“Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh”(Đức Hồng Y Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Văn Thuận). Nếu cuộc sống được định nghĩa là những phút liên tiếp thì sống đúng, sống tốt mỗi phút sẽ góp lại thành một cuộc sống ý nghĩa.
Vấn đề đặt ra: Thế nào là sống có ích? Nhiều học sinh mà tôi có cơ hội tiếp cận có quan điểm rằng: Sống có ích là sống tốt, biết giúp đỡ mọi người. Nhưng trước tiên mình phải là người thành đạt đã thì mới có thể giúp những người khác. Quan đểm này liệu có đúng không? Nguyễn Công Trứ đã từng nói: “Đã mang tiếng ở trong trời đất, phải có danh gì với núi sông”. Hiểu theo một nghĩa nào đó, chúng ta sống có ích khi thành công trong cuộc sống? Với tôi, sống có ích phát xuất từ ý thức bản thân của mỗi người. Nếu phải đưa ra định nghĩa, tôi xin mượn một tư tưởng mà tôi được nghe giáo sư của mình dạy, đó là “Nở hoa trên nơi mình được gieo xuống”. Phải, “nở hoa” có thể được coi là sống tích cực, là sẵn sàng cống hiến, là quảng đại trao ban, là không ngừng vươn đến những giá trị cao đẹp. “Nở hoa” với bản thân mình, với người khác và với thiên nhiên vạn vật.
Đôi khi ta trầm trồ khen ngợi, ngưỡng mộ những xả thân vì hoạt động thiện nguyện, những người giàu có và quảng đại trợ giúp rất nhiều cho những người nghèo khổ, còn bản thân mình thì nhỏ bé thầm lặng và chẳng làm được gì. Nhưng thật ra chúng ta có thể làm được rất nhiều thứ khởi đi từng những điều bé nhỏ, giản đơn của đời sống thường ngày. Chúng ta sẽ sống có ích khi vui tươi chu toàn tốt trách nhiệm và bổn phận của mình. Hiện diện tích cực với vai trò của mình khi bạn là con, là anh chị hay cha mẹ. Tuy nhiên chúng ta cần phân biệt giữa sống tích cực và tồn tại. Có thể chúng ta vẫn tồn tại nhưng chưa thật sự “sống” khi buông thả cuộc đời hay giết chết thời gian từng ngày bên chiếc điện thoại mà không quan tâm đến những gì đang diễn ra xung quanh.
Cuộc sống không phải lúc nào cũng được bước đi trên thảm hoa hồng. Ngay cả khi đi trên hoa hồng chúng ta vẫn cảm thấy có những gai nhọn đang ẩn phía dưới. Sống có ích là ta luôn cố gắng vươn lên ngay cả trên những vấp ngã của bản thân và không ngừng bắt đầu lại. Ngày hôm nay, tôi phải sống hơn ngày hôm qua. Khi nghĩ đến đây, tôi chợt nhớ về Thư – một học sinh tại Nguyện Xá Main của các Sơ Dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ Bảo Lộc. Trong năm vừa qua, em gặp tai nạn giao thông rất nặng, gia đình “còn nước còn tát” đã chạy chữa cho em tại 8 bệnh viện khác nhau trong thành phố. Kết quả thông báo từ bác sĩ là gia đình hãy chuẩn bị hậu sự. Khi ấy, ba em đã chuẩn bị sẵn phần mộ bên cạnh mẹ để hai mẹ con được gần nhau. Trong thời gian này, người cha luôn luôn cầu nguyện cho Thư. Nhờ sự kiên trì cầu nguyện mà Thiên Chúa đã ban dấu hiệu sự sống cho Thư, tuy nhiên các bác sĩ vẫn khẳng định em sẽ sống đời thực vật. Một lần nữa gia đình lại rất khủng hoảng nhưng vẫn kiên trì cầu nguyện. Người cha hết lòng chăm sóc đứa con duy nhất trong niềm tín thác nơi Thiên Chúa và không ngừng hy vọng em sẽ có ngày tỉnh lại. Thiên Chúa đã nhận lời cầu xin của người cha. Thư dần khỏe lại. Nhưng đây là một bước ngoặt mới cho Thư khi ý chí của em không ngừng vươn lên để tập từng cái cầm nắm, từng bước đi… em tự quyết tâm với lòng mình, sẽ không là gánh nặng cho người khác. Bất cứ ai đến thăm, đều nhận ra nỗ lực vươn lên của em và em luôn là tấm gương của sự lạc quan, nguồn động lực khích lệ cho người khác lòng biết ơn Thiên Chúa. Em chia sẻ là em sẽ cố gắng bao có thể để được đi học lại dù trí nhớ và sức khỏe của em không được tốt như trước. Với tôi, Thư đã là người sống có ích với chính bản thân mình và người khác.
Khi chúng ta biết nghĩ đến người khác, khi chúng ta bước ra khỏi “tổ kén” của chính mình để trao ban và phục vụ, khi chúng ta chung tay bảo vệ môi trường xanh, sạch đẹp, chúng ta đang góp nên những phút ý nghĩa cho đời sống của mình. Mẹ trái đất đang lên tiếng kêu cứu vì sự ô nhiễm đang xảy ra nghiêm trọng. Chúng ta đã giữ gìn nhà cửa sạch sẽ, chúng ta đã phân loại rác và bỏ rác đúng qui định nhưng chúng ta cũng cần sống tình liên đới với tất cả mọi công dân trên toàn cầu này. Khởi đi từ những điều rất nhỏ của việc tắt những bóng đèn không cần thiết, sử dụng bớt nước, cúi mình nhặt một cọng rác của ai đó vô ý thức xả ra nơi công cộng, góp phần làm cho môi trường sống hòa bình bằng lời nói nhã nhặn, xây dựng…Cùng nhau góp cho cuộc sống này những nét đẹp để nhân lên những nụ cười, niềm hạnh phúc, bình an.
Để khép lại tôi xin kể lại một câu chuyện tôi đã đọc được:
Có một người khách du lịch đến tham quan một ngôi làng nọ. Ông đi ngang qua một con đường với những hàng cây xanh mát, sạch sẽ và thơ mộng. Đi đến giữa con đường thì ông nhìn thấy một nghĩa trang nằm bên cạnh. Bước vào và quan sát, ông chợt nhận ra một điều khiến ông vô cùng ngạc nhiên là những người quá cố trong ngôi làng đều mất rất trẻ. Hầu hết tất cả các bia mộ đều ghi không quá 15 tuổi. Người khách thấy thật tội nghiệp và đáng thương cho những người dân trong ngôi làng vì không có ai sống thọ. Ngay lúc ấy có một bà cụ đi ngang qua và người khách nghĩ rằng chắc đây là người duy nhất sống thọ của ngôi làng, ông liền lại gần bà cụ và hỏi cho biết chuyện. Khi ấy, bà cụ mới giải thích cho người khách du lịch hiểu:
Thực ra, chúng tôi ở đây sống rất thọ, 80 đến 90 tuổi là rất bình thường. Nhưng theo truyền thống của ngôi làng, khi đến tuổi trưởng thành mỗi người được trao cho một cuốn sổ. Cuốn sổ này sẽ được ghi chú lại những ngày sống có ý nghĩa của người đó. Và khi một người nào đó qua đời, người ta sẽ mở cuốn sổ này ra và cộng lại những ngày họ đã sống có ích và ghi số năm sống trên bia mộ.
Nghe bà cụ giải thích, người khách hiểu ra và ngậm ngùi. Thì ra tuổi thọ của con người vẫn còn cách tính khác, đó là cách tính của những ngày sống có ý nghĩa.
Câu chuyện khép lại tại đó và gợi lại cho tôi nhiều suy nghĩ: Liệu cuốn sổ của cuộc đời tôi và bạn đã ghi được nhiều ngày sống có ích hay chưa? Bạn và tôi muốn chết năm bao nhiêu tuổi?
Tác giả: Mỹ Hằng, FMA
Nguồn: https://sdb.vn/