Sau thánh lễ, ra ngoai nhà thờ, tới khu vực chụp hình lưu niệm với các tân chức, tôi cũng thấy có rất nhiều người từ linh mục lớn tuổi đến linh mục trẻ tuổi, từ tu sĩ đến giáo dân, từ người giàu có đến người nghèo khó, từ người sang trọng đến người bình an đến quỳ trước các tân linh mục và xin các ngài chúc lành cho. Thậm chí có nhiều anh chị em quỳ gối, cúi đầu thật sâu để nhận phép lành từ tân linh mục. Tân linh mục vui vẻ đặt tay trên đầu những người đến xin, cầu nguyện tha thiết, rồi ban phép lành cho họ.
Rồi chiều Chúa Nhật, ngày 12/05/2024, tôi lại tham dự lễ tạ ơn mở tay của cha Giuse Bùi Minh Quốc tại nhà thờ All Saints, nơi mà cha Giuse sẽ về làm phó xứ vào ngày 01/07/2024 sau thời gian nghỉ ngơi. Sau thánh lễ, nhất là trong bữa tiệc mừng, tôi lại thấy sự việc xảy ra giống như hôm lễ phong chức. Rất nhiều người xếp hàng dài xin cha Giuse đặt tay chúc lành cho. Trong số người đến xin chúc lành, có linh mục, có thầy phó tế, có chủng sinh, có giáo dân, có người Việt, có người Mỹ… Tất cả đều rất vui vẻ, với tất cả tấm lòng khiêm tốn và cung kính xiin phép lành đầu tay của tân linh mục. Sau thánh lễ, cho dù đã mệt, nhưng cha Giuse vẫn đứng chúc lành cho anh chị em trên 2 tiếng. Rồi chính tôi, thấy vậy, tôi cũng đến xin tân linh mục chúc lành cho.
Sau khi chứng kiến sự việc và bản thân tôi cũng theo dòng người đến cúi đầu thật sâu trước cha Giuse để xin sự chúc lành, nhiều người đặt câu hỏi: Tại sao người ta lại đến xin tân chức chúc lành cho? Phải chăng đó là dấu chỉ của một đức tin đơn sơ hay sâu sắc? Phải chăng đó chỉ là mê tín hay là một đức tin có nền tảng chắc chắn về phúc lành của Thiên Chúa được ban tặng qua các linh mục, nhất là những tân chức?
Thật ra, việc đặt tay chúc lành có nền tảng Kinh thánh. Thật thế, sau khi sáng tạo muôn loài, tạo dựng con người giống hình ảnh mình, Thiên Chúa đã chúc lành cho con người. Nếu có mặt ngày hôm đó, hẳn chúng ta cũng thấy đôi tay Thiên Chúa đặt trên con người với lời chúc phúc: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất” (St 1,26). Từ sự chúc lành của Thiên Chúa, các tổ phụ cũng đặt tay chúc lành cho con mình: ông I-sa-ác đặt tay chúc lành cho Gia-cóp. Theo tiến sĩ Kinh Thánh Linh mục Giuse Phạm Tuấn Nghĩa, SJ, lời chúc này gồm ba yếu tố chính: 1. Giacob có được mưa thuận gió hoà, hoa màu thặng dư; 2. Giacob có được địa vị tôn quý giữa anh em mình và nơi các lân bang; 3. Giacob trở thành mối phúc hay mối hoạ cho kẻ yêu mến hay ghét mình.
Khi đến trần gian và nhất là trong cuộc đời công khai rao giảng Tin mừng, Chúa Giêsu không ngừng thực hiện cử chỉ này. Đi tới đâu, Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế bởi vì Thiên Chúa ở với Người (x. Cv 10,34-43). Đặc biệt là trước khi lên trời, Chúa Giêsu đã không quên đặt tay chúc lành cho các môn đệ “Người dẫn các ông tới gần Bêtania, rồi giơ tay chúc lành cho các ông. Và đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được đem lên trời. Bấy giờ, các ông bái lạy Người, rồi trở lại Giêrusalem, lòng đầy hoan hỷ, và hằng ở trong đền thờ mà chúc tụng Thiên Chúa”. Hoặc theo thánh Gioan, ngay sau khi sống lại từ cõi chết, Đức Gêsu đã hiện ra, đặt tay ban bình an, trao sứ mạng, và thổi hơi để ban Chúa Thánh Thần cho các ông: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20,19-23).
Chính vì Thiên Chúa đã chúc lành cho con người, các tổ phụ chúc phúc cho con cái mình, Đức Giêsu đặt tay và chúc lành cho các tông đồ, cho những người đau yếu bệnh tật, bị quỷ ám, nên Giáo hội cũng tiếp tục đặt tay chúc lành cho các tín hữu. Sách Youcat số 484 viết: “Mọi Kitô hữu phải xin sự chúc lành của Thiên Chúa, cho mình và cho người khác. Cha mẹ có thể ghi dấu thánh giá lên trán của các con. Những người yêu nhau có thể chúc lành cho nhau. Nhất là linh mục, căn cứ vào sứ vụ của mình phải chúc lành rõ ràng nhân danh Chúa Giêsu, và theo Hội thánh truyền. Lời cầu nguyện chúc lành của ngài có một hiệu quả đặc biệt căn cứ vào chức linh mục của ngài, và vì được Hội thánh chuyển đến.” Sách Youcat số 170 giải thích thêm: “Chúc lành nghĩa là nói ra điều tốt lành, điều tốt lành này xuất phát từ Thiên Chúa. Đó là một hành vi của Chúa ban sự sống và gìn giữ sự sống. Thiên Chúa là Cha và là Đấng Sáng tạo mọi loài nói cho chúng ta rằng: bạn ở đây là tốt lành, bạn hiện hữu là tốt lành.”
Ngày hôm nay, các tín hữu vẫn đến xin linh mục đặt tay chúc lành cho mình bởi vì họ tin rằng linh mục là người được Thiên Chúa tuyển chọn và thánh hiến qua bí tích Truyền chức thánh để trở nên đồng hình đồng dạnh với Chúa Kitô để tiếp tục sứ mạng ban ơn phúc của Chúa cho trần gian. Nhờ đó, linh mục trở thành khi cụ chuyển thông ơn thánh, trung gian chuyển cầu, dâng lễ tế lên Thiên Chúa thay cho dân. Nhất là đối với các tân chức, các tín hữu đều xác tín rằng đôi tay mới được xức dầu, tâm hồn mới được thánh hiến, chắc chắn lời chuyển cầu và việc đặt tay chúc lành của các ngài sẽ thực sự kéo nhiều ơn Chúa xuống trên cho họ.
Như thế, cử chỉ xem ra rất đơn giản, dễ dàng ấy lại trở thành dấu chỉ của đức tin, không phải một đức tin đơn sơ nhưng lại là đức tin mạnh mẽ, không phải là một cử chỉ mê tín nhưng là một cử chỉ có nền tảng kéo ơn Chúa xuống cho những người có lòng tin. Thật sự là thế, Thiên Chúa vẫn không ngừng tuôn đổ phúc lành của Ngài xuống những ai có lòng tin như Thánh Giacobê đã từng viết: “Lời cầu nguyện của người công chính rất hiệu nghiệm”.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Toanh
Nguồn: https://gpbuichu.org