại trừ tội lỗi, mà Ngài còn là hiện thân của Thiên Chúa vô hình. Ngài vén mở cho con người biết được về Thiên Chúa và tình yêu của Người. Khi đi rao giảng, Đức Giêsu đã khiến cho người nghe vô cùng kinh ngạc vì Ngài giảng dạy như “một Đấng có uy quyền” (Lc 4,32) và họ chưa bao giờ thấy được có ai như thế. Dân chúng trầm trồ và theo Ngài không chỉ bởi những phép lạ Ngài đã làm nhưng còn bởi những “lời ân sủng từ miệng Ngài phán ra”. Sự khôn ngoan của Đức Giêsu trong lời nói và hành động có thể hiểu được phần nào bởi những người tin vào Ngài là Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu Độ trần gian. Tuy nhiên, với cuộc thương khó mà Đức Giêsu phải chịu thì dường như với những người có sự xác tín mạnh mẽ vào Thiên Chúa cũng không thể giải thích được. Đặc biệt với cái chết trên thập giá thì những hiểu biết về Thiên Chúa dường như tan biến. Làm sao một Thiên Chúa đầy quyền phép mà lại phải chịu những điều đau khổ như thế? Thiên Chúa có thể dùng nhiều cách để cứu độ con người, tại sao lại Người lại chọn cách đó? “Ông không phải là Đấng Kitô sao? Hãy tự cứu mình đi và cứu cả chúng tôi với” (Lc 23,39). Sự thách thức của tên trộm cùng chịu đóng đinh với Đức Giêsu cũng là sự đòi hỏi của mọi người cần được lý giải về quyền năng và chương trình của Thiên Chúa. “Tôi bảo thật anh, hôm nay anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23, 43). Câu trả lời của Đức Giêsu đối với tên trộm ở bên hữu cũng là sự hé mở cho thấy bản tính đích thực và quyền phép của Ngài. Đức Giêsu chịu đau khổ cũng chính là Ngôi Hai Thiên Chúa, là chính Thiên Chúa.
Như thế, thập giá không phải chỉ là biểu tượng của sự đau khổ, khốn cùng của con người, là hình phạt nặng nề cho những kẻ tội lỗi nhưng còn là chìa khóa để mở cánh cửa đi vào vinh quang. Chính trong sự tột cùng của đau khổ ấy lại là khởi đầu cho một cuộc sống mới trong Thiên Chúa. Đức Giêsu đã khẳng định: “Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu” (Ga 8,28). Thiên Chúa đã chọn thập giá làm nơi để tỏ bày trọn vẹn quyền năng và sức mạnh của Thiên Chúa. Đức Giêsu đã chết trên thập giá để rồi đập tan quyền lực của sự chết và đau khổ nơi nhân loại. Ngài đã khải hoàn vinh thắng và đi vào trong sự kết hợp trọn vẹn của Thiên Chúa Ba Ngôi. Thánh giá chính là con đường để đưa dẫn con người tới ơn cứu độ. Như thế, con đường duy nhất để đi vào trong Thiên Chúa là vác thập giá đi theo Đức Giêsu: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hàng ngày mà theo” (Lc 9,23). Nơi thánh giá Chúa chúng ta khám phá ra được sự khiêm nhường tột cùng của một Thiên Chúa cao cả. Đồng thời ta cũng cảm nhận được tình yêu vĩ đại mà Thiên Chúa vì yêu thương chúng ta đã bày tỏ ra.
Thánh Phaolô đã cảm nghiệm sâu xa sự cần thiết nơi thánh giá Chúa. Ngài đã khám phá ra được rằng nơi thánh giá Chúa chính là sức mạnh của con người: “lời rao giảng về thập giá là sự điên rồ đối với những kẻ đang trên đà hư mất, nhưng đối với chúng ta là những người được cứu độ, thì đó lại là sức mạnh của Thiên Chúa” (1Cr 1,18). Đức Giêsu bị đóng đinh trên thập giá tưởng chừng như là sự đắc thắng của con người giới hạn. Đó là hình thức khổ nhục mà lý trí con người nghĩ ra để trừng phạt những kẻ tội lỗi. Thế nhưng Thiên Chúa lại dùng nó để thể hiện sức mạnh và quyền năng của Ngài. Chính vì thế, những người môn đệ Chúa không ngần ngại để rao giảng về thập giá: “Trong khi người Do thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh, điều mà người Do thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ” (1Cr 1,22-23). Giữa một thế giới con người dùng lý trí để tìm kiếm con đường giải thoát chính mình khỏi đau khổ và bất hạnh, thánh nhân đã giới thiệu phương thế duy nhất là chính Đức Kitô bị đóng đinh. Chỉ khi con người biết tìm đến dưới chân thập giá Chúa với lòng tin tưởng khiêm tốn con người mới có thể khám phá được những điều lớn lao mà Thiên Chúa bày tỏ ra trong vũ trụ này.
Thế giới hôm nay không chỉ tìm cách khước từ mà còn sẵn sàng phủ nhận và loại bỏ thánh giá Chúa. Họ vẫn đang say mê chứng minh khả năng của con người bá chủ thế giới. Sự khôn ngoan phải được thể hiện qua những sáng chế vĩ đại dẫu là tàn ác và hủy diệt. Họ điên cuồng khẳng định sức mạnh của mình qua những phát minh khiến nhân loại phải lao đao khốn khổ. Con người quả là đã quên rằng: “cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người” (1Cr 1,25). Điều này khiến cho con người đang phải khốn đốn trong những cảnh huống bi đát của cuộc đời. Họ căng mình để chống đỡ với sức tấn công của thiên tai, bão lũ, dịch bệnh… Nhân loại đang dần kiệt sức và gục ngã trước sự kiêu căng của chính mình.
Là môn đệ của Chúa, chúng ta cũng bị cám dỗ khước từ thánh giá Chúa và thay vào đó đi tìm kiếm sự khôn ngoan của thế gian. Chúng ta không tìm thấy nơi thánh giá Chúa sức mạnh và sự khôn ngoan mà Thiên Chúa đã bày tỏ ra. Chúng ta muốn chứng minh sự khôn ngoan và sức mạnh đến từ lý trí tài giỏi của mình. Những toan tính cá nhân nhằm thỏa mãn cho cái tôi của mình làm chúng ta tưởng đó là khôn ngoan. Những gian dối và bất trung trong lời khấn hứa của mình mà không ai biết càng khiến chúng ta tin mình tài ba. Chủ nghĩa thực dụng và cá nhân cuốn chúng ta vào vòng xoáy của nó để rồi mải miết đi tìm kiếm những gì có thể đáp ứng ngay những đòi hỏi của thân xác con người. Chúng ta dễ dàng thỏa hiệp để chọn lấy cái hiện tại mà quên đi cái tương lai vĩnh cửu. Chiêm ngắm thánh giá Chúa là lời mời gọi dành cho mọi con cái Chúa, cách riêng cho những người môn đệ của Chúa. Chỉ khi biết khiêm tốn ngồi dưới chân thập giá Chúa ta mới có thể lĩnh hội được những điều khôn ngoan đến từ nơi Chúa và kín múc sức mạnh thần thiêng cho cuộc đời của mình. Chính nơi thập giá Chúa ta trở thành một người đầy hiểu biết và mạnh mẽ bởi cảm nghiệm được chính tình yêu tột đỉnh của Thiên Chúa dành cho ta và cho tất cả thế giới này.
Lạy Chúa, dù trong bất cứ thời đại văn minh tiến bộ nào thì thánh giá Chúa vẫn luôn là “tột đỉnh của sự khôn ngoan”. Bởi đó là con đường Chúa đã đi qua để cứu độ nhân loại. Đồng thời đó cũng là cách thức Chúa chọn để bày tỏ trọn vẹn tình yêu của Người cho con người. Xin cho chúng con biết tìm đến với thánh giá Chúa để được Chúa lấp đầy sự khôn ngoan và sức mạnh của Ngài. Từ đó, chúng con can đảm rao giảng về Đức Kitô chịu đóng đinh cho con người và thế giới hôm nay.
Con Nai