(Bài viết dựa theo một số gợi ý của Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt trong kỳ tĩnh huấn cho lớp Hồi Tâm và Tập Viện II của Dòng ĐMBC)
Bỏ lại sau lưng những gì gần gũi và quen thuộc với đời sống thường nhật. Quý chị giáo đồng hành cùng với lớp Hồi Tâm và Tập Viện II đã lên đường đến với Đan Viện Xito Châu Sơn để lắng nghe tiếng Chúa qua tuần Sa mạc với sự hướng dẫn của Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt.
Với sự dẫn dắt của ngài, chị em thêm một lần nữa được lặn xuống tầng sâu của căn phòng nội tâm để duyệt xét lại những gì đang gây mất trật tự trong tâm hồn và đưa chúng về đúng vị trí. Sợi chỉ đỏ để chị em suy niệm và chiêm ngắm trong suốt tuần tĩnh tâm là gương thánh Phêrô. Qua đó, chị em được mời gọi theo gương thánh Phêrô can đảm chèo thuyền ra chỗ nước sâu mà thả lưới vì đời tu thật sự là một hành trình đi trên mặt nước mà đến với Thầy Giêsu.
Khởi đi từ Phêrô – một con người với nhiều đặc điểm và tính cách rất “đời”, ông là người ồn ào và nhanh nhảu, dường như khi Chúa hỏi gì, ông cũng trả lời đầu tiên. Có lúc ông ghi điểm bằng câu trả lời rất sáng: “Thầy là Đức Ki tô, con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16, 16). Lại có những lúc ông chém gió rất tự tin: “Dầu tất cả có vấp ngã vì Thầy đi nữa, thì con đây cũng chẳng bao giờ vấp ngã” (Mt 26, 33). Nhưng có những lúc Phêrô bị Thầy mắng cho sấp mặt và không biết trốn vào đâu cho hết nhục: “Sa tan! Lui lại đàng sau Thầy” (Mt 17, 23). Có lúc Phêrôlại rất tính toán: Khi vui thì muốn dựng ba lều (x. Mc 9, 2-9) để kéo dài những giây phút huy hoàng, nhưng khi Thầy gặp nạn muốn có người chia sẻ thì ông lại ngủ và khi thức giấc thì lại thề thốt chối Thầy như một đứa trẻ: Tôi không biết người ấy (x. Mt 26,74). Đau lòng hơn, Phêrô phủ nhận tương quan với Thầy trước mặt đầy tớ gái chứ không phải trước một thế lực quyền uy nào đe dọa.
Cuộc đời mỗi người cũng trải qua những cung bậc cảm xúc như thánh Phêrô. Ai cũng muốn sống những giây phút trên núi Tabor mà không muốn đi vào giờ tử nạn của Núi Sọ. Ai cũng muốn cuộc đời của mình diễn ra cách yên bình. Nhưng cuộc đời con người không phải lúc nào cũng như một nốt lặng trong bản nhạc mà có nốt trầm, nốt bổng, khi thăng lại có giáng. Tất cả phải luôn chạy cùng nhau trên một bản nhạc và hòa vào nhau làm cho bản nhạc thêm phong phú và đặc sắc hơn.
Chúng ta hãy nhìn mặt biển hồ để suy gẫm về cuộc đời mình. Có những lúc trời quang mây tạnh, lòng biển lặng im đón những tia nắng ấm áp chiếu xuống khiến cho nó càng thêm lung linh. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc khi được ánh sáng Lời Chúa chiếu dọi, chúng ta sẵn sàng mở lòng mình ra để đón nhận tình yêu của Ngài. Đó cũng là những lúc cuộc đời của chúng ta được đắm chìm trong ánh sáng rạng ngời của ngày Chúa Hiển dung. Thế nhưng, những giây phút đó không bao giờ kéo dài suốt cuộc đời. Hạnh phúc chưa được bao lâu thì nỗi buồn chợt tới. Mặt biển đang lặng im bỗng nhiên bị phá vỡ bởi những cơn gió mạnh thổi khiến nó dậy sóng. Nghĩ về phận người, có những lúc chúng ta yếu lòng khiến cái tôi trồi lên tính ích kỷ, kiêu ngạo, hèn nhát và rồi chúng ta viện ra đủ lý do để bảo vệ mình. Lúc đó, chúng ta đã vô tình để cho những tảng đá ngầm hủy hoại cuộc đời mình. Từng cơn gió mạnh nổi lên cuốn theo dòng nước tạo thành những con sóng nối đuôi nhau vỗ mạnh vào bờ, làm cho bờ cát bị xói mòn. Từng yếu đuối vùng lên trong tâm hồn cứ ăn mòn và khoét rỗng ơn Chúa tạo nên chất xúc tác gây mất trật tự trong chính bản thân chúng ta. Đôi khi, nhìn vẻ bề ngoài có vẻ lặng và bình an; nhưng thực chất trong tâm hồn lại rung như gió bão vì đang xảy ra cuộc chiến nội tâm giữa một bên là điều thiện, một bên là điều ác. Đôi bên luôn tồn tại và song hành cùng nhau trong tâm hồn chúng ta, và nếu lý trí không đủ mạnh, chúng ta dễ nghiêng chiều về sự dữ.
Sự sa ngã trong lòng con người không phải ngẫu nhiên mà đến, nhưng đó là cả một quá trình tiệm tiến giống như mỗi khi cơn bão ập đến, thường có các dấu hiệu báo trước: Đầu tiên là các nhà khí tượng thủy văn dự báo, rồi sau đó là sự thay đổi của thời tiết, khí trời, các cấp độ mạnh dần của gió,… Khi thấy những dấu hiệu đó, chúng ta dễ dàng nhận biết và chuẩn bị tâm thế để chống đỡ. Thế mà trước những dấu hiệu sa ngã của lòng mình, chúng ta lại tỏ ra rất thờ ơ. Trong Tin mừng, có lần Chúa cũng đã cảnh tỉnh thế giới loài người: “Hỡi những kẻ đạo đức giả, cảnh sắc đất trời thì các ngươi biết nhận xét, còn thời đại này thì các ngươi lại không biết nhận xét” (Lc 12, 56). Trước khi Phêrô sa ngã, Chúa đã cảnh tỉnh ông: “Thầy bảo thật anh: nội đêm nay, gà chưa kịp gáy, thì anh đã chối Thầy ba lần” (Mt 26, 34). Bản thân mỗi chúng ta thì sao? Đừng lấy sự sa ngã của vị Tông đồ trưởng ra để biện minh cho sự sa ngã của mình. Trước sự sa ngã của tôi, Chúa cũng đã đặt rất nhiều biển báo: “Stop!” bằng cách dùng rất nhiều phương tiện: Luật Dòng, Nội Quy và cả tiếng nói lương tâm để thức tỉnh. Tôi có biết áy náy không? Nếu “có” thì tôi đã được đánh động mà vẫn sa ngã thì tôi sẽ phải trình diện trước mặt Chúa về những thiếu sót của mình. Nếu câu trả lời của tôi là “không” thì thật đáng xấu hổ vì lương tâm tôi đã chai lì và xơ cứng trong tội rồi.
Tiếng gà gáy đã khiến Phêrô bừng tỉnh và thay đổi hẳn cuộc đời. Từ đây, Phêrô chấp nhận làm rỗng mình để Chúa viết lên những trang tiếp theo của cuộc đời một vị thánh. Không còn bồng bột nữa nhưng ông đã được Chúa đào luyện trưởng thành hơn; không còn vênh vang tự đắc nhưng khiêm nhường thẳm sâu: “Thầy biết rõ mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy” (Ga 21, 17); Không còn hèn nhát chối Thầy, nhưng sẵn sàng sống cho Chúa và chết vì Chúa (x. Cv 4,1-12). Đó là cuộc đời của vị Giáo hoàng tiên khởi, còn chúng ta thì sao? Dấu hiệu nào để chúng ta sẵn sàng thay thái độ và đổi cuộc đời? Hay nói một cách khác, bao giờ chúng ta mới có một cú ngã ngựa như thánh Phaolô để thay đổi? Bao lần chúng ta đã lên dây cót tinh thần là phải sống tốt hơn, nhưng khi bắt đầu có ý định thực hiện, thì chủ nghĩa cá nhân, sự tự do thích hưởng thụ lại là lý do bao biện của chúng ta. Lúc đó, chúng ta vô tình đã trúng kế bày ra của ma quỷ, thế gian và xác thịt. Chúng ẩn mình dưới những lời mời gọi rất đỗi dễ thương làm chúng ta quên mất những gì chúng ta đã khấn hứa và có khi nó làm phai nhạt tình yêu thuở ban đầu rất tinh tuyền và đẹp đẽ mà chúng ta dành cho Chúa.
Bằng niềm tin, Phêrô đã dám vượt qua nỗi sợ hãi để đi trên mặt nước mà đến với Chúa. Còn mỗi người chúng ta, bao giờ mới dám vùng lên rũ bỏ những quyến luyến của thế gian để đến với Ngài? Trên đường đến với Chúa, nếu chúng ta cứ nhởn nhơ ngắm cảnh và hưởng thụ hoa thơm trái ngọt, đùa vui với gió cùng trăng, thì chúng ta dễ bị chậm tiến trình và khó lòng đi tới đích điểm; trái lại, nếu lại nhát sợ và cứ chú tâm vào những cơn sóng dữ đang chực vồ lấy mình thì có ngày chúng ta sẽ chìm xuống mặt nước như Phêrô. Phêrô đến với Chúa được bởi trước mặt ông chỉ có một la bàn chỉ lối là chính Chúa, mà nơi đó, Chúa cũng đang chìa tay về phía ông để kéo ông theo. Hành trình đời tu của chúng ta cũng là một cuộc vượt sóng mà nơi đó Chúa đặt tất cả những cơn sóng dữ dưới chân để chúng ta có thể lướt qua. Chúng ta có dám dùng những thử thách đó để làm bàn đạp cho một hành trình tăng tốc trên đường thiêng liêng của mình hay không? Điều đó tùy thuộc vào quyết định riêng của mỗi người.
Trên sa mạc cuộc đời, cần lắm những tiếng gà gáy cảnh tỉnh như Phêrô để mỗi người chúng ta biết giật mình mỗi khi ở lỳ trong việc hưởng thụ những phương tiện vật chất mà coi thưởng khổ chế; biết tĩnh lại mỗi khi có ý định lao mình vào sự sôi động bên ngoài mà nội tâm thì lạnh lùng trống vắng. Thiết nghĩ, mỗi người chúng ta hãy can đảm ra khỏi cái nôi an toàn của mình mà vươn ra đến vùng ngoại biên – là nơi có thể có nước sâu, có thể có sóng lớn nhưng cùng với Chúa chúng ta sẽ lướt thắng tất cả, vì Chúa luôn chờ đợi mỗi người ở phía cuối con đường. Để làm được như vậy, chúng ta phải trang bị cho mình những vũ khí là sự cầu nguyện, thinh lặng nội tâm, để Chúa hướng dẫn cuộc đời mình; đồng thời tin tưởng, giao phó cuộc đời mình vào bàn tay quan phòng của Chúa, để Người dẫn chúng ta đến bất cứ nơi nào Người muốn.
Tâm Vũ