Dịch từ Six ways to thrive in vocation ministry – Lm. Joseph Nassal, C.P.P.S
Sau một thời gian thi hành sứ vụ đào tạo ơn gọi và giảng tĩnh tâm cũng như đồng hành với các Sơ giáo, Cha giáo, tôi xin được thâu tóm lại sáu bí quyết đầy khôn ngoan từ những kinh nghiệm thực tế của những nhà đào tạo có kinh nghiệm nhằm giúp các Sơ giáo, Cha giáo đang phụ trách vấn đề đào tạo được thăng tiến và nuôi dưỡng trong sứ vụ đào tạo ơn gọi. Tôi hy vọng rằng những bí quyết này sẽ giúp các bạn trung thành với đức tin và tiếp tục sứ vụ của mình ngay cả khi các bạn đang đối diện con đường phía trước đầy trông gai, ngõ cụt, hoặc một con đường dài lê thê không có trạm nghỉ.
- Sống Giây Phút Hiện Tại
Thomas Merton, Thầy Dòng Benedictin, chia sẻ: “Thời gian ban tặng cho chúng ta không phải để chúng ta giữ vững đức tin đã có sẵn, nhưng để đạt được một đức tin vững mạnh mà chúng ta cần để sống ngay giây phút hiện tại.” Trong cuộc sống, chúng ta thường được khuyên “hãy giữ vững đức tin của mình” khi phải đối diện với những thử thách và đau khổ. Tuy nhiên một vài câu hỏi cần được đặt ra. Đức tin chúng ta đang có là đức tin nào? Đó có phải là đức tin chúng ta đã được trau dồi khi chúng ta mới lãnh nhận bí tích Thánh Thể và Thêm Sức, khi mà chúng ta chỉ học thuộc lòng mà không được thắc mắc? Đó có phải là đức tin mà buộc chúng ta phải tin tuyệt đối, không có chỗ cho sự hoài nghi?
Vậy đâu là đức tin mà chúng ta cần cho cuộc sống hiện tại? Đâu là đức tin mà chúng ta cần trong sứ vụ đào tạo ơn gọi? Càng lớn tuổi, tôi càng có thêm nhiều những câu hỏi, những thắc mắc về những điều tôi đã từng tin. Tôi cần một đức tin cởi mở, đức tin mà mời gọi tôi không ngừng đặt những câu hỏi, những nghi vấn, để rồi từ những thắc mắc của tôi có thể mang lại lợi ích cho người khác, giúp họ hiểu được rằng sự đối lập của đức tin không phải là những nghi ngờ nhưng là sự chắc chắn và an toàn. Tôi cần một đức tin mà có thể giúp tôi vượt qua những thời điểm khó khăn, vượt qua thời gian của lo sợ và vượt qua những gì đang đe dọa sự thăng tiến của bản thân.
Đức tin mà chúng ta cần ngày hôm nay là đức tin nhắc nhở chúng ta một sự thật: cho dù có phải đối diện với những thất vọng ê chề hay là đứng trước những kỳ công không ngòi bút nào có thể diễn tả hết vẻ đẹp của nó, thì sự sống vẫn tiếp diễn.
Gần đây, tôi có nghe chương trình “Khoan Đã, Đừng nói cho tôi,” trên đài National Public Radio. Khách mời của chương trình là Norman Lear, ông đã 94 tuổi mà vẫn rất năng động, sáng tạo và nhiệt tình trong công việc. Khi được hỏi về bí quyết sống lâu, Norman Lear trả lời rằng cuộc sống của ông luôn được hướng dẫn bởi hai từ: “đã qua” và “kế tiếp.” Ông dùng hình ảnh cuộc đời ông giống như cái võng được mắc giữa hai cái cột, một bên là “đã qua,” và bên còn lại là “kế tiếp.” Làm thế nào mà ông đã duy trì được tính sáng tạo khi tuổi đã cao niên? Ông chia sẻ, khi một dự án đã hoàn thành, cho dù là dự án đó thành công hay thất bại, ông đều nhanh chóng chuyển sang dự án kế tiếp. Ông không lưu luyến với dự án cũ bởi vì nó đã qua rồi, bây giờ ông dành thời gian và tâm huyết cho dự án mới.
Giống như hình ảnh của chiếc võng. Đối với một số người thì hình ảnh chiếc võng gợi nhắc họ về những ngày hè nhàn rỗi ở quê nhà. Nhưng nó cũng nói lên một tiến trình của sự sáng tạo. Sau mỗi ngày làm việc mệt nhọc, hay sau mỗi dự án, sau mỗi dịp tiễn các lớp tập viện, học viện lên một giai đoạn mới, chúng ta nên dành thời gian để nghỉ ngơi, để lắng nghe, để thư giãn đầu óc, để tĩnh lặng trái tim, để cho những điều mới mẻ đến trong nhịp ru của chiếc võng, để giúp chúng ta có thể tập trung, kiên nhẫn, trung thành và bình an trước khi chúng ta tiếp nhận những dự án mới, công việc mới, sứ vụ mới hoặc đón tiếp những người mới.
Khi chúng ta đem vào áp dụng trong đời sống thánh hiến và đặc biệt trong sứ vụ đào tạo ơn gọi, nếu chúng ta chỉ ôm ấp những mất mát, ôm ấp những gì của quá khứ chúng ta sẽ bị bế tắc. Chúng ta phải dành thời gian tĩnh lặng để Chúa Thánh Thần đến và khơi dậy nơi chúng ta sự sáng tạo và sức sống mới. Để rồi với ơn của Chúa Thánh Thần, chúng ta tiếp tục sứ vụ của mình trong sự nhiệt tình, sáng tạo và niềm vui.
- Tập Trung Nhìn Đường
Trên tạp trí New York Times, giám đốc của một doanh nghiệp thành công đã chia sẻ rằng ông đã học được rất nhiều điều thú vị cho cuộc sống từ người thầy giáo dậy thể thao của ông tại trường Đại học. Người thầy giáo luôn nhắc nhở các sinh viên rằng; “Khi các em đang lái xe và trời đột ngột mưa xối xả, chiếc cần gạt nước phải hoạt động không ngưng nghỉ. Trong tình huống này, các em chỉ có thể chọn một trong hai: nhìn chiếc cần gạt nước, hoặc là tập trung nhìn đường. Vậy, trong hai cách, cách nào sẽ giúp các em lái xe an toàn?”
Khi chúng ta đang trải qua thời điểm khó khăn của hành trình, nếu chúng ta tập trung nhìn mưa, nhìn cái cần gạt nước thay vì để ý nhìn đường, chúng ta sẽ gặp rắc rối lớn. Cũng vậy, chúng ta sẽ dễ dàng bị mất tập trung khi bão tố xảy đến trong cuộc sống. Tập trung nhìn đường, theo ngôn ngữ của các nhà đồng hành thiêng liêng, chính là sự tỉnh thức, biết rõ những gì đang có mặt, những gì đang xảy ra. Tập trung nhìn đường chính là khả năng tự tập trung, chú ý tới những điều gì là tối quan trọng, và tránh bị phân tâm bởi những lo lắng, những sợ sệt làm chúng ta bị mất hướng. Robert Gass, nhà hoạt động tinh thần, viết rằng: Chúng ta có thể chú ý tới và nhân ái với nỗi sợ hãi của chúng ta mà không bị nó làm cho ta tê liệt. Ý thức nỗi sợ hãi trong khi nâng cao khả năng suy nghĩ và hành động với sức mạnh và sự rõ ràng minh bạch của trí óc chính là trọng tâm của tinh thần tỉnh thức.
Nuôi dưỡng và cải thiện sự thinh lặng nội tâm chính là yếu tố tối quan trọng khi chúng ta sống trong một nền văn hóa của sự thiếu kiên nhẫn và có khuynh hướng đổ lỗi cho quần chúng, cho số đông. Do vậy, nếu chúng ta thấy mình thiếu sự nhiệt tình trong sứ vụ, chúng ta nên kiểm xét lại nhịp điệu của đời sống cầu nguyện của chúng ta. Tập trung nhìn đường mang lại cho chúng ta những cơ hội để chúng ta chú ý hơn tới những vấn đề đang xảy ra trong cuộc sống. Giành thời gian trong thinh lặng sẽ giúp chúng ta nối kết với các anh chị em khác, những người cũng giống chúng ta, đang mang trong mình nhiệt huyết hăng say cho sứ vụ của hội dòng.
- Nuôi Dưỡng Đời Sống Cộng Đoàn
Cha Rick Warren chỉ ra rằng phần lớn con người thuộc về một trong ba loại sau: người chăm sóc quan tâm tới người khác, người để ý người khác, và người chấp nhận những rủi ro những mạo hiểm. Cộng đoàn chúng ta có đủ các thành viên trong cả ba loại người kể trên. Vậy, chúng ta thuộc vào loại nào?
Đa số chúng ta thuộc vào loại người chăm sóc quan tâm tới người khác – bởi vì chăm sóc quan tâm tới người khác chính là căn tính của đời sống tu trì. Chúng ta chăm sóc lẫn nhau và chăm sóc quan tâm tới những ai chúng ta được mời gọi để phục vụ. Chúng ta được mời gọi chăm sóc tốt những người chúng ta quý mến và cả những người chúng ta cảm thấy khó có thể quý mến.
Trong cộng đoàn cũng không thiếu những người để ý xoi mói người khác, đó là những người dùng những hoài nghi và châm chọc để đào hố chôn sống anh chị em trong cộng đoàn. Cũng không thiếu những lúc chúng ta là những người để ý người khác, chúng ta tự đào hố chôn chính mình với những suy nghĩ tiêu cực của chúng ta. Chúng ta nghĩ rằng cuộc sống đang chôn vùi chúng ta khi năng lượng và nghị lực của chúng ta bị cạn kiệt. Khi chúng ta ôm ấp những tư tưởng tiêu cực do những người khác mang đến, chúng ta sẽ tự mặc lấy cho linh hồn mình căn bệnh khó chữa với những triệu chứng như giận dữ, đay nghiến, và chua cay gắt gỏng.
Chúng ta cần nuôi dưỡng đời sống tích cực bằng việc tránh sống gần với những người chua cay gắt gỏng, những người bị đau khổ bởi sự lơ mơ của tâm hồn, nhưng sống gần những người luôn tràn đầy hy vọng. Chúng ta cần bao quanh mình với những người biết chấp nhận rủi ro, những người mở rộng tâm trí, trái tim, và trí tưởng tượng của chúng ta mà vẫn tràn đầy niềm hy vọng.
Trong truyền thống Kinh Thánh chúng ta có thể thấy rất nhiều các mẫu gương sẵn sàng chấp nhận những rủi ro những thách đố trong niềm tin. Từ Tổ phụ Abraham và Sarah tới Elizabeth và Zecharia, tới Đức Trinh nữ Maria và Thánh Cả Giuse; từ các ngôn sứ tới các môn đệ tiên khởi và các nhân chứng cho biến cố phục sinh của Đức Ki-tô, chúng ta có rất nhiều mẫu gương của các tiền nhân – những người sẵn sàng chấp nhận những thách đố và một lòng tín thác nơi Chúa, xin vâng ngay cả khi phải đối diện với những biến cố ngoài sự hiểu biết và sức tưởng tượng của con người.
Điều gì giúp các đấng bậc sẵn sàng chấp nhận những thách đố? Sở dĩ các ngài làm được, vì con người chúng ta “được hình thành,” “được biết đến,” “được thánh hóa,” và “được sai đi” bởi chính Thiên Chúa. Đây là những động từ được nhấn mạnh trong ơn gọi của ngôn sứ Giê-rê-mi-a (Gr 1:5). Giê-rê-mi-a có thể được chọn là thánh quan thầy của các nhà đào tạo ơn gọi. Khi được gọi làm ngôn sứ, ông nghĩ là ông còn quá trẻ để làm ngôn sứ, ông cần thêm thời gian sống trong cộng đoàn để hiểu thêm về lịch sử, tinh thần của cộng đoàn, và đào sâu mối giây liên kết với Thiên Chúa.
Nhìn lại ơn gọi của ngôn sứ Giê-rê-mi-a, chúng ta thường chú ý đến cách ông viện cớ thoái thác lời mời gọi của Thiên Chúa thay vì để tâm tới nguồn gốc ơn gọi của ngôn sứ: đó là ơn gọi đến từ chính Thiên Chúa. Thiên Chúa tạo nên chúng ta với những mục đích rõ ràng cho từng người trước khi chúng ta được sinh ra từ lòng mẹ: “Trước khi cho ngươi hình thành trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi, trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hóa người, Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân” (Gr 1:5).
Ơn gọi làm ngôn sứ chính là mục đích của cuộc đời Giê-rê-mi-a, đó là lý do ông được tạo dựng và sinh ra. Phân định ơn gọi của từng người chính là trách nhiệm trung tâm của sứ vụ đào tạo ơn gọi. Khi gặp phải những khó khăn, điều quan trọng là chúng ta trở về với nguồn gốc ơn gọi của chúng ta và tự hỏi: Những rủi ro nào chúng ta sẵn sàng đối diện để thúc đẩy và đẩy mạnh triều đại của Thiên Chúa trong cuộc đời của chúng ta? Chúng ta cần phải sẵn sàng đối diện với những thách đố và rủi ro nào để linh đạo, tinh thần, cộng đoàn và sứ vụ của Hội dòng được những người đang tìm kiếm biết đến và thuộc về? Những thách thức và những rủi ro nào chúng ta sẵn sàng đối diện để mời gọi Hội dòng tiến tới cam kết sâu rộng nhằm biến đổi những người xúi dục trong cộng đoàn, những người có cái nhìn và lời nói mang lại sự chết, sự chia rẽ hơn là sức sống và tinh thần xây dựng?
- Giữ Quan Điểm và Cái Nhìn Của Mình
Trở về với nguồn cảm hứng ban đầu của sứ vụ sẽ giúp chúng ta giữ vững quan điểm của mình. Chúng ta duy trì quan điểm của mình qua việc trả lời câu hỏi: Chúng ta có sống linh đạo của dòng một cách thích hợp không?
Một lần kia, một nhà sử học người Anh có buổi phỏng vấn với nạn nhân sống sót từ trại cải tạo Nazi cho cuốn sách ông đang viết. Sau buổi phỏng vấn, nhà sử học gọi Taxi và đứng đợi ở tiền sảnh của khách sạn. Ông cần đón Taxi ra phi trường cho chuyến bay sắp tới. Ông liên tục nhìn đồng hồ, nhưng chẳng có Taxi nào đến, ông bắt đầu tỏ vẻ khó chịu và bực tức. Ông đi đi lại lại ở tiền sảnh của khách sạn, hối thúc Taxi và liên tục cáu gắt trên điện thoại. Sau khi nhìn theo nhà sử học đang bực bội dưới tiền sảnh, nạn nhân của trại cải tạo Nazi xuống đứng đợi với ông. Bà nhẹ nhàng đặt tay trên vai ông và hỏi; “Sao vậy, ông bạn? Tại sao ông lại quá lo sợ sẽ trễ chuyến bay? Nếu ông lỡ chuyến này, vẫn có những chuyến bay khác. Nếu ông sống trong trại cải tạo Nazi, những điều phiền muộn này không thấm vào đâu.”
Ngôn sứ Mica đã đặt cuộc sống của chúng ta trong một cái nhìn đúng nghĩa khi ông viết về những gì Thiên Chúa đòi hỏi chúng ta; “Thực thi công bằng, quý yêu nhân nghĩa, và khiêm tốn bước đi với Chúa.”
Một trong những bộ phim tôi thích nhất trong những năm gần đây đó là The Best Exotic Marigold Hotel, nói về một nhóm người trung niên dự định dành thời gian cuối đời của họ tại những khu nghỉ mát lộng lẫy nguy nga tại nước Ấn Độ. Tuy nhiên, khi họ đến nơi, khách sạn không giống như họ mong đợi. Sonny, giám đốc điều hành của khách sạn, nói với một trong những người khách du lịch rằng: “Người Ấn độ có một câu nói rất hay, ‘mọi sự sẽ tốt đẹp vào giây phút cuối cùng. Nếu bây giờ mọi chuyện không tốt đẹp, thì có nghĩa đó chưa phải là kết thúc.”’
Cuộc sống chính là vấn đề của quan điểm và cách chúng ta nhìn nhận vấn đề. Chúng ta có thể duy trì quan điểm của mình bằng việc đặt ra những câu hỏi quan trọng. Vì có rất nhiều điều không có ý nghĩa gì cả trong thế giới ngày hôm nay, Cha Timothy Radcliffe, OP tin rằng đời sống thánh hiến phải trở nên câu trả lời cho câu hỏi, “Ý nghĩa của cuộc sống con người ngày nay là gì?” Cha Timothy đã dùng hình ảnh của một nữ tu ở Venezuela hát Tin Mừng Phục Sinh trong Lễ Vọng Phục Sinh để trả lời cho câu hỏi này. Cha nói, “Con người cần có khả năng nhận ra trong cuộc sống của mình một lời mời gọi trở nên con người theo một cách thức mới.” Đối với Cha Timothy, hình ảnh nữ tu hát trong bóng tối trước nến vọng Phục Sinh phản ánh sự hiện tại và tương lai của đời sống thánh hiến.
- Ý Thức Sự Không Hoàn Hảo
Khi chúng ta tìm cách giữ bình tĩnh và tiếp tục công việc mà chúng ta được mời gọi, chúng ta cần tránh bị tắc nghẽn trong vòng luẩn quẩn của sự hoàn hảo, nếu không chúng ta sẽ chỉ đi loanh quanh trong vòng tròn. Chúng ta thường bị nhầm lẫn giữa sự hoàn hảo với sự thánh thiện hoặc toàn diện. Chúng ta thường có khuynh hướng luẩn quẩn trong sự hoàn hảo bởi vì tiến trình đào tạo tu sĩ thường tập trung vào đào luyện các tu sĩ đạt tới sự hoàn hảo. Từ “hoàn hảo” được sử dụng trong Tin Mừng của thánh Mathêu khi Chúa Giê-su dậy các môn đệ trên núi về các mối phúc. Khi dậy các môn đệ phải yêu kẻ thù, Chúa Giê-su dậy chúng ta “hãy nên hoàn thiện như Cha anh em ở trên trời là Đấng hoàn thiện.”
Theo đuổi sự hoàn hảo có thể ngăn chặn chúng ta trưởng thành và phát triển đầy đủ như một con người bởi vì chúng ta được mời gọi trở nên con người, chứ không phải là trọn hảo. Chúng ta phải là con người như chúng ta là, có nghĩa là, chúng ta không thể trở nên Thiên Chúa và chúng ta cũng không thể sống một cuộc sống với lối hành xử như con vật. Đồng thời, chúng ta cũng cần phải chấm dứt tình trạng cố gắng sống theo những lý tưởng mà người khác mong đợi (người khác ở đây có thể là gia đình, Hội dòng, Bề trên, Giám mục…). Trong cuốn sách, Trở Nên Hoàn Hảo, Anna Quindlen nhớ lại mơ ước của cô khi là sinh viên đại học. Cô mơ ước được trở nên một thiếu nữ hoàn hảo, làm vui lòng những gì cha mẹ và thầy cô mong đợi. Anna viết, “Cố gắng trở nên hoàn hảo đó là điều không thể tránh khỏi nơi những người thông minh, đầy tham vọng, và quan tâm tới những thành công của thế gian. Điều mà khó khăn và tuyệt vời hơn cả chính là từ bỏ sự hoàn hảo và bắt tay vào sống cuộc sống là chính mình.”
Giúp các ơn gọi trong đời sống tu trì trở nên chính họ trong khuôn khổ của linh đạo và tinh thần của Hội dòng chính là trọng tâm chính yếu của quá trình phân định ơn gọi. Nếu chúng ta là những nhà đào tạo ơn gọi mà còn sống dựa theo những lời nói, những tiêu chí của người khác thì làm sao chúng ta có thể giúp các ơn gọi phân định ơn gọi của các em khi các em cũng đang phải đối diện những áp lực tiêu chí tương tự. Thật quan trọng và cần thiết cho chúng ta khi chúng ta tự hỏi chính mình, liệu chúng ta có đang sống dựa trên những gì người khác nói về chúng ta, những gì người khác muốn nơi chúng ta? Liệu chúng ta đang cố gắng trở nên con người mà người khác muốn nơi chúng ta? Phải chăng chúng ta đang nỗ lực để trở nên hoàn hảo trong một thế giới bất toàn? Chúng ta có tìm kiếm sự thánh thiện thay vì sự hoàn hảo?
Trong tiến trình phân định ơn gọi với các ơn gọi tiềm năng của Hội dòng, chúng ta cần phải để ý tới những câu hỏi trên, bởi vì như Anna đã vạch ra, “một trong những đổ vỡ của việc tìm kiếm sự hoàn hảo đó là nó làm chúng ta khó tha thứ lỗi lầm của các anh chị em xung quanh chúng ta.” Nguyên nhân chính yếu của việc tránh theo đuổi sự hoàn hảo là vì: vào một thời khắc nào đó trong cuộc đời chúng ta khi chúng ta không thực hiện được điều mà chúng ta muốn thành công, hoặc khi chúng ta bị mất đi người mà có ý nghĩa rất nhiều cho chúng ta trong cuộc đời, chúng ta sẽ bị rơi vào tình trạng đặt chính mình là nguyên nhân của mọi sự và chúng ta sẽ đi đến tìm kiếm một vài những tâm điểm để củng cố chúng ta. Và nếu chúng ta đã luôn hoàn hảo trong mắt người khác, đạt được tất cả những gì gia đình và Hội dòng mong đợi, thì đây sẽ là thời điểm làm cho chúng ta tìm đến với hố đen của sự thất vọng.
- Thực Tập Đức Tính Tốt Bụng và Hiền Lành
Nắm giữ sự bất toàn của bản thân nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta không phải là bất khả chiến bại và dậy chúng ta ý thức sự mỏng dòn, dễ bị tổn thương của chính mình. Một khi chúng ta ý thức sự dễ bị tổn thương của chính mình, chúng ta học được phần nào sự cảm thông với người khác. Tạo nên một môi trường, nơi mà các ơn gọi cảm nhận được sự cảm thông và an toàn đủ để chia sẻ những trắc trở khó khăn, là một món quà quan trọng nhất một nhà đào tạo ơn gọi có thể trao tặng cho các em, những người đang tìm hiểu ơn gọi trong đời sống tu trì.
Để có thể trao tặng người khác sự hiện diện đầy cảm thông giữa một thế giới của lạnh lùng thờ ơ, để thực tập những đức tính hiền lành tốt bụng như vậy, chúng ta cần phải có một đời sống nội tâm sâu, cần phải đi sâu vào mối thân tình với Thiên Chúa để rồi tình yêu của Thiên Chúa sẽ nóng chảy trong trái tim của chúng ta. Đây chính là nơi mà lòng cảm thông bắt đầu nảy sinh bởi vì, như Henri Nouwen viết, “Khi tôi thực sự ôm ấp người khác trong trái tim của mình, và khi tôi cảm nhận nỗi đau, những trăn trở và tiếng khóc than của họ trong tâm hồn của mình, và trở nên như họ chính là lúc tôi bắt đầu biết cảm thông.”
Lòng tốt và nhân hậu nảy sinh khi chúng ta học biết cảm thông và mang trong mình tấm lòng trắc ẩn. Và chúng ta học biết cảm thông với người khác từ chính những mất mát trong cuộc đời chúng ta. Cách đây không lâu tôi gặp một góa phụ, chồng của bà qua đời do tai biến mạch máu não khi ông mới 50 tuổi. Bà có hai người con trai, con trai cả đang học năm thứ nhất Đại học, con trai út đang học cấp ba. Khi tìm đến trung tâm tĩnh tâm để chữa lành nỗi đau sau cái chết bất ngờ của chồng, bà kể tôi nghe câu chuyện của con trai bà. Trong đám tang, người con trai cả nói trước linh cữu rằng: “Ba ơi, Ba đã trao cho con tên gọi của Ba. Đây là món quà lớn nhất Ba đã trao tặng cho con. Con sẽ cố gắng hết sức để mang tên của Ba với đức tính chính trực, từ bi, nhân hậu và tình yêu mà Ba đã từng sống.” Chính sự ra đi của người cha thân yêu đã dậy người con trai biết cảm thông và khao khát được sống tình yêu mà cha anh đã sống.
Ký ức đẹp về những người yêu thương quan tâm săn sóc chúng ta có sức mạnh khuyến khích chúng ta, thách thức chúng ta; tình yêu và lòng nhân hậu chúng ta cảm nhận được nơi Thiên Chúa trong thinh lặng và cầu nguyện, trong cộng đoàn chúng ta sống và phục vụ, nơi những người chúng ta gặp gỡ trong cuộc đời; và tên gọi mà chúng ta mang trong mình diễn tả linh đạo và tinh thần của đời sống mà chúng ta được chọn gọi, tất cả sẽ giúp chúng ta can đảm tiếp tục hành trình sứ vụ đào tạo ơn gọi của mình, cũng như giúp chúng ta kiến tạo một nơi an toàn cho những người chúng ta đang đồng hành trên hành trình ơn gọi của họ.
Trong hành trình tiến về phía trước trong đức tin, ước mong sáu bí quyết trên sẽ đốt cháy tâm hồn chúng ta, giúp chúng ta thăng tiến trong đức tin, bình tĩnh và vững tiến.
Sr. Agnes Lien, OP